Bản tin thời sự sáng 30/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9; Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu vượt sông Hồng; khởi công hai đường kết nối sân bay Long Thành vào tháng 12; các hãng bay dừng kiểm tra thẻ hành lý…

Kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9

Giá thành phẩm thế giới biến động mạnh, như dầu diesel tăng trên 16% nên nếu 5/9 mới điều chỉnh giá thay vì 1/9, có thể gây ra nhiều hệ lụy, theo Hiệp hội Xăng dầu.

Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9

Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/9

Theo quy định, kỳ điều hành tới dự kiến vào ngày 5/9, thay vì ngày 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Tuy nhiên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) vừa kiến nghị Bộ Công Thương điều hành giá bán lẻ xăng dầu sớm hơn, tức vào ngày 1/9.

Lý do là tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, song giá thành phẩm thế giới, nhất là dầu diesel tăng mạnh từ sau kỳ điều hành ngày 22/8. Đến ngày 25/8, giá dầu diesel tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8.

Trường hợp điều hành giá xăng dầu vào ngày 5/9 thay vì 1/9, tức chậm hơn chu kỳ thông thường, Hiệp hội Xăng dầu lo ngại sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá thế giới. Điều này gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong đảm bảo nguồn, nhất là tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường.

Điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/9, theo Vinpa, sẽ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa thuận lợi cho các đơn vị trong tạo nguồn, phục vụ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.

Theo số liệu ngày 26/8, giá thành phẩm xăng RON 95 trên thị trường Singapore đã vượt 111 USD một thùng, RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên 108 USD một thùng; dầu diesel cũng xấp xỉ 150 USD mỗi thùng... Với mức giá này, nếu nhà điều hành không dùng tới Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 400 đồng một lít, dầu diesel gần 2.500 đồng.

Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu vượt sông Hồng

Ngoài việc khép kín 7 tuyến đường vành đai, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ xây thêm nhiều cầu vượt sông Hồng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng theo hình tượng làn sóng uốn lượn.

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng theo hình tượng làn sóng uốn lượn.

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị. Đồng thời hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc và đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai.

7 tuyến đường vành đai được thành phố quy hoạch với tổng chiều dài 285 km, mới hoàn thành hơn 132 km. Trong đó, 5 tuyến vành đai chính là 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến vành đai hỗ trợ là 2,5 và 3,5.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới trên địa bàn Thành phố sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng. Các cây cầu vượt sông Hồng nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội cho thấy 10 cây cầu vượt sông Hồng sẽ được xây dựng trong thời gian tới là: cầu Mễ Sở, Hồng Hà, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2 đang xây dựng), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc.

Khởi công hai đường kết nối sân bay Long Thành vào tháng 12

UBND tỉnh Đồng Nai cùng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thiện hồ sơ để khởi công tuyến số 1 và 2, tổng vốn 4.800 tỷ đồng, kết nối sân bay Long Thành.

Hướng tuyến số 1 và 2 kết nối sân bay Long Thành sắp khởi công

Hướng tuyến số 1 và 2 kết nối sân bay Long Thành sắp khởi công

Ngày 29/8, ACV cho biết công tác đấu thầu chọn nhà thầu xây lắp được thực hiện vào tháng 11. Hiện, hồ sơ thiết kế kỹ thuật hai tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành đã thực hiện trên 60%, sau khi hoàn thành sẽ trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến số 1 dài 3,8 km, điểm đầu từ cổng phía tây sân bay Long Thành kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối Tỉnh lộ 25C. Tuyến rộng 85 - 120 m, quy mô 8 làn xe chính và 6 làn đô thị song hành. Đây sẽ là đường chính để ra vào thi công giai đoạn đầu của Dự án sân bay Long Thành.

Tuyến số 2 dài 3,5 km, có quy mô 4 làn xe theo hai nhánh chạy độc lập, song hành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường này kết nối tuyến một với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Để thực hiện hai tuyến đường, chính quyền huyện Long Thành dự tính thu hồi hơn 130 ha, trong đó khoảng 110 ha là đất hộ gia đình, cá nhân với hơn 900 trường hợp. Đến nay, huyện Long Thành đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất.

Ngoài hai tuyến nói trên, còn có tuyến số 3 (dài 8,5 km) kết nối trục chính cảng (đầu phía đông) với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, rộng 85-115 m, 8 làn xe.

Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD), dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.

Các hãng bay dừng kiểm tra thẻ hành lý

Tại lối ra nhà ga đến nội địa, các hãng hàng không sẽ dừng kiểm tra thẻ hành lý để tiết kiệm thời gian, tạo luồng di chuyển thông thoáng.

Các hãng hàng không sẽ dừng kiểm tra thẻ hành lý để tiết kiệm thời gian...

Các hãng hàng không sẽ dừng kiểm tra thẻ hành lý để tiết kiệm thời gian...

Ngày 29/8, đại diện Vietnam Airlines Group cho biết, việc dừng kiểm tra thẻ hành lý đã được hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco phối hợp với các sân bay thực hiện từ một tuần trước. Hãng bay không bố trí người kiểm tra thẻ như trước đây mà sẽ kiểm tra ngẫu nhiên hành lý.

Tại sân bay Nội Bài, nhiều camera an ninh đã được lắp thêm ở khu vực đảo hành lý, lối ra và bố trí lực lượng ứng trực theo dõi. Để thuận tiện nhận biết hành lý, Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách nên cá nhân hóa hành lý, gắn thẻ nhận dạng (name tag) có thông tin tên và số điện thoại trên vali.

Các hãng cung cấp miễn phí "name tag" cho khách tại quầy làm thủ tục. Hành khách cũng có thể dán một sticker lớn hay buộc một dải ruy băng màu giúp nhận ra hành lý của mình từ xa. Hành lý ký gửi được khuyến cáo không chứa tài sản có giá trị.

Các hãng cũng đề nghị hành khách kiểm tra hành lý trước khi rời khỏi sân bay để đảm bảo đã lấy đúng hành lý của mình, không nhầm của người khác.

Theo đại diện Vietnam Airlines, việc dừng kiểm tra thẻ hành lý từng được triển khai trong thời gian dịch Covid -19 bùng phát. Trên thế giới, nhiều sân bay cũng đã áp dụng.

Tuyến đường 1.200 tỷ đồng đi vườn quốc gia Bến En

Cung đường Vạn Thiện dài 12 km được kỳ vọng sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Vườn quốc gia Bến En trong tương lai.

Điểm đầu dự án tại xã Vạn Thiện, giao với đường cao tốc Bắc Nam nhánh Đông

Điểm đầu dự án tại xã Vạn Thiện, giao với đường cao tốc Bắc Nam nhánh Đông

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa khởi công dự án với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, quy mô đường đồng bằng cấp ba với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, đi qua hai huyện Nông Cống và Như Thanh. Tuyến đường dự kiến hoàn thành năm 2025.

Điểm đầu dự án giao với đường nối cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông và Quốc lộ 45 tại địa phận Làng Mật, xã Vạn Thiện, điểm cuối thuộc thị trấn Bến Sung...

Vườn quốc gia Bến En (thuộc địa giới hành chính hai huyện Như Xuân và Như Thanh, cách TP. Thanh Hóa 45 km về phía Tây Nam) có diện tích tự nhiên gần 15.000 ha với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, là điểm nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.

Tuyến đường Vạn Thiện - Bến En được phê duyệt nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của Vườn quốc gia Bến En, phục vụ phát triển du lịch và từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông địa phương, đặc biệt là kết nối với tuyến cao tốc Bắc Nam.

Hơn 19 tỷ đồng đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua Dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, phục hồi môi trường với vốn đầu tư 19,5 tỷ đồng, sáng ngày 29/8.

Những người khai thác vàng trái phép tập kết nhiên liệu, nhu yếu phẩm mang vào một hầm vàng

Những người khai thác vàng trái phép tập kết nhiên liệu, nhu yếu phẩm mang vào một hầm vàng

Theo nghị quyết, Dự án nhằm đưa các hầm mỏ, khu tuyển luyện quặng, bãi thải, đập thải và công trình phụ trợ... về trạng thái an toàn; phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác vàng, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.

Diện tích được phục hồi là 368 ha, gồm khu vực Hố Gần 230 ha; Núi Kẽm 100 ha; 28 ha bãi đổ thải và 10 ha khu phụ trợ Núi Kẽm. Kinh phí từ nguồn của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại kho bạc nhà nước huyện Phú Ninh và bổ sung từ ngân sách tỉnh.

Dự án thực hiện năm 2022 - 2024, trong đó năm 2022 bố trí 13 tỷ đồng. Nhà thầu sẽ xây tường chắn cửa lò chính, đánh sập cửa lò khai thác trái phép, tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, trồng cây và giám sát môi trường sau khi đóng cửa mỏ.

Mỏ vàng Bồng Miêu cách trung tâm xã Tam Lãnh hơn một km về phía nam, được khai thác từ thời Pháp thuộc, là một trong những mỏ có trữ lượng vàng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng, giấy phép hết hạn năm 2016. Năm 2018, tòa án đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác. Hậu quả địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế, đất đai bị đào bới, hóa chất, bùn thải ra môi trường không được xử lý, gây ô nhiễm…

Sau nhiều lần Quảng Nam đề nghị, tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.