Bản tin thời sự sáng 4/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đầu tư 26 tỷ đồng cải tạo Bến Bạch Đằng; Tổng cục Đường bộ đề nghị tiếp nhận bảo trì các dự án BOT dừng thu phí; thiệt hại vụ án chuyển nhượng Dự án Phước Long B tại Sagri phải xác định lại; cháy ô tô Range Rover ở hầm Tràng Tiền Palaza…

Đầu tư 26 tỷ đồng cải tạo Bến Bạch Đằng

Hơn 8.000 m2 ở công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1 (TP.HCM), sẽ được chỉnh trang với kinh phí 26 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Một phần công viên bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao

Một phần công viên bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao

Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, việc chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng được thực hiện theo 3 giai đoạn: giai đoạn một hoàn thành trước ngày 30/4, giai đoạn 2 xong trước 2/9 và hoàn tất công trình vào cuối năm nay.

Công viên sẽ được cải tạo từ giáp ranh công trình cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực bến tàu thuỷ Bạch Đằng với tổng diện tích hơn 8.000 m2. Dự án gồm xây dựng lối đi, đường dạo, sân bãi, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, tưới nước di động, di dời các công trình chiếm dụng mặt bằng, cải tạo một số công trình hiện hữu...

Riêng khu vực trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng, UBND TP.HCM yêu cầu đơn vị thi công phải giữ lại các khẩu súng thần công hiện hữu.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, khu vực công viên Bến Bạch Đằng chia thành 3 khu chức năng: tưởng niệm lịch sử (khoảng 4.000 m2); xúc tiến du lịch (khoảng 5.150 m2); công viên cộng đồng (khoảng 2.750 m2).

Bến Bạch Đằng ở số 2 đường Tôn Đức Thắng - đối diện phố đi bộ Nguyễn Huệ gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng dài hơn 1,3 km, rộng 23.400 m2, ven sông Sài Gòn. Đây là nơi người dân và du khách tới vui chơi mỗi tối, song cơ sở vật chất đang xuống cấp.

Tổng cục Đường bộ đề nghị tiếp nhận bảo trì các dự án BOT dừng thu phí

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận bảo quản tài sản công, quản lý và bảo trì các tuyến quốc lộ đầu tư theo loại hợp đồng BOT khi tạm dừng thu phí hoặc chờ thanh lý hợp đồng. Một số dự án BOT khi tạm dừng thu phí hoặc chờ thanh lý hợp đồng đang bị xuống cấp do không được quản lý, bảo trì.

Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai

Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai

Đơn vị này cho biết, thời gian qua, để đảm bảo an toàn vận hành khai thác, duy trì chất lượng bảo trì trong giai đoạn chuyển giao công trình của dự án thực hiện theo hợp đồng BOT, đặc biệt trong thời gian tạm dừng thu phí để thực hiện công tác quyết toán, bàn giao tài sản, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, nhà đầu tư tăng cường kiểm tra, thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ; tránh trường hợp chậm trễ khắc phục các tồn tại gây mất an toàn giao thông.

Theo Tổng cục Đường bộ, hiện có 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa thống nhất được thời điểm kết thúc hợp đồng bàn giao và xác lập quyền sở hữu toàn dân nên chưa có nguồn vốn bảo trì, khiến dự án xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong số 9 dự án, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là Dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km2+478 - Km12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy.

Có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là Dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889. Có 3 dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai, Dự án Quốc lộ 20 đoạn qua các thị trấn và Dự án Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Thiệt hại vụ án chuyển nhượng Dự án Phước Long B tại Sagri phải xác định lại

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem lại thời điểm và thiệt hại trong việc cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) Lê Tấn Hùng và đồng phạm chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở Phước Long B.

SAGRI chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở Phước Long B (Quận 9, TP.HCM) với diện tích 3,75 ha cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá "bèo"

SAGRI chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở Phước Long B (Quận 9, TP.HCM) với diện tích 3,75 ha cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá "bèo"

Ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được đề nghị bổ sung căn cứ xác định thiệt hại do các bị can gây ra từ hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước đó, Bộ Công an xác định thiệt hại mà ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Sagri) và đồng phạm gây ra là 348 tỷ đồng.

Sagri là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do UBND TP.HCM quản lý. Tháng 8/2015, ông Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc và được giao quản lý tài sản, quản lý vốn của Tổng công ty.

Kết quả điều tra xác định, năm 2016, ông Hùng ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng, ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở Phước Long B (Sagri quản lý) cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) - thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Lê Tấn Hùng vừa là người chủ mưu, chỉ đạo điều hành, vừa là người thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.

Là người ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở Phước Long B, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến bị cáo buộc vai trò đồng phạm với ông Hùng ở tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cháy ôtô Range Rover ở hầm Tràng Tiền Palaza

Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã huy động 3 xe chữa cháy cùng nhiều chiến sĩ tiếp cận hiện trường, kịp thời dập tắt đám cháy tại tầng hầm để ô tô của Tràng Tiền Plaza.

Cửa tầng hầm Tràng Tiền Plaza, nơi chiếc ô tô bốc cháy

Cửa tầng hầm Tràng Tiền Plaza, nơi chiếc ô tô bốc cháy

12h trưa 3/4, một cán bộ thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, hỏa hoạn vừa xảy ra tại hầm Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại hiện trường, chiếc xe Range Rover bị cháy một phần nội thất, không có thiệt hại về người. Hơn hai giờ sau, Tràng Tiền Plaza hoạt động bình thường trở lại. Công an vẫn phong tỏa khu vực chiếc ô tô bị cháy để điều tra nguyên nhân.

Tạm đình chỉ 3 cán bộ cảnh sát giao thông Bình Dương “làm luật” trên sông Đồng Nai

3 cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy thuộc Công an tỉnh Bình Dương vừa bị tạm đình chỉ công tác để xác minh vụ việc “làm luật” trên sông Đồng Nai.

Cán bộ cảnh sát giao thông đường thủy bị phản ánh "làm luật" trên sông Đồng Nai

Cán bộ cảnh sát giao thông đường thủy bị phản ánh "làm luật" trên sông Đồng Nai

Thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT đường thủy để xác minh, làm rõ vụ việc “làm luật” trên sông Đồng Nai mà báo chí phản ánh.

Đây là 3 cán bộ có mặt trong các đoạn clip, hình ảnh mà báo chí ghi lại trong quá trình kiểm tra phương tiện trên sông Đồng Nai có nhiều dấu hiệu bất thường. Cả 3 đều bị tạm đình chỉ công tác trong 60 ngày để cơ quan chức năng xác minh, làm việc.

Cùng với đó, Phòng CSGT tỉnh Bình Dương đã lập tổ công tác để thanh tra, xử lý vụ việc trên.

Đội CSGT đường thủy thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương có chức năng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính, sông Bé.

TP.HCM được tự quyết định thí điểm buýt điện

TP.HCM có thể tham khảo đơn giá đang áp dụng cho buýt điện thí điểm tại Hà Nội để triển khai các tuyến xe tương tự trên địa bàn.

Trước đề xuất thí điểm 5 tuyến buýt điện của UBND TP.HCM, Chính phủ đồng ý TP.HCM được phép thí điểm buýt điện nhưng cần làm chặt chẽ, khả thi, phù hợp điều kiện giao thông, không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đơn giá xe buýt gồm mức khấu hao vật liệu, nhân công, vật tư sửa chữa... Đây là cơ sở để cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí, quản lý xe buýt.

Trước đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng mở 5 tuyến buýt điện trong 2 năm, gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27 km); VB02 (Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30 km); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, 29 km); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới, 8,5 km); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia, 10 km).

Xe hoạt động trên các tuyến có 65 - 70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện. Giá vé đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 với nhóm khách còn lại, tùy tuyến. Nhà đầu tư sẽ xây trung tâm vận hành, sửa chữa, bảo trì, trạm sạc, bãi đỗ xe...

Từ ngày 3/4, Quảng Ninh bỏ cách ly y tế người đến từ Hải Dương

Những người đi từ tỉnh Hải Dương tới Quảng Ninh không phải cách ly tập trung hay cách ly tại nhà và làm xét nghiệm, từ 0h ngày 3/4.

Các chốt kiểm soát ra vào tỉnh Quảng Ninh được dỡ bỏ

Các chốt kiểm soát ra vào tỉnh Quảng Ninh được dỡ bỏ

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định về một số biện pháp khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, người đến, đi về từ Hải Dương phải chủ động khai báo y tế tại địa phương nơi cư trú hoặc nơi đến; tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Ai có các biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 cần thông báo ngay cho trạm y tế hoặc trung tâm y tế trên địa bàn.

Động thái này được đưa ra trên cơ sở tình hình Covid-19 đã được kiểm soát tại các địa phương giáp ranh với Quảng Ninh.

Quảng Ninh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân và người dân không được lơ là, chủ quan; nâng cao ý thức tự giác, tự quản, tuân thủ nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế...