Bản tin thời sự sáng 30/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025; 79 quân nhân Việt Nam sang Myanmar hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất; khởi công cầu đi bộ gần 1.000 tỷ đồng vượt sông Sài Gòn; Hải Phòng đề xuất được bán nhà chung cư thuộc tài sản công…

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, do các Phó Thủ tướng làm trưởng đoàn và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương làm thành viên để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn.

28 dự án/dự án thành phần đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025

28 dự án/dự án thành phần đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025

Chiều 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các đoàn kiểm tra của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc triển khai các dự án đường bộ cao tốc trong cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 cả nước có trên 3.000 km cao tốc, hiện nay, 28 dự án/dự án thành phần đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công có kế hoạch hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài khoảng 1.188 km.

Ngoài ra, 2 dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng phấn đấu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.

Tiến độ đa số các dự án bám sát kế hoạch, nhiều dự án vượt tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, một số vướng mắc, tồn tại vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, Thủ tướng đã thành lập 7 đoàn kiểm tra do các Phó Thủ tướng làm trưởng đoàn và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương làm thành viên để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo điều hành, tháo gỡ các khó khăn.

Trên cơ sở tình hình thực tế để đánh giá khả năng hoàn thành, 28 dự án với tổng chiều dài 1.188 km được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 là các dự án bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025 gồm 18 dự án/897 km cơ bản không còn những khó khăn, vướng mắc lớn, tiến độ triển khai bám sát kế hoạch đề ra.

Nhóm 2 là các dự án còn nhiều khó khăn, tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch đề ra gồm 10 dự án/291 km có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Sau khi các đoàn kiểm tra có chỉ đạo, các dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu hoàn thành trong tháng 3/2025.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trở lên năm 2025, phấn đấu tăng trưởng 2 con số những năm tiếp theo, do đó thúc đẩy đầu tư công là giải pháp hết sức quan trọng, trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa quyết định, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, tạo thuận lợi đi lại cho nhân dân, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, thu hút đầu tư.

79 quân nhân Việt Nam sang Myanmar hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất

79 quân nhân Việt Nam nhận nhiệm vụ sang Myanmar hỗ trợ cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất gồm các lực lượng thông tin tuyên truyền, cứu hộ, quân y,...

Một tòa nhà bị sập sau động đất ở miền Trung Myanmar ngày 28/3

Một tòa nhà bị sập sau động đất ở miền Trung Myanmar ngày 28/3

Ngày 29/3, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị về việc cử lực lượng sẵn sàng tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết, trận động đất có độ lớn 7,7 độ richter xảy ra ngày 28/3 tại miền Trung Myanmar đã gây ra ít nhất 10 dư chấn, với cường độ từ 2,8 đến 7,5 độ. Hậu quả làm hàng nghìn người chết và bị thương.

Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, thành lập lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của QĐND Việt Nam tại Myanmar gồm 79 quân nhân thuộc lực lượng chỉ huy, thông tin tuyên truyền, lực lượng cứu hộ và lực lượng quân y.

Tổng chỉ huy lực lượng là Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam.

Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phối hợp với Cục Quân lực tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ; tập trung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm hàng cứu trợ cho nước bạn.

Đồng thời, Cục Đối ngoại triển khai các mặt công tác hỗ trợ về thủ tục xuất, nhập cảnh; phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân và các hãng hàng không dân dụng tổ chức đưa lực lượng làm nhiệm vụ, trang thiết bị và hàng hóa cứu trợ đến khu vực tâm chấn tại Myanmar.

Sau khi nghe các cơ quan, đơn vị chức năng đánh giá, phân tích tình hình, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng ghi nhận kết quả công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ cứu trợ tại Myanmar.

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nêu rõ, việc cử lực lượng QĐND Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Myanmar thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của QĐND Việt Nam trong quan hệ, hợp tác quốc tế.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng yêu cầu Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cục Đối ngoại, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai nhanh nhất về mặt thủ tục để lực lượng làm nhiệm vụ có thể lên đường vào ngày 30/3.

Khởi công cầu đi bộ gần 1.000 tỷ đồng vượt sông Sài Gòn

Cầu đi bộ dài 720 m hình lá dừa nước nối Quận 1 - Thủ Thiêm (TP.HCM) được khởi công sáng 29/3, dự kiến hoàn thành sau một năm kỳ vọng tạo điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn.

Phối cảnh cầu đi bộ

Phối cảnh cầu đi bộ

Công trình được xây dựng ở đoạn giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Phía Quận 1, chân cầu nằm ở công viên bến Bạch Đằng, cách Công trường Mê Linh khoảng 125 m về phía Nam. Bên Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, chân cầu nằm ở công viên bờ sông đoạn qua khu vực ngã ba đường Nguyễn Thiện Thành và N14.

Cầu có chiều dài 720 m, rộng 6 - 11 m, tĩnh không 10 m, khẩu độ 187 m để tạo không gian thông thoáng cho tàu thuyền qua lại. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, do Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tài trợ vốn.

Cầu đi bộ được thiết kế theo hình tượng lá dừa nước đặc trưng ở Nam Bộ. Kiến trúc này được đánh giá tạo ấn tượng mạnh khi kết hợp giữa nét truyền thống giản dị, đặc trưng ở miền Nam với sự hiện đại của TP.HCM hiện nay.

Công trình cũng được thiết kế không gian mở thông thoáng về tầm nhìn cho người đi bộ phía trên. Ngoài phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật. Cầu cũng được thiết kế cho xe cứu thương trong những trường hợp khẩn cấp...

Ngoài cầu đi bộ, kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với khu vực xung quanh được quy hoạch 4 cây cầu và một hầm. Trong đó, hầm vượt sông Sài Gòn và hai cầu Thủ Thiêm, Ba Son đã đưa vào khai thác. Hai cầu còn lại gồm Thủ Thiêm 3 (nối Quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối Quận 7) chưa được đầu tư.

Hải Phòng đề xuất được bán nhà chung cư thuộc tài sản công

UBND TP. Hải Phòng đề xuất được bán nhà ở cho các hộ dân có tên trong hợp đồng thuê nhà ở chung cư thuộc tài sản công hình thành từ sau năm 1994 đến 2025.

Căn hộ ở các chung HH1 - HH2 và HH3 - HH4 Đồng Quốc Bình, TP. Hải Phòng được đề xuất bán lại cho người có hợp đồng thuê

Căn hộ ở các chung HH1 - HH2 và HH3 - HH4 Đồng Quốc Bình, TP. Hải Phòng được đề xuất bán lại cho người có hợp đồng thuê

Nội dung này được TP. Hải Phòng đề xuất khi xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Thành phố hiện có hơn 4.000 căn hộ tại 12 chung cư được xây dựng theo chương trình cải tạo chung cư cũ giai đoạn từ sau năm 1994 đến 2025. Các chung cư này phục vụ mục đích tái định cư cho các hộ dân di dời từ chung cư cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trên địa bàn, hoặc hộ dân thuộc diện di dời để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nhiều hộ thuê căn hộ có nguyện vọng được mua lại để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, pháp luật về nhà ở chỉ quy định việc bán nhà ở cũ thuộc tài sản hình thành từ năm 1994 trở về trước, chưa có cơ chế cho phép bán nhà ở thuộc tài sản công hình thành sau thời điểm này.

Chính vì vậy, Hải Phòng đề xuất được thí điểm bán 4.170 căn chung cư thuộc tài sản công hình thành từ sau năm 1994 đến 2025 cho các hộ dân có tên trong hợp đồng thuê nhà để thu về khoảng 4.500 tỷ đồng.

Mục tiêu của chính sách là tạo thuận lợi cho người dân thuê nhà có nhu cầu được sở hữu nhà ở, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời giảm chi phí quản lý, bảo trì cho ngân sách Thành phố; tăng thu ngân sách để tái bổ sung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhu cầu được sở hữu nhà đang thuê của Nhà nước rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Hải Phòng bắt đầu tăng giá thuê gấp 3 lần so với giai đoạn 2000 - 2024.

Các chung cư áp dụng chính sách này gồm: U19 Lam Sơn, 5 tầng Khúc Thừa Dụ, 5 tầng Kênh Dương, 7 tầng Vĩnh Niệm (quận Lê Chân); 5 tầng Cát Bi (Hải An); N1 - N2 Lê Lợi, Đ2 Đồng Quốc Bình, HH1 - HH2 và HH3 - HH4 Đồng Quốc Bình, 9 tầng Đông Khê, lô 27 Lê Hồng Phong (Ngô Quyền) và 75 Lý Thánh Tông (Đồ Sơn).

Dự thảo nghị quyết dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 và thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Vinamilk sẽ chi hơn 9.000 tỷ trả cổ tức cao nhất 6 năm

Vinamilk sẽ chi hơn 9.000 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông năm 2024 với tỷ lệ 43,5%, mức cao nhất trong 6 năm qua.

Năm 2025, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 64.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.680 tỷ đồng

Năm 2025, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 64.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.680 tỷ đồng

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) sẽ tổ chức phiên họp thường niên năm 2025 vào ngày 25/4 theo hình thức trực tuyến. Trong tài liệu họp, doanh nghiệp trình cổ đông thông qua mức cổ tức cho năm 2024 là 43,5% bằng tiền, tức mỗi cổ phiếu nhận 4.350 đồng.

Đây là mức cổ tức cao nhất mà Vinamilk trả cho cổ đông kể từ năm 2018 (mức 45% bằng tiền). Vinamilk cũng là một trong số ít những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trả cổ tức tiền mặt ở mức cao hàng năm, trên dưới 40%.

Trước đó, doanh nghiệp này đã tạm ứng cổ tức tỷ lệ 20% vào tháng 9/2024 và tháng 2 năm nay. Số còn lại sẽ được trả trong 6 tháng từ ngày kết thúc phiên họp thường niên năm 2025. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính được công bố theo quý gần nhất.

Năm 2025, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 64.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.680 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,3% và 2,4% so với năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch, Công ty sẽ lập kỷ lục doanh thu mới và đánh dấu năm thứ tư liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng.

Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tăng mạnh

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc bứt phá, trong đó tôm hùm được ưa chuộng nhất, xuất hiện phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam 2 tháng đầu năm

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam 2 tháng đầu năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2024. Nhóm "tôm loại khác" gồm tôm hùm, càng xanh, hàng rừng, tăng 222%, đạt 216 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, đạt 204 triệu USD, chiếm 34% tổng xuất khẩu tôm và tăng 150% so với năm trước. Tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, trong khi tôm sú và tôm chân trắng có xu hướng giảm.

Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho biết, tôm Việt Nam phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Người tiêu dùng ở các thành phố lớn sẵn sàng chi nhiều hơn cho tôm nhập khẩu.

Giá tôm Việt trên Alibaba, Taobao khá cạnh tranh, với tôm hùm xanh bán chạy nhất. Trong khi đó, nguồn cung nội địa Trung Quốc giảm do thời tiết bất lợi, khiến giá tôm tăng 50 - 100% so với cùng kỳ, tạo cơ hội cho tôm nhập khẩu.

VASEP dự báo Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu tôm trong năm nay. Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4 - 4,3 tỷ USD, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc. Để duy trì tăng trưởng, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm chế biến sẵn, tối ưu chi phí và đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe.

Tại châu Âu, xuất khẩu tôm đạt 64 triệu USD, tăng 31%. Thị trường ổn định do mùa đông không phải cao điểm tiêu thụ. Nhu cầu tôm sạch, hữu cơ và chế biến sẵn tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực ưa chuộng tôm cao cấp từ Việt Nam.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 7%. Tuy nhiên, lo ngại thuế nhập khẩu dưới chính quyền Trump và lạm phát khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Mùa chay đến muộn cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Đưa vụ sai phạm thu hồi đất Dự án Sân bay Long Thành vào diện theo dõi

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Đồng Nai thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo Tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với vụ án sai phạm về thu hồi đất Dự án Sân bay Long Thành.

Công trình xã hội Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ Dự án Sân bay Long Thành

Công trình xã hội Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ Dự án Sân bay Long Thành

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo tháng 3/2025 và phiên họp thứ 17, do Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hồng Văn - Trưởng Ban Chỉ đạo Tỉnh chủ trì.

Tại cuộc họp và phiên họp này, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng báo cáo tiến độ, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Tỉnh theo dõi, chỉ đạo; tờ trình của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tỉnh về việc điều chỉnh, đưa ra và bổ sung các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Tỉnh theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp có nguy cơ lãng phí trên địa bàn và các dự thảo văn bản liên quan hoạt động của Ban Chỉ đạo Tỉnh.

Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thông qua một số nội dung, trong đó thống nhất đưa ra và bổ sung các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Tỉnh theo dõi, chỉ đạo, gồm: đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo Tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ việc, vụ án: vụ việc có dấu hiệu thất thu thuế, nghĩa vụ tài chính, quản lý tài sản nhà nước tại Khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành); vụ án liên quan Dự án Khu dân cư Bình Đa tại phường Bình Đa (TP. Biên Hòa); vụ án trốn thuế (liên quan Công ty TNHH Hà Lộc) xảy ra tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo Tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với vụ án “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng bồi thường cùng một số cán bộ liên quan.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định có nhiều sai phạm của Hội đồng bồi thường, gây thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Tin cùng chuyên mục