Bản tin thời sự sáng 4/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tổng mức đầu tư Vành đai 4 Vùng Thủ đô giảm hơn 2.100 tỷ đồng; hơn 300.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Bến Tre; Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu đóng góp làm metro; đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa; xuất khẩu cà phê 9 tháng bằng cả năm 2023…

Tổng mức đầu tư Vành đai 4 Vùng Thủ đô giảm hơn 2.100 tỷ đồng

Tổng mức đầu tư Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô vừa được điều chỉnh giảm 2.129 tỷ đồng sau khi Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh rà soát và cân đối lại.

Tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô vừa được điều chỉnh giảm 2.129 tỷ đồng

Tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô vừa được điều chỉnh giảm 2.129 tỷ đồng

Họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 3/10, đại diện TP. Hà Nội cho biết, sau khi rà soát, dự án thành phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội giảm 650 tỷ đồng; dự án thành phần xây toàn tuyến cao tốc theo phương thức PPP giảm 3.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án giải phóng mặt bằng tại Hưng Yên tăng 600 tỷ đồng; tại Bắc Ninh tăng 1.240 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh cho biết sẽ bố trí ngân sách địa phương để bổ sung phần vốn tăng thêm cho hai dự án giải phóng mặt bằng. Còn Hà Nội đề xuất điều chuyển phần vốn giảm trong dự án xây cao tốc để đầu tư một số nhánh kết nối tại 5 nút giao liên thông và hai cầu vượt nhằm đảm bảo thông đoạn đường song hành. Thành phố cũng đề xuất tiểu dự án đầu tư công xây cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng và một số đoạn để khi dự án xây cao tốc chưa xong vẫn thông toàn bộ đường song hành.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, các địa phương linh hoạt xử lý vấn đề liên quan đến điều chỉnh vốn đầu tư Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Với dự án xây tuyến cao tốc, TP. Hà Nội làm rõ tỷ lệ tham gia của vốn nhà nước và thống nhất với 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đề xuất chuyển phần vốn của Trung ương giảm trong Dự án thành phần 1.1 (giải phóng mặt bằng tại Hà Nội) sang Dự án thành phần 3 (xây toàn tuyến cao tốc).

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải làm rõ trách nhiệm của tư vấn khi xác định diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng của dự án chưa chính xác, đầy đủ, dẫn đến phải điều chỉnh lớn về kinh phí.

Cao tốc vành đai 4 đi qua Hà Nội 57 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 27 km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7 km. Trong đó, đoạn đi thấp dài khoảng 32 km, đoạn trên cao dài hơn 80 km. Đường có 6 làn xe, hệ thống đường song hành hai bên, hành lang cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt vành đai. Tốc độ thiết kế tuyến đường là 100 km/h.

Hơn 300.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Bến Tre

UBND tỉnh Bến Tre trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án và ký kết thỏa thuận hợp tác với 23 nhà đầu tư, tổng vốn hơn 300.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao chứng nhận cho các nhà đầu tư sáng 3/10

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao chứng nhận cho các nhà đầu tư sáng 3/10

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững sáng 3/10, 6 dự án được trao chứng nhận đầu tư tổng vốn hơn 8.000 tỷ đồng tập trung ở các lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, chế biến dừa, xử lý nước thải.

Các dự án gồm: 3 khu đô thị mới Đông Bắc Phú Khương, Mỹ An, Mỹ Hóa; nhà máy giấy tại Cụm công nghiệp Long Phước công suất 1.000 tấn một ngày; nhà máy chế biến dừa Á Châu 2 công suất 30 triệu lít một năm; nhà máy xử lý nước thải Cụm công nghiệp Long Phước, công suất 15.000 m3 một ngày đêm.

Cùng với đó, Bến Tre cũng ký thỏa thuận hợp tác với 23 nhà đầu tư, tổng vốn hơn 300.000 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Tỉnh quy hoạch 3 vùng kinh tế. Trong đó, vùng kinh tế động lực ven biển phía Đông (các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú) sẽ đầu tư khu lấn biển 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển, ưu tiên các ngành công nghiệp, năng lượng sạch và nuôi trồng thủy sản.

Vùng Bắc sông Hàm Luông gồm TP. Bến Tre, Châu Thành và Giồng Trôm tập trung phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp. Vùng Nam sông Hàm Luông gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.

Cùng với 3 vùng kinh tế, Tỉnh cũng phát triển các hành lang kinh tế dọc các quốc lộ 57B, 57C, 57, 60, đường cao tốc CT33 và đường ven biển kết nối các đô thị ven biển với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP.HCM.

Bến Tre rộng gần 2.400 km2, dân số gần 1,3 triệu người là địa phương kết nối các tỉnh miền Tây đi Tiền Giang, Long An đến TP.HCM. 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh ước đạt 1.200 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, tăng trưởng kinh tế đạt 5,27%.

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu đóng góp làm metro

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kêu gọi người dân hãy mua trái phiếu để đóng góp kinh phí làm 183 km đường sắt đô thị, tổng mức đầu tư ước tính 36 tỷ USD.

Tàu Metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết tại depot Long Bình, TP. Thủ Đức

Tàu Metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết tại depot Long Bình, TP. Thủ Đức

"Đây là dự án lớn, cần huy động sức dân. Với sức của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm được việc lớn lao, thậm chí là làm được những dự án hàng trăm tỷ đô", ông Phan Văn Mãi nói tại phiên đối thoại với đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, sáng 3/10.

Theo đề án hệ thống đường sắt đô thị, đến năm 2035, TP.HCM phải hoàn thành 183 km metro, dự kiến vốn cần 36 tỷ USD. Ông Mãi cho biết, cơ chế cho phép nên TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và mong người dân mua, cùng đóng góp kinh phí để triển khai. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội... Thành phố sẽ có nguồn kinh phí tốt để trả lại lợi ích cho người dân.

Thành phố được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km.

Tại đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM đề xuất Trung ương cho 14 cơ chế, trong đó có một số nội dung giúp Thành phố huy động được vốn để làm 200 km metro. Cụ thể, cho phép TP.HCM và Hà Nội thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở) ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định.

Đồng thời, địa phương được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được đầu tư trực tiếp cho dự án đường sắt đô thị. Dự kiến, TP.HCM sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.

Thành phố cũng kiến nghị Trung ương cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công... để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do hai địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ.

Đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa, thay vì theo vị trí tuyến đường như hiện nay.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa

Đề xuất trên nêu tại dự thảo Thông tư về xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Theo đó, giá đất chi tiết đến từng thửa được xác định trên cơ sở đánh giá điều kiện đặc tính và xác định vùng giá trị thửa đất. Trong đó, đặc tính thửa đất được nhà chức trách đánh giá dựa vào mục đích sử dụng, vị trí, giao thông, điều kiện về cấp điện, thoát nước, quy hoạch xây dựng và hiện trạng môi trường, an ninh.

Còn vùng giá trị xác định dựa vào ranh giới quanh thửa đất, cũng như khoảng cách đến trung tâm hành chính, chợ, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí.

Sau khi thu thập các thông tin này, cơ quan quản lý sẽ chọn thửa đất chuẩn, lập bảng so sánh để xác định, phân tích giá đất trong vùng giá trị, cũng như chênh lệch với các thửa liền kề cùng mục đích sử dụng. Họ cũng khảo sát, lấy ý kiến người dân, giới chuyên môn về kết quả định giá này với lô đất tương tự đã giao dịch hoặc trúng đấu giá trên thị trường trong vòng 24 tháng. Việc này nhằm đưa ra giá chi tiết tới từng thửa đất một cách phù hợp, chính xác nhất.

Hiện tại, giá trong bảng giá đất của các địa phương được xác định theo vị trí tuyến đường. Ví dụ, tại quận Ba Đình (Hà Nội), giá đất trên đường Đào Tấn là 69,6 triệu đồng; 34,8 triệu đồng; 27,84 triệu đồng và 24,36 triệu đồng mỗi m2 tương ứng với các vị trí lần lượt từ 1 đến 4.

Bảng giá đất được áp dụng khi tính lệ phí, tiền sử dụng và thuê đất, theo Luật Đất đai 2024. Đây cũng là căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá và thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất - cơ quan soạn thảo Thông tư, tháng 6, Chính phủ ban hành Nghị định 71 về giá đất. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định chi tiết về xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về bảng giá đất đến từng thửa, nên theo cơ quan soạn thảo, việc ban hành thông tư trên là cần thiết.

Hoàn thành đề án lập khu thương mại tự do Đà Nẵng trong tháng 12

Thủ tướng chỉ đạo thành phố Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đề án, hồ sơ thành lập khu thương mại tự do trong tháng 12/2024.

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân đang được xây dựng đường giao thông và hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân đang được xây dựng đường giao thông và hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu

Theo quyết định phân công nhiệm vụ triển khai nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sau khi hoàn thành đề án, hồ sơ lập khu thương mại tự do, Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong quý IV/2024 và quý I/2025, Bộ phải thẩm định để trình Thủ tướng ban hành quyết định lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, Đà Nẵng xây dựng hồ sơ đề xuất Thủ tướng giao nhiệm vụ quản lý Khu thương mại tự do cho Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ sớm xem xét, thẩm định đề xuất trong năm nay.

Bộ Tài chính sẽ xây dựng quy trình cụ thể để quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Trong khi đó, Bộ Công Thương xem xét giao cho Ban Quản lý khu công nghệ cao cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm sản xuất tại khu vực này.

Giữa tháng 6, Quốc hội thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Thành phố được lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, Thành phố đã khảo sát 4 vị trí đề xuất làm khu thương mại tự do. Vị trí 1 hình thành khu logistics và sản xuất khoảng 536 ha nằm phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân đến hết thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Vị trí 2 hình thành khu sản xuất rộng khoảng 538 ha tại khu vực khu công nghệ cao mở rộng, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Vị trí 3 hình thành khu thương mại dịch vụ khoảng 132 ha tại khu vực được định hướng là khu phi thuế quan, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Vị trí thứ 4 là đề xuất lấn biển dự kiến rộng 250 - 1.000 ha tại vịnh Đà Nẵng (chưa được định hướng trong quy hoạch xây dựng). Đà Nẵng dự kiến tổng diện tích khu thương mại tự do khoảng 1.000 - 1.500 ha.

Xuất khẩu cà phê 9 tháng bằng cả năm 2023

9 tháng, Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá cao.

Xuất khẩu cà phê 9 tháng bằng cả năm 2023

Xuất khẩu cà phê 9 tháng bằng cả năm 2023

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Tháng 9, giá bình quân đạt 5.469 USD một tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tính chung 9 tháng, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Nhờ đó, Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ loại nông sản này trong 9 tháng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Mức này vượt kim ngạch cả năm ngoái.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, dự báo cho niên vụ 2024 - 2025, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng sâu bệnh. Sản lượng cà phê dự kiến giảm 5 - 15% so với niên vụ trước, khiến tổng sản lượng tiếp tục đi xuống.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn lạc quan. Bộ này dự báo, kim ngạch xuất khẩu nông sản này năm nay vượt 5 tỷ USD, thậm chí đạt 6 tỷ USD nhờ giá cao.

Hà Nội yêu cầu công khai các thông tin liên quan đến dự án hồ Đống Đa

Về việc lấp tạm 6.500m2 hồ Đống Đa, đại diện quận Đống Đa cho rằng đây chỉ là biện pháp tổ chức thi công chứ không phải lấp hồ, thi công xong sẽ hoàn trả, đảm bảo cao độ đáy hồ theo hiện trạng.

Hà Nội yêu cầu công khai các thông tin liên quan đến dự án hồ Đống Đa

Hà Nội yêu cầu công khai các thông tin liên quan đến dự án hồ Đống Đa

Tại cuộc họp báo do UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 3/10, đại diện cơ quan chức năng đã giải đáp các thông tin do báo chí nêu ra liên quan đến việc lấp tạm 6.500 m2 hồ Đống Đa và đề xuất thu hồi toàn bộ khu vực bán đảo hồ.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh Văn phòng UBND quận Đống Đa, Dự án cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị hồ Đống Đa được thực hiện theo đúng quy định, chủ trương của Thành phố. Việc cải tạo hồ Đống Đa phù hợp xu thế phát triển chung, đáp ứng nhu cầu nhân dân địa phương đồng thời đây cũng là điểm nhấn thu hút du lịch...

Ông Hải nhấn mạnh, việc cải tạo hồ Đống Đa tuân thủ nguyên tắc không làm thay đổi diện tích, dung tích hồ. Về việc lấp tạm 6.500m2 hồ Đống Đa, đại diện UBND quận Đống Đa cho rằng, đây chỉ là biện pháp tổ chức thi công chứ không phải lấp hồ.

“Trước khi triển khai thi công công trình, UBND quận Đống Đa đã được Sở Xây dựng hướng dẫn, thống nhất biện pháp thi công”, ông Hải nói, đồng thời khẳng định thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Xây dựng, sử dụng tạm thời phần diện tích hồ khoảng 6.500 m2 để làm sàn công tác và đường công vụ phục vụ thi công công trình.

Ông Hải cho biết, UBND quận Đống Đa cam kết sau khi thi công xong sẽ hoàn trả, thanh thải, nạo vét, đảm bảo cao độ đáy hồ theo hiện trạng và được nghiệm thu trước khi chuyển sang phân đoạn tiếp theo.

Về vấn đề nhiều chuyên gia đề xuất nên thu hồi bán đảo hồ Đống Đa, theo ông Hải, UBND quận Đống Đa đã làm việc với Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Thủy và đề nghị Công ty cải tạo bán đảo hồ theo phần diện tích đất đã được Thành phố cho thuê nhằm đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị dự án của Quận đang triển khai.

"Việc cải tạo hồ Đống Đa nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ, đời sống sinh hoạt thể dục thể thao của người dân", ông Hải khẳng định.

Cho phép lấn biển khu vực núi Lớn - núi Nhỏ ở TP. Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho tổ chức không gian lấn biển ở những bãi đá, sình lầy thuộc khu vực núi Lớn - núi Nhỏ nhưng không được ảnh hưởng môi trường tự nhiên.

Khu vực núi Lớn - núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu

Khu vực núi Lớn - núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu

Nội dung nêu trong quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu núi Lớn - núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành.

Núi Lớn - núi Nhỏ diện tích 834 ha, thuộc các phường 1, 4, 5 và phường 2, TP. Vũng Tàu, quy mô dân số dự báo đến 2035 khoảng 32.000 người, được quy hoạch là khu công viên đồi; dịch vụ du lịch; vui chơi giải trí; khu dân cư và công trình công cộng.

Khu núi Lớn - núi Nhỏ được chia thành ba không gian chính, gồm: kiến trúc cảnh quan ven biển - cho phép tổ chức lấn biển tại các vị trí có bãi đá, sình lầy không thuận lợi cho tắm biển, không ảnh hưởng môi trường tự nhiên; cải tạo chỉnh trang các khu vực hiện hữu, tạo lập kiến trúc cảnh quan, không gian công cộng.

Khu dân cư hiện hữu đến chân núi - được tổ chức cảnh quan các trục đường chính theo từng khu vực; bố trí thêm bãi đỗ xe gắn kết các loại hình dịch vụ, không gian mở và công cộng trên trục đường chạy dọc biển như Hạ Long, Trần Phú.

Tại đây cũng sẽ xây dựng các công trình điểm nhấn ở những vị trí thuận lợi ven biển và trên núi; bố trí thêm các tiện ích, không gian cho công cộng đô thị.

Cuối cùng, khu vực công viên đồi sẽ hình thành các dự án đẳng cấp trên núi Lớn - núi Nhỏ, tạo nên những tổ hợp, chuỗi công trình kiến trúc điểm nhấn…

TP. Vũng Tàu rộng khoảng 141 km2, dân số hơn 450 nghìn người, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố 4 mặt giáp biển và sông rạch là địa điểm du lịch nổi tiếng tại miền Nam. Nơi đây còn là khu vực hậu cần của công nghiệp dầu khí.

HoSE cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu Đức Long Gia Lai

HoSE cảnh báo cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu báo cáo kiểm toán năm nay tiếp tục có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.

Trụ sở Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Trụ sở Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Theo Nghị định 155/2020, cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết nếu tổ chức kiểm toán từ chối thực hiện kiểm toán, từ chối cho ý kiến hoặc có ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán năm 2022, 2023 và bán niên 2024. Nếu tiếp tục có ý kiến này trong báo cáo kiểm toán năm nay, DLG rơi vào trường hợp có ý kiến ngoại trừ trong 3 năm liên tiếp.

Hồi đầu tháng 4, cổ phiếu này bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát do báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất báo lỗ. Doanh nghiệp này cũng vướng tranh chấp với Công ty CP Lilama 45.3, liên quan đến việc thanh toán nợ.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong hai doanh nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên, hoạt động trong mảng sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Doanh nghiệp này có thời kỳ hoàng kim vào giai đoạn 2016 - 2018, với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, kinh doanh của "đại gia Phố Núi" bắt đầu đi xuống từ năm 2020 khi những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ăn mòn lợi nhuận. Năm 2020, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng. Lợi nhuận của họ trở lại số dương một năm sau đó, nhưng 2022 tiếp tục báo lỗ hơn nghìn tỷ. Thời điểm này đơn vị kiểm toán bắt đầu đưa ra ý kiến ngoại trừ, chủ yếu quanh việc thu hồi các khoản phải cho vay và khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Nửa đầu năm nay, ý kiến ngoại trừ tiếp tục được đưa ra khi Đức Long Gia Lai còn lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản hơn 800 tỷ đồng và có hơn 2.300 tỷ đồng nợ phải trả, các khoản vay quá hạn thanh toán.

Đèo Prenn cửa ngõ Đà Lạt bị sạt lở

Taluy đèo Prenn ở cửa ngõ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị sạt lở, đất đá cùng một số cây cối tràn xuống chiếm nửa mặt đường, trưa 3/10.

Hiện trường sạt lở

Hiện trường sạt lở

Khoảng 11h30, bờ taluy cao hơn 5 m trên đèo Prenn đoạn gần cầu Datanla, phường 3 TP. Đà Lạt sạt lở trong cơn mưa lớn. Lượng lớn đất đá, các cây thông nhỏ chiếm một nửa mặt đường hướng từ TP. Đà Lạt ra cao tốc Liên Khương - Prenn.

Sự cố không gây thương vong. Lực lượng chức năng căng dây cảnh báo, phân luồng các loại xe ra vào TP Đà Lạt ở phần đường còn lại; đồng thời huy động phương tiện giải phóng hiện trường.

Đèo Prenn dài 7,27 km nối Quốc lộ 20 - đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt, được đầu tư 552 tỷ đồng mở rộng gấp đôi với 4 làn ôtô, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Từ khi hoàn thành nâng cấp vào đầu năm nay, đường qua đèo xảy ra nhiều vụ sạt lở, nhất là các vị trí không được gia cố chống sạt. Cuối tháng 7, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông Tỉnh (chủ đầu tư) nghiên cứu phương án xây kè, tường chắn bêtông hoặc rào lưới giảm nguy cơ đất đá lăn xuống đèo.