Dự kiến cơ cấu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV
Trong 500 đại biểu Quốc hội khóa XV, dự kiến có 95 người là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
63 tỉnh, thành đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thống nhất giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV |
Ngày 3/3, ông Hầu A Lềnh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết đến nay 63 tỉnh, thành đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thống nhất giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cả ở trung ương và địa phương.
Số ứng cử viên này đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội khóa mới (500 người).
Theo nghị quyết số 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207.
Trong 207 đại biểu này, phân bổ cho các cơ quan Đảng 10, cơ quan Chủ tịch nước 3.
Các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Văn phòng Quốc hội, được dự kiến 133 đại biểu. Đây sẽ là các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.
Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an, là 15.
Ở khối lực lượng vũ trang, cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu được phân bổ 12 đại biểu; Công an 2 đại biểu.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi nơi một đại biểu. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên 29 đại biểu.
Dự kiến, số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293. Trong đó, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành là 63. Số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương là 67…
Ngoài các cơ cấu nêu trên, Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến cơ cấu kết hợp - một người ứng cử có thể nhiều hơn một cơ cấu, như đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng khoảng 95 người, trong đó có 12 đến 14 vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Bộ Tài chính cảnh báo người chơi tiền ảo
Việt Nam chưa có quy định pháp lý về giao dịch, kinh doanh tiền ảo nên người dân tham gia sẽ không được bảo vệ khi gặp rủi ro.
Giao dịch một loại tiền ảo "rộ" lên gần đây |
Cùng với cảnh báo Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính mới đây cũng phát đi cảnh báo về một số hình thức mua bán chứng khoán quốc tế, tiền ảo nở rộ gần đây.
Gần đây có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước mà Bộ Tài chính cho rằng không xác định được tư cách pháp nhân, lôi kéo người dân tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là hình thức mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá...).
Trước các hình thức đầu tư nở rộ này, Bộ Tài chính khẳng định đây không phải là một loại chứng khoán. Việt Nam cũng chưa có quy định pháp lý về việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Ngoài ra, cơ quan này cũng nhấn mạnh, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
Đà Nẵng sẽ thí điểm Danang By Night để kích cầu khôi phục du lịch
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch về việc tổ chức thí điểm chương trình "Đà Nẵng về đêm" (Danang By Night).
Sẽ có nhiều hoạt động trong chương trình thí điểm Đà Nẵng về đêm (Danang By Night) nhằm kích cầu khôi phục du lịch |
Theo đó, chương trình được tổ chức thí điểm trong 3 năm (2021 - 2023), dự kiến khai trương dịp 30/4 sắp tới. Trong thời gian từ tháng 2 - 4/2021, sẽ thực hiện phát động chương trình rộng rãi đến các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch để nắm thông tin và xây dựng các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ phù hợp.
Theo kế hoạch, chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang By Night sẽ gồm nhiều nội dung, hoạt động đặc sắc như: chiếu sáng nghệ thuật với chủ đề “Dòng sông ánh sáng” hai bờ sông Hàn và trên sông Hàn, trải nghiệm hoạt động về đêm tại Phố du lịch An Thượng; tổ chức các show diễn, chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang, dịch vụ vui chơi giải trí…
Đồng thời, tổ chức thí điểm các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí về đêm tại khu vực bãi biển Mỹ An, trải nghiệm không gian ẩm thực Đà Nẵng thông qua việc hình thành khu phố hải sản tại đường Nguyễn Văn Thoại và Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa…
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành vận động các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng, cửa hiệu, các cơ sở ăn uống... trên địa bàn Thành phố tổ chức các khung giờ vui vẻ (happy hours) vào buổi tối với các mức giảm giá, ưu đãi, quà tặng... để thu hút khách, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời kích cầu mua sắm ban đêm, đặc biệt sau 22h00 hằng ngày; quy hoạch đa dạng hóa sản phẩm và các dịch vụ tại các chợ đêm.
Đầu tư 514 tỷ đồng cải tạo kênh chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất
Kênh Hy Vọng, quận Tân Bình (TP.HCM), dự kiến được cải tạo chiều dài 1,8 km, tổng vốn gần 514 tỷ đồng giúp cải thiện môi trường, giảm ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Một đoạn kênh Hy Vọng bị ngập rác |
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (thuộc UBND TP.HCM) cho biết, hiện hồ sơ Dự án đã hoàn tất, dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua đề xuất chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới. Kênh được làm hở toàn tuyến, hai bên xây đường rộng 10 m, trồng cây xanh. Chi phí xây dựng công trình gần 136 tỷ đồng, còn lại là đền bù, giải phóng mặt bằng, các khoản dự phòng, tư vấn...
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng có từ nhiều năm trước do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước làm chủ đầu tư, trước khi bàn giao qua Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Công trình trước đây là một hạng mục thuộc Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Năm 2017, WB ngưng tài trợ khiến Dự án bị khó trong việc tìm nguồn vốn thay thế.
Trước đó, UBND quận Tân Bình cho biết, Dự án chậm triển khai khiến tình trạng lấn chiếm và xả rác ở hai bờ diễn ra nhiều, làm tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Công trình đã được địa phương đăng ký sử dụng đất từ năm 2015 và nhiều lần kiến nghị đẩy nhanh các thủ tục để thu hồi đất, sớm triển khai.
Xe khách Hải Dương không được chở quá 20 người
Ô tô khách ở Hải Dương được chở tối đa một nửa số ghế nhưng không quá 20 người và phải mở kính cửa sổ khi di chuyển, từ ngày 3/3.
Container phải quay đầu trước chốt kiểm soát khi Hải Dương cách ly xã hội 15 ngày |
Cùng với kết thúc cách ly xã hội từ 0h ngày 3/3, các hoạt động giao thông vận tải ở Hải Dương cũng được khôi phục sau 15 ngày gián đoạn, nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương.
Xe khách nội tỉnh tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, được chở tối đa một nửa số ghế, nhưng không quá 20 người. Riêng taxi chỉ được chở một người lớn. Cửa xe dán bảng hướng dẫn phòng chống dịch, thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế. Các xe khi di chuyển phải mở kính cửa sổ để thông gió tự nhiên.
Tương tự, phà, bến khách ngang sông cũng không được chở quá 20 người mỗi chuyến và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Riêng phà Giải và các bến khách thuộc huyện Thanh Hà tiếp tục dừng hoạt động đến khi có thông báo mới.
Cùng ngày, chính quyền Hải Dương cũng khôi phục lưu thông trên các Quốc lộ 5, 18, 38, 38B, 17B và 37 sau nửa tháng hạn chế để cách ly xã hội toàn Tỉnh.
Kho quân phục không rõ nguồn gốc ở Sài Gòn
Kiểm tra kho hàng ở quận Gò Vấp, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trang phục quân đội, hải quân, cảnh sát biển không rõ nguồn gốc, ngày 3/3.
Lực lượng chức năng kiểm tra một trang phục cảnh sát biển |
Kiểm tra kho hàng trong căn nhà 2 tầng trên đường Nguyễn Thái Sơn, Phường 5, Đội quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) ghi nhận nhiều thùng carton chứa quân hàm. Hàng trăm dây nịt, giày, mũ và quần áo có chữ công an, cảnh sát biển, hải quân Việt Nam, quân đội được đặt trên các kệ. Toàn bộ sản phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Trình bày với lực lượng chức năng, chủ kho hàng Nguyễn Văn Hùng cho biết, mua hàng trôi nổi về bán hơn một năm qua.
Theo lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 12, chủ cơ sở đã lập trang web để bán sản phẩm qua mạng, trên trang web chỉ đăng hình ảnh giày tây để tránh cơ quan chức năng theo dõi.
Đội đã lập biên bản xử lý chủ kho hành vi kinh doanh hàng hóa nằm trong danh mục cấm, vi phạm thiết lập website điện tử bán hàng và thu giữ toàn bộ hàng hóa.