Bản tin thời sự sáng 31/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đón siêu tàu container lớn nhất thế giới; Vietnam Airlines lại xin khất nộp báo cáo tài chính; thông hầm dẫn nước Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 1 đạt trên 11 tỷ USD; khách Hàn Quốc đến Việt Nam lớn nhất quý I…

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đón siêu tàu container lớn nhất thế giới

Ngày 30/3, Cảng quốc tế Gemalink vừa đón chuyến tàu container OOCL Spain với sức chở 24.188 Teu (khoảng hơn 230.000 DWT) của hãng tàu OOCL trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á - Âu. Đây là tàu container lớn nhất từ trước tới nay cập cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Siêu tàu container OOCL Spain với sức chở 24.188 TEU

Siêu tàu container OOCL Spain với sức chở 24.188 TEU

Đây là chuyến hành trình đầu tiên của tàu OOCL Spain trên tuyến Á - Âu LL3 đi qua các cảng biển của Trung Quốc, ghé Cái Mép rồi theo các hải trình Singapore - Piraeus - Hamburg - Rotterdam - Zeebrugge - Valencia - Piraeus - Abu Dhabi - Singapore - Thượng Hải. Hành trình kéo dài 84 ngày.

Với sức chở lên đến 24.188 TEU (hơn 232.000 DWT), tổng chiều dài 399,99 m và rộng 61,3 m, cùng mớn nước tàu vào -15 m và mớn nước tàu ra -15.5 m, OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.

Đây là con tàu mới nhất vừa được xuất xưởng vào ngày 16/2/2023, có sức chở TEU nằm trong những tàu lớn nhất thế giới, được Cục Vận chuyển Hoa Kỳ (ABS) trao tặng 3 chứng nhận "Tàu thông minh (Smart Ship)" thân thiện với môi trường; và là tàu container lớn nhất từ trước đến nay cập hệ thống cảng Việt Nam.

Việc hãng tàu OOCL lựa chọn Cảng Gemalink là một điểm kết nối tin cậy trong tuyến dịch vụ của hãng này một lần nữa khẳng định năng lực của Cảng Gemalink trong việc tiếp nhận các thế hệ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các hãng tàu quốc tế, đồng thời củng cố hơn nữa vai trò quan trọng của cụm cảng nước sâu Cái Mép trên các tuyến hàng hải xuyên châu lục.

Vietnam Airlines lại xin khất nộp báo cáo tài chính

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) xin tạm hoãn công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Trước đó, HoSE có văn bản gửi Vietnam Airlines lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu HVN

Trước đó, HoSE có văn bản gửi Vietnam Airlines lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu HVN

Theo quy định, doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức nộp chậm nhất vào ngày 31/3.

Vietnam Airlines lý giải, Tổng công ty có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) cùng 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Bên cạnh đó, Tổng công ty đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong điều kiện như vậy, Vietnam Airlines cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.

"Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán", Vietnam Airlines cho biết và xin được gia hạn công bố Báo cáo tài chính năm 2022. Tuy nhiên, hãng bay không đưa ra thời gian cụ thể.

Trước đó, HoSE đã cảnh báo Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu doanh nghiệp này. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm 10.453 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 âm 34.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.

Thông hầm dẫn nước Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

Ngày 30/3, Ban Quản lý dự án điện 2 phối hợp với nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Bộ Quốc Phòng hoàn thành thông đoạn hầm dẫn nước Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng.

Thi công dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

Thi công dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

Như vậy, đến thời điểm này, khoảng 5,7 km đường hầm của Dự án đã hoàn thành, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và thiết bị.

Hầm dẫn nước là một trong những hạng mục khó khăn nhất của dự án này. Hầm có chiều dài hơn 3,3 km, đường kính đào và gia cố tạm từ 7,8 - 8,2m. Trong số đó, đoạn hầm đi qua khu vực vùng trũng suối Iatran có địa chất xấu do gặp nhiều hệ thống đứt gãy lớn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro; các đoạn còn lại đi qua khu vực đá rắn chắc, khó khăn trong thi công nổ mìn phá đá.

Cùng với đó, Dự án gặp nhiều khó khăn do phải tiến hành nổ mìn thử nghiệm và giám sát ảnh hưởng chấn động do nổ mìn đối với công trình hiện hữu dẫn đến phải hạn chế lượng thuốc nổ và chiều dài chu kỳ khoan nổ mìn…

Trước đây, việc thi công hạng mục này chủ yếu phải nhờ đến các chuyên gia của Liên bang Nga, nhưng với dự án này hoàn toàn là các kỹ sư, công nhân Việt Nam.

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng triển khai xây dựng tại xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án điện 2 điều hành Dự án; Liên danh Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Sông Đà - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty Lilama 10 triển khai thi công xây lắp.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 1 đạt trên 11 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 1,76 tỷ USD, giảm 39,6%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,63 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,63 tỷ USD

Tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,66 tỷ USD, tăng 27% so với tháng 2, nhưng giảm 6,5% so với tháng 3/2022. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,42 tỷ USD (tăng 16,3% so tháng 3/2022), lâm sản đạt 1,29 tỷ USD (giảm 22,5%), thủy sản đạt 720 triệu USD (giảm 29%) và chăn nuôi đạt 47,4 triệu USD (tăng 44,8%).

Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của nhóm nông sản đạt 5,73 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2022; lâm sản đạt 3,11 tỷ USD, giảm 28,3%; thủy sản đạt 1,79 tỷ USD, giảm 29,0%; riêng chăn nuôi đạt 115 triệu USD, tăng 46,5%.

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần; châu Mỹ 20,3%; châu Âu 12,8%; châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,2%.

Về thị trường riêng lẻ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ hai là Mỹ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ ba là Nhật Bản với giá trị 936 triệu USD (chiếm 8,4%).

Cần Thơ sẽ xây 5 cầu vượt tổng vốn 2.100 tỷ đồng

TP. Cần Thơ chuẩn bị xây 5 cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm với tổng vốn 2.100 tỷ đồng, trong đó gần 80% vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Nút giao 3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Nút giao 3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Ngày 30/3, ông Phạm Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, 5 cầu vượt được đề xuất xây dựng tại các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc gồm: Mậu Thân - 3 tháng 2, Mậu Thân - Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh - 3 tháng 2, Nguyễn Văn Linh - 30 tháng 4 (thuộc quận trung tâm Ninh Kiều).

Các dự án này có tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, tương đương 85,5 triệu USD. Trong đó, đề xuất nguồn vốn vay từ ADB gần 80%; còn lại hơn 20% là đối ứng từ ngân sách địa phương và các nguồn khác. Các cầu vượt tải trọng 30 tấn, rộng 15,5 m với 4 làn xe, được thực hiện giai đoạn năm 2023 - 2030.

Theo ông Đồng, việc xây các cầu nói trên là cần thiết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Phía ADB đã đồng ý tài trợ vốn sau nhiều phiên làm việc với địa phương.

Khách Hàn Quốc đến Việt Nam lớn nhất quý I

Hơn 810.000 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2023, trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất.

Phố cổ Hội An là một trong những điểm đến của Việt Nam thu hút du khách Hàn Quốc
Phố cổ Hội An là một trong những điểm đến của Việt Nam thu hút du khách Hàn Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 ước đạt hơn 895.000 lượt, giảm 4% so với tháng trước. So với cùng kỳ 2022, lượng khách tháng này tăng hơn 20 lần, nhưng chỉ bằng 64% năm 2019 (trước dịch). Tính chung quý I/2023, tổng lượt khách quốc tế ước đạt 2,7 triệu lượt, gấp 30 lần so quý I/2022, nhưng chỉ bằng 60% trước dịch.

Châu Á dẫn đầu lượng khách quý I. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất, ước đạt hơn 810.000 lượt trong 3 tháng đầu năm, tăng 55% so với cùng kỳ 2022 và bằng 81% trước dịch. Thứ hai là Trung Quốc với hơn 270.000 lượt, nhưng còn cách xa con số 1,4 triệu lượt so cùng kỳ 2019.

Trước dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, khi chiếm hơn 30% lượng khách ghé thăm. Dù vậy, trong năm nay, tệp khách này vẫn còn "nhỏ giọt". Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Minh Sang từng chia sẻ, sau mốc 15/3, khi khách Trung được phép sang Việt Nam du lịch theo đoàn, doanh nghiệp hai bên mới bắt đầu xúc tiến, trao đổi thông tin và gom khách.

Đứng thứ ba trong top thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong quý I/2023 là Mỹ, với hơn 200.000 lượt, tăng hơn 200% so cùng kỳ năm 2022, bằng 96% năm 2019.

Sẵn sàng nối lại hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Tà Lùng ở Cao Bằng

Các lực lượng tại cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) đã sẵn sàng phương án để thực hiện hoạt động xuất nhập cảnh từ đầu tháng 4 tới.

Dự kiến hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Tà Lùng sẽ nối lại từ đầu tháng 4/2023

Dự kiến hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Tà Lùng sẽ nối lại từ đầu tháng 4/2023

Trước khi có dịch Covid-19, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 người làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu tại Cao Bằng đã cơ bản tạm dừng khi dịch Covid-19 bùng phát, cho đến thời điểm này, tại Cao Bằng mới chỉ làm thủ tục thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu Sóc Giang, Trà Lĩnh, Tà Lùng.

Theo công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, phía bạn đã có thông báo nối lại hoạt động xuất nhập cảnh tại cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu từ ngày 1/4/2023. Đây là tín hiệu tích cực nhằm nối lại các hoạt động kinh tế qua biên giới hai nước, đặc biệt là việc đón các đoàn khách du lịch Trung Quốc tới Cao Bằng.

Tin cùng chuyên mục