Bản tin thời sự sáng 3/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hợp long cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn; hai nhà thầu thi công đường lăn sân bay Nội Bài bị cảnh cáo; Bình Dương đưa khu điều trị Covid-19 Bàu Bàng quy mô 1.000 giường vào hoạt động; thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe trên chuyến bay đi châu Âu; thu giữ hơn 20.800 khẩu trang 3M nghi hàng giả tại Hà Nội…

Hợp long cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn

Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, tổng vốn gần 3.100 tỷ đồng vừa được hợp long, nối liền TP. Thủ Đức với Quận 1, dự kiến khai thác quý II/2022.

Cầu Thủ Thiêm 2 đã nối TP Thủ Đức qua Quận 1

Cầu Thủ Thiêm 2 đã nối TP Thủ Đức qua Quận 1

Đại diện Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) cho biết, công trình đã hoàn thành lắp đặt đốt dầm AS16 - đốt dầm cuối cùng trong 17 dầm thép của phần cầu chính băng ngang sông Sài Gòn. Việc lắp xong đốt dầm này, nhịp chính dây văng cầu Thủ Thiêm 2 đã nối liền hai bên bờ sông.

Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình trọng điểm, cấp bách, nên UBND TP.HCM cho phép nhà đầu tư duy trì thi công trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách phòng chống Covid-19. Công trường hiện tổ chức "3 tại chỗ", tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân phải xét nghiệm định kỳ. Việc này nhằm đảm bảo nhân lực thi công liên tục và an toàn phòng chống dịch.

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe; thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m. Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), động thổ năm 2015. Ban đầu, thành phố dự kiến cầu hoàn thành năm 2018, song gặp nhiều vướng mắc nên lỗi hẹn.

Hai nhà thầu thi công đường lăn sân bay Nội Bài bị cảnh cáo

Ngày 2/9, Bộ Giao thông vận tải cảnh cáo hai nhà thầu thi công đường băng và đường lăn sân bay Nội Bài do vi phạm tiến độ.

Thi công đường băng 1B Nội Bài

Thi công đường băng 1B Nội Bài

Hai nhà thầu là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADDC và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện bị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm xử lý các phát sinh; vi phạm tiến độ hợp đồng Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn sân bay quốc tế Nội Bài.

Bộ GTVT yêu cầu hai nhà thầu trên khắc phục các tồn tại, tập trung nhân lực để Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý hợp đồng đúng quy định và kịp thời xử lý các vi phạm.

Theo đại diện Bộ GTVT, một số thiết bị điện phục vụ Dự án do Công ty Khánh Thiện nhập khẩu ở nước ngoài không về kịp theo kế hoạch, song đơn vị tư vấn là ADDC không báo cáo khiến Dự án phải điều chỉnh phương án lắp đặt, sử dụng tạm thiết bị cũ trong khi chờ thiết bị mới về.

Theo tiến độ trước đây, ngày 15/7 sẽ đưa vào khai thác đường băng 1B song việc thiết bị điện chậm lắp đặt khiến đường băng 1B đến ngày 9/9 tới đây mới được khai thác.

Sau khi đường băng 1B hoạt động, đơn vị thi công sẽ tiếp tục đóng đường băng 1A từ ngày 1/10 để sửa chữa và phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.

Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, từ tháng 7/2020.

Bình Dương đưa khu điều trị Covid-19 Bàu Bàng quy mô 1.000 giường vào hoạt động

Cơ sở điều trị có tổng quy mô 1.000 giường, được thiết lập tại xã Lai Hưng (Bàu Bàng) nhằm tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tầng 1 và tầng 2 ở "vùng đỏ".

Bình Dương đưa khu điều trị Covid-19 Bàu Bàng quy mô 1.000 giường vào hoạt động. Ảnh minh họa

Bình Dương đưa khu điều trị Covid-19 Bàu Bàng quy mô 1.000 giường vào hoạt động. Ảnh minh họa

Sáng 2/9, tỉnh Bình Dương tổ chức công bố và đưa khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bàu Bàng vào hoạt động.

Cơ sở này được UBND Tỉnh phối hợp với huyện Bàu Bàng xây dựng đặt tại ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, với quy mô 2.000 giường. Khi cần thiết, khu điều trị có thể mở rộng thêm 500 giường.

Việc đưa vào hoạt động cơ sở này nhằm kịp thời tăng năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 (tầng 1 và tầng 2) cho các địa phương "vùng đỏ" trên địa bàn Tỉnh. Đây là cơ sở do doanh nghiệp cho mượn xưởng để xây dựng bệnh viện dã chiến.

Khu điều trị được chuyên gia y tế đánh giá là cách ly tốt, rộng rãi, thoáng mái. Việc thiết kế vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ khoa học.

Bình Dương hiện có 171 khu cách ly, 24 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2 cơ sở điều trị theo phương án 2 tầng. Công tác điều trị được xây dựng theo mô hình điều trị 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến Tỉnh; tầng 1 có 14 cơ sở điều trị với 8.658 giường, tầng 2 có 10 cơ sở điều trị với 4.024 giường và tầng 3 gồm 2 cơ sở điều trị với 837 giường.

Ngoài ra, Tỉnh liên tục đưa vào hoạt động, mở rộng các khu điều trị dã chiến, các bệnh viện dã chiến ở các huyện “vùng xanh”; huy động thêm các bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe trên chuyến bay đi châu Âu

Vietnam Airlines vừa thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh) sáng ngày 2/9.

Vietnam Airlines vừa thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe trên chuyến bay đi châu Âu

Vietnam Airlines vừa thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe trên chuyến bay đi châu Âu

Theo hãng hàng không quốc gia, đây là chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đi châu Âu thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử, với 18 hành khách tham gia thử nghiệm. Hãng chia sẻ chuyến bay là sự tiếp nối thành công của chuyến bay thử nghiệm trước đó, cũng do Vietnam Airlines khai thác với số hiệu VN310 từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) hôm 12/8.

Ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử tích hợp các giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học và chứng nhận sức khỏe điện tử với kết quả xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19. Đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa Chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách, qua đó giúp việc di chuyển giữa các quốc gia an toàn và dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch.

Theo Vietnam Airlines, thực tế thử nghiệm cho thấy quy trình triển khai ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử rất nhanh chóng và đơn giản.

Trong thời gian tới, Vietnam Airlines dự kiến thực hiện tiếp các chuyến bay thử nghiệm từ Hà Nội đi Seoul (Hàn Quốc) ngày 12/9 và từ Hà Nội đi London ngày 21/9, bên cạnh các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) các ngày thứ Năm hàng tuần. Việc các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực được nhìn nhận là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, chính thức công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử, tạo đà mở cửa bầu trời và đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế.

Khánh thành cầu gần 130 tỷ đồng bắc qua sông Thu Bồn

Cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu Bồn được khánh thành sau 22 tháng thi công, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương.

Khánh thành cầu gần 130 tỷ đồng bắc qua sông Thu Bồn

Khánh thành cầu gần 130 tỷ đồng bắc qua sông Thu Bồn

Sáng 2/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu Bồn, huyện Nông Sơn. Cầu được xây mới để thay thế cầu cũ xuống cấp, đã sử dụng 16 năm.

Công trình thi công từ tháng 11/2019 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, kinh phí hơn 128 tỷ đồng.

Cầu Nông Sơn nằm cạnh cầu cũ chiều dài 337 m, khổ rộng 9 m, trong đó gờ lan can mỗi bên 0,5 m. Cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33 m.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, cầu Nông Sơn đáp ứng mục tiêu kết nối thông suốt tuyến Quốc lộ 14H với đường Trường Sơn Đông và các khu vực lân cận.

Năm 2003, người dân qua lại nơi đây bằng đò ở bến Cà Tang. Chiều 19/5/2003, gần 40 học sinh lớp 8 trường THCS Quế Trung lên chiếc đò qua sông Thu Bồn về nhà. Vừa ra khỏi bờ 7 m, đò bị lật làm 18 em tử nạn.

Sau đó, nhà hảo tâm đóng góp cùng nguồn ngân sách Tỉnh xây dựng cầu hơn 20 tỷ đồng. Tháng 3/2005, cầu hoàn thành đưa vào sử dụng có chiều dài 364 m, rộng 5m, gồm 10 nhịp dầm bê tông cốt thép.

Cầu Nông Sơn có tên gọi khác là cầu nghĩa tình do nhiều người đóng góp xây dựng. Sau nhiều năm sử dụng, cầu xuống cấp, xe tải trọng lớn không thể lưu thông khiến việc vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn.

Sau khi cầu mới xây dựng, cơ quan chức năng tháo dỡ cầu cũ song người dân không đồng ý. Họ mong muốn được giữ lại và được chấp thuận. Cầu cũ được cải tạo và sử dụng song song với cầu mới phục vụ đi bộ.

Đề nghị ưu tiên đặc biệt cho vận chuyển oxy y tế

Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt vùng có dịch bùng phát, cho phép tài xế, nhân viên vận chuyển oxy y tế được ra vào, đi qua những cung đường cấm 24/24h.

Những bình khí được cẩu lên xe tải để giao đến các cơ sở y tế

Những bình khí được cẩu lên xe tải để giao đến các cơ sở y tế

Các tài xế, nhân viên vận chuyển oxy y tế phải đảm bảo đầy đủ biện pháp an toàn phòng chống dịch, theo công văn Bộ Y tế gửi các địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương điều chỉnh thời hạn yêu cầu kết quả đối với giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe, nhân viên tham gia vận chuyển, lắp đặt trang thiết bị y tế và oxy y tế. Tránh các quy định chồng chéo, gây chậm trễ, đứt gãy nguồn cung ứng vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Động thái này được Bộ Y tế đưa ra trước bối cảnh thường xuyên nhận phản ánh về việc các xe vận chuyển trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế không được lưu thông để kịp thời cung ứng cho các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu về thiết bị, vật tư, oxy y tế để phục vụ điều trị người bệnh cũng tăng cao. Việc cung ứng đầy đủ, kịp thời oxy y tế có vai trò quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp giảm tình trạng bệnh và hạn chế tử vong.

Kinh nghiệm chống dịch tại một số tỉnh bùng phát mạnh thời gian qua cho thấy, các yếu tố quyết định trong điều trị bệnh nhân Covid-19 là oxy y tế, thuốc và trang thiết bị y tế. Hiện, công suất cung ứng trung bình mỗi ngày của các doanh nghiệp khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng, có thể nâng lên thêm 50 - 100% khi cần.

Hơn 20.800 khẩu trang 3M nghi hàng giả tại Hà Nội

Trong 400.000 sản phẩm, thiết bị y tế phòng dịch bị thu giữ do không rõ nguồn gốc, 20.880 khẩu trang y tế 3M có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cán bộ đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra lô khẩu trang 3M có dấu hiệu bị làm giả

Cán bộ đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra lô khẩu trang 3M có dấu hiệu bị làm giả

Đây là số lượng lớn hàng hoá, thiết bị y tế phòng dịch vừa được Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội 2, Phòng An ninh kinh tế (Công an Hà Nội) thu giữ tại Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn).

Tại số 43 đường 3, Phủ Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội), đoàn kiểm tra thu giữ 400.000 sản phẩm gồm khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay cao su, bộ đồ bảo hộ y tế... Phần lớn hàng hoá trong lô hàng này không có xuất xứ, đặc biệt 20.880 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M của Mỹ (mã sản phẩm 1860). Đây là mặt hàng chỉ dùng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch.

Tại hiện trường, đại diện Công ty 3M là ông Vũ Hoàng Hà cũng xác nhận, lô hàng có dấu hiệu giả mạo sản phẩm chính hãng của Công ty đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra tại cơ sở kinh doanh còn có 40 chiếc giá phơi, 60 chiếc máy sấy quần áo chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định.

Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Trọng Nghĩa, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cũng như khả năng gây hậu quả nghiêm trọng nếu số hàng không rõ nguồn gốc, nhất là lượng lớn khẩu trang 3M giả được tiêu thụ trên thị trường.