Bản tin thời sự sáng 30/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 30/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19; TP.HCM liên thông 3 đầu số điện thoại khẩn 113-114-115; sáng 30/9, Thủy điện Hòa Bình xả lũ; mạng MobiFone đang gặp sự cố; đề nghị xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội…

Sáng 30/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Sáng ngày 30/9, Bộ Y tế cho biết Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Đến nay đã 28 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng. Việt Nam hiện đã chữa khỏi 1.007 bệnh nhân Covid-19.

Sáng 30/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Sáng 30/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Tính đến 6h ngày 30/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 29/9 đến 6h ngày 30/9 không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.954 người. Trong đó, 272 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 10.792 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 4.890 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.007 bệnh nhân Covid-19/1.094 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 1 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 13 ca. Đến nay, số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ

Mực nước dự báo tiếp tục tăng, sau hai năm hồ thủy điện Hòa Bình được lệnh xả một cửa đáy lúc 8h sáng 30/9.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ năm 2017

Thủy điện Hòa Bình xả lũ năm 2017

Chiều 29/9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Công ty Thủy điện Hòa Bình mở một cửa đáy để đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du.

Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh mưa lũ từ thượng nguồn đổ về tuần qua khiến mực nước hồ Hòa Bình lên 116,69 m (xấp xỉ mực nước cho phép 117 m) lúc 11h trưa 29/9. Trong khi đó, mực nước hồ Sơn La (nằm ở đầu nguồn) là 215,67 m, cao hơn mức cho phép 0,67 m. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 3,74 m.

Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 5/10 sẽ xuất hiện không khí lạnh và gây mưa liên tục ở miền Bắc, lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, một số nơi có thể lên tới 250 mm trong hai ngày. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ xem xét có thể tiếp tục mở thêm cửa xả đáy của các hồ Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà.

Các tỉnh, thành hạ du thủy điện Hòa Bình được yêu cầu thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản biết thông tin; rà soát phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du. Trong đó, thành phố Hòa Bình cần rà soát khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26 (phường Đồng Tiến) và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.

TP.HCM liên thông 3 đầu số điện thoại khẩn 113-114-115

Khi cần hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, người dân không cần phải nhớ chức năng của từng số điện thoại khẩn cấp mà chỉ cần gọi điện đến 1 trong 3 số 113-114-115.

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115

Ngày 29/9, TP.HCM chính thức ra mắt hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115. TP.HCM chính là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình liên thông này.

Mô hình mang tới nhiều tiện ích giúp giải quyết nhiều bất cập trong việc phản ánh và xử lý tin báo sự cố của người dân.

Theo đó, khi cần yêu cầu hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, người dân không cần phải nhớ chức năng từng số điện thoại khẩn cấp mà chỉ cần gọi đến 1 trong 3 đầu số 113-114-115 đều nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Bên cạnh hình thức gọi điện truyền thống, thông qua ứng dụng HCMC EOC trên Appstore hoặc Google Play, người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để liên hệ cơ quan chức năng khi cần hỗ trợ khẩn cấp.

Với việc nâng cấp hệ thống tổng đài liên thông, vị trí người dân sẽ được cung cấp tự động cho tổng đài viên. Qua đó, cơ quan chức năng có thể xác định nhanh chóng khu vực cần được hỗ trợ khẩn cấp để điều phối lực lượng ứng cứu.

Mạng MobiFone đang gặp sự cố

Hàng loạt thuê bao di động MobiFone tại nhiều địa phương không thể thực hiện cuộc gọi, kết nối 3G, 4G chiều tối ngày 29/9.

Màn hình điện thoại của chủ thuê bao MobiFone thông báo mạng di động không khả dụng lúc 18h ngày 29/9

Màn hình điện thoại của chủ thuê bao MobiFone thông báo mạng di động không khả dụng lúc 18h ngày 29/9

Từ chiều tối 29/9, hàng loạt thuê bao di động MobiFone tại Hà Nội và một số địa phương không thể thực hiện cuộc gọi, kết nối mạng 3G, 4G dù vẫn có sóng điện thoại. Một số khách hàng phản ánh mạng MobiFone bắt đầu chập chờn từ khoảng 17h30. Đến 18h, khách hàng không thể sử dụng các dịch vụ như gọi điện, nhắn tin hay internet.

MobiFone cũng xác nhận sự cố do lỗi đường truyền xảy ra từ khoảng 16h30 khiến một số thuê bao gặp tình trạng chập chờn về thoại và data khi sử dụng dịch vụ ở một số khu vực. Nhà mạng này cho biết đang tích cực ứng cứu thông tin, cân chỉnh lưu lượng để khắc phục sự cố, nhằm đảm bảo thông suốt liên lạc và dịch vụ tại khu vực bị ảnh hưởng và "sẽ khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất".

Đây không phải là lần đầu tiên mạng MobiFone gặp sự cố. Các năm 2005, 2010, 2011, 2016 nhiều thuê bao của nhà mạng từng gặp tình trạng lỗi kỹ thuật dẫn đến không thể nhắn tin, gọi điện. Hồi cuối năm 2018, một loạt thuê bao MobiFone tại Hà Nội, TP.HCM cũng không thể kết nối internet.

Đề nghị xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội

Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đề xuất Thành phố xây dựng văn bản kiến nghị xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội

Đề xuất Thành phố xây dựng văn bản kiến nghị xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội

Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa kiến nghị UBND TP. Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của Thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội, và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm).

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó yêu cầu: Đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án, gồm: Sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60 - 65km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 - 40km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Đề xuất mở các tuyến phố đi bộ ở trung tâm Sài Gòn

Đơn vị nghiên cứu đề xuất mở rộng các tuyến phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM trên các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách...

Người dân vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Người dân vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Đây là phương án được nhiều người dân, du khách và chuyên gia đồng tình nhất trong quá trình khảo sát. Các tuyến đường này sẽ ưu tiên người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số loại xe đi lại vào các ngày trong tuần, chỉ cấm xe chạy trên đường Đồng Khởi vào cuối tuần như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Hai phương án còn lại được ít người ủng hộ là: tổ chức phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho Quận 1 với mạng lưới nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số đường; tổ chức phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và một số đường ngang liên kết.

Cũng theo đề xuất của đơn vị nghiên cứu, khu vực phố đi bộ mở rộng của Thành phố sẽ chia thành 7 tiểu khu đặc trưng khác nhau gồm: khu văn hóa thanh niên (công trường quốc tế và Phạm Ngọc Thạch từ Hồ Con Rùa tới đại lộ Lê Duẩn); khu lịch sử - văn hoá (cụm công trình Công xã Paris gồm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, đường sách thành phố; tòa nhà Metropolitan); khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ Công xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp...); khu biểu diễn nghệ thuật (công trường Lam Sơn và Nhà hát thành phố với quảng trường trước nhà hát bao quanh bởi các khách sạn 4-5 sao); khu ẩm thực quốc tế (các đường Thi Sách, Nguyễn Trung Trực, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Đông Du)…

Khu chợ Bến Thành, là trung tâm thương mại, du lịch quan trọng của Thành phố với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đa dạng và ẩm thực hấp dẫn.

Toàn bộ các tuyến phố đi bộ sẽ được phủ sóng wifi miễn phí; bố trí các bảng hướng dẫn, thông tin cho người dân và du khách, vỉa hè được cải tạo, bố trí thêm nơi đỗ xe...