Cầu Tân Kỳ - Tân Quý 700 tỷ đồng dự kiến được khởi động lại vào cuối năm nay
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất công tác lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để đấu thầu chọn nhà thầu thi công, khởi công công trình xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) trong năm 2023.
Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) bị "treo" hơn 4 năm qua. |
Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo UBND Thành phố tình hình thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố.
Liên quan đến Dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngày 21/9/2022, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 317 về việc dừng, chấm dứt triển khai dự án này theo hình thức hợp đồng BOT để chuyển sang đầu tư công.
Cuối năm 2022, HĐND TP.HCM đã thông qua việc sử dụng hơn 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Theo đó, TP.HCM sẽ chi khoảng 230 tỷ đồng để trả chi phí cho nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu và khoảng 261 tỷ đồng đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại.
Đến ngày 26/5/2023, Sở GTVT TP.HCM đã phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - Chủ đầu tư) đang tổ chức thực hiện lập Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến khởi công công trình vào cuối năm 2023.
Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát được khởi công đầu năm 2018 theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau đó nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian thi công, chờ thu phí hoàn vốn.
Ban đầu, công trình dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2018 và dự kiến hoàn vốn sau hơn 9 năm thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, cách vị trí cầu khoảng 500 m.
Đến tháng 12/2018, khi công trình này đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng thì phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng. Tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận, việc đưa cầu Tân Kỳ - Tân Quý vào dự án BOT An Sương - An Lạc khi công trình không nằm trên Quốc lộ 1 thuộc dự án BOT này là không phù hợp…
Xuất khẩu sầu riêng vượt 2 tỷ USD
Trung Quốc tăng mua giúp xuất khẩu sầu riêng 10 tháng đạt gần 2,1 tỷ USD - mức cao kỷ lục.
Xuất khẩu sầu riêng vượt 2 tỷ USD |
Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố. Theo đó, năm nay, sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD. Ngoài thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch tăng vọt như hiện nay, Việt Nam đang bám sát Thái Lan và vượt Malaysia, Philippines ở thị trường Trung Quốc. Những tháng cuối năm, sầu riêng trái vụ của Việt Nam tiếp tục có lợi thế hơn hàng Thái khi nước này đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hai tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về 200 - 400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD. Tháng 12, sản lượng sầu riêng tiếp tục giảm mạnh nên giá có thể tiếp tục lập đỉnh mới.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp cho thấy, nếu như năm 2010 cả nước có 92.000 ha sầu riêng, đến nay đã tăng lên 131.000 ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước giai đoạn này là 24,5%.
Sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng trên 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Trong đó, quý III sản lượng khoảng 350.000 tấn, quý IV ước đạt 260.000 tấn. Cục Trồng trọt đề nghị, các doanh nghiệp và địa phương cần kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định từ phía nhà nhập khẩu để giữ uy tín cho hàng Việt.
Cầu Vàm Cái Sứt gần 400 tỷ đồng xây xong thiếu đường kết nối
Dự án cầu Vàm Cái Sứt đã hoàn thành nhưng không thể kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do thiếu đường đi.
Cầu Vàm Cái Sứt thành đường cụt do dự án thuộc hương lộ 2 chưa thực hiện. |
Công trình dài 650 m, rộng hơn 23 m, 4 làn xe với kinh phí gần 400 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2020, hoàn thành cuối năm nay. Dự án nằm trên Hương lộ 2 đoạn qua Khu đô thị phía Đông tỉnh Đồng Nai (TP. Biên Hòa).
Trước đó, để phát huy hiệu quả toàn tuyến, sau khi cầu được khởi công, Tỉnh đã triển khai nâng cấp Hương lộ 2 với tổng vốn dự tính 1.500 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Đến nay, giai đoạn 1 dự án từ cầu tới xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, dài hơn 2 km, đã hoàn thành. Còn đoạn dài gần 6 km của giai đoạn 2 hướng từ cầu đi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa được triển khai.
Theo lãnh đạo địa phương, dự án giai đoạn 2 trước đây được hai doanh nghiệp có khu đất mà đường đi qua đăng ký xây dựng theo quy hoạch của Tỉnh. Song đến nay các doanh nghiệp này chưa thực hiện khiến tuyến không thể thông suốt đến cao tốc như kế hoạch. Gần một năm qua, Tỉnh có nhiều cuộc họp gỡ vướng mắc để sớm đẩy nhanh tiến độ, dự án thông suốt, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, UBND Tỉnh vừa đồng ý chủ trương dùng ngân sách để xây đoạn 2 còn lại của tuyến đường thay cho chờ doanh nghiệp đầu tư. "Hiện các cơ quan, ban, ngành của Tỉnh hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai Dự án nhằm phát huy hiệu quả đoạn 1 và cầu Vàm Cái Sứt đã xây xong", ông Bôn nói.
Tàu chở 1.500 tấn thép chìm ở biển Quảng Nam
Tàu Nam Phát 01 chở 1.500 tấn thép đang trên hành trình ra Thanh Hóa, khi đến vùng biển Quảng Nam thì bị chìm, 11 người được cứu.
Tàu Nam Phát 01 trước khi bị chìm ở vùng biển huyện Thăng Bình |
Tàu Nam Phát 01 rời cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 19/11, đích đến là cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trên tàu có 10 thuyền viên và một người đi theo hàng hóa.
Khi ngang qua vùng biển Quảng Nam có gió cấp 5, sóng cao 1,5 - 2,5 m, tàu bị nước tràn vào buồng máy, gây hư hỏng. Thuyền trưởng dùng máy phụ đưa tàu vào bãi cạn cách bờ biển xã Bình Nam, huyện Thăng Bình khoảng 1,5 km và phát tín hiệu ứng cứu.
Lúc này, tàu hàng Việt Á 01 đi gần khu vực đã tiếp cận, cứu 11 người trên tàu đưa vào cảng Kỳ Hà. Tất cả đều an toàn, sức khỏe ổn định.
Tàu Nam Phát 01 bị chìm rạng sáng 29/11 cùng 1.500 tấn thép và khoảng 7.500 lít dầu. Thuyền viên đã khóa toàn bộ van két dầu trước khi tàu chìm.
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đang theo dõi sự cố để phối hợp nhà chức trách xử lý.
Khu công nghiệp đình trệ ở Thanh Hóa của FLC bị đề nghị thu hồi
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa giao các sở ngành xem xét thu hồi Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long đình trệ 8 năm của FLC.
Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long ở Thanh Hóa do Tập đoàn FLC đầu tư, quản lý |
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đã nhận báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp về việc chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận chủ trương, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
FLC đã khởi công dự án này từ tháng 9/2015. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này đình trệ, mới chỉ xây dựng được phần cổng và một số khu vực có hàng rào bao quanh, bên trong phần lớn vẫn là đất nông nghiệp.
Sau khi xem xét báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo, giao các sở, ngành nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý trước ngày 8/12.
Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long rộng gần 300 ha tại các xã Hoằng Anh, Hoằng Long và Hoằng Quang (TP. Thanh Hóa) và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa). Dự án được phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành gồm viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da.
Với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khu công nghiệp này dự kiến tạo công ăn việc làm cho 60.000 - 80.000 lao động sau khi hoàn thành.
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên bị đề nghị kỷ luật
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016 cùng nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất bị đề nghị kỷ luật.
Sở LĐTBXH Phú Yên, nơi ông Nguyễn Phất từng công tác. |
Ngày 29/11, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016; đồng thời, đề nghị cấp thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với các ông Trần Quang Nhất - nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh; ông Nguyễn Phất - nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Đã thi hành quyết định kỷ luật ông Phạm Tâm Đê - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH bằng hình thức cảnh cáo.
Theo UBKT Tỉnh ủy Phú Yên, qua kiểm tra nhận thấy, Ban Cán sự đảng UBND Tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra để UBND Tỉnh, các cơ quan tham mưu, các chủ đầu tư triển khai, thực hiện các dự án, gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu, nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Liên quan đến sai phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 có trách nhiệm của các ông Trần Quang Nhất, ông Nguyễn Phất và ông Nguyễn Tâm Đê vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
41 phường ở TP.HCM bị cắt nước
Ngành cấp nước bảo trì hệ thống điện trạm bơm, sửa van cấp nước khiến hàng chục nghìn hộ dân ở bị ảnh hưởng trong cuối tuần này.
41 phường ở TP.HCM bị cắt nước |
Từ 22h ngày 2/12 đến 3h ngày 3/12, các phường 5, 6, 7, 11, 12, 13, 14, 25, 26, 27, 28 của quận Bình Thạnh và phường 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 17 của quận Gò Vấp (TP.HCM) sẽ bị cắt nước hoặc nước yếu.
Tương tự tại phường Phú Đông và Thạnh Lộc của Quận 12; 11 phường của quận Tân Bình, trừ phường 1, 13, 14, 15 và sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị ảnh hưởng. TP. Thủ Đức có các phường Bình Chiểu, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Tam Bình, Tam Phú cũng bị gián đoạn nguồn nước trong thời gian trên.
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), khi hệ thống cấp nước hoạt động lại, một số nơi xa nguồn có thể phục hồi chậm hơn dự kiến. Các đơn vị trực thuộc điều tiết mạng lưới cấp nước nhằm hạn chế tối đa các khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, các công ty cổ phần sẽ tăng cường hoạt động tiếp nước bằng xe bồn đến các vị trí trọng yếu.
Nhà máy nước Thủ Đức được xây dựng từ năm 1966 tại phường Linh Trung, TP. Thủ Đức với công suất 450.000 m3 mỗi ngày đêm. Đến nay, Nhà máy đã nâng công suất lên 850.000 m3 mỗi ngày đêm. Đây là nguồn cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân TP.HCM trong hơn 50 năm qua.
Xử phạt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương hơn 400 triệu đồng do vi phạm về môi trường
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xử phạt hơn 400 triệu đồng đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương do vi phạm về môi trường.
Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương |
Chánh Thanh tra Bộ TN&MT vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (ở phường Thanh Bình, TP. Hải Dương) do vi phạm về môi trường.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương bị phạt hơn 439,6 triệu đồng do 2 hành vi vi phạm, gồm: xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng chất thải từ 200 m3/ngày đêm (24 giờ) đến dưới 400 m3/ngày đêm và thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung về quan trắc nước thải (năm 2022, Bệnh viện thực hiện quan trắc nước thải thiếu các thông số As, Hg, Pb, Cd, Fe, chất hoạt động bề mặt theo quy định).
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương buộc phải thực hiện cải tạo, khắc phục hệ thống xử lý nước thải bảo đảm nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép.
Đồng thời, báo cáo việc cải tạo, khắc phục hệ thống xử lý nước thải và gửi báo cáo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải về Sở TN&MT tỉnh Hải Dương trước ngày 31/12/2023.
Bệnh viện cũng phải chi trả hơn 9 triệu đồng kinh phí phân tích mẫu môi trường đối với các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật.