Bản tin thời sự sáng 31/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 60.000 tỷ đồng đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu; hàng loạt cổ vật triều Nguyễn sắp được bán đấu giá ở Pháp; cấm xe tải trên 30 tấn đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 4/4; Lào Cai đầu tư 90 tỷ đồng làm hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên…

Hơn 60.000 tỷ đồng đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận cùng quyết định đầu tư cho 15 dự án, tổng vốn 60.000 tỷ đồng tại Hội nghị công bố quy hoạch Tỉnh, ngày 30/3.

Lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Trong số này có 10 dự án trong nước; 5 dự án đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực hóa chất, công nghiệp, điện tử, dược phẩm, đô thị, công nghiệp, du lịch... Một số dự án có quy mô vốn đầu tư lớn như: Nhà máy thép tấm lợp tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (4.500 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất hạt nhựa polypropylene Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Cái Mép (1.390 tỷ đồng); Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam tại Khu công nghiệp Châu Đức (250 triệu USD); Dự án sản xuất bio-based BDO tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II (730 triệu USD)...

Quý I năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án với tổng vốn hơn 62.000 tỷ đồng, đạt 90,8% kế hoạch năm 2024. Trong đó có 13 dự án FDI với tổng vốn hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ vật triều Nguyễn sắp được bán đấu giá ở Pháp

Trong hàng loạt cổ vật của hoàng gia triều Nguyễn sắp được bán đấu giá ở Pháp, có những món rất quý, liên quan trực tiếp đến cuộc đời của các vị vua như Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại, Kiến Phúc.

Kiếm của vua Hàm Nghi tặng cho Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam Brière de l'Isle

Kiếm của vua Hàm Nghi tặng cho Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam Brière de l'Isle

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin về hàng loạt cổ vật liên quan đến vua và hoàng gia triều Nguyễn đấu giá ở Pháp vào ngày 26/4 tới.

Theo thông tin từ nhà đấu giá Drouot, bộ sưu tập này có 273 món hàng gồm những kim bài, thẻ bài, huân chương, tiền vàng, sắc phong… liên quan đến hệ thống cấp bậc quan lại trong triều đình, những vật dụng của vua ban cho triều thần và các khâm sứ Pháp tại Việt Nam.

Đáng chú ý, trong số đó có thanh kiếm ghi thông tin là của vua Hàm Nghi tặng cho Tướng Brière de l'Isle (tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam, sau này là thống đốc Senegal) vào năm 1885.

Thanh kiếm dài 97,5cm, lưỡi kiếm dài 70cm, chuôi kiếm làm bằng bạc có chạm khắc hình đầu hổ. Phần tay nắm ở chuôi kiếm làm bằng ngà voi có chạm khắc họa tiết hoa lá tinh xảo. Bao kiếm làm bằng gỗ, được khảm ốc xà cừ. Phần đuôi vỏ kiếm bịt bạc và được chạm khắc hình rồng.

Thanh kiếm này được đấu giá kèm theo một tờ giấy đỏ trang trí rồng vờn mây, bỏ trong một hộp tre. Nội dung trên giấy được cho là do chính vua Hàm Nghi viết, tạm dịch như sau: "Theo lệnh của Hoàng thượng An Nam, các đại thần Cơ Mật viện hân hạnh gửi tới ngài Brière de l'Isle, Tướng sư đoàn, Tổng tư lệnh quân đội Bảo hộ Pháp ở Bắc Kỳ, một thanh kiếm có cán ngà voi, hình đầu hổ, trang trí bằng bạc; cũng như hai chiếc ngà voi. Ngày 16 tháng 1 năm Hàm Nghi thứ nhất (2/3/1885)".

Đây là thời điểm mà vua Hàm Nghi vừa lên ngôi và đang cùng với các đại thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nung nấu ý định chống Pháp. Giá khởi điểm của thanh kiếm này là 3.000 - 3.500 euro (80 - 93 triệu đồng).

Kim bài và ngọc khánh của vua Khải Định cũng được nhà đấu giá đưa lên sàn lần này. Chiếc kim bài bằng vàng được đính ngọc trai và kim cương, trên mặt chạm hình rồng và khắc chữ "Thái bình Thiên tử". Giá khởi điểm của kim bài là 80.000 - 120.000 euro (2,5 - 3,2 tỷ đồng).

Cấm xe tải trên 30 tấn đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 4/4

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị cắm biển báo cấm xe tải trên 30 tấn, xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ ngày 4/4.

Xe khách trên 30 chỗ, xe tải trên 30 tấn bị cấm lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Xe khách trên 30 chỗ, xe tải trên 30 tấn bị cấm lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra thông báo xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục (tải trọng trên 30 tấn) sẽ chuyển sang đi Quốc lộ 1, chạy song song cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Phương án tổ chức giao thông này giúp phân luồng gần 3.500 lượt xe một ngày đêm từ cao tốc sang Quốc lộ 1.

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Khu quản lý đường bộ II, nhà thầu bổ sung biển báo cấm, chỉ dẫn tại các nút giao ra vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn và các đoạn tuyến phù hợp phương án điều tiết phương tiện, hoàn thành trước ngày 4/4.

Nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư với hai làn xe, mặt đường tính cả lề chỉ rộng 12 m. Giai đoạn một, khoảng 85 km được thiết kế hai làn phần lớn có vạch liền màu vàng cấm vượt, cấm lấn làn. Cách khoảng 10 km lại có đoạn vượt 1 - 1,5 km bốn làn xe, có làn dừng khẩn cấp. Ô tô được chạy 60 - 80 km/h tại đoạn hai làn, tối đa 80 km/h tại đoạn bốn làn.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe tải nặng và xe khách khiến nhiều người chết. Xe tải nặng thường chạy 40 - 50 km/h, không thể đạt tốc độ tối thiểu 60 km/h, làm giảm năng lực thông hành cao tốc và gây ức chế khiến xe đằng sau phải vượt sai phép.

Lào Cai đầu tư 90 tỷ đồng làm hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên

HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa tổ chức Kỳ họp thứ 18 thông qua Nghị quyết sử dụng ngân sách thực hiện Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường, Lai Châu dài 8,8 km, trong đó có 2,5 km hầm. Ảnh minh họa

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường, Lai Châu dài 8,8 km, trong đó có 2,5 km hầm. Ảnh minh họa

Dự án do UBND tỉnh Lào Cai làm cơ quan chủ quản, với tổng vốn dự kiến 90 tỷ đồng, từ nguồn thu tiền sử dụng đất ngân sách tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, để thực hiện công tác hỗ trợ bồi thường, tái định cư phần diện tích đất thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường có chiều dài tuyến dự kiến 8,8 km (trong đó 2,5 km là tuyến hầm) với 4,65 km thuộc địa phận tỉnh Lai Châu và 4,15 km thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

Mục tiêu tổng thể của Dự án là tạo một tuyến đường tránh đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa với huyện Tam Đường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu cũng như khu vực Tây Bắc; góp phần thu hút đầu tư phát triển các vùng lân cận dọc tuyến, đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Khánh thành nhà máy nước lớn nhất Thừa Thiên Huế

Từ ngày 30/3, Nhà máy Nước Vạn Niên với vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng bắt đầu hoạt động, cung cấp nước sạch cho hơn một triệu dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhà máy Nước Vạn Niên nằm cạnh đồi Vọng Cảnh, ven sông Hương

Nhà máy Nước Vạn Niên nằm cạnh đồi Vọng Cảnh, ven sông Hương

Nhà máy Nước Vạn Niên nằm trên diện tích 13,5 ha ở phường Thủy Biều, TP. Huế, được khởi công cách đây 3 năm, do Công ty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế làm Chủ đầu tư.

Dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một, nhà thầu xây dựng tất cả các hạng mục đảm bảo công suất 60.000 m3 nước/ngày đêm. Giai đoạn hai dự kiến hoàn thành cuối năm nay, Nhà máy sẽ được hoàn thiện, lắp đặt máy móc thiết bị công nghệ, nâng công suất lên 120.000 m3/ngày đêm.

Chủ đầu tư cho biết, Nhà máy sử dụng công nghệ bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện môi trường, giúp xử lý nguồn nước đục, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Chất lượng nước sau lọc có độ đục thấp hơn 100 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam; Fe, Mn thấp hơn 300 lần.

Vạn Niên là nhà máy nước quy mô lớn nhất Thừa Thiên Huế, giúp cải thiện lưu lượng nước khu vực phía Bắc và phía Nam TP. Huế, cung cấp nước cho hơn một triệu dân, bằng với dân số của Tỉnh (hơn 1,2 triệu). Trước Vạn Niên, Thừa Thiên Huế có trạm bơm cấp 1 Nhà máy Nước Vạn Niên xây dựng từ thời Pháp, Nhà máy Nước Quảng Tế và các nhà máy nước cấp huyện, nhưng công suất thấp.

Tạm hoãn xuất cảnh với Chủ tịch Hãng phim truyện Việt Nam

Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty nợ thuế.

Hiện trạng xuống cấp trầm trọng của Hãng phim truyện Việt Nam

Hiện trạng xuống cấp trầm trọng của Hãng phim truyện Việt Nam

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam). Ông Thắng cũng là đại diện theo pháp luật của đơn vị này.

Ông Nguyễn Danh Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế. Trước đó, ngày 21/11/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có Quyết định số 81970 về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Hãng phim truyện Việt Nam.

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội thông báo về nội dung này.

"Cục Thuế TP. Hà Nội thông báo đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội được biết để quý cơ quan phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế trong trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam thay đổi người đại diện pháp luật, đồng thời cung cấp các tài liệu chứng minh sự thay đổi cho cơ quan thuế", văn bản nêu.

Hãng phim truyện Việt Nam đặt tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Công khai 16 lãnh đạo doanh nghiệp ở Quảng Bình bị tạm hoãn xuất cảnh

16 lãnh đạo doanh nghiệp tại Quảng Bình bị tạm hoãn xuất cảnh bởi đây là những đơn vị nợ thuế.

Trụ sở Cục Thuế tỉnh Quảng Bình

Trụ sở Cục Thuế tỉnh Quảng Bình

Ngày 30/3, thông tin từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã ban hành các thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 16 đại diện doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế.

Những doanh nghiệp này nợ thuế nên bị cưỡng chế thuế, hoãn xuất cảnh lãnh đạo công ty nhằm thu hồi thuế.

Trước đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã công khai danh sách gần 50 đơn vị còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, với tổng số tiền gần 770 tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách này là Công ty CP Tập đoàn FLC, với số tiền nợ gần 278 tỷ đồng; tiếp đó là Công ty CP Khai thác, sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình 134,6 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất vật liệu và Xây dựng Cosevco 1 nợ hơn 76,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Sơn Hải Riverside nợ hơn 53,7 tỷ đồng…