Bản tin thời sự sáng 30/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông xe cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - Quốc lộ 45; quý I/2023, Vietnam Airlines có lãi trước thuế sau 12 quý lỗ liên tiếp; lần đầu tiên đấu giá, cà phê đặc sản Việt Nam tăng giá 7 lần; tuyến cáp biển Liên Á - tuyến cáp quang biển đầu tiên được sửa xong…

Thông xe cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - Quốc lộ 45

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km nối Bình Thuận - Đồng Nai và tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 nối Ninh Bình - Thanh Hóa dài 63 km cùng được thông xe sáng 29/4.

Những dòng xe đầu tiên đi vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau lễ thông xe ngày 29/4

Những dòng xe đầu tiên đi vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau lễ thông xe ngày 29/4

Lễ thông xe hai tuyến cao tốc được tổ chức cùng lúc 8h tại hai điểm cầu nút giao Phan Thiết ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và phía Nam hầm Thung Thi, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hai dự án cao tốc được khánh thành nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam đã hoàn thành đưa vào khai thác lên 784 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 458 km. Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị triển khai, đến ngày 19/5 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km.

Đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Khi thông xe, cao tốc này sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến Phan Thiết còn khoảng 2 giờ so với 4 - 5 giờ theo lộ trình Quốc lộ 1A.

Khởi công cùng ngày với đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng. Điểm đầu Dự án ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, Ninh Bình và điểm cuối giao Quốc lộ 45. Khi thông xe, tuyến đường giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Thanh Hóa còn 2 giờ thay vì 3 giờ như hiện nay.

Quý 1/2023, Vietnam Airlines có lãi trước thuế sau 12 quý lỗ liên tiếp

Sau 12 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 19 tỷ đồng trong quý I/2023.

Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 19 tỷ đồng

Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 19 tỷ đồng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phục hồi mạnh nhất kể từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ba năm trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, ba tháng đầu năm nay, doanh thu của hãng hàng không quốc gia đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của Vietnam Airlines kể từ quý I/2020 và tiệm cận mức trước dịch năm 2019.

Nhờ nguồn thu tăng mạnh, Vietnam Airlines ghi nhận mức lãi gộp 1.959 tỷ đồng. Ba năm qua, Công ty chỉ hai lần có lãi gộp vào quý IV/2020 và quý III/2022. Con số này cũng cao hơn mức lợi nhuận gộp Vietnam Airlines đạt được quý cuối cùng năm 2019.

Sau khi khấu trừ chi phí, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines vẫn âm 37,3 tỷ đồng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đạt được kết quả trên chủ yếu nhờ khai thác hiệu quả dịp Tết Âm lịch, thị trường quốc tế phục hồi, đặc biệt là Trung Quốc dần nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh.

Riêng Công ty mẹ Vietnam Airlines vận chuyển 5,1 triệu lượt khách trong quý I, tăng 63% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, gấp 11,5 lần cùng kỳ năm ngoái và tương đương 60,9% cùng kỳ 2019. Sản lượng khách nội địa tăng trên 23% lên 3,7 triệu lượt.

Vietnam Airlines cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí và đàm phán giảm giá dịch vụ. Đồng thời, các chi phí đầu vào đi xuống cũng góp phần giúp hãng cải thiện hiệu quả kinh doanh. Tương tự, tỷ giá USD/VND bình quân quý I cũng thấp hơn dự tính của hãng. Vietnam Airlines ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 343 tỷ đồng trong kỳ.

Lần đầu tiên đấu giá, cà phê đặc sản Việt Nam tăng giá 7 lần

Giá bán cà phê đặc sản được nâng lên từ 5 - 7 lần so với giá cà phê thông thường một lần nữa khẳng định giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam.

Nhà mua cà phê chốt giá tại phiên đấu giá

Nhà mua cà phê chốt giá tại phiên đấu giá

Ngày 29/4, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức đấu giá lô hàng cà phê đặc sản đạt giải tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023.

Phiên đấu giá diễn ra tại Công ty Simexco Daklak - Chi nhánh Hòa Phú (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Lô hàng tham gia đấu giá của 5 đơn vị với 7 mẫu hàng (trong đó có 6 mẫu là Robusta và 1 mẫu Arabica). Đây là những mẫu đạt điểm số từ 80 trở lên tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023.

Giá khởi điểm của các mẫu từ 110.000 - 170.000 đồng/kg, chốt giá thành công ở mức từ 310.000 - 430.000 đồng/kg. Mẫu được mua với giá cao nhất là mẫu A001 của Công ty TNHH MTV Minudo Care (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Daklak, đây là lần đầu tiên tổ chức và cũng là phiên đấu giá thử nghiệm, nhưng đã mang lại thành công nhất định. Giá bán cà phê đặc sản được nâng lên từ 5 - 7 lần so với cà phê thông thường một lần nữa khẳng định giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam.

Tuyến cáp biển Liên Á - tuyến cáp quang biển đầu tiên được sửa xong

Tuyến cáp quang biển đầu tiên đã được khôi phục hoạt động bình thường sau thời gian dài bị sự cố làm gián đoạn truy cập Internet Việt Nam đi quốc tế.

Cả 5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố ảnh hưởng lớn đến kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế

Cả 5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố ảnh hưởng lớn đến kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế

Đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, lỗi trên cáp nhánh S1 hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp quang biển Liên Á vừa được sửa xong, chính thức khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến. Hiện tại, tuyến cáp này đã hoạt động ổn định trở lại.

Liên Á là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm AAG, APG, AAE-1 và SMW3.

Cáp Liên Á gặp sự cố lần đầu tiên trong năm 2023 vào ngày 28/1 trên nhánh S1, với vị trí cáp đứt cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130 km. Kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố này đã liên tục bị lùi, từ giữa tháng 3 sang giữa tháng 4 và thực tế đã được sửa xong trong những ngày đầu của tuần cuối tháng 4.

Hiện vẫn còn 4 tuyến khác là AAG, APG, AAE-1 và SMW3 đang gặp sự cố. Theo các nhà mạng, việc cáp biển Liên Á được sửa xong phần nào giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp tới người dùng.

Với các tuyến cáp vẫn đang gặp sự cố, theo kế hoạch dự kiến, khoảng giữa tháng 5, tuyến AAE-1 sẽ được sửa xong. Trong khi đó, 2 tuyến AAG và APG còn chưa xác định được thời điểm khôi phục hoàn toàn do một số lỗi trên cáp nhánh chưa có lịch khắc phục.

Trước đó, cuối năm 2022 và đầu năm nay, một tình huống hy hữu đã xảy ra, đó là cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng đều lần lượt gặp sự cố. Tình huống này đã gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

Đảm bảo xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn ổn định, thông suốt dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Lực lượng chức năng các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phương án đảm bảo tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản thuận lợi nhất.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn diễn ra sôi động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn diễn ra sôi động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Dù dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa vẫn diễn ra hết sức sôi động qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các lực lượng chức năng luôn sẵn sàng phương án về con người, trang thiết bị... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thông quan hàng hoá của doanh nghiệp, người dân.

Hiện nhu cầu xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc tăng cao do nhiều loại hoa quả, trái cây trong nước đang vào vụ thu hoạch, nên hoạt động XNK qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn diễn ra khá sôi động với bình quân khoảng 1.100 phương tiện được làm thủ tục thông quan mỗi ngày.

Để đảm bảo cho hoạt động thương mại và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lực lượng chức năng các cửa khẩu đã chủ động các phương án.

Thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Hữu Nghị cho biết, để tạo điều kiện cho hoạt động XNK, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, Trạm đã bố trí lực lượng tại các vị trí trọng điểm, tăng cường quân số tối đa, thường trực điều tiết phân luồng từ 6h30 - 22h. Tất cả vị trí trong khu vực cửa khẩu đều được bố trí phương tiện tối đa, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Novaland kiến nghị gỡ vướng loạt siêu dự án tại Đồng Nai

Novaland vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản kiến nghị giải pháp gỡ vướng cho 9 dự án đại đô thị tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhằm tránh kịch bản đổ vỡ.

Novaland vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản kiến nghị giải pháp gỡ vướng cho 9 dự án đại đô thị tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai

Novaland vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản kiến nghị giải pháp gỡ vướng cho 9 dự án đại đô thị tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai

Trong đơn kiến nghị, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn cho biết, tại Đồng Nai, các công ty thuộc Novaland là chủ đầu tư của 9 dự án. Đây là các dự án thành phần của Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (gồm khu dân cư Long Hưng, khu đô thị WaterFront, Aqua City) và Dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng. Loạt dự án này đều thuộc phân khu C4, TP. Biên Hòa, có nguồn gốc từ việc tách dự án hoặc Novaland nhận chuyển nhượng một phần dự án từ các chủ đầu tư cấp một.

Theo ông Nhơn, tại thời điểm chuyển nhượng, các dự án này đều đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, giao đất, cho thuê đất để thực hiện, cấp phép xây dựng và trên thực tế Novaland cũng đã tiến hành đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, gần hai năm nay, việc phê duyệt các quy hoạch liên quan bị kéo dài khiến doanh nghiệp không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai kinh doanh tại các dự án này.

Các vướng mắc liên quan đến sự không đồng bộ giữa các quy hoạch chung của TP. Biên Hòa, quy hoạch phân khu C4, quy hoạch chi tiết của các dự án và vấn đề bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nêu trên.

Công ty dược Allegens ở TP.HCM bị xử phạt 130 triệu đồng

Công ty TNHH Allegens bị xử phạt do không thực hiện kê khai giá thuốc hoặc không kê khai lại giá 21 loại thuốc trước khi lưu hành, đồng thời vi phạm trong việc phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Doanh nghiệp bị xử phạt 130 triệu đồng do vi phạm các quy định về kê khai giá thuốc, phân phối thuốc

Doanh nghiệp bị xử phạt 130 triệu đồng do vi phạm các quy định về kê khai giá thuốc, phân phối thuốc

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Allegens (địa chỉ trụ sở chính tại số 1 - 3, đường số 45, Phường 6, Quận 4, TP.HCM) với số tiền 130 triệu đồng.

Theo đó, Công ty TNHH Allegens không thông báo bằng văn bản đến Bộ Y tế về cơ sở bán buôn thực hiện việc phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu vào Việt Nam của cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối tại Việt Nam trước khi bán thuốc.

Hành vi này bị xử phạt 30 triệu đồng, cùng với đó tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược số 684/CCHN-D-SYT-ĐT do Sở Y tế Đồng Tháp cấp ngày 5/4/2019 của bà Võ Nguyễn Thị Tuyết Duyên, là người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở với thời hạn 2 tháng.

Cũng theo quyết định của Cục Quản lý dược, Công ty TNHH Allegens không thực hiện kê khai giá thuốc hoặc không kê khai lại giá thuốc khi thay đổi giá đã kê khai trước khi lưu hành trên thị trường đối với 21 loại thuốc. Tổng mức xử phạt của 2 vi phạm này là 130 triệu đồng.