Bản tin thời sự sáng 3/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là rút giấy phép cây xăng không xuất hóa đơn từng lần trong tháng 3; TP.HCM sẽ rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục đầu tư công; hệ thống KRX sắp diễn tập lần 1, chứng khoán chờ đợi giao dịch trong ngày; giá vàng SJC lên 81 triệu đồng/lượng, mức chưa từng có trong lịch sử…

Rút giấy phép cây xăng không xuất hóa đơn từng lần trong tháng 3

Thủ tướng yêu cầu, nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử để xuất hóa đơn từng lần bán trong tháng 3 thì thu hồi giấy phép.

Khách trả tiền đổ xăng bằng thẻ tín dụng tại một cây xăng ở Quận 1, TP.HCM
Khách trả tiền đổ xăng bằng thẻ tín dụng tại một cây xăng ở Quận 1, TP.HCM

Thông tin này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 2/3.

Thủ tướng chỉ đạo ngành thuế đẩy nhanh sử dụng hóa đơn điện tử trong các lĩnh vực kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. "Dứt khoát thu hồi giấy phép nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng hoá đơn điện tử trong tháng 3", Thủ tướng nói.

Năm ngoái, Thủ tướng từng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Quá thời hạn này, nhiều cây xăng vẫn chưa thực hiện, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần yêu cầu cơ quan thuế kiểm tra và xử lý nghiêm các cây xăng vi phạm.

Sử dụng hóa đơn điện tử thay giấy nằm trong lộ trình chuyển đổi số của ngành thuế. Việc này giúp cơ quan thuế quản chặt nguồn thu, tránh tình trạng mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế.

Hiện cả nước có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022. Đến 1/2, khoảng 6.144 cây xăng, chiếm 36% cây xăng trên cả nước, đã thực hiện việc này.

TP.HCM sẽ rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục đầu tư công

Để giải ngân được 75.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục dự án.

Thi công Dự án đường nối kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất

Thi công Dự án đường nối kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất

UBND TP.HCM vừa ban hành "Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024" để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai các công trình trọng điểm.

Trong đó, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban ngành rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Đồng thời, tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần làm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Vốn đầu tư công được xem là vốn mồi cho nền kinh tế. Năm nay, TP.HCM xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Địa phương đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng - cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng.

Cục Thống kê TP.HCM cho biết, giải ngân đầu tư công trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2023 (hơn 2.800 tỷ đồng).

Bên cạnh kế hoạch rút ngắn thời gian làm thủ tục, UBND TP.HCM đề nghị các địa phương trực thuộc có chế tài và xử lý nghiêm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Hàng tháng, Sở Nội vụ cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước Thành phố tham mưu, đề xuất phê bình, khiển trách, kỷ luật tập thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp.

Năm 2023, TP.HCM giải ngân được 67% vốn đầu tư công (gần 46.000 tỷ đồng), không đạt mục tiêu đề ra.

Hệ thống KRX sắp diễn tập lần 1, chứng khoán chờ đợi giao dịch trong ngày

HoSE sẽ diễn tập chuyển đổi lần 1 của hệ thống KRX từ ngày 4 - 8/3 và các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm nhập lệnh vào tuần sau đó.

Hệ thống KRX đi vào vận hành là kỳ vọng của thị trường

Hệ thống KRX đi vào vận hành là kỳ vọng của thị trường

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo đến các công ty chứng khoán về kế hoạch diễn tập chuyển đổi lần 1 của hệ thống KRX từ ngày 4 - 8/3.

Đây là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HoSE ký kết thiết kế với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012.

Hệ thống KRX đi vào vận hành được kỳ vọng mang đến những thay đổi trên thị trường như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)... Từ đó, hệ thống tạo tiền đề giải quyết các nút thắt như: thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để tiến tới nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Theo thông báo, các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và Cutover Test (kiểm tra việc chuyển đổi) vào ngày 7/3.

Từ ngày 11 đến ngày 15/3, các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán như một ngày giao dịch bình thường.

HoSE lưu ý, ngày đầu tiên trên hệ thống là ngày 4/3. Dữ liệu cho ngày giao dịch đầu tiên là dữ liệu cuối ngày 1/3. Sở cũng đề nghị các công ty chứng khoán chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi của mình (nếu cần thiết) và nghiêm túc thực hiện diễn tập.

Tại lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Thìn (ngày 19/2), bà Nguyễn Thị Việt Hà - quyền Chủ tịch HoSE cho biết, Dự án KRX đã đạt một số bước tiến đáng kể, thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng (FAT) và tiến đến xem xét việc triển khai hệ thống trong thời gian tới.

Theo kế hoạch ban đầu của HoSE, hệ thống KRX chính thức được hoạt động ngày 25/12/2023. Tuy nhiên, ngày 21/12/2023, HoSE có văn bản thông báo tới các công ty chứng khoán thành viên về thực hiện kiểm thử FAT trong 3 ngày từ ngày 22/12 đến 24/12/2023 và báo cáo kết quả cho Sở vào ngày 25/12/2023.

Giá vàng SJC lên 81 triệu đồng/lượng, mức chưa từng có trong lịch sử

Giá bán ra vàng miếng SJC chạm mốc 81 triệu đồng/lượng - mức kỷ lục từ trước tới nay. Chênh lệch mua bán lên tới 2,5 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC lập đỉnh lịch sử

Vàng miếng SJC lập đỉnh lịch sử

Sáng 2/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 78,5 - 81 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 600.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 1,1 triệu đồng ở chiều bán ra so với mở phiên sáng 2/3. Chênh lệch mua, bán lên tới 2,5 triệu đồng/lượng.

81 triệu đồng/lượng là giá kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước tới nay. Kỷ lục trước đó là ngày 26/12/2023 khi mỗi lượng vàng miếng bán ra có giá 80,3 triệu đồng/lượng. Trong tuần qua, có thời điểm giá chiều bán ra đạt 80 triệu đồng, song lại nhanh chóng đánh mất mốc này.

Vàng nhẫn được niêm yết tại 65,3 - 66,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 900.000 đồng ở chiều mua vào và bán ra. Giá bán vàng nhẫn loại 0,5 chỉ chạm mốc 66,6 triệu đồng/lượng. Vùng giá này cũng là giá cao nhất của vàng nhẫn từ trước tới nay.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng ngày 2/3 đạt 2.082 USD, tăng 38 USD so với phiên 1/3. Giá thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,5 triệu đồng/lượng với vàng miếng và 3 - 3,5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Giá lúa, gạo xuất khẩu lao dốc

Giá lúa, gạo xuất khẩu giảm 10 - 12% so với cuối năm ngoái, trong đó gạo 5% tấm giảm về dưới 600 USD một tấn.

Cửa hàng gạo trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP.HCM)

Cửa hàng gạo trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP.HCM)

Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát - đơn vị thu mua lúa gạo ở miền Tây cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp mua 1.000 - 2.000 tấn lúa vụ Đông Xuân. Sản lượng thu mua gấp 3 lần vụ Thu Đông năm ngoái, song giá thấp hơn 12%, cao nhất 8.000 đồng/kg.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm, giá lúa hạ 1.000 - 1.300 đồng/kg. Các loại gạo tại kho cũng giảm 1.200 - 1.800 đồng/kg, khiến giá gạo xuất khẩu điều chỉnh theo.

Hiện, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD/tấn phiên 29/2, giảm 6 USD/tấn so với ngày trước đó. Với mức này, gạo Việt đang thấp hơn Pakistan và Thái Lan lần lượt 12 - 15 USD/tấn. Tương tự, gạo 25% và 100% tấm còn 570 USD và 498 USD một tấn.

Giá lúa, gạo xuất khẩu lao dốc, theo bà Huyền, là do nguồn cung trong nước dồi dào nhưng các đơn hàng nhập khẩu mới chậm. Các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam chưa ký hợp đồng mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong nước liên tục lỗ vì giá lúa neo cao trong thời gian dài. Điều này buộc họ phải điều chỉnh giá mua ở mức phù hợp.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, vụ Đông Xuân năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống gần 1,5 triệu ha. Tới nay, nông dân đã thu hoạch trên 300.000 ha. Vụ Đông Xuân dự kiến cho năng suất cao nên nguồn cung dồi dào, đảm bảo cho thị trường trong nước, xuất khẩu.

TP.HCM: Quận 1 đề nghị sớm tìm nhà đầu tư mới cho khu Mả Lạng

Quận 1 (TP.HCM) đề nghị sớm tìm nhà đầu tư mới đủ năng lực thực hiện dự án ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng) tránh kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân.

Khu Mả Lạng ở trung tâm TP.HCM

Khu Mả Lạng ở trung tâm TP.HCM

"Quận 1 kỳ vọng Thành phố tìm được nhà đầu tư đủ năng lực để chỉnh trang bộ mặt đô thị khu vực này, giúp cuộc sống người dân sớm ổn định vì quy hoạch đã kéo dài hơn 20 năm", bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Quận 1 nói.

Khu Mả Lạng, hay còn gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh. Nơi này trước 1975 là nghĩa địa, sau đó được Thành phố cho di dời, từ đó nhiều người đến sống và trở thành khu dân cư ở trung tâm thành phố. Trong khu vực có hơn 530 nhà dưới 20 m2, chủ yếu là siêu nhỏ, xuống cấp.

Từ năm 2000, TP.HCM chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng rộng 6,8 ha nhằm chỉnh trang đô thị và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai, nhưng không làm được. Năm 2007, Dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tổng số nhà phải giải tỏa là 1.424 căn. Tuy nhiên, Dự án tiếp tục bị treo. Năm ngoái, chính quyền Thành phố có công văn từ chối nhà đầu tư do "không có cơ sở xem xét đề xuất tiếp tục thực hiện".

Khi dự án bị hủy, Quận 1 đã ra quyết định thu hồi 1.424 thông báo thu hồi đất. Người dân được khôi phục quyền mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố tài sản nhưng vẫn bị hạn chế khi xây dựng mới. Nguyên nhân là dù dự án bị hủy nhưng khu Mả Lạng vẫn nằm trong quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị của Thành phố.

Theo bà Nga, tứ giác Nguyễn Cư Trinh được quy hoạch là khu phức hợp nhiều chức năng như văn phòng, nhà ở... Những người dân có đất rơi vào khu vực được quy hoạch nhà ở mong muốn được cấp phép xây nhà, tiếp tục ở lại. Trường hợp khác mong Thành phố sớm tìm được nhà đầu tư triển khai dự án. Người dân sẵn sàng rời đi nhưng mong được đền bù thỏa đáng, giải quyết dứt điểm để ổn định cuộc sống.

Nới điều kiện, thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng cũng được mua nhà xã hội

Bộ Xây dựng vừa đề xuất người có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất bỏ tiêu chí về điều kiện cư trú.

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Ảnh minh họa.

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân về Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Dự thảo này nới lỏng một số điều kiện để người mua nhà dễ tiếp cận hơn với loại hình nhà ở này.

Cụ thể, Dự thảo quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở gồm: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.

Đối với trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15 m2 sàn/người.

Như vậy, so với quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định đã bỏ tiêu chí về điều kiện cư trú. Hiện theo quy định của pháp luật, người có nhu cầu mua nhà xã hội muốn được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.

Về điều kiện đối với thu nhập, Dự thảo quy định, với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 Luật Nhà ở thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như: có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 76 Luật Nhà ở thì phải thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.

Đối chiếu với quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn bị điều tra gian lận tài chính hơn 640 tỷ đồng

Điều tra 2 trong 21 dự án (tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng) của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, công an phát hiện không kê khai tài chính, trốn thuế..., gây thiệt hại hơn 640 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn

Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn

Chiều 2/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Tập đoàn Phúc Sơn do ông Nguyễn Văn Hậu, biệt danh "Hậu Pháo", làm Chủ tịch HĐQT. Công ty hoạt động từ năm 2004 ở cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc trong "phạm vi, mức độ vừa phải".

Từ 2015, Phúc Sơn "vươn mình mạnh mẽ" khi nhận được nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Hiện doanh nghiệp này có 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Trong vụ án vừa khởi tố, cơ quan điều tra bước đầu xem xét hai dự án ở Vĩnh Phúc, xác định Phúc Sơn "bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế". Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 640 tỷ đồng.

Theo trung tướng Tô Ân Xô, Phúc Sơn đang nợ thuế hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án chưa đủ điều kiện bàn giao nhưng Phúc Sơn đã bán và thu tiền của nhà đầu tư, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Vụ án sẽ được mở rộng điều tra.

Qua việc này, ông Xô cho rằng, còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý khi không kiểm kê tài chính, năng lực thực sự của doanh nghiệp. Phúc Sơn chỉ là "công ty cấp huyện", năng lực vừa phải nhưng lại trúng thầu các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý không nắm được thực trạng và vẫn để cho thực hiện các dự án.

Trong 6 bị can vừa bị khởi tố, nữ Phó Tổng giám đốc Phúc Sơn Nguyễn Thị Hằng mới học hết lớp bốn. Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh, C03 bắt ba cán bộ ở Tập đoàn Phúc Sơn là Nguyễn Thị Hằng (47 tuổi, Phó Tổng giám đốc), Đỗ Thị Mai (Kế toán trưởng), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên) và Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Á Group), Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do).