Bản tin thời sự sáng 30/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cả nước lần đầu dùng hơn 1 tỷ kWh điện một ngày; chính thức đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 1/7; chưa trình phương án chuyển giao bắt buộc DongABank, SCB; Bộ GTVT chốt mốc tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên…

Cả nước lần đầu dùng hơn 1 tỷ kWh điện một ngày

Lần đầu tiên, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh vào 28/5 do thời tiết nắng nóng gay gắt, oi bức tái diễn ở cả 3 miền.

Lần đầu tiên, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh

Lần đầu tiên, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, mặc dù công suất lớn nhất của toàn hệ thống đến ngày 28/5 chưa vượt qua đỉnh của cuối tháng 4. Tuy nhiên, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc tính theo ngày đã đạt kỷ lục mới, vượt 1 tỷ kWh.

Riêng miền Bắc, những ngày gần đây thời tiết khá nắng nóng, oi bức nhưng chưa phải đợt nóng đỉnh điểm. Do vậy, tiêu thụ điện vẫn thấp hơn mức đỉnh cũ. Cơ quan điều tiết điện lực dự báo, nhu cầu sử dụng điện còn tiếp tục tăng lên, tạo áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm thời gian tới.

Báo cáo trước đó của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) dự báo, trong cao điểm mùa khô năm nay (tháng 4 - 7), nhu cầu công suất điện tại miền Bắc cao nhất có thể đạt 27.481 MW, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023.

Trong khi, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện miền Bắc giai đoạn này chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 52,3 tỷ kWh.

Bộ Công Thương nhiều lần khẳng định, cung ứng điện năm nay cơ bản bảo đảm. Những năm tới, sau khi Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đi vào vận hành, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung công suất, điện năng từ miền Trung, Nam.

Chính thức đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 1/7

Đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) từ ngày 1/7 đến hết 31/12 năm nay.

Đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ

Đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ

Ngày 29/5, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang được tổ chức thẩm định.

Dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024.

Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Thuế GTGT hiện nay quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT).

Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh thuế GTGT phải nộp.

Với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế 10% sẽ phát sinh số thuế phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế đầu vào).

Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế 10% tương tự tại Nghị quyết 43/2022, Nghị quyết 101/2023, Nghị quyết 110/2023 của Quốc hội và đã thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm nay.

Cơ quan này tính toán, nếu dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua, số giảm thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 24.000 tỷ đồng.

Bộ Tư pháp cho biết, Dự án Nghị quyết về giảm thuế GTGT được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chưa trình phương án chuyển giao bắt buộc DongABank, SCB

Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng, còn DongABank và SCB vẫn do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt.

Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB

Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước cho biết trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây. Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm: CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB.

Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã được phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, cơ quan này cho biết Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB.

Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.

Khó khăn trong việc cơ cấu nhóm ngân hàng này là việc tìm kiếm ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc. Việc này "kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài", theo Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, cơ chế, nguồn lực để xử lý các ngân hàng yếu kém, xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc còn nhiều bất cập. Năng lực một số cán bộ, công chức thanh tra giám sát còn hạn chế, trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ.

Bộ GTVT chốt mốc tiến độ bàn giao mặt bằng dự án Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 19 vẫn đang còn còn vướng mắc về mặt bằng tại một số vị trí gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Nhà thầu thi công một dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường quốc lộ

Nhà thầu thi công một dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường quốc lộ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định đẩy nhanh công tác triển khai Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo kế hoạch, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên phải hoàn thành trong tháng 12/2024, thời hạn của hiệp định vay đến ngày 31/12/2024.

Khẳng định đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 (Chủ đầu tư Dự án) và các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết các tồn tại liên quan đến kinh phí bồi thường phát sinh, chỉ đạo nhà thầu, đơn vị bảo hiểm giải quyết dứt điểm công tác bồi thường hỗ trợ rung nứt nhà dân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận hiện Dự án vẫn còn vướng mắc về mặt bằng tại một số vị trí gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, tổng nhu cầu vốn vay WB cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư qua địa bàn tỉnh Bình Định dự kiến hơn 104 tỷ đồng, tăng thêm hơn 52 tỷ đồng so với giá trị giải phóng mặt bằng đã được duyệt trong tổng mức đầu tư.

Tháo gỡ vướng mắc trên, Ban Quản lý dự án 2 đã cân đối điều hòa kinh phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư của Dự án và đã chuyển kinh phí bổ sung vào kho bạc huyện Tây Sơn là 20,5 tỷ đồng. Phần còn thiếu hơn 31 tỷ đồng đang phải thực hiện thủ tục cân đối nguồn vốn khác trong tổng mức đầu tư của Dự án để thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương thực hiện việc cân đối, điều hòa vốn để chuyển kinh phí bổ sung cho địa phương thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương… huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động nhân dân ủng hộ Dự án, khẩn trương chi trả phần kinh phí đã được bố trí để bàn giao ngay mặt bằng cho Dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án trước ngày 5/6/2024.

Chất lượng Internet Việt Nam sẽ được công khai hàng tháng

Tốc độ, độ trễ mạng Internet của từng tỉnh thành, nhà cung cấp, sẽ được công khai để người dùng kiểm tra và so sánh.

Giao diện ứng dụng i-SPEED

Giao diện ứng dụng i-SPEED

Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 29/5 cho biết, đã bổ sung các thông tin này vào trang web của hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (Speedtest.vn).

Khi truy cập công cụ, ngoài việc đo tốc độ Internet đang sử dụng, người dùng có thể xem thống kê về chất lượng của mạng theo từng tỉnh thành và nhà cung cấp trong 12 tháng gần nhất. Dữ liệu được chia theo mạng Internet di động và cố định, với thông tin về tốc độ truy cập (tải lên, tải xuống) và độ trễ (ping). Hiện website có thông tin về 7 nhà mạng cố định và 4 nhà mạng di động lớn tại Việt Nam.

Theo Cục Viễn thông, việc này giúp nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức có thể lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, từ đó thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập Internet tại Việt Nam.

Số liệu về chất lượng mạng một phần dựa trên kết quả đo của từng người dùng. Cục cũng khuyến nghị người dùng thường xuyên đo tốc độ Internet đang sử dụng để kiểm tra cũng như phản ánh khi gặp vấn đề. Việc đo này có thể thực hiện qua website hoặc ứng dụng i-SPEED trên di động.

Theo báo cáo từ Speedtest.vn tháng 4, Internet di động tại Việt Nam có tốc độ download trung bình là 41,58 Mbps, upload 18,28 Mbps, độ trễ 34,23 ms. VNPT là nhà mạng di động có tốc độ tải cao nhất.

Rà soát hồ sơ thiết kế của các dự án ven biển Bình Thuận có nguy cơ sạt lở

Chiều 29/5, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư 14 dự án tại khu vực ven biển có nguy cơ sạt lở, yêu cầu chủ động phòng, chống, ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất.

Sạt lở cát từ dự án bất động sản xuống đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết vào rạng sáng 21/5

Sạt lở cát từ dự án bất động sản xuống đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết vào rạng sáng 21/5

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết và chủ đầu tư 14 dự án ven biển rà soát hồ sơ thiết kế của các công trình, hạng mục công trình thuộc dự án; phải có giải pháp bảo vệ môi trường, phương án ứng phó an toàn cho người, công trình và phương tiện.

Các đơn vị thành lập tổ lực lượng ứng phó sự cố nhanh tại chỗ để chủ động tổ chức xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các khu dân cư ven biển mỗi khi có mưa lớn xảy ra.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án ven biển nghiêm túc thực hiện các nội dung phòng, chống, ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn Tỉnh.

Bình Thuận hiện có 14 công trình, dự án ven biển. Trong đó có một chùa trên địa bàn huyện Tuy Phong và 13 khu du lịch, dự án nhà ở, bất động sản tại TP. Phan Thiết và các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam.

Cựu Cục phó ở Văn phòng Quốc hội bị cáo buộc lừa đảo 1,8 triệu USD

Khoe bản thân có mối quan hệ với lãnh đạo TP Hà Nội, Đỗ Minh Tâm hứa hẹn có thể giúp ông Pha (quốc tịch Lào) mua 2 mảnh đất ở gần tòa nhà Keangnam để xây dựng tòa nhà hữu nghị Việt - Lào.

Ông Đỗ Minh Tâm khi còn đương chức

Ông Đỗ Minh Tâm khi còn đương chức

VKSND TP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, truy tố bị can Đỗ Minh Tâm (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản trị I, thuộc Văn phòng Quốc hội) và Nguyễn Thế Phùng cùng về tội danh trên.

Theo cáo trạng, ông Pheutsapha Phoummask (tên Việt Nam là Pha) là Chủ tịch Công ty Asia Investment (trụ sở tại Vientiane, Lào). Năm 2019, ông Pha muốn xây dựng Tòa nhà hữu nghị Việt - Lào ở Hà Nội.

Qua các mối quan hệ, bị can Đỗ Minh Tâm gặp ông Pha và khoe có mối quan hệ với lãnh đạo TP. Hà Nội, có thể giúp ông Pha được cấp đất, xây nhà. Sau đó, Tâm đưa ông Pha đến khu vực gần tòa nhà Keangnam (quận Cầu Giấy) và "chỉ" vào 2 khu đất, mỗi khu rộng khoảng 1 ha.

Tâm cam kết sẽ giúp ông Pha mua được 2 mảnh đất này để xây tòa nhà hữu nghị, kiêm văn phòng cho thuê, làm biểu tượng hữu nghị Việt - Lào.

Để ông Pha tin tưởng, bị can Tâm đưa ông Pha vào cơ quan mình rồi yêu cầu phải chi 6% tổng số tiền đầu tư dự án, và đưa trước 1,8 triệu USD (hơn 41 tỷ đồng). Tâm nói ông ta làm việc ở cơ quan nhà nước, không thể đứng ra nhận tiền nên bảo ông Pha đưa tiền cho Nguyễn Thế Phùng.

Tin tưởng, ông Pha vay mượn được 1,8 triệu USD rồi chỉ đạo nhân viên đưa tiền cho Phùng. Mỗi lần đưa tiền, phía ông Pha đều thông báo cho bị can Tâm.

Thời gian sau, thấy mọi thứ vẫn "án binh bất động", ông Pha hỏi Tâm thì được trả lại 130.000 USD. Năm 2022, ông Pha tố cáo vụ việc tới cơ quan công an. Đến nay, Đỗ Minh Tâm và Nguyễn Thế Phùng đã hoàn trả ông Pha đủ 1,8 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục