Bản tin thời sự sáng 4/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là PVOIL đã cấp lại hóa đơn điện tử từ chiều 3/4; giá USD ngân hàng lập kỷ lục hơn 25.000 đồng; thông hầm trên cao tốc nối Bình Định - Phú Yên; các bị can liên quan vụ án tại tập đoàn Phúc Sơn nộp lại 95 tỷ đồng…

PVOIL đã cấp lại hóa đơn điện tử từ chiều 3/4

PVOIL đã phát hành hóa đơn điện tử trở lại vào chiều 3/4. Hệ thống quản lý và phát hành hóa đơn điện tử của PVOIL dự kiến sẽ hoạt động bình thường vào cuối tuần này.

PVOIL đã cấp lại hóa đơn điện tử từ chiều 3/4

PVOIL đã cấp lại hóa đơn điện tử từ chiều 3/4

Chiều 3/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, với sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị tư vấn về an ninh mạng và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, PVOIL đã điều tra nguyên nhân và từng bước khắc phục sự cố, dự kiến sẽ đưa các ứng dụng hoạt động trở lại trong 1 - 2 ngày tới.

Đến 15h ngày 3/4, tức là chỉ hơn một ngày sau khi xảy ra sự cố tấn công mạng, PVOIL đã có thể phát hành hóa đơn điện tử và phiếu xuất kho qua hệ thống công nghệ thông tin của một đơn vị cung cấp dịch vụ.

PVOIL cho hay, dự kiến hệ thống quản lý và phát hành hóa đơn điện tử của PVOIL sẽ hoạt động trở lại bình thường vào cuối tuần này. Các ứng dụng PVOIL Easy, PVOIL B2B… dự kiến hoạt động trở lại trong ngày 4/4.

Vào chiều ngày 2/4, PVOIL có văn bản thông báo về việc bị tấn công mã hóa dữ liệu (ransomware) khiến hệ thống công nghệ thông tin bị ngưng trệ, không phát hành được hóa đơn điện tử.

Thông báo cho hay, vào 0h0' ngày 2/4, hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị tấn công bất hợp pháp có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware).

Vụ việc này đã khiến hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị ngưng trệ, trong đó có hệ thống phát hành hóa đơn điện tử. Do đó, việc phát hành hóa đơn điện tử phục vụ việc bán hàng của PVOIL tạm thời không thể thực hiện được.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, PVOIL đã nhanh chóng có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng và khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá USD ngân hàng lập kỷ lục hơn 25.000 đồng

Tỷ giá ngân hàng sáng 3/4 tăng mạnh, vượt 25.000 đồng một USD và là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Tỷ giá ngân hàng sáng 3/4 tăng mạnh, vượt 25.000 đồng một USD

Tỷ giá ngân hàng sáng 3/4 tăng mạnh, vượt 25.000 đồng một USD

Sáng 3/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.040 đồng, tăng 15 đồng so với ngày 2/4. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong vùng 22.838 - 25.242 đồng.

Đồng thời, tỷ giá tham khảo giữa tiền đồng và USD tại Cục quản lý dự trữ ngoại hối sáng 3/4 cũng được điều chỉnh tăng 16 đồng ở chiều bán, lên 25.171 đồng, chiều mua giữ nguyên 23.400 đồng.

Giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đầu ngày cũng tăng mạnh và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Vietcombank tăng thêm 70 đồng cả hai chiều mua bán, lên 24.750 - 25.120 đồng. Tỷ giá tại Eximbank tăng thêm 60 đồng, lên 24.750 - 25.140 đồng một USD. Nếu so với đầu năm, tỷ giá trên thị trường chính thức đã tăng gần 2,9%.

Còn trên thị trường tự do, giá USD vẫn neo quanh vùng 25.440 - 25.540 đồng một USD.

Thông hầm trên cao tốc nối Bình Định - Phú Yên

Hầm qua núi Sơn Triệu dài gần 1 km trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh vừa được đào thông ngày 3/4, vượt tiến độ 1 tháng.

Hầm Sơn Triệu nối liền huyện Tuy Phước với thị xã An Nhơn

Hầm Sơn Triệu nối liền huyện Tuy Phước với thị xã An Nhơn

Hầm do Công ty CP Sông Đà 10 và Công ty CP Tập đoàn CMH thi công từ tháng 11/2023 với tổng kinh phí trên 765 tỷ đồng. Trong tổng chiều dài 960 m, ống hầm phải dài 535 m, ống hầm trái dài 600 m. Mỗi ống hầm có 3 làn xe. Tốc độ thiết kế 120 km/h. Ngoài ống hầm còn có quảng trường ở hai cửa hầm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), thi công hầm là hạng mục khó, đặc biệt việc đào và gia cố tại thời điểm mở cửa hầm trong địa chất phức tạp, đất đá yếu, phong hóa nứt nẻ mạnh. Do đó, bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt về thiết kế, kỹ thuật còn đòi hỏi đơn vị thi công phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn và giám sát chặt chẽ các bước trong quá trình thực hiện.

Hiện các đơn vị đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khai thác hầm Sơn Triệu từ tháng 9/2025, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh dài gần 62 km, qua Bình Định gần 20 km, qua Phú Yên 42 km, tổng đầu tư 14.800 tỷ đồng, gồm 3 gói thầu, đến nay các nhà thầu đã thi công gần 27%. Đây là 1 trong 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam; nối tỉnh Bình Định với Phú Yên.

Các bị can liên quan vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn nộp lại 95 tỷ đồng

Bộ Công an đã thu hồi 55 tỷ đồng và 1,6 triệu USD, tổng cộng 95 tỷ đồng, do các bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn nộp.

Các bị can liên quan vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn nộp lại 95 tỷ đồng

Các bị can liên quan vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn nộp lại 95 tỷ đồng

Thông tin được trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 3/4.

Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án. Việc rà soát, kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn khác của các bị can và người liên quan để thu hồi, khắc phục hậu quả đang được thực thi.

Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, một tháng qua nhiều cán bộ bị bắt, trong đó tại Vĩnh Phúc có 3 lãnh đạo cấp cao là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Phó Bí thư thường trực Phạm Hoàng Anh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành. Cả ba lãnh đạo đều bị điều tra tội Nhận hối lộ.

Tại Quảng Ngãi, C03 đã bắt Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, 2 cựu Chủ tịch Tỉnh Cao Khoa và Lê Viết Chữ, cùng nhiều cán bộ sở ngành khác. Họ bị điều tra Nhận hối lộ hoặc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, bị bắt về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Trước đó, ngày 26/2, Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam. Cảnh sát xác định, Hậu "Pháo" đưa tiền cho nhiều người, trong đó riêng bị can Đặng Trung Hoành 64 tỷ đồng.

TP.HCM tính thu hơn 35.000 tỷ đồng từ đất đai năm nay

Năm nay, TP.HCM đặt mục tiêu thu trên 35.000 tỷ đồng từ đất đai, chiếm khoảng 10% thu ngân sách địa phương.

Trung tâm TP.HCM và bán đảo Thủ Thiêm

Trung tâm TP.HCM và bán đảo Thủ Thiêm

Thông tin tại cuộc họp kinh tế - xã hội quý I của UBND TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguồn thu đất đai không gồm khoản cho thuê đất, mặt nước của địa phương. TP.HCM được giữ lại khoản thu này để bảo đảm chi tiêu, không phải nộp về ngân sách trung ương.

Ông Thắng cho biết, năm nay Thành phố dự tính thu trên 35.000 tỷ đồng từ đất đai. Trong đó, nguồn thường xuyên là thu thuế trong mua bán chuyển nhượng nhà đất. 3 tháng đầu năm, Thành phố thu trên 1.400 tỷ đồng tiền thuế nhờ cấp 1.849 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và đăng ký biến động cho 83.131 trường hợp. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến, khoản này sẽ "góp" khoảng 1.100 tỷ đồng mỗi quý tới.

Một nguồn khác là đấu giá các lô đất được UBND TP.HCM chấp thuận, dự kiến mang về 1.700 tỷ đồng. Nguồn khác dự kiến đem về 36.000 tỷ đồng cho ngân sách Thành phố là khoản từ 55 dự án được duyệt giá đất.

Sở Tài chính cho hay, trong quý II sẽ rà soát nhằm tăng khai thác các nguồn thu từ đất, tạo nguồn lực chi đầu tư trên địa bàn. Trong đó, giải pháp chính là sắp xếp, xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp theo phương án ưu tiên bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Đề nghị kiểm điểm nguyên Chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vừa tổ chức Kỳ họp thứ 35, khóa 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để xem xét, thông qua các vụ việc theo thẩm quyền.

Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đồng Nai đề nghị kỷ luật 2 đảng viên thuộc Dofico

Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đồng Nai đề nghị kỷ luật 2 đảng viên thuộc Dofico

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thông qua báo cáo kết quả xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Phan Duy Nghĩa (sinh năm 1964) - nguyên Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom từ năm 2013 đến 2022; Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng từ năm 2007 đến tháng 2/2011.

Theo kết luận, trong thời gian giữ chức vụ, ông Nghĩa có khuyết điểm, sai phạm. Trước đó, tháng 6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam ông Nghĩa để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Cũng tại Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai kết luận về thiếu sót, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai Dofico; bà Đoàn Đặng Quỳnh Chi, thành viên Hội đồng Thành viên Dofico.

Các đảng viên trên có khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ theo quy định của Đảng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, về những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai cũng có kết luận về hạn chế, khuyết điểm của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai Trịnh Ngọc Quỳnh, Bí thư Chi bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thịnh.

Sá Xị Chương Dương bị hủy niêm yết

HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu SCD của Sá Xị Chương Dương do lỗ 3 năm liên tục và vốn điều lệ xuống mức âm.

HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu SCD của Sá Xị Chương Dương. Ảnh minh họa

HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu SCD của Sá Xị Chương Dương. Ảnh minh họa

Quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) được đưa ra sau khi Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (SCD) công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Theo đó, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 126 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm các chi phí cố định đồng loạt nhích lên, mạnh nhất là chi phí bán hàng (tăng gần gấp đôi). Do đó, lỗ sau thuế ghi nhận hơn 119 tỷ đồng, tăng 45%.

Cả doanh thu và lợi nhuận kém xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2023. Khi đó, Công ty kỳ vọng việc tăng độ phủ bán hàng và thâm nhập thị trường mới sẽ giúp doanh thu gấp đôi năm 2022, đạt 365 tỷ đồng và có lãi khoảng 3,8 tỷ đồng để chấm dứt mạch lỗ. Mục tiêu này đề ra dựa theo kế hoạch sản lượng tăng 77% so với năm ngoái, đạt gần 22 triệu lít.

Ban lãnh đạo cho biết đã có nhiều nỗ lực nhằm cắt giảm và tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí hoạt động cao hơn do chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm tăng, chi phí thuê đất cũng nhích lên cùng các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài.

Sá Xị Chương Dương kinh doanh không lời trong 3 năm liên tiếp với mức lỗ lũy kế gần 201 tỷ đồng. Khoản lỗ năm trước cũng đẩy vốn chủ sở hữu của SCD về mức âm 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2022 ghi nhận khoảng 107,5 tỷ đồng.

Do thua lỗ trong 3 năm liền và vốn chủ sở hữu âm, cổ phiếu SCD rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, mã chứng khoán của Công ty cũng bị HoSE đưa vào diện kiểm soát do kết quả kinh doanh bết bát.

Cuối 2023, Sá xị Chương Dương có tổng tài sản 688 tỷ đồng, tăng hơn 90 tỷ so với đầu năm. Nợ phải trả hơn 699 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn (chiếm gần hai phần ba, gấp 4,7 lần cùng kỳ 2022).

Phát hiện đường dây bán hàng trăm nghìn tài khoản ngân hàng

Nguyễn Thị Tuyết Nhung bị cáo buộc lập nhiều công ty tài chính tư vấn vay vốn tín chấp để thu thập thông tin của người dân, mở trái phép hàng trăm nghìn tài khoản ngân hàng.

Nguyễn Thị Tuyết Nhung (áo đen) khi cảnh sát đọc lệnh bắt

Nguyễn Thị Tuyết Nhung (áo đen) khi cảnh sát đọc lệnh bắt

Ngày 3/4, Nhung; Võ Minh Hùng cùng 3 người khác bị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Phú Yên, Bình Dương bắt về hành vi điều hành đường dây mua bán, trao đổi trái phép hàng trăm nghìn tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, A05 cũng phối hợp Công an Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre đồng loạt bắt và triệu tập 41 người; khám xét 12 địa điểm, thu 4 con dấu, 3 giấy phép đăng ký kinh doanh, 70 điện thoại di động, 12 máy tính và hàng chục nghìn tài khoản ngân hàng trực tuyến, hàng nghìn sim điện thoại cùng nhiều tài liệu liên quan.

Theo A05, đây là đường dây thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh khu vực phía Nam.

Nguyễn Thị Tuyết Nhung bị cáo buộc cùng đồng phạm thành lập Công ty TNHH Tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Minh Anh, với hàng chục chi nhánh hoạt động rầm rộ tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư (riêng Bình Dương có 5 chi nhánh). Các công ty tuyển rất nhiều lao động nữ, luôn có mặt ở các chi nhánh dưới vỏ bọc "tư vấn vay vốn tín chấp miễn phí" nhưng thực chất là thu thập thông tin khách hàng qua CCCD, hình ảnh; sau đó dùng sim rác để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến. Mỗi sim được nhóm này mở hàng chục tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Làm việc với cơ quan công an, các nghi can thừa nhận đều hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, lợi dụng chính sách ưu đãi của nhiều ngân hàng TMCP trong nước và kẽ hở của công tác quản lý, để mở và sử dụng trái phép tài khoản ngân hàng trong một thời gian dài.

Theo một cán bộ A05, mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng, chứng khoán; thu lợi hàng chục tỷ đồng. Với số lượng tài khoản trực tuyến được mở trái phép cực lớn, các nghi can có thể tiếp tay cho những tổ chức lừa đảo trực tuyến; các loại tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc; rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.