Trực thăng sẽ chở đề thi THPT ra Côn Đảo
Đề thi và 18 cán bộ làm nhiệm vụ cho 99 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ được trực thăng chở ra Côn Đảo trước ngày thi đầu tiên.
Máy bay của Công ty Trực thăng miền Nam chuẩn bị cất cánh tại sân bay Vũng Tàu |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, điểm thi cách đất liền 185 km sẽ được tổ chức tại trường THPT Võ Thị Sáu. Như mọi năm, dự kiến ngày 5/7, đề thi và 18 cán bộ coi thi sẽ được máy bay trực thăng chở ra huyện Côn Đảo, dưới sự bảo vệ của công an.
Bài thi hàng ngày được niêm phong, bảo quản ở điểm thi và được máy bay chở về đất liền vào ngày 9/7, cùng với đoàn làm nhiệm vụ.
Năm nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 12.713 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, với 23 điểm thi ở hai thành phố, thị xã và 5 huyện. 1.480 giáo viên, 200 cán bộ thanh tra, giám sát, 90 cảnh sát...tham gia các khâu phục vụ kỳ thi.
Một điểm trường ở TP. Vũng Tàu in đề thi, lưu trữ bài và chấm thi. Từ đây, đề và bài thi được giao nhận hàng ngày.
Quảng Ninh ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi
Từ 10h ngày 2/7, UBND tỉnh Quảng Ninh ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi, riêng tàu chạy từ tuyến đảo về đất liền thì phải trước 17h.
Tàu cá neo đậu tại Cảng Cái Rồng sáng 2/7 |
Trong vùng Đông Bắc Bộ, Quảng Ninh gần với tâm bão Chaba nhất, lúc 13h cách khoảng 350 km. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện hơn 12.250 tàu cá lớn nhỏ của tỉnh đã biết tin bão và đang về bến cá, khu neo đậu, cảng cá trong, ngoài tỉnh để trú tránh. Còn 12 tàu cá đang trên vịnh Bắc Bộ và các tỉnh khác.
Toàn tỉnh có 14.500 lồng, bè nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 21.300 ha. Các cơ sở này đã chủ động, gia cố chằng chống khu vực nuôi trồng.
Tại đảo Cô Tô, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết đảo có khoảng 2.000 du khách. Chính quyền đã thông báo đến các nhà nghỉ, khách sạn khuyến cáo đến du khách. Sáng 2/7, biển không có gió to, hoạt động của du khách diễn ra bình thường.
Về lo ngại bão gây sóng to, ảnh hưởng đến an toàn du khách, ông Dũng cho biết, tàu chở khách du lịch ra đảo Cô Tô đã hiện đại hơn, đi lại bình thường trong điều kiện gió cấp 6 và 7. Trước 17h, các tàu sẽ dừng hoạt động để tránh bão.
Vành đai 3 TP.HCM sẽ khởi công sớm hơn 6 tháng
Vành đai 3 dài 76 km, tổng vốn hơn 75.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 6/2023, trước nửa năm so với kế hoạch.
Hướng tuyến Vành đai 3 TP.HCM |
Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết vào ngày 2/7. Hiện, dự án Vành đai 3 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP.HCM được giao làm cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện.
Ông Lâm cho biết, ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua, thành phố cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An - nơi tuyến Vành đai 3 đi qua tổ chức nhiều cuộc làm việc để sớm thực hiện dự án. Tháng 7 này, Chính phủ ra nghị quyết triển khai dự án, tháng 8 bắt đầu làm các thủ tục phê duyệt, bàn giao ranh giải phóng mặt bằng. Từ tháng 10 năm nay đến cuối năm sau, các địa phương đặt mục tiêu bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho dự án, trước khi hoàn thành toàn bộ vào tháng 3/2024.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương nỗ lực đẩy nhanh thực hiện dự án. Vì vậy theo kế hoạch mới, tuyến sẽ được khởi công giữa năm 2023, sớm hơn 6 tháng so với dự tính trước đây. Với kế hoạch này, các tỉnh thành đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản tuyến đường vào tháng 10/2025, xong toàn bộ và khai thác một năm sau đó.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, các địa phương đề xuất áp dụng chỉ định thầu rút gọn với hai gói thầu tư vấn và di dời hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ định thầu thường thực hiện với các gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ, còn tuyến Vành đai 3 quy mô lớn nên các địa phương cân nhắc bởi có thể gặp rủi ro.
Doanh nghiệp xin bỏ khai thác 5 tuyến buýt tại Hà Nội do hết tiền
Một doanh nghiệp xe buýt tại Hà Nội đã không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn của ngân hàng nên xin ngừng khai thác 5 tuyến từ ngày 1/8 tới.
Tuyến buýt số 45 (Khu đô thị Times City-Nam Thăng Long) của Công ty TNHH Bắc Hà có thể sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/8 tới. |
Công ty TNHH Bắc Hà vừa có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xin ngừng hoạt động 5 tuyến buýt mang số hiệu 41 (Nghi Tàm-Bến xe Giáp Bát); 42 (Bến xe Giáp Bát-Đức Giang); 43 (Công viên Thống Nhất-Đông Anh); 44 (Trần Khánh Dư-Bến xe Mỹ Đình) và 45 (Khu đô thị Times City-Nam Thăng Long).
Theo Giám đốc công ty TNHH Bắc Hà Nguyễn Kim Cương, hoạt động kinh doanh của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến doanh thu bị sụt giảm bất chấp những nỗ lực trong quản lý, điều hành.
Hiện, toàn bộ 57 ô tô phục vụ cho 5 tuyến buýt (từ tuyến 41 đến 45) đều được thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh. Ngày 24/6 vừa qua, công ty nhận được thông báo nợ quá hạn của ngân hàng, tính đến thời điểm trên đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc là hơn 54 tỷ đồng.
Dựa vào tình hình tài chính hiện có và nguồn thu thực tế, công ty không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn của ngân hàng và chắc chắn sẽ dẫn tới việc thu giữ tài sản thế chấp là 57 chiếc xe ô tô đang sử dụng cho 5 tuyến xe buýt làm ảnh hưởng đến vận tải hành khách theo các hợp đồng đã ký với Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội.
Với những khó khăn về tài chính không thể tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp này đề nghị Sở Giao thông Vận tải cùng các cơ quan liên quan chấp thuận cho đơn vị ngừng khai thác 5 tuyến xe buýt mang số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 mà đơn vị đang quản lý vận hành kể từ ngày 1/8/2022 vì điều kiện bất khả kháng.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) đã bàn giao 100% cọc mốc giải phóng mặt bằng đối với dự án công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021- 2025.
Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (phương án 3). |
Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận cho biết, từ ngày 27 đến 30/6 vừa qua, BQLDA Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 3 đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Các địa phương nhận bàn giao đợt này là Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Với việc hoàn thành đợt 3, BQLDA Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc GPMB đạt 100% trên toàn tuyến của dự án này.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025) có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17m; tổng chiều dài khoảng 110km; tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Dự án gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài gần 37km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài gần 73km, vốn 17.485 tỷ đồng.
Dự án có diện tích đất bị thu hồi khoảng 445ha. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 226ha; đoạn Hậu Giang - Cà Mau 219ha. Dự án dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.
Hậu Giang là địa phương dự án đi qua dài nhất với hơn 63km, chiếm hơn 57% tổng chiều dài toàn dự án. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho hay, sau khi nhận bàn giao xong cọc mốc GPMB đợt 3, trung tâm sẽ khẩn trương triển khai di dân và tiến hành kiểm đếm. Dự kiến sẽ hoàn thành kiểm đếm trước ngày 31/8/2022.