Bản tin thời sự sáng 3/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là gần 1,2 triệu liều AstraZeneca từ Covax về Việt Nam; Bộ Y tế đề nghị không phun khử khuẩn ngoài trời; khoảng 50 triệu liều Pfizer sẽ về Việt Nam dịp cuối năm 2021; TP.HCM lập thêm 2 bệnh viện điều trị F0 tổng cộng 350 giường; hơn 800 tỷ đồng làm đường vành đai Đà Lạt…

Gần 1,2 triệu liều AstraZeneca từ Covax về Việt Nam

1.188.000 liều vaccine AstraZeneca về sân bay Nội Bài, nâng tổng số vaccine Covid-19 do Cơ chế Covax cung ứng lên 8.681.300 liều vào sáng 2/8.

Gần 1,2 triệu liều AstraZeneca từ Covax về Việt Nam từ sáng 2/8

Gần 1,2 triệu liều AstraZeneca từ Covax về Việt Nam từ sáng 2/8

Trong 8.681.300 liều vaccine từ Covax, có 5.000.100 liều Moderna (Chính phủ Mỹ hỗ trợ) và 3.681.200 liều AstraZeneca.

Như vậy, với gần 1,2 triệu liều vaccine lần này, Việt Nam đã nhận hơn 18,7 triệu liều vaccine các loại, bao gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm. Các nguồn vaccine đến từ hợp đồng mua của Công ty VNVC với AstraZeneca, Bộ Y tế mua của Pfizer, TP.HCM mua của Sinopharm và Cơ chế Covax cung ứng, quà tặng từ các chính phủ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Nga.

Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Việt Nam mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm ưu tiên, đạt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.

Tính đến sáng 2/8, Việt Nam đã triển khai tiêm gần 6,5 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó gần 650.000 người đã được tiêm đủ hai liều.

Bắc Ninh là tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất, với 30,35% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tại TP.HCM, 21,47% dân số trên 18 tuổi được tiêm. Tỷ lệ này ở Hà Nội là gần 14%.

Bộ Y tế đề nghị không phun khử khuẩn ngoài trời

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt SARS-CoV-2 ở ngoài trời.

Phun khử khuẩn trên đường phố Hà Nội

Phun khử khuẩn trên đường phố Hà Nội

Bộ Y tế vừa gửi công văn đến các địa phương đề nghị "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn".

Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 cộng đồng; đảm bảo đúng liều lượng và phương pháp.

Thời gian qua, một số địa phương áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại nơi công cộng để phòng chống dịch. Tại nhiều cơ quan đã lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn cho người đứng trong buồng; một số đơn vị sử dụng máy phun hóa chất diệt khuẩn để phun vào người cách ly, nhập cảnh...

Tuy nhiên, Bộ Y tế dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định những nơi như đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh.

Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng chống dịch.

Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Khoảng 50 triệu liều Pfizer sẽ về Việt Nam dịp cuối năm 2021

Bộ trưởng Y tế cho biết vaccine có thể về Việt Nam dồn dập trong quý IV, riêng vaccine Pfizer là khoảng 47 - 50 triệu liều.

Khoảng 50 triệu liều Pfizer sẽ về Việt Nam dịp cuối năm

Khoảng 50 triệu liều Pfizer sẽ về Việt Nam dịp cuối năm

Ngoài khoảng 50 triệu liều Pfizer về trong quý IV, số vaccine từ các nguồn khác cũng về, song chưa rõ kế hoạch cụ thể.

Hiện vaccine Pfizer đã về Việt Nam hơn 420.000 liều, được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương để tiêm chủng. Vaccine Pfizer cũng được Bộ Y tế cho phép dùng tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca nếu nguồn cung khan hiếm và theo lựa chọn của người được tiêm.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine Covid-19, gồm vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm. Trong đó, hơn 16 triệu liều vaccine đã được Bộ Y tế phân bổ theo 16 đợt cho các địa phương, đơn vị. Một triệu liều vaccine Sinopharm do một doanh nghiệp mua theo ủy quyền của UBND TP.HCM đã về Thành phố hôm 31/7.

Riêng quý III, Bộ Y tế sẽ tiếp nhận khoảng 30 triệu liều, hiện đã nhận gần 14 triệu liều các loại AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm. Các nguồn vaccine đến từ hợp đồng mua của Công ty VNVC với AstraZeneca, Bộ Y tế mua của Pfizer, TP.HCM mua của Sinopharm và Cơ chế Covax cung ứng, quà tặng từ chính phủ Nhật, Mỹ, Trung Quốc.

TP.HCM lập thêm 2 bệnh viện điều trị F0 tổng cộng 350 giường

Một phần Bệnh viện Từ Dũ và toàn bộ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn được chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với tổng cộng 350 giường.

TP.HCM lập thêm 2 bệnh viện điều trị F0 tổng cộng 350 giường

TP.HCM lập thêm 2 bệnh viện điều trị F0 tổng cộng 350 giường

Quyết định lập thêm 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 được Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức ký ngày 2/8, trong bối cảnh TP.HCM đã ghi nhận hơn 92.200 ca nhiễm ở đợt bùng phát dịch thứ tư.

Trong đó, Bệnh viện dã chiến Từ Dũ (Quận 1) hoạt động trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở hạ tầng Bệnh viện Từ Dũ với 150 giường, 210 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ, hậu cần, hành chính.

Còn Bệnh viện dã chiến Sài Gòn (Quận 1) triển khai trên cơ sở trưng dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn với 200 giường, 300 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ, hậu cần, hành chính.

Trước đó, UBND TP.HCM đã quyết định lập 4 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với tổng công suất 10.400 giường. Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 11 ở Chung cư lô R4 và Bệnh viện dã chiến số 12 ở Chung cư lô R5 khu tái định cư 38,4 ha, TP. Thủ Đức sẽ thu dung, điều trị, chăm sóc số ca mới và các trường hợp đang cách ly tập trung, F1 chuyển sang F0.

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Nguyễn Tri Phương (Quận 5) và Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Hóc Môn có chức năng thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân Covid-19.

TP.HCM hiện có 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với 46.000 giường. Trong đó, tầng 5 là nặng và rất nặng, đang chữa trị 570 bệnh nhân.

Hơn 800 tỷ đồng làm đường vành đai Đà Lạt

Đường vành đai dài 7,5 km được kỳ vọng giảm kẹt xe cho trung tâm TP. Đà Lạt, kinh phí xây dựng hơn 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

Hơn 800 tỷ đồng làm đường vành đai Đà Lạt

Hơn 800 tỷ đồng làm đường vành đai Đà Lạt

Dự án vừa được tỉnh Lâm Đồng khởi công. Tuyến đường đi qua các Phường 3, 4 và 5, bắt đầu từ ngã 3 đèo Prenn - Trúc Lâm Yên Tử (đường vào hồ Tuyền Lâm), điểm cuối ở ngã tư Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Đình Quân.

Tuyến đường được thiết kế với tốc độ 40 km/h; nền đường 20 m, mặt đường 10 m; vỉa hè mỗi bên rộng 5 m. Trên tuyến xây cầu suối Tía dài hơn 37 m, rộng 20 m.

Công trình do Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Trong số kinh phí xây dựng, hơn 300 tỷ đồng dùng để giải phóng mặt bằng.

Đường vành đai khi hoàn thành sẽ giúp Đà Lạt hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị loại 1. Đặc biệt, tuyến đường này được UBND Lâm Đồng kỳ vọng giảm tình trạng kẹt xe ở trung tâm TP. Đà Lạt trong dịp lễ, Tết.

Trước đó, Lâm Đồng đưa ra hàng loạt giải pháp để giảm tình trạng kẹt xe ở nội ô như nâng cấp đường ven hồ Xuân Hương, thí điểm lắp đèn xanh đèn đỏ ở 7 giao lộ, đưa vào quy hoạch hai bến xe ở ngoại ô Đà Lạt...

Cuối tháng 8, Việt Nam xem xét cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax

Bộ Y tế đề nghị Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen trước ngày 15/8 phải gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Nano Covax để xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Tiêm vắc-xin Nano Covax cho người tình nguyện

Tiêm vắc-xin Nano Covax cho người tình nguyện

Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine Covid-19, đã làm việc trực tuyến với các nhà khoa học về rà soát tiến độ, thúc đẩy quá trình thử nghiệm lâm sàng, đôn đốc báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2, 3 (a,b) của vaccine Nano Covax do Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) sản xuất.

Bên cạnh việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện, Công ty Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c (tiêm cho khoảng 500.000 - 1 triệu người). Trường hợp vắc-xin được cấp phép khẩn cấp, có thể mở rộng nghiên cứu trên đối tượng trẻ em từ 12 - 18 tuổi.

Sau khi nghe báo cáo kết luận của các chuyên gia đầu ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định Bộ Y tế mong sớm có vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất để bảo vệ người dân, cũng như chủ động hơn, giảm sự lệ thuộc về vaccine nhập khẩu.

Bộ Y tế đề nghị Công ty Nanogen trước ngày 15/8 phải gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu pha 2 và bước đầu pha 3 của vaccine Nano Covax, từ đó Bộ Y tế có số liệu gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Bình Định rót gần 800 tỷ đồng đầu tư tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh

Dự án tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định dài khoảng 23,2km sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2024 với tổng mức đầu tư khoảng 779 tỷ đồng, đón đầu cực tăng trưởng mới của Tỉnh…

Bình Định rót gần 800 tỷ đồng đầu tư tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh

Bình Định rót gần 800 tỷ đồng đầu tư tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh

UBND tỉnh Bình Định vừa đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Dự án tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh, đoạn từ Khu công nghiệp, đô thị Becamex Bình Định đến thị trấn Vân Canh. UBND Tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án giao thông thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án này.

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 779 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2024.

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 23,2 km, trong đó, khoảng 7,8 km nằm trong Khu công nghiệp, đô thị Becamex A. Tốc độ thiết kế tối đa của Dự án là 80km/h.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đi vào hoạt động, địa phương đã và đang tích cực vào cuộc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai.

Được biết, Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định được khởi công từ tháng 9/2020 có quy mô 1.425 ha, sau khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ thu hút khoảng 2 tỷ USD vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 120.000 - 150.000 lao động địa phương cũng như các khu vực lân cận.