Bản tin thời sự sáng 4/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiểm điểm Phó Giám đốc CDC Bà Rịa - Vũng Tàu do thiếu sót mua thiết bị y tế; khởi tố 4 cán bộ liên quan đến sai phạm vụ đấu thầu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; ngày 21/11, TAND TP. Hà Nội xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang; Bộ Công an đề nghị ngăn tẩu tán tài sản liên quan vụ Vạn Thịnh Phát; Đà Nẵng lập quy hoạch đô thị sân bay…

Kiểm điểm Phó Giám đốc CDC Bà Rịa - Vũng Tàu do thiếu sót mua thiết bị y tế

Để xảy ra các thiếu sót trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm…, ngoài phê bình Phó Giám đốc CDC Tỉnh, Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu nhắc nhở 7 cá nhân, tổ chức liên quan.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết vừa ban hành thông báo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở, theo Kết luận thanh tra 46/KL-TTr ngày 22/7/2022 của Chánh thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, kiểm điểm theo hình thức Phê bình đối với ông Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh (CDC); ông Trần Mạnh Hải, Chuyên viên phòng Kế hoạch tài chính (KH-TC) Sở Y tế.

Nhắc nhở đối với Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu; 4 giám đốc, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm y tế các huyện, thị xã (trừ huyện Long Điền, huyện Côn Đảo) và tập thể lãnh đạo phòng KH-TC Sở Y tế.

Theo thông báo, những cá nhân và tổ chức trên bị kiểm điểm do để xảy ra sai sót trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19, giai đoạn 2020 - 2021.

Khởi tố 4 cán bộ liên quan đến sai phạm vụ đấu thầu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Các bị can bị khởi tố vì không làm tròn trách nhiệm trong hoạt động đấu thầu Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Ngày 3/11, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Huy Cường, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai và ba cán bộ đều đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh này.

Các bị can bị khởi tố do liên quan đến hoạt động đấu thầu của Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an áp dụng biện pháp cấm khỏi nơi cư trú đối với bị can. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.

Liên quan đến vụ án, trước đó Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) để điều tra về tội nhận hối lộ.

Ngày 29/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Bước đầu, công an xác định Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư với tổng mức đầu tư 1.904 tỷ đồng, giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện, các bị can đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư, thông thầu, gian lận trong đấu thầu tại Dự án.

Hành vi trên nhằm giúp Công ty AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỷ đồng.

Ngày 21/11, TAND TP. Hà Nội xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang sẽ bị tòa án xét xử trong 5 ngày để làm rõ cáo buộc thiếu trách nhiệm, để Công ty Dược Cửu Long “biển thủ” hơn 3,8 triệu USD.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

Thông tin từ TAND TP. Hà Nội cho biết, ngày 21/11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A H5N1 xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty CP Dược phẩm Cửu Long.

Hầu tòa là 9 bị cáo, gồm 4 người thuộc Công ty Dược phẩm Cửu Long bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó Tổng giám đốc và hai thuộc cấp khác.

Năm người bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý Dược và hai cán bộ khác.

Theo cáo trạng, năm 2006, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất 5 triệu viên Oseltamivir với giá gần 146 tỷ đồng. Để sản xuất, Lương Văn Hóa và cấp dưới mua từ Công ty Mambo (Singapore) 525 kg nguyên liệu, giá gần 9 triệu USD.

Sau đó, giá nguyên liệu giảm nên phía Mambo đồng ý giảm giá 3,8 triệu USD cho Công ty Dược Cửu Long. Tuy nhiên, Lương Văn Hóa đã "không báo cho Bộ Y tế biết" mà dùng số tiền này để "bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh".

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty Dược Cửu Long "để ngoài sổ sách" hơn 3,8 triệu USD nên yêu cầu nộp lại. Tuy nhiên, bị cáo Hóa chỉ đạo cấp dưới chuyển số tiền này ra nước ngoài, thanh toán cho 11 hợp đồng mua nguyên liệu khác, không phải để sản xuất Oseltamivir.

Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Hóa khi bị phát hiện, người này còn chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục hợp thức hồ sơ thanh toán, gây thiệt hại hơn 3,8 triệu USD.

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị xác định giữ vị trí Trưởng ban chỉ đạo giải quyết việc liên quan thuốc Tamiflu và Oseltamivir nên có trách nhiệm kiểm tra các vấn đề phát sinh. Theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Quang từng phát hiện vụ việc nhưng "không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ".

Hầm chui ở cửa ngõ TP.HCM sắp thông xe

Sau nhiều lần trì hoãn, hầm chui trước bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức sẽ khai thác vào cuối tháng 11, tăng kết nối cho bến và giảm ùn tắc cửa ngõ thành phố.

Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức, đã xong các hạng mục chính.

Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức, đã xong các hạng mục chính.

Theo ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư), các hạng mục chính của hầm chui đã hoàn thành, nhà thầu đang đẩy nhanh thi công hệ thống chiếu sáng. Dự kiến, việc nghiệm thu sẽ hoàn tất cuối tháng này trước khi cho xe qua hầm.

Hầm chui dài 670 m, rộng 8 m, nằm bên phải Quốc lộ 1, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai. Đây là một hạng mục chính của Dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới, tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng. Khi khai thác, công trình giúp tách dòng xe đi thẳng Quốc lộ 1 với hướng ra vào bến Miền Đông mới, đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn ứ ở khu vực.

Bộ Công an đề nghị ngăn tẩu tán tài sản liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

Bộ Công an đề nghị Hà Nội tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của 762 công ty liên quan vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bộ Công an đề nghị ngăn tẩu tán tài sản liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

Bộ Công an đề nghị ngăn tẩu tán tài sản liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

Từ động thái của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông báo đến các đơn vị liên quan đề nghị tạm dừng mọi hoạt động với tài sản là bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu thuộc sở hữu của các bị can và cá nhân liên quan vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Việc này vừa phục vụ điều tra vừa ngăn các cá nhân tẩu tán tài sản.

Thông báo nêu 14 bị can, cá nhân bị xác định có liên quan như bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Cùng với đó là danh sách 762 công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Những ngày qua, Bộ Công an cũng gửi công văn danh sách hơn 762 công ty đến Cục Thuế TP.HCM đề nghị cung cấp thông tin liên quan việc cấp mã số thuế, báo cáo tài chính, báo cáo thuế và tình hình hoạt động; việc kê khai và chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp trên.

Trước đó, C03 Bộ Công an khởi tố, tạm giam bà Trương Mỹ Lan, cùng Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương và Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin ban đầu từ Bộ Công an cho hay, bà Lan cùng các đồng phạm bị cáo buộc đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018 - 2019.

Đà Nẵng lập quy hoạch đô thị sân bay

UBND TP. Đà Nẵng muốn chỉnh trang đô thị hiện hữu, làm đường hầm ngang qua sân bay để kết nối các khu dân cư phía tây bắc với khu trung tâm...

Phân khu sân bay được khoanh vùng nghiên cứu quy hoạch

Phân khu sân bay được khoanh vùng nghiên cứu quy hoạch

Theo ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (cơ quan tổ chức lập quy hoạch), đơn vị này đã hoàn tất lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư về đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu sân bay, tỷ lệ 1/2.000.

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Chính phủ phê duyệt năm 2021, phân khu sân bay thuộc vùng lõi xanh, giới hạn bởi các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ.

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch gần 1.327 ha, dân số khoảng 104.000, bao gồm khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, diện tích hơn 741 ha; còn lại là diện tích các phường quận Hải Châu, quận Thanh Khê, quận Cẩm Lệ.

Đại diện Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam (đơn vị tư vấn) giải thích mô hình đô thị sân bay là lấy sân bay làm trung tâm, các khu nhà ở, công trình thương mại, dịch vụ và khu chức năng đô thị khác được bố trí xung quanh. Với định hướng như vậy, phân khu sân bay được chia làm bốn khu vực.

Trong đó, khu vực 1 là cảng hàng không quốc tế, nội địa. Cảng sẽ được mở rộng thêm một đường băng để sẵn sàng phục vụ 30 triệu lượt khách/năm... Khu vực 2, diện tích đất hơn 112 ha, dân số hơn 12.000 định hướng phát triển thương mại dịch vụ, khu vực miễn thuế... Khu vực 3 rộng 130 ha, dân số gần 20.000 sẽ được nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích đô thị.

Khu vực 4 rộng hơn 305 ha, dân số hơn 45.000 sẽ được chỉnh trang, tái thiết, nâng cấp bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu của người dân.

Lọc dầu Nghi Sơn đề nghị nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 bùn thải

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề nghị nhận chìm trên biển hơn 1,4 triệu m3 bùn thải hình thành trong quá trình nạo vét, duy tu cảng lọc hóa dầu.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn về việc xin nhận chìm chất nạo vét trong quá trình duy tu cảng ra vào nhà máy tại Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn.

Lãnh đạo Công ty trước đó gửi kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép nhận chìm số bùn thải nói trên, song do vượt quá thẩm quyền nên địa phương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.

Đây là lần thứ ba trong hai năm qua Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn xin nhận chìm bùn thải khối lượng lớn (lần thứ nhất hơn 7 triệu m3, lần thứ hai vào tháng 5/2022 1,8 triệu m3) song đều chưa được chính quyền địa phương chấp thuận.

Theo Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cảng của nhà máy được thiết kế để tiếp nhận tàu trọng tải trên 40.000 tấn, công suất nhập cảng 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Từ lần nạo vét gần nhất năm 2019 đến nay, khu vực luồng tàu bị sa bồi, không bảo đảm độ sâu để có thể tiếp nhận tàu dầu như thiết kế, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tải trọng tàu đã giảm còn 30.000 tấn khi nước lớn và 15.000 tấn khi nước ròng.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt, nêu rõ công tác nạo vét duy tu là thiết yếu cho vận hành nhà máy. Vật liệu nạo vét được Bộ đánh giá phù hợp với nhận chìm biển và không phù hợp cho san lấp mặt bằng hay vật liệu xây dựng bởi thành phần cơ lý chất nạo vét chủ yếu là bùn, sét, tỷ lệ cát thấp.

Thanh tra toàn bộ doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm

Năm 2023, thanh tra ngành lao động các cấp sẽ làm việc với doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm thu hồi số nợ lên tới hơn 14.600 tỷ đồng.

Người lao động tìm kiếm cơ hội mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khi mất việc vì đại dịch

Người lao động tìm kiếm cơ hội mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khi mất việc vì đại dịch

Theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kế hoạch thanh tra chia làm nhiều đợt trong năm, thực hiện tại nhiều tỉnh thành, có thanh tra phụ trách các vùng và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương cùng tham gia. Thời gian, danh sách doanh nghiệp thanh tra được công khai, đơn vị vi phạm quy định sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Thống kê đến hết tháng 9/2022, doanh nghiệp cả nước chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi lên gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu. Chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.

Đơn cử tại Hà Nội, doanh nghiệp nợ đóng BHXH hơn 5.100 tỷ đồng (chiếm 8,8% số tiền cần thu). Trong đó, hơn 3.500 đơn vị nợ kéo dài từ hai năm trở lên. Đại diện một số doanh nghiệp cho hay, tình trạng nợ, chậm đóng do khó khăn trong sản xuất hoặc làm ăn thua lỗ. BHXH Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản lẫn làm việc trực tiếp nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đóng.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, việc xử lý các đơn vị cố tình trốn đóng BHXH theo Điều 216, Bộ luật Hình sự gặp khó khăn. Bốn năm qua, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH, nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Không lùi thời gian đào tạo lái xe trên cabin tập lái

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định giữ lộ trình đào tạo học lái xe trên cabin từ 1/1/2023, không lùi thời gian theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam.

Cabin tập lái tại Trung Tâm đào tạo và sát hạch lái xe - Đại học Phòng cháy chữa cháy

Cabin tập lái tại Trung Tâm đào tạo và sát hạch lái xe - Đại học Phòng cháy chữa cháy

Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin học lái xe, các trung tâm sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1/1/2023, do đó lộ trình đào tạo lái xe trên cabin vẫn giữ nguyên.

Tháng trước, khi chưa có đơn vị thử nghiệm cabin học lái ôtô, chưa có sản phẩm được chứng nhận phù hợp quy chuẩn nên Cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ cho phép lùi thời gian đào tạo học viên trên thiết bị này sau ngày 1/1/2023. Một số trung tâm đào tạo lái xe cũng kiến nghị lùi do cần có thời gian kiểm định thiết bị và khó khăn nguồn tài chính.

Thông tư số 04/2022 của Bộ GTVT quy định, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023. Học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình đồi núi, cao tốc.

Do tổng số giờ thực hành giữ nguyên nên học viên sau khi học cabin sẽ giảm số giờ tập trên sân. Phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường học viên mới được thi sát hạch lái xe.

Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và phản xạ trong điều kiện địa hình, cung đường, thời tiết, tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử, nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy. Thiết bị này chưa được thử nghiệm để đánh giá tác dụng, sự cần thiết thế nào.

Tin cùng chuyên mục