Bản tin thời sự sáng 3/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Garmex Sài Gòn tạm ngừng sản xuất, từ 4.000 nhân viên nay còn 35 người; duy nhất Ngân hàng BIDV tăng lãi suất giữa nhiều biến động; thông tuyến đường công vụ phục vụ Dự án Sân bay Long Thành; AES - tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ thoái hết vốn tại Nhiệt điện Mông Dương 2…

Garmex Sài Gòn tạm ngừng sản xuất, từ 4.000 nhân viên nay còn 35 người

Công ty Dệt may Garmex Sài Gòn liên tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh ngành có nhiều khó khăn.

Nhà máy của Garmex Sài Gòn tại Quảng Nam

Nhà máy của Garmex Sài Gòn tại Quảng Nam

Công ty CP Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh.

Theo doanh nghiệp này, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy sẽ lỗ rất nhiều. Công ty đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Công ty cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Bên cạnh đó, Garmex Sài Gòn sẽ tối ưu hóa nguồn lực hiện có, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng, đồng thời đa dạng hóa ngành nghề để giảm thiểu rủi ro. Công ty cũng cho biết có đầu tư mới vào dự án nhà ở của Công ty CP Phú Mỹ trong năm nay (diện tích khoảng 1,5 ha).

Garmex Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tiếng tại TP.HCM, tuổi đời trên 20 năm. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Garmex Quảng Nam (Quảng Nam) với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 30/9, Công ty chỉ còn 37 nhân viên, giảm 1.945 người so với ngày 31/12/2022. Trong năm 2022, Công ty cũng giảm 1.828 nhân viên.

Quý III vừa qua, Công ty không có đơn hàng, mọi doanh thu đều đến từ phần dịch vụ. Công ty có tiết giảm chi phí nhưng đơn giá thuê đất tăng làm dày thêm khoản lỗ. Kết quả, Công ty lỗ quý thứ 5 liên tiếp với số lỗ 11 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 97% còn hơn 8 tỷ đồng và lỗ hơn 44 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 7 tỷ đồng). Tính tới ngày 30/9, Công ty đã lỗ lũy kế khoảng 66 tỷ đồng.

Duy nhất Ngân hàng BIDV tăng lãi suất giữa nhiều biến động

Bước sang tháng 12, lãi suất ngân hàng có nhiều biến động mạnh so với đầu tháng 11. Hiện, lãi suất các kỳ hạn đều dưới 6%.

Tháng 12, lãi suất ngân hàng có nhiều biến động mạnh so với đầu tháng 11

Tháng 12, lãi suất ngân hàng có nhiều biến động mạnh so với đầu tháng 11

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có 1 lần tăng và 1 lần giảm lãi suất huy động. Vì vậy, sau khi điều chỉnh, lãi suất huy động của ngân hàng này vẫn tăng nhẹ. Đây là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất huy động 0,1%/năm các kỳ hạn 6 - 9 tháng.

Đầu tháng 11, một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động trực tuyến trên 6%/năm. Nhưng sang tháng 12, lãi suất đều dưới 6%/năm.

Đơn cử, mới đây, Vietcombank đưa mức lãi suất tiền gửi thấp nhất về mức 2,4%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng, 2,7%/năm kỳ hạn 3 - 5 tháng và 3,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 - 9 tháng.

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng quốc doanh có số dư tiền gửi trên 1 triệu tỷ đồng, nhiều nhất hệ thống ngân hàng.

Agribank và VietinBank vẫn giữ nguyên lãi suất so với lần điều chỉnh gần nhất vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Tuy nhiên, ở kỳ hạn 12 và 18 tháng, ABBank lại là đơn vị trả lãi suất thấp nhất, chỉ 4,7%/năm và 4,4%/năm. Trong khi ở kỳ hạn này, Vietcombank trả 4,8%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh nhất tại CBBank, Dong A Bank và Sacombank với mức giảm là 0,6%/năm. PVCombank, BaoVietBank và VietCapital Bank cũng mạnh tay cắt giảm lãi suất kỳ hạn này với 0,5%/năm. Tiếp đến là ACB, Bac A Bank, SCB và Vietcombank giảm 0,4%/năm.

Đáng chú ý, CBBank là đơn vị giảm lãi suất mạnh nhất tại kỳ hạn 9 tháng, với mức giảm lên tới 1,2%/năm, vị trí thứ hai là Sacombank với mức giảm 0,65%/năm.

DongA Bank, PVCombank, BaoVietBank giảm 0,5%/năm. Bac A Bank, SCB, Vietcombank cùng giảm 0,4%/năm.

Ở kỳ hạn 12 tháng, Sacombank mạnh tay giảm đến 1,2%/năm. ACB đứng thứ hai sau khi giảm 0,8%/năm. CBBank giảm 0,6%/năm, PVCombank và BaoVietBank cùng giảm 0,5%/năm.

Thông tuyến đường công vụ phục vụ Dự án Sân bay Long Thành

Đường công vụ phục vụ Dự án sân bay Long Thành là một hạng mục thuộc Dự án tuyến T1 và T2. Đường có chiều dài hơn 4 km, rộng 6 m, nối từ Quốc lộ 51 đến công trường Dự án.

Các đơn vị thi công tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Các đơn vị thi công tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Ngày 2/12, ông Phan Văn Ý, Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành (tuyến T1 và T2) cho biết, sau hơn 4 tháng thi công, tuyến đường công vụ phục vụ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) đã chính thức thông tuyến.

Từ tháng 12 này, các phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công Dự án sẽ lưu thông trên đường công vụ. Đường được thảm đá mi, có thể chịu được tải trọng lớn.

Sau này, khi sân bay Long Thành và tuyến T1, T2 hoàn thành, đường công vụ sẽ là dải phân cách giữa của tuyến T1 và được trồng cỏ nhằm tạo cảnh quan.

Dự án sân bay Long Thành đang đồng loạt triển khai nhiều gói thầu. Thời gian qua, máy móc, phương tiện ra vào sân bay chỉ có thể di chuyển trên Đường 769. Tuy nhiên, Đường 769 nhỏ hẹp lại vướng hầm chui cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên gặp nhiều khó khăn.

Đường công vụ dọc tuyến T1 hoàn thành sẽ phục vụ đắc lực cho quá trình thi công sân bay Long Thành, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu vận chuyển máy móc, phương tiện lớn.

Về quá trình xây dựng 2 tuyến giao thông kết nối, ông Phan Văn Ý cho biết, liên danh nhà thầu đang huy động hơn 800 nhân lực và máy móc, phương tiện triển khai 12 mũi thi công. Đối với tuyến T1, mặt bằng cơ bản đã bàn giao xong, việc thi công thuận lợi. Tại tuyến T2, việc thi công gặp nhiều khó khăn do mặt bằng xôi đỗ.

AES - tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ thoái hết vốn tại Nhiệt điện Mông Dương 2

AES - tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ - "chốt" bán 51% cổ phần sở hữu tại Nhiệt điện Mông Dương 2 cho đối tác Cộng hòa Czech.

Nhiệt điện Mông Dương 2 có công suất 1.242 MW, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, là dự án BOT điện than đầu tiên tại Việt Nam
Nhiệt điện Mông Dương 2 có công suất 1.242 MW, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, là dự án BOT điện than đầu tiên tại Việt Nam

Số tiền chuyển nhượng của thương vụ này không được tiết lộ. Theo thông báo của AES, việc thoái vốn tại Nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh) là bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải thấp mà "ông lớn" này theo đuổi.

Thương vụ chuyển nhượng này sẽ hoàn thành vào năm 2025, sau khi được Bộ Công Thương, Chính phủ chấp thuận.

Ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó Chủ tịch điều hành AES cho biết, Tập đoàn đánh giá cao mối quan hệ kinh doanh bền chặt với Việt Nam, nơi AES là đối tác chiến lược cung cấp nguồn điện đáng tin cậy, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng dài hạn của Việt Nam.

Trong khi đó, Sev.en Global Investments - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển, vận hành nhà máy điện, khai thác mỏ của Cộng hòa Czech cho biết, việc mua lại cổ phần tại Mông Dương 2 là một phần trong kế hoạch gia nhập thị trường châu Á.

Nhiệt điện Mông Dương 2 có công suất 1.242 MW, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, là dự án BOT điện than đầu tiên tại Việt Nam. Dự án này vận hành từ năm 2015 với 3 cổ đông chính, gồm AES (51% cổ phần), Posco Energy (Hàn Quốc) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) giữ lần lượt 30% và 19%.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) ký với EVN có hiệu lực trong 25 năm. Nhà máy này sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm vận hành.

Rút khỏi điện than, nhưng AES cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào điện khí tại Việt Nam, với 2 dự án đang hợp tác cùng công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gồm Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ 1,3 tỷ USD và Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ, công suất 2.250 MW tại Bình Thuận. Các dự án này đã được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7 năm nay.

Hà Nội thu hồi 50 dự án với tổng diện tích 2.879 ha do chậm triển khai

Đến hết tháng 10, Hà Nội đã xem xét, quyết định thu hồi 50 dự án với tổng diện tích 2.879 ha chậm triển khai trên địa bàn.

50 dự án với tổng diện tích 2.879 ha bị xem xét thu hồi nằm trong 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

50 dự án với tổng diện tích 2.879 ha bị xem xét thu hồi nằm trong 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Thông tin này được UBND TP. Hà Nội cho biết trong báo báo gửi Hội đồng Nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết 04 về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.

Hà Nội đã rà soát 712 dự án. Trong đó, 50 dự án với tổng diện tích hơn 2.879 ha bị xem xét thu hồi nằm trong 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, 32 dự án đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất. 18 dự án còn lại đang giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện làm rõ một số nội dung liên quan để xử lý.

Trong 32 dự án đã có quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất có loạt dự án khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, chậm triển khai chục năm như khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh, khu đô thị mới Việt Á, khu đô thị mới BMC, khu đô thị mới Prime Group, khu nhà ở cao cấp Phương Viên đều tại huyện Mê Linh.

Đến hết ngày 31/10, Hà Nội có 330 dự án được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai. 350 dự án đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Với nhóm này, Thành phố giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng.

32 dự án còn phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Hà Nội dự kiến hoàn thiện trong tháng 12/2023.

Thanh Hóa dự kiến xây cáp treo ở Pù Luông

Trong Đề án phát triển khu du lịch Pù Luông, tỉnh Thanh Hoá dự kiến làm tuyến cáp treo lên đỉnh Pù Luông nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Một góc bản làng ở khu du lịch Pù Luông

Một góc bản làng ở khu du lịch Pù Luông

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu của Dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Đề án cũng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Pù Luông.

Chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của Thanh Hóa, có tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Đề án dự kiến thực hiện trên diện tích gần 17.000 ha thuộc phạm vi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Kinh phí dự kiến khoảng 183 tỷ đồng.

Tỉnh Thanh Hoá đặt ra yêu cầu trong thời gian đầu sẽ thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư lớn để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Khu hành chính tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn sẽ được xây dựng hoàn thiện. Các điểm tham quan, nghỉ dưỡng như thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già sẽ được mở rộng, kết nối các điểm du lịch khác tạo thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng.

Đáng chú ý, Đề án có chính sách hấp dẫn kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông với khu du lịch Cao Sơn, nằm ở độ cao gần 2.000 m thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Sẽ đình chỉ giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp không công bố báo cáo tài chính kiểm toán

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, sẽ đình chỉ giao dịch của các doanh nghiệp UPCoM không thực hiện công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Trên thị trường UPCoM hiện có khá nhiều doanh nghiệp bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Ảnh minh họa

Trên thị trường UPCoM hiện có khá nhiều doanh nghiệp bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Ảnh minh họa

Theo HNX, nghĩa vụ công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của công ty đại chúng được quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thực hiện công tác giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức đăng ký giao dịch (ĐKGD), nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, HNX tăng cường theo dõi, phát hiện các trường hợp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin BCTC của tổ chức ĐKGD trên thị trường UPCoM, xử lý vi phạm theo Quy chế đăng ký và quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, đưa vào diện hạn chế giao dịch cổ phiếu của các tổ chức ĐKGD chậm nộp BCTC năm đã được kiểm toán hoặc BCTC bán niên đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

Đình chỉ giao dịch cổ phiếu của các tổ chức ĐKGD trong diện hạn chế giao dịch mà không có biện pháp khắc phục, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không thực hiện công bố BCTC kiểm toán năm từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.

Trên thị trường UPCoM hiện có khá nhiều doanh nghiệp bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chưa công bố BCTC năm kiểm toán. HNX đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục vi phạm. Trong trường hợp tổ chức ĐKGD không có biện pháp khắc phục, HNX sẽ đình chỉ giao dịch theo quy định và hướng dẫn của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục