Hà Nội dự kiến cho cấp THPT đi học từ 6/12
Học sinh THPT ở khu vực dịch cấp 1 và 2, trong 14 ngày (tính đến 30/11) không có ca mắc Covid-19 cộng đồng, có thể được đến trường từ 6/12.
Đầu tháng 12 sẽ cho học sinh khối THPT đến trường. Ảnh minh họa |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã xem xét báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch đưa học sinh trở lại trường. Theo đó, khối lớp 10, 11 và 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ là nhóm tiếp theo đi học trực tiếp, sau khối 9 ở khu vực ngoại thành.
Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2; trong 14 ngày, tính đến 30/11, không có ca F0 cộng đồng. Thời gian thực hiện là đầu tháng 12, có thể từ thứ Hai tuần sau, ngày 6/12.
Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người 15 - 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.
Hơn 36.000 học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã đã trở lại trường an toàn, không ghi nhận ca mắc trong trường học. Ông Dũng cho rằng kết quả này là kinh nghiệm quý giá để Thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn, quy mô các khối, lớp trở lại học trực tiếp.
Ông Dũng lưu ý các trường trước hết phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ được dạy trực tuyến, không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường cũng chỉ dạy học trực tiếp một buổi mỗi ngày.
Vietnam Airlines bay chuyến thường lệ đầu tiên đến Mỹ
Sáng 29/11, chuyến bay VN98 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đã hạ cánh tại sân bay San Francisco sau 13 giờ 45 phút bay.
Máy bay Boeing 787-9 của hãng hàng không Vietnam Airlines được sử dụng để bay thẳng thường lệ đến Mỹ. |
Chuyến bay không điểm dừng, dài hơn 13.000 km này được thực hiện bằng tàu Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 10h42 sáng ngày 29/11 (giờ Việt Nam). Đây cũng là chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên trên đường bay Việt Nam - Mỹ do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện.
CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, chuyến bay hôm nay mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, đánh dấu bước tiến lớn của Vietnam Airlines và cột mốc lịch sử của hàng không Việt Nam với việc đường bay thường lệ Việt Nam - Mỹ chính thức được thiết lập. Cách đây hơn 1 năm, Vietnam Airlines trở thành hãng bay trong nước đầu tiên bay thẳng đến sân bay San Francisco để đón công dân Việt Nam hồi hương.
Chuyến bay VN98 đã mở ra giai đoạn khai thác mới của Vietnam Airlines trên đường bay Mỹ. Hãng hàng không quốc gia khai thác thường lệ 2 chuyến mỗi tuần giữa TP.HCM và San Francisco. Vietnam Airlines dự kiến tăng lên 7 chuyến mỗi tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Hà Tĩnh tiếp tục xin dừng mỏ sắt Thạch Khê
Cho rằng Dự án mỏ sắt Thạch Khê tạm dừng đã lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn đến nhiều tồn đọng, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đề xuất Chính phủ cho dừng hẳn mỏ sắt này.
Mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á |
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký văn bản đề xuất Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án Khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty CP Sắt Thạch Khê.
Theo đó, Dự án Khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê đã dừng bóc đất tầng phủ và tạm dừng khai thác từ năm 2011 đến nay.
Theo báo cáo của Cục thuế Hà Tĩnh, Công ty CP Sắt Thạch Khê đang nợ 520 tỷ đồng gồm các khoản thuế (trong đó, chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản là 309 tỷ đồng; tiền thuê đất 25 tỷ đồng và tiền phạt nộp chậm là 185 tỷ…).
Mỏ được phát hiện từ năm 1960 với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Đây được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này cách bờ Biển Đông 1,6 km.
Dự án Khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Dự án hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 4.400 hộ dân với gần 19.000 nhân khẩu của 5 xã ven biển.
Cuối năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng dự án vì cho rằng công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn.
Học sinh lớp 1, 8 và 9 ở Đà Nẵng đến trường từ 6/12
Thêm 3 khối lớp ở Đà Nẵng được đi học trực tiếp, sau khi Thành phố mở cửa trường với học sinh THPT.
Học sinh lớp 1 ở Đà Nẵng học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. |
Chiều 29/11, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất với đề xuất của ngành giáo dục, cho học sinh các khối lớp 1, 8 và 9 học trực tiếp từ 6/12. Trong ba khối này, các em lớp 8 và 9 đã được tiêm vaccine.
Sáng cùng ngày, Thành phố đã cho học sinh lớp 10 và 11 trên địa bàn đi học trực tiếp (khối 12 đến trường từ 22/11). Như vậy, nếu 3 khối nêu trên được đến trường vào thứ Hai tuần sau, Đà Nẵng còn các khối từ lớp 2 đến lớp 7 học online.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu ngành giáo dục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời theo dõi sức khoẻ của học sinh, nhất là các em nhỏ khi đi học tại trường, nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ để có biện pháp phù hợp.
UBND TP. Đà Nẵng cũng khuyến khích ngành giáo dục cho phép một số cơ sở mầm non đủ điều kiện về phòng, chống dịch được mở cửa để phụ huynh có nơi gửi con và trở lại lao động, sản xuất.
Các trường học ở Đà Nẵng đóng cửa từ cuối tháng 5. Bước vào giai đoạn bình thường mới, với chủ trương "sống chung với Covid-19", Thành phố dần mở cửa trường, bắt đầu từ khối 12, sau khi học sinh đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
3 phương án cho tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TP.HCM
Cho rằng giai đoạn 2021 - 2025, việc phát triển giao thông công cộng đặc biệt cấp thiết, chủ đầu tư kiến nghị 3 phương án cho Dự án buýt nhanh Số 1 trước nguy cơ tạm dừng.
Phối cảnh trạm BRT Số 1 |
Kiến nghị vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP - chủ đầu tư) gửi UBND TP.HCM.
Theo Chủ đầu tư, qua trao đổi với WB, nếu TP.HCM tạm hoãn thực hiện buýt nhanh Số 1, Ngân hàng sẽ huỷ Dự án và chấm dứt vốn tài trợ. Ngoài ra, Chủ đầu tư cũng đánh giá việc tạm dừng Dự án ảnh hưởng công tác đền bù, tái định cư ở công trình...
Trong 3 kế hoạch được TCIP đưa ra, phương án 1 là Thành phố tiếp tục Dự án Phát triển giao thông xanh cùng các nội dung, nguồn vốn đã thống nhất với WB và SECO. Theo phương án này, Thành phố cần tập trung giải pháp, đảm bảo các điều kiện liên quan để đồng bộ với tuyến BRT Số 1, giúp Dự án thành công khi khai thác.
Phương án 2, TP.HCM sẽ dừng Dự án Phát triển giao thông xanh và chấm dứt, thanh lý 12 hợp đồng tư vấn quốc tế, trong nước cùng các nội dung liên quan. Khi triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP. Thủ Đức, Thành phố sử dụng ngân sách khi đầu tư lại mạng lưới xe buýt.
Phương án 3, Thành phố dừng tuyến BRT Số 1 trong Dự án Phát triển giao thông xanh, nhưng thương thảo với WB và SECO, tiếp tục dùng vốn của nhà tài trợ để xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao, với lộ trình kết nối tương tự buýt nhanh Số 1 dự kiến hoạt động. Đây là phương án được TCIP kiến nghị UBND TP.HCM lựa chọn.
Theo nghiên cứu, tuyến BRT Số 1 dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Dự án đi qua các quận huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP. Thủ Đức... Hiện, Dự án đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp, dự kiến thi công từ tháng 7/2022 và khai thác cuối năm 2023.
Kiến nghị lùi thời điểm phạt xe chưa lắp camera giám sát
Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội kiến nghị lùi thời điểm xử phạt xe chưa lắp camera giám sát từ 6 tháng đến 1 năm do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Bến xe Mỹ Đình vắng khách dù đã mở lại. |
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ chưa xử phạt vi phạm hành chính với những doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát lái xe và hành khách từ 31/12 tới.
Ông Liên nói các doanh nghiệp vận tải khách đã 6 tháng không hoạt động, không có doanh thu để trả lương người lao động nên gặp khó trong việc đầu tư camera giám sát. Trong khi đó, doanh nghiệp có nhiều đầu xe sẽ phải chi phí hàng tỷ đồng lắp đặt thiết bị này.
Hơn nữa, Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành tiêu chuẩn về camera với công nghệ 4G nên cần có thời gian cho các doanh nghiệp thực thi.
Giữa năm 2021, các doanh nghiệp vận tải cũng từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép lùi thời gian quy định lắp camera trên xe đến 1/7/2022, thay vì mốc từ 1/7/2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Chính phủ sau đó vẫn yêu cầu lắp camera theo lộ trình, song quyết định lùi xử phạt với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera đến hết ngày 31/12.
Từ 1/7, dự kiến khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp đặt camera giám sát trên xe, song đến nay nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư thiết bị này. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chi phí hàng nghìn tỷ đồng để lắp đặt thiết bị.
Hầm chui hơn 20 tỷ đồng tại Hải Phòng chưa bàn giao đã sụt lún
Công trình hầm chui đường bộ tại Dự án Khu trung tâm hành chính Bắc Sông Cấm (TP. Hải phòng) được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, chưa hoàn thiện nhưng đã sụt lún.
Hầm chui H3 gặp sự cố sụt lún, nứt đang được Công ty Xây dựng Hoàng Lộc sửa chữa khắc phục |
Gói thầu 6 hầm chui đường bộ thuộc Dự án Khu trung tâm hành chính mới của TP. Hải Phòng được xây dựng từ năm 2018 tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tổng đầu tư công trình hơn 200 tỷ đồng. Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng trúng thầu.
Sau 3 năm, các hầm chui chưa hoàn thành. Riêng hầm H3, dài khoảng 50 m, rộng 4 m, cao 4 m, nằm ở đường nhánh khu trung tâm hành chính đang bị sụt lún, khe co giãn hở rộng khiến đất, cát, nước tràn vào. Đơn vị thi công đã rào tôn chặn đường phía trên để khắc phục sự cố. Toàn bộ mặt đường rộng 50 m, dài gần 100 m đã được bóc dỡ, đào sâu để lộ ra phần đường hầm bằng bê tông cốt thép.
Đại diện nhà thầu thi công, Trưởng phòng Xây lắp, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng Trần Quang Vinh cho biết đang phải tạm dừng thi công hầm H3 do một đơn vị đang sửa chữa đoạn đường bị sụt lún phía trên...
Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư Dự án, ông Tạ Viết Đông - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng các công trình dân dụng Thành phố, khẳng định cả 6 hầm chui do Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng thi công đến nay đều chưa được bàn giao. Khi xảy ra sự cố hầm H3, đơn vị thi công không tiếp tục làm, Ban Quản lý dự án phải mời Công ty Xây dựng Hoàng Lộc vào khắc phục, đồng thời thu hồi 50% số tiền đã tạm ứng.