Bản tin thời sự sáng 3/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tàu hàng trật bánh, đường sắt Bắc Nam tê liệt; nguyên Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị xét xử tại TP.HCM từ 20/11; giá thuê đất thương mại dịch vụ ở TP.HCM dự kiến tăng 18 - 53%; Bamboo Airways được trả dần 120 tỷ đồng nợ thuế…

Tàu hàng trật bánh, đường sắt Bắc Nam tê liệt

Tàu hàng qua đèo Hải Vân bị trật bánh khiến 3 toa chứa hơn 90 tấn sữa, bánh kẹo văng khỏi đường ray, đường sắt Bắc Nam tê liệt.

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố trật đường ray

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố trật đường ray

Khoảng 21h10 ngày 1/11, tàu ASY2 kéo theo 20 toa xe, tổng trọng lượng hơn 840 tấn đang từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế, khi vào đường số 1 ga Hải Vân Nam thì bị trật bánh 3 toa xe 13 - 15.

Bánh xe 3 toa trật khỏi đường sắt, container trên 2 toa đổ vào đường sắt số 2, container còn lại đổ nghiêng về bên trái hướng tàu chạy. Ngay trong đêm, các đơn vị đường sắt ở Huế, Đà Nẵng đã tới cứu viện.

Đường sắt Bắc Nam tê liệt sau sự cố. Nhà tàu phải chuyển tải bằng đường bộ 570 hành khách trên tàu SE7/8 giữa ga Lăng Cô và ga Đà Nẵng vào đêm 1/11 và tiếp tục chuyển tải hành khách tàu SE 5/6 trong ngày 2/11. Các chuyến tàu kết nối di sản giữa Đà Nẵng và Huế cũng phải dừng.

Ga Hải Vân Nam nằm trên cung đường có độ dốc lớn, nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế. Trước đó vào tháng 8 - 9, đường sắt Bắc Nam qua Thừa Thiên Huế đã 5 lần trật bánh. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thành lập tổ khám nghiệm, giám định hạ tầng và toa xe để xác định nguyên nhân.

Mỗi ngày trên tuyến Bắc Nam có 24 chuyến tàu khách, trong đó có 16 chuyến tàu Thống Nhất và 8 chuyến tàu chặng ngắn. Tàu hàng chạy theo nhu cầu của khách.

Nguyên Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị xét xử tại TP.HCM từ 20/11

Ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử về cáo buộc nhận hối lộ 600.000 USD, đồng hồ Patek Philippe và xe Mercedes trong vụ án Xuyên Việt Oil.

Ông Lê Đức Thọ lúc bị bắt

Ông Lê Đức Thọ lúc bị bắt

Toà án nhân dân TP.HCM sẽ xử sơ thẩm vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức từ ngày 20/11 đến 5/12.

Trong đó, ông Thọ bị xét xử về hai tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ. Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil Nguyễn Thị Như Phương bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 12 người còn lại bị truy tố về tội Đưa, Nhận hối lộ.

Năm 2018, ông Lê Đức Thọ khi là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT VietinBank, có thẩm quyền phê duyệt hạn mức, cấp giới hạn tín dụng và xem xét, phê duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Cuối năm 2021, ông Thọ làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Cáo trạng xác định, từ năm 2019 đến 2021, ông Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhận hối lộ và gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

Cụ thể, trong việc Xuyên Việt Oil vay vốn tại VietinBank và xin cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông Thọ đã hai lần nhận hối lộ, tổng 600.000 USD (tương đương 13,8 tỷ đồng) của Mai Thị Hồng Hạnh.

Ông Thọ còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc VietinBank Chi nhánh Bến Tre cho Xuyên Việt Oil vay vốn thuận lợi, với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.

Theo cơ quan công tố, ông Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị từ bà Mai Thị Hồng Hạnh, gồm 200.000 USD (4,5 tỷ đồng); một bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng); một đồng hồ Patek Philippe (trị giá 421.000 USD - tương đương 9,855 tỷ đồng); một ô tô hiệu Mercedes Benz S450 (trị giá 6,669 tỷ đồng).

Giá thuê đất thương mại dịch vụ ở TP.HCM dự kiến tăng 18 - 53%

Giá thuê đất thương mại dịch vụ của TP.HCM dự kiến tăng trung bình từ 18 - 53%, theo dự thảo mới của Sở Tài chính.

Bất động sản khu Nam TP.HCM, đoạn qua huyện Nhà Bè

Bất động sản khu Nam TP.HCM, đoạn qua huyện Nhà Bè

Sở Tài chính TP.HCM đang lấy ý kiến về đề xuất quy định mức tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất; đất xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của công trình trên mặt đất) và đất có mặt nước. Đây sẽ là mức tỷ lệ được áp dụng làm căn cứ tính tiền thuê đất trên địa bàn Thành phố.

Theo đề xuất, tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất hàng năm với nhóm thương mại, dịch vụ khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận) sẽ là 1,5%, khu vực 2 (TP. Thủ Đức, các quận 6, 7, 8, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp) là 1% và khu vực 3 (huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè) 0,75%.

Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất thương mại dịch vụ mục đích kinh doanh) cũng sẽ được xác định theo từng khu vực gồm: khu vực 1 áp dụng tỷ lệ 1%; khu vực 2 tỷ lệ là 0,75%; khu vực 3 là 0,5%.

Riêng đất nông nghiệp, tỷ lệ tương ứng là 0,25%, đất trong Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung là 0,5%.

Công thức tính giá thuê đất sẽ là: giá thuê = tỷ lệ phần trăm tính đơn giá (x) giá đất theo bảng giá điều chỉnh.

Hiện nay, theo Quyết định số 50/2014, giá thuê đất hàng năm (không thông qua hình thức đấu giá) được chia làm 4 khu vực với tỷ lệ % tính tiền thuê đất là từ 1,6 - 2% với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại, tài chính, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho thuê, văn phòng...; khoảng 1,1 - 1,5% với đất sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho xưởng, công trình công cộng, thương mại dịch vụ... Và 1% với đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bến cảng, sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Như vậy, dự thảo của Sở Tài chính đã giảm mức tỷ lệ % tính tiền thuê đất xuống khá sâu, tuy nhiên do bảng giá đất điều chỉnh tăng mạnh (5 - 38 lần, chưa nhân hệ số K) so với giá cũ nên giá thuê đất trả tiền hàng năm vẫn tăng cao.

Bamboo Airways được trả dần 120 tỷ đồng nợ thuế

Bamboo Airways sẽ được nộp dần nợ thuế 120 tỷ đồng trong vòng một năm với 10 tỷ đồng mỗi tháng.

Sau một năm tái cấu trúc, hoạt động của Bamboo Airways đã dần ổn định và có những tín hiệu tích cực

Sau một năm tái cấu trúc, hoạt động của Bamboo Airways đã dần ổn định và có những tín hiệu tích cực

Theo quyết định ngày 30/10 của Cục Thuế tỉnh Bình Định, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) sẽ được nộp dần tiền nợ thuế 120 tỷ đồng theo từng tháng trong thời gian từ 1/11 đến 31/10/2025.

Cụ thể, mỗi tháng hãng hàng không này phải nộp 10 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, hiện chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với số tiền thuế nợ được phép nộp dần.

Tuy nhiên, Bamboo Airways phải tự xác định số tiền chậm nộp phát sinh hàng tháng để nộp cùng với số tiền nợ thuế. "Nếu quá hạn theo từng tháng mà doanh nghiệp không nộp hoặc nộp không đủ, tổ chức bảo lãnh sẽ phải thực hiện nộp thay trong phạm vi bảo lãnh", cơ quan thuế cho hay.

Trước đó ngày 16/10, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an thông báo hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh với CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam. Động thái này để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thành công Đề án tái cấu trúc toàn diện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Sau một năm tái cấu trúc, hiện hoạt động của Bamboo Airways đã dần ổn định và có những tín hiệu tích cực. Từ cuối tháng này, hãng sẽ bay quốc tế trở lại với chặng TP.HCM - Bangkok.

Bamboo Airways từng sở hữu mạng bay rộng khắp tới nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu và Australia. Tuy nhiên, hãng này buộc phải dừng bay nhiều chặng, thu hẹp quy mô đội bay từ quý III/2023 do nợ nần, thua lỗ sau giai đoạn phát triển nhanh chóng, cũng như tác động tiêu cực từ đại dịch, giá nhiên liệu tăng cao.

Cải tạo khu ký túc xá bỏ hoang ở Hà Nội thành nhà ở xã hội

Tòa A2, A3 Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được cải tạo, nâng cấp thành nhà ở xã hội trong năm 2026.

Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội)

Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội)

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thống nhất kết luận, chỉ đạo các dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng gây bức xúc trong xã hội, có biểu hiện của lãng phí. Giao Văn phòng UBND Thành phố và các sở, ngành phối hợp rà soát, tham mưu cho các Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách các lĩnh vực xem xét, thống nhất quan điểm chỉ đạo, thống nhất cách làm để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tính khả thi cho các dự án đầu tư theo lĩnh vực được giao quản lý.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 5 dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng.

Với Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, các Sở Xây dựng, Tài chính và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố phối hợp, thực hiện quyết toán theo hạng mục hoàn thành; hoàn thành trong tháng 12/2024. Riêng đối với hạng mục trạm biến áp thực hiện việc thanh quyết toán sau.

Về chuyển đổi các hạng mục toà A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố khẩn trương thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.

Tại Dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, yêu cầu UBND quận Hoàng Mai tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, sửa chữa công trình CT1, CT2, CT3; hoàn thành, bàn giao công trình trong quý II/2025 để bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn quận. 2 ô đất CT4, CT5 tiếp tục triển khai bằng nguồn đầu tư công…

Hủy giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu của chị dâu Chủ tịch VIB

HoSE vừa hủy giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu VIB của bà Lê Thị Huệ - chị dâu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB vì không báo cáo.

Một giao dịch liên quan cổ phiếu VIB vừa bị loại bỏ. Ảnh minh họa

Một giao dịch liên quan cổ phiếu VIB vừa bị loại bỏ. Ảnh minh họa

Thông báo này được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) phát đi căn cứ theo kết quả giám sát và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

HoSE cho biết, giao dịch bán hơn 2,61 triệu cổ phiếu VIB của bà Lê Thị Huệ - người có liên quan Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB Đặng Khắc Vỹ - đã bị loại bỏ. Lý do là bà Huệ không công bố thông tin, không báo cáo trước khi giao dịch.

Theo quy định hiện hành, người nội bộ và người có liên quan của doanh nghiệp phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc. Tại báo cáo quản trị của nhà băng này, bà Huệ được ghi nhận là chị dâu của ông Đặng Khắc Vỹ.

Tuy nhiên, đến 11h36 ngày 1/11, VIB mới công bố thông tin về việc bà Lê Thị Huệ dự kiến bán hơn 2,61 triệu cổ phiếu với thời gian giao dịch dự kiến từ 6/11 - 5/12. Nếu hoàn tất, bà Huệ sẽ không còn sở hữu cổ phiếu VIB nào.

Trước phiên giao dịch hôm 31/10, cổ phiếu VIB tăng 2 ngày liên tiếp với biên độ lần lượt 2,74% và 1,33% lên 19.000 đồng mỗi đơn vị. Riêng ngày 29/10, khối ngoại bán ra lượng cổ phiếu VIB trị giá hơn 5.400 tỷ đồng. Mã này chốt phiên giao dịch hôm 1/11 ở mức 18.850 đồng.

Theo thông tin VIB công bố hồi đầu tháng 8, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan sở hữu hơn 20% vốn của ngân hàng này.

Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Kẻ gian gọi điện thông báo khách hàng có khoản vay quá hạn trên CIC và yêu cầu chuyển tiền để cung cấp báo cáo tín dụng.

Người dùng cẩn cẩn trọng với những thủ đoạn lừa đảo mới để tránh mất tiền oan

Người dùng cẩn cẩn trọng với những thủ đoạn lừa đảo mới để tránh mất tiền oan

Ngân hàng số Cake by VPBank vừa email tới khách hàng cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao. Trong email, ngân hàng này cho biết, các đối tượng liên tục thay đổi thủ đoạn gian lận và ngày càng tinh vi để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Cụ thể, thủ đoạn mới nhất là đối tượng giả mạo Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), gọi điện thông báo khách hàng có khoản vay đã quá hạn và mời nạn nhân lên giải quyết. Chúng còn làm giả báo cáo CIC và yêu cầu chuyển tiền để cung cấp báo cáo tín dụng. Hoặc giả mạo CIC yêu cầu khách hàng vay chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để CIC nâng điểm tín dụng, hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh hơn.

"Đối tượng lừa đảo sử dụng các thuật ngữ chuyên môn như tín nhiệm, đóng băng... gửi đến khách hàng văn bản xử lý với đầy đủ con dấu, chữ ký giả mạo. Người vay đang có hồ sơ tín dụng có lỗi, bị khóa, không đủ điểm tín dụng để giải ngân được đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo", Cake by VPBank nêu thủ đoạn.

Để bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, ngân hàng số này khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các cuộc gọi tự giới thiệu từ CIC; không cài ứng dụng lạ; không bấm vào các đường link lạ; không chuyển tiền đến các tài khoản lạ nếu được yêu cầu.

Một thủ đoạn lừa đảo khác không mới gần đây nhưng nhiều người cũng bị lừa là mạo danh shipper (nhân viên giao hàng của các đơn vị chuyển phát) để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người mua hàng.

Theo đó, kẻ gian sẽ thu thập thông tin khách hàng thông qua buổi livestream, bình luận công khai, hoặc mua từ nguồn khác. Giả mạo shipper gọi giao hàng và yêu cầu khách hàng chuyển khoản. Nhận được tiền, đối tượng dùng lý do gửi nhầm số tài khoản… Thậm chí, đối tượng tiếp tục gửi đường link lạ, giới thiệu là trung tâm vận chuyển để khách hàng liên hệ hủy đăng ký hội viên và hoàn lại số tiền của giá trị đơn hàng.

Đến khi khách hàng bấm vào link và làm theo hướng dẫn có thể bị chiếm quyền điều khiển điện thoại và tài khoản ngân hàng, đồng thời bị chiếm đoạt luôn số tiền đã thanh toán trước đó…

Để tránh bị lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo người dùng không nhận đơn hàng mà mình không đặt mua; không chuyển khoản thanh toán nếu không có mã vận đơn, thông tin hàng hóa và không nhấp vào link do người lạ gửi.