Bản tin thời sự sáng 30/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là HBA kiến nghị tiêm vét mũi một cho 70.000 công nhân; đề nghị Cà Mau, Gia Lai gỡ ách tắc lưu thông hàng hóa; người dân TP.HCM có thể liên lạc đường dây nóng 1022 qua Zalo; hơn 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 8 tháng; Đà Nãng bay flycam giám sát người dân ra khỏi nhà; bác đề xuất xây mới nhà ga sân bay nghìn tỷ tại Đồng Hới…

HBA kiến nghị tiêm vét mũi một cho 70.000 công nhân

Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) kiến nghị tiêm mũi một cho khoảng 70.000 công nhân còn lại của 17 khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao.

HBA kiến nghị tiêm vét mũi một cho 70.000 công nhân

HBA kiến nghị tiêm vét mũi một cho 70.000 công nhân

Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé cho biết, kiến nghị này được Hiệp hội gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Số lượng công nhân chưa tiêm mũi một chiếm hơn 20% trong tổng số 320.000 lao động ở khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao.

Trong kiến nghị, HBA nêu hiện nhiều công nhân thực hiện "3 tại chỗ" - ăn, nghỉ, làm việc tại nhà máy, chưa được tiêm mũi một và không có trong danh sách tiêm ngừa tại địa phương. Do đó, HBA đề xuất chính quyền TP.HCM giao cơ quan quản lý phối hợp Sở Y tế sớm tổ chức tiêm cho nhóm này, doanh nghiệp sẵn sàng chịu chi phí.

Ngoài ra, hàng nghìn công nhân làm việc ở TP.HCM nhưng trọ ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai... không thể đi lại giữa hai địa phương để tiêm vaccine. Thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp phối hợp cơ sở y tế tư nhân tổ chức điểm lưu động ở các khu vực giáp ranh, tiêm cho công nhân.

Hiện, có gần 250.000 công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất ở TP.HCM tiêm mũi một được 8 tuần, trong đó có 60.000 người thực hiện "3 tại chỗ", 190.000 lao động tạm nghỉ việc ở nhà hoặc đã về quê. Từ đó, HBA cũng kiến nghị chính quyền Thành phố sớm triển khai tiêm mũi hai cho công nhân, góp phần tiếp cận miễn dịch cộng đồng, đưa sản xuất bình thường trở lại

TP.HCM hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy.

Đề nghị Cà Mau, Gia Lai gỡ ách tắc lưu thông hàng hóa

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Cà Mau, Gia Lai bãi bỏ các quy định trái chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ xe chở hàng hóa lưu thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cà Mau, Gia Lai gỡ ách tắc lưu thông hàng hóa. Ảnh minh họa

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cà Mau, Gia Lai gỡ ách tắc lưu thông hàng hóa. Ảnh minh họa

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mấy ngày qua, cơ quan này nhận được thông tin doanh nghiệp vận tải trước và sau khi chuyển hàng hóa vào tỉnh Cà Mau phải xét nghiệm nhanh Covid-19 mặc dù lái xe có giấy xét nghiệm còn hiệu lực trong 72 giờ. Việc này khiến nhiều lái xe phản ứng và không muốn vận chuyển hàng hóa đi Cà Mau.

Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, tại chốt cầu 110 Km 1667+630 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn Gia Lai, nhiều tài xế vận tải hàng hóa cũng không được lưu thông qua đây.

Lý do là tỉnh Gia Lai yêu cầu những nơi không áp dụng Chỉ thị 16 thì xe luồng xanh và lái xe có đủ điều kiện theo quy định vẫn lưu thông bình thường. Còn xe và lái xe từ những nơi áp dụng Chỉ thị 16 phải đổi lái xe, sử dụng lái xe của Gia Lai hoặc sang hàng thì mới cho chạy vào tỉnh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá quy định của các địa phương là trái với hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã hướng dẫn các địa phương cho phép hàng hóa lưu thông với xe có hoặc không có giấy nhận diện, lái xe cần có giấy xét nghiệm Covid-19 còn hiệu lực, không áp dụng đổi tài xế hay sang hàng.

Người dân TP.HCM có thể liên lạc đường dây nóng 1022 qua Zalo

Ứng dụng Zalo vừa trở thành một trong những kênh tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ dành cho người dân TP.HCM.

Quét mã QR phía trên để theo dõi kênh 1022 TPHCM

Quét mã QR phía trên để theo dõi kênh 1022 TPHCM

Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TP.HCM vừa công bố thêm kênh hỗ trợ cho người dân Thành phố. Theo đó, người dân có thêm lựa chọn gửi tin nhắn đến trang Zalo "1022 TPHCM" khi cần sự hỗ trợ.

Cổng thông tin 1022, thông qua kênh Zalo 1022 TP.HCM sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân do dịch Covid-19. Người dân có thể báo tin về bản thân, gia đình, hàng xóm hoặc người xung quanh khó khăn, cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể cung cấp thông tin về trường hợp khác trong xã hội như người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ.

Ngoài ra, người gặp khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ theo quy định cũng có thể thông tin để được chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố. Các dữ liệu sẽ được Cổng thông tin 1022 chuyển đến cơ quan chức năng trong thời gian nhanh nhất.

Hơn 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 8 tháng

85.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, trong đó riêng TP.HCM chiếm gần 1/3.

Hơn 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 8 tháng

Hơn 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 8 tháng

Số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã vượt số thành lập mới. Theo đó, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Trong số rời khỏi thị trường, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%, hơn 30.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong đó, riêng TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Với nhóm thành lập mới, cả ba chỉ tiêu về số doanh nghiệp, vốn đăng ký và số lao động đều giảm so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm đạt 81.600 doanh nghiệp, giảm 8%, tổng số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng, giảm 7,5%, còn số lao động đăng ký giảm gần 14%.

Đà Nãng bay flycam giám sát người dân ra khỏi nhà

UBND quận Hải Châu đã thử nghiệm bay flycam để quan sát, ghi hình việc chấp hành quy định người dân "ở yên trong nhà" tại các kiệt, hẻm.

Hình ảnh một người dân ra khỏi nhà được fycam ghi lại

Hình ảnh một người dân ra khỏi nhà được fycam ghi lại

15 flycam được Nhóm Phát triển Đà Nẵng cùng một số tình nguyện viên hỗ trợ hoàn toàn miễn phí. Mỗi flycam có thể bay được khoảng 25 phút, kèm theo khoảng 8 pin để thay đổi bay trong nhiều giờ.

Trưởng nhóm Phát triển Đà Nẵng Trần Hữu Đức Nhật cho biết, flycam được bay tầm thấp, thuận lợi trong việc quan sát các kiệt, hẻm nhỏ. Thiết bị này cũng phát ra âm thanh để người dân biết. Hệ thống được cài đặt truyền ngay hình ảnh người dân vi phạm về UBND quận để xử lý tức thời. Ngoài ra, hình ảnh cũng được lưu lại để phục vụ cho việc phạt nguội sau này.

Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh đánh giá, việc bay flycam giám sát rất hiệu quả trong việc cảnh báo, nhắc nhở cũng như xử phạt với những trường hợp cố tình vi phạm. Về kỹ thuật, cài đặt hạ tầng đã có các tình nguyện viên hỗ trợ nên Quận chỉ đứng ra tổ chức.

Ở quận Hải Châu, mỗi phường đều có ít nhất một flycam. Riêng phường xuất hiện nhiều ca Covid-19 như Hòa Thuận Đông, Bình Hiên được tăng cường 2 flycam. "Những vùng đỏ, là những kiệt đã có F0 và đang phải cách ly y tế, mỗi lần vào phải mặc đồ bảo hộ rất phức tạp nên không có lực lượng giám sát thường xuyên. Flycam là phương tiện rất đắc lực trong lúc này.

Theo chủ tịch quận Hải Châu, flycam sẽ không thể bay cả ngày. Do đó, Quận đã cho lắp thêm các camera an ninh tại các kiệt, hẻm và rất nhiều camera di động để có thể di chuyển đến các điểm nóng.

Lãnh đạo quận Hải Châu cũng cho biết, Thành đội Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho bay flycam phục vụ phòng, chống dịch. Quận Hải Châu đang xin Quân khu 5 cấp phép cho hoạt động bay này.

TP.HCM thực hiện trở lại khai báo “di chuyển nội địa”

Sau 15 ngày tạm ngưng, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát khu vực nội đô đồng loạt kiểm tra việc khai báo “di chuyển nội địa”, sáng 29/8.

TP.HCM thực hiện trở lại khai báo“di chuyển nội địa”

TP.HCM thực hiện trở lại khai báo“di chuyển nội địa”

Ngoài giấy đi đường, người qua chốt được lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra khai báo di chuyển nội địa tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, nhằm giám sát hành trình đi lại, khai báo y tế...

Các giấy in mã QR được dán tại nhiều vị trí xung quanh chốt, để người dân dùng camera điện thoại quét, sau đó vào trang web khai báo. Cảnh sát cũng cầm giấy có mã QR và hướng dẫn, hỗ trợ người dân điền thông tin. Sau khi hoàn tất, một mã QR khác sẽ hiển thị và lực lượng chức năng dùng điện thoại quét để đối chiếu thông tin. Khi hợp lệ, người dân được đi qua.

Yêu cầu khai báo di chuyển nội địa tại các chốt nội đô TP.HCM thực hiện hôm 14/8 và tạm ngưng sau hơn một ngày do ùn ứ giao thông, không đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Riêng 12 chốt chính ở khu vực cửa ngõ Thành phố, yêu cầu khai báo này áp dụng từ hôm 12/8 và thực hiện xuyên suốt đến nay.

Phần mềm khai báo "di chuyển nội địa" được Bộ Công an triển khai để quản lý công dân vùng dịch thông qua kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phần mềm sẽ thống kê tình hình người dân ra, vào vùng dịch hàng ngày; truy vết người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết. Sau khai báo thành công, người dùng sẽ được cấp một mã QR và có thể dùng trong 3 ngày, sau đó phải khai báo lại.

Bình Dương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với ‘vùng đỏ’ đến 15/9

Để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các “vùng đỏ” đến ngày 15/9.

Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa họp và thống nhất sẽ tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội đối với các các khu vực “vùng đỏ” thêm 15 ngày.

Theo kế hoạch trước đó, các “vùng đỏ” của tỉnh gồm: TP. Thuận An, TP. Dĩ An, thị xã Tân Uyên, TP. Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 31/8.

Đối với các địa phương “vùng xanh” nằm ở khu vực phía Bắc của Tỉnh, thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/8. Đến nay, đã có 4 huyện chuyển thành “vùng xanh”, 2 huyện khác đang chuyển từ “vùng vàng” về “vùng xanh”.

Do tình hình dịch bệnh tại các đô thị lớn của Tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 đã chạm ngưỡng 100.000 người, do đó Bình Dương tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày, đến hết ngày 15/9.

Riêng tại 11 phường là “vùng đỏ đậm đặc” của TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên, tiếp tục thực hiện “khóa chặt - đông cứng”.

Đây là một trong những biện pháp của tỉnh Bình Dương nhằm kiểm soát dịch bệnh chậm nhất vào ngày 15/9, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu phải triển khai nhanh công tác xét nghiệm, bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

Khi có kết quả test nhanh nếu phát hiện trường hợp dương tính thì đưa ngay đến khu điều trị mà không chờ kết quả PCR. Đồng thời chuẩn bị tốt về công tác tác hậu cần mua sắm thuốc điều trị, tiếp tục phát huy kết quả điều trị về nâng tầng, phân tầng điều trị tại các bệnh viện.

Bác đề xuất xây mới nhà ga sân bay nghìn tỷ tại Đồng Hới

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đồng thuận để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tham gia xây mới nhà ga hành khách cho sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) do ACV đang gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh kế hoạch phát triển.

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa cho ACV mở rộng nhà ga sân bay Đồng Hới

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa cho ACV mở rộng nhà ga sân bay Đồng Hới

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình liên quan đề xuất xây mới nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới, do ACV thực hiện.

Theo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện ACV đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh thu và lợi nhuận giảm nghiêm trọng, trong khi phải tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài (Hà Nội), mở rộng sân bay Điện Biên…

Sau khi triển khai các dự án trọng điểm trên, ACV mới dùng nguồn lực cho các dự án khác, trong đó có dự án xây mới nhà ga T2 sân bay Đồng Hới.

Trước đó, ACV đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới tới Uỷ ban Quản lý vốn và địa phương, trong đó đề nghị xây nhà ga mới để nâng công suất phục vụ lên 3 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư 1.222 tỷ đồng bằng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Hiện nhà ga sân bay này chỉ có công suất thiết kế 500.000 khách/năm.

Hiện, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ tại ACV.

Thêm 20.000 giấy đi đường cho nhân viên siêu thị, cửa hàng thực phẩm

TP.HCM đồng ý duyệt cấp bổ sung khoảng 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ. Như vậy, gần như 100% nhân viên trong ngành phân phối sẽ được cấp giấy đi đường từ ngày 30/8.

Nhân viên siêu thị Tops Market Thảo Điền (TP.Thủ Đức) soạn combo hàng để giao cho địa phương

Nhân viên siêu thị Tops Market Thảo Điền (TP.Thủ Đức) soạn combo hàng để giao cho địa phương

Trong văn bản khẩn điều chỉnh việc lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ban hành ngày 29/8, UBND TP.HCM đã đồng ý giao Công an Thành phố cấp bổ sung cho Sở Công Thương 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ.

Những nhân viên được cấp giấy đi đường phải đảm bảo điều kiện đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin, thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người của Bộ Y tế cho đến ngày 6/9. Các nhân viên cũng phải có phân chia ca, thời gian hoạt động.

Thời gian qua, với lực lượng mỏng do bị cắt giảm đến 70%, các siêu thị, cửa hàng không thể đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân. Nhân viên nhiều siêu thị phải làm xuyên đêm, xa nhà… để soạn đơn, giao hàng cho khách.

Nhiều siêu thị cho biết số lượng nhân sự dù đã tăng từ 10% lên 30% vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu, do khối lượng công việc tăng mạnh so với ngày thường, mỗi nhân viên phải kiêm nhiều công việc.

Theo các siêu thị, một khi vướng mắc về nhân sự, siêu thị và nhân viên giao hàng được giải quyết, việc cung ứng hàng hóa cho người dân từ tuần sau sẽ được đẩy mạnh hơn, tốc độ xử lý đơn hàng và thời gian giao hàng đến người dân có thể được rút ngắn.

Người dân thành phố Vinh ở yên trong nhà thêm 3 ngày

Sau 7 ngày áp dụng "ai ở đâu thì ở đó", tỉnh Nghệ An quyết định kéo dài thêm 3 ngày để ngăn chặn dịch lây lan.

Một góc trung tâm TP. Vinh thưa thớt phương tiện giao thông trong những ngày "ai ở đâu thì ở đó".

Một góc trung tâm TP. Vinh thưa thớt phương tiện giao thông trong những ngày "ai ở đâu thì ở đó".

Quyết định được UBND tỉnh Nghệ An đưa ra chiều 29/8, bắt đầu từ 0h ngày 30/8 đến hết 1/9. Phó chủ tịch UBND Tỉnh Bùi Đình Long cho biết, tình hình dịch tại địa bàn đang phức tạp, cần kéo dài thêm thời gian để ngăn chặn lây lan, trước khi đưa Thành phố về trạng thái bình thường mới.

Người dân TP. Vinh thực hiện "7 ngày không ra khỏi nhà" từ 0h ngày 23/8, kết thúc 24h ngày 29/8. Thời gian này, Tỉnh đã lập hơn 100 chốt kiểm soát trên khắp tuyến đường Thành phố để kiểm tra giấy đi đường của người dân.

TP. Vinh chịu trách nhiệm cung ứng lượng thực, thực phẩm cho người dân. Hộ dân có nhu cầu mua hàng sẽ đăng ký qua tổ trưởng dân cư. Tổ trưởng tổng hợp số lượng, chuyển tiền về tổ cung ứng của khối xóm. Hàng sau đó được cán bộ chuyển tới từng hộ.

Sở Y tế Nghệ An và TP. Vinh đã lấy mẫu xét nghiệm và test nhanh Covid-19 cộng đồng cho hơn 272.000 người tại 25 phường xã. Kết quả phát hiện ít nhất 29 ca dương tính.

4 xã phường thuộc diện nguy cơ cao gồm Hồng Sơn, Vinh Tân, Hưng Bình và xã Nghi Phú đang được sàng lọc Covid-19 lần hai.

Hàng chục tàu cá bị lũ nhấn chìm tại Bình Thuận

Lũ tràn về trong đêm đã khiến hàng chục tàu cá neo đậu ở hạ lưu sông Dinh, thị xã La Gi (Bình Thuận), bị chìm, hư hỏng và mất tích.

Một trong số hàng chục tàu cá bị chìm giữa sông Dinh (thị xã La Gi)

Một trong số hàng chục tàu cá bị chìm giữa sông Dinh (thị xã La Gi)

Bộ đội Biên phòng Bình Thuận cho biết, đến sáng 29/8 có một sà lan hút cát và 25 tàu cá (trong đó có 12 tàu dài trên 15 m) đã bị chìm; ngoài ra, còn nhiều tàu khác bị cuốn trôi, hư hỏng.

Theo đơn vị này, trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lượng tàu thuyền tập trung về cảng La Gi neo đậu đông đúc, lũ về đúng lúc thủy triều xuống, nên tàu thuyền không kịp di chuyển để tránh lũ.

Chủ tịch UBND thị xã La Gi Phạm Trọng Nhân cho biết, những ngày qua mưa đầu nguồn nhiều làm nước dồn về, lũ lên nhanh vào ban đêm, trong khi cả thị xã đang giãn cách xã hội phòng chống dịch, nên cơ quan chức năng và các chủ tàu không trở tay kịp. Chính quyền thị xã La Gi đang tiến hành thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, tối qua, trên thượng nguồn sông Dinh có mưa lớn kéo dài. Nước lũ đổ hạ lưu, kết hợp thủy triều xuống nên gây chảy xiết.