Chỉ định 6 gói thầu chậm tiến độ tái định cư sân bay Long Thành
Sau khi chấm dứt hợp đồng đối với 6 gói thầu chậm tiến độ xây dựng các công trình xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (Khu tái định cư sân bay Long Thành), tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu để chọn nhà thầu thi công đối với 6 gói thầu chậm tiến độ.
Công trình chậm tiến độ trong khu tái định cư sân bay Long Thành |
Ngày 3/4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh thực hiện chỉ định thầu để chọn nhà thầu thi công hoàn thành đối với 6 gói thầu chậm tiến độ.
Đây là những dự án thành phần, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.
Dự án Xây dựng các công trình xã hội tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (Khu tái định cư sân bay Long Thành) có 11 công trình gồm: 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 chợ, 1 trung tâm văn hóa, 1 trụ sở UBND xã với tổng giá trị gần 228 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành 2 công trình gồm: Trường mầm non Suối Trầu và trụ sở UBND xã. Có 3 công trình đạt trên 70 - 91% giá trị hợp đồng và hiện đang thi công hoàn thiện. Còn 6 gói thầu bị chậm tiến độ, các công trình này mới chỉ hoàn thành khoảng 18 - 20% trên tổng khối lượng cần thi công.
Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã nhắc nhở, lập biên bản nhưng các đơn vị vẫn không thi công nên Ban đã chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu này.
UBND Tỉnh cũng yêu cầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu này để triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành và đưa vào sử dụng trước tháng 9/2023.
Từ 15/5, tất cả du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé
Ngày 3/4, đại diện Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết đang thực hiện phương án bán vé đối với mọi du khách đến tham quan khu phố cổ.
Du khách nước ngoài tham quan khu phố cổ Hội An |
Để thực việc này, chính quyền Thành phố sẽ phân hai lối đi tại các đường chính vào phố cổ. Trong đó, một lối đi dành cho người địa phương và một lối đi cho du khách. Phương án dự kiến áp dụng từ ngày 15/5.
Hiện nay, chỉ du khách muốn tham quan những điểm nhất định mới phải mua vé, khách đi dạo phố và ăn uống tự do được miễn phí.
Lý giải về thay đổi này, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng, việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và tất cả du khách.
Theo ông Sơn, quyết định công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới thì toàn thể cảnh quan phố cổ là di sản chứ không riêng di tích nào. Hơn nữa nguồn thu từ vé tham quan phục vụ cho việc trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc cải tạo nhà.
Hiện khách mua vé được tham quan và nghe thuyết minh tại chùa Cầu, đình Cẩm Phô, Tụy Tiên Đường Minh Hương, miếu Quan Công, bảo tàng Hội An, nhà cổ Quân Thắng, Đức An, Phùng Hưng, Tấn Ký, nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Nguyễn Tường, Hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu...
Hải Phòng đề xuất chi hơn 131 tỷ xây tượng đài Chiến thắng Cát Bi
Sở KH&ĐT TP. Hải Phòng vừa có tờ trình về việc xây tượng đài Chiến thắng Cát Bi hơn 131 tỷ đồng, đặt tại Cảng hàng không Cát Bi.
Mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi |
Sở KH&ĐT TP. Hải Phòng vừa có báo cáo UBND Thành phố về việc trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tượng đài Chiến thắng Cát Bi với tổng mức đầu tư hơn 131 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Văn hóa & Thể thao TP. Hải Phòng đã có báo cáo UBND Thành phố chủ trương đầu tư Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Theo kết quả thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từ Sở KH&ĐT, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 131 tỷ đồng với các hạng mục chính như: sân quảng trường (bao gồm tượng đài và phù điêu), đài phun nước, khuôn viên cây xanh, đường dạo…
Tượng đài Chiến thắng Cát Bi được xây dựng tại vị trí giáp đường Lê Hồng Phong, lối vào Cảng, trong khu vực cây xanh cảnh quan kết hợp quảng trường ở phía ngoài Nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trên diện tích hơn 2,6 ha.
Theo đề xuất từ Sở Văn hóa & Thể thao TP. Hải Phòng, Dự án sẽ được hoàn thành vào trước ngày 7/3/2024, dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cát Bi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&ĐT, đến nay, Dự án mới đang trong giai đoạn báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chưa được HĐND TP. Hải Phòng thông qua. Sở này đã đề xuất thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2023 - 2024.
Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản đồng ý lựa chọn mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi.
Hơn 81.000 căn nhà tại TP.HCM chưa được cấp “sổ hồng”
Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM vừa có báo cáo về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn.
Hiện TP.HCM còn 81.332 căn chưa cấp giấy chứng nhận |
Đến thời điểm hiện nay, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn (trên tổng số 191.348 căn). Hiện còn 81.332 căn chưa cấp giấy chứng nhận. Trong số này, có 5.386 căn chưa được cấp giấy do chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Có 10.019 căn không được cấp giấy do thuộc loại hình bất động sản mới như: officetel, shophouse… Ngoài ra, có 17.515 căn không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận do chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế, quy mô căn hộ, cơ cấu sử dụng đất…
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, năm 2022, số lượng hồ sơ nộp vào xin cấp giấy chứng nhận tăng đột biến so với năm 2021, từ 28.835 hồ sơ lên 38.144 hồ sơ. Có một số vướng mắc trong công tác giải quyết hồ sơ ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận.
Hậu Giang sẽ giao mặt bằng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sớm 1 tháng
Trong tháng 5, Hậu Giang tiến hành chi trả bồi thường và bàn giao 70% mặt bằng Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sớm 1 tháng.
Một vị trí thuộc dự án thành phần 3 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Ngày 3/4, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho biết, công tác kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến nay đã hoàn thành hơn 99%.
Cụ thể, toàn Dự án có khoảng 1.054 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, ngành chức năng đã kiểm đếm xong 1.051 hộ...
Theo kế hoạch, sẽ phê duyệt phương án bồi thường trong tháng 4/2023. Trong tháng 5/2023, tiến hành chi trả tiền và bàn giao mặt bằng 70% diện tích đất đúng theo kế hoạch của Tỉnh và sớm hơn Nghị quyết số 91 của Chính phủ khoảng 1 tháng.
Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được giao cho UBND tỉnh Hậu Giang là đơn vị tổ chức thực hiện, Sở GTVT Tỉnh là chủ đầu tư.
Đoạn này có chiều dài gần 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.600 tỷ đồng).
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay việc triển khai Dự án đang bám sát kế hoạch của Tỉnh và tiến độ, các mốc thời gian theo Nghị quyết 91 của Chính phủ. Cụ thể, địa phương đã phê duyệt quyết định đầu tư Dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào tháng 2/2023. Hiện chủ đầu tư đang triển khai thủ tục lựa chọn tư vấn lập hồ sơ thiết kế và dự toán, triển khai thủ tục rà phá bom mìn.
Bên cạnh công tác bồi thường, Tỉnh cũng đã giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp triển khai đầu tư 2 khu tái định trên địa bàn huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp phục vụ cho người dân bị ảnh hưởng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188 km, tổng mức đầu tư hơn 44.700 tỷ đồng.
Đề xuất xây tượng đài Hùng Vương 51 m ở Đà Lạt
Doanh nghiệp đề xuất xây tượng đài Hùng Vương cao 51 m ở đồi Phượng Hoàng, thuộc Khu du lịch thác Prenn, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), kinh phí 70 tỷ đồng.
Mẫu tượng đài Hùng Vương trong thuyết minh thiết kế xin phép xây dựng của đơn vị tư vấn |
Tượng đài Hùng Vương cao 51 m, trong đó thân tượng cao 39 m, đế 12 m, phần đế tượng rộng 650 m2 bằng bêtông cốt thép. Kinh phí xây dựng từ nguồn của đơn vị quản lý Khu du lịch thác Prenn (Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt).
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, vị trí đề xuất đặt tượng của công ty được quy hoạch hạng mục tượng đài khổng lồ trang trí và không thuộc khu vực bảo vệ của danh lam thắng cảnh này.
Tuy nhiên, đề xuất đế tượng rộng 650 m2 là chưa phù hợp với diện tích theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt (tối đa 226,7 m2 mỗi tượng); đồng thời xây tượng cao 51 m thuộc trường hợp phải lấy ý kiến của quân đội và Cảng hàng không Liên Khương về độ cao công trình.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất tỉnh xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan về việc xây tượng đài Hùng Vương.
Công an Hà Nội tìm bị hại vụ giả bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương để lừa đảo
Công an Hà Nội đề nghị ai là người đã bị các đối tượng Nguyễn Hồng Dương và Phạm Xuân Đức chiếm đoạt tài sản theo phương thức, thủ đoạn nêu trên đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội để trình báo.
Các đối tượng đóng giả là bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương để lừa đảo nhiều bị hại |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cho biết, đơn vị đang điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP. Hà Nội.
Qua quá trình điều tra, đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Hồng Dương (trú tại phố Bắc, thị trấn Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định) và Phạm Xuân Đức (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Tài liệu điều tra xác định, thủ đoạn gây án của các bị can như sau: Các đối tượng đăng tin quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chữa trị các bệnh về mắt trên mạng xã hội Facebook, người có nhu cầu chữa trị các bệnh về mắt sẽ để lại tên, địa chỉ, số điện thoại trên trang Facebook của các đối tượng.
Sau đó, các đối tượng sẽ đóng giả là bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương hoặc các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội… liên hệ với người bệnh, đưa ra các thông tin không đúng sự thật là người bệnh đã được xét duyệt làm "hồ sơ vàng".
Theo đó, người bệnh sẽ được hưởng chính sách khám bệnh về mắt miễn phí trong vòng 5 năm tại các bệnh viện, hỗ trợ chi trả tiền làm "hồ sơ vàng"…., đổi lại người bệnh sẽ phải bỏ ra một số tiền tương ứng với từng liệu trình do các đối tượng đưa ra để làm "hồ sơ vàng".
Sau khi người bệnh đồng ý làm "hồ sơ vàng", các đối tượng sẽ gửi cho người bệnh một số loại thực phẩm chức năng như: "Viên uống bổ mắt Nhãn quang EYE GOLD; Bảo Nhãn Vương PLUS; Lutien New; Viên sáng mắt Avata Roto Plus…", kèm theo giấy tờ như: "Chỉ thị bảo hiểm M.I.C; Giấy Sở Vụ; Sao kê hồ sơ bệnh án; Biên lai giải ngân…". Khi người bệnh nhận hàng sẽ nộp cho nhân viên bưu điện và số tiền đó bị chiếm đoạt.
Gần 700 cửa hàng ở TP.HCM bị xử phạt vì bán hàng giả
Trong 3 tháng đầu năm nay, TP.HCM đã xử phạt gần 700 cửa hàng vì kinh doanh hàng lậu, hàng giả, không nguồn gốc xuất xứ, con số này tăng hơn 2 lần so với năm ngoái.
Gần 700 cửa hàng ở TP.HCM bị xử phạt vì bán hàng giả trong 3 tháng đầu năm. |
Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong quý I/2023, cơ quan này đã kiểm tra 714 vụ, trong đó xử lý 684 vụ vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... với tổng giá trị phạt gần 12,7 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm nói chung hơn 22,45 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số lượng cửa hàng bị kiểm tra tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 156,83%. Tỷ lệ cửa hàng vi phạm trên tổng số lượng cửa hàng bị kiểm tra lên đến 95%.
Cục Quản lý thị trường cho hay, trong số 684 vụ, có 13 vụ vi phạm nghiêm trọng, nhiều hàng hóa buộc phải tiêu hủy toàn bộ.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố lớn và xử lý 167 vụ vi phạm. Qua đó, tạm giữ 35.538 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử giả nhãn hiệu Honda, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace... với tổng giá trị vi phạm ước tính hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, nhà chức trách đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Đối với hoạt động phối hợp liên ngành, cơ quan quản lý các bên đã kiểm tra 7.586 vụ, có 34 vụ vi phạm. Đơn cử, cơ quan quản lý đã kiểm tra và phát hiện nhiều hành vi trốn kiểm dịch sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm.
Đối với vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn vị này xử lý 10 vụ vi phạm, trong tổng số 164 vụ bị kiểm tra, về hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đảm bảo an toàn thực phẩm.