Bản tin thời sự sáng 4/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai làm thất thoát 2,3 tỷ đồng tại các dự án phần mềm; Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954; đề xuất gần 500 tỷ đồng hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý; Bộ Y tế gia hạn hơn 6.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc…

Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai làm thất thoát 2,3 tỷ đồng tại các dự án phần mềm

Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai sử dụng chưa hiệu quả các dự án phần mềm công nghệ thông tin, gây thất thoát, lãng phí hơn 2,3 tỷ đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai được giao làm chủ đầu tư 13 dự án phần mềm và gia hạn 2 phần mềm trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021

Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai được giao làm chủ đầu tư 13 dự án phần mềm và gia hạn 2 phần mềm trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021

Ngày 3/6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Gia Lai Lê Duy Định cho biết, Sở vừa nhận được kết luận của Thanh tra Tỉnh về việc “Đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động tại Sở GD&ĐT Gia Lai”, giai đoạn từ năm 2015 - 2021.

Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, trong thời gian trên, Sở được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư 13 dự án phần mềm ứng dụng CNTT và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí thanh toán 33 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện nhiều dự án có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án hiệu quả sử dụng không cao… gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng. Trách nhiệm chính thuộc về Sở GD&ĐT Gia Lai.

Theo Kết luận thanh tra, tại Dự án Mua sắm thiết bị và phần mềm “Hệ thống số hóa và quản lý dữ liệu EDM”, Sở GD&ĐT Gia Lai đã thanh toán thừa 47 mét hồ sơ so với dự toán. Số tiền sai phạm hơn 458 triệu đồng. Đối với chi phí nhập liệu và chuyển đổi thông tin bằng chức năng của phần mềm, đã thanh toán thừa 17.718 trang dữ liệu, số tiền sai phạm hơn 569 triệu đồng. Tổng số tiền sai phạm của Dự án là hơn 1 tỷ đồng.

Đối với việc mua sắm phần mềm "Quản lý ngân hàng đề thi 2020", qua kiểm tra, thực tế sở này cung cấp đĩa CD-Master Test - bản Client cho 17 phòng GD&ĐT nhưng thanh toán với giá tiền của phần mềm Master Test - bản Server là không đúng, số tiền chênh lệch là 464 triệu đồng.

Nhiều phần mềm được Sở GD&ĐT Gia Lai trang bị cho các đơn vị trực thuộc nhưng không sử dụng, dẫn đến việc sử dụng ngân sách nhà nước chưa hiệu quả.

Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954

Theo danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, Ba Đình là quận có số lượng biệt thự cũ nhóm 1 nhiều nhất với 111 biệt thự, tiếp đến là quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự nhóm 1.

Một căn biệt thự cổ tại Hà Nội

Một căn biệt thự cổ tại Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1845 về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố, thay thế Quyết định số 7177 ngày 28/11/2013.

Danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố.

Ba Đình là quận có số lượng biệt thự cũ nhóm 1 nhiều nhất với 111 biệt thự, tiếp đến là quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự nhóm 1.

Thời gian vừa qua, việc quản lý biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng, sửa chữa không có giấy phép, không đúng quy cách, người dân tự cơi nới, lắp thêm “chuồng cọp," tranh chấp ranh giới, tranh chấp quyền sử dụng giữa các chủ sở hữu và người mua đi bán lại...

Đề xuất gần 500 tỷ đồng hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất bố trí hơn 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, sau khi dừng hợp đồng BOT.

Công trình cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng thi công

Công trình cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau khi dừng thi công

Kiến nghị vừa được Sở Giao thông vận tải gửi HĐND TP.HCM nhằm sớm hoàn tất các hạng mục còn dang dở tại Dự án. Trong tổng vốn đề xuất, chi phí xây dựng khoảng 168 tỷ đồng, gần 200 tỷ đồng cho phần giải phóng mặt bằng, còn lại là phí dự phòng, quản lý dự án...

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã thực hiện xong 70% khối lượng nhưng đang ngưng thi công do Thành phố dừng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI). Nguyên nhân là Dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm trên đường hiện hữu).

Nếu được thông qua, trong năm nay các đơn vị sẽ thanh toán chi phí Nhà đầu tư đã bỏ ra làm Dự án và hoàn tất duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục còn lại trong hai năm tới để khai thác vào năm 2025. Do công trình đã triển khai nên các thông số kỹ thuật, quy mô được xác định rõ, thuận lợi để đẩy nhanh các công việc tiếp theo.

Đầu năm 2018, cầu Tân Kỳ - Tân Quý khởi công theo hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian thi công, chờ thu phí hoàn vốn. Cầu dài hơn 80 m cùng đoạn đường dẫn 225 m được xây dựng nhằm thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát.

Bộ Y tế gia hạn hơn 6.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế ngày 3/6 thông báo gia hạn 4.631 thuốc nội, 1.427 thuốc ngoại và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước ngày 30/6.

Thuốc molnupiravir sản xuất tại Công ty Boston Việt Nam, Bình Dương

Thuốc molnupiravir sản xuất tại Công ty Boston Việt Nam, Bình Dương

Các thuốc được gia hạn thuộc nhiều lĩnh vực điều trị khác nhau như bệnh liên quan đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh amoxicilin, thuốc hạ sốt aspirin... Danh mục này được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục Quản lý dược.

Như vậy, Bộ Y tế đã gia hạn hơn một nửa trong số gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sắp hết hạn. Các hồ sơ hết hạn vào ngày 30/6 được giải quyết trước, thực hiện theo Nghị định số 29/2022 ban hành ngày 29/4.

Theo đó, Khoản 14 nghị định này cho phép nhanh chóng gia hạn giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2022 cho các thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ 31/12/2021 đến trước 31/12/2022, nhưng không kịp thời thực hiện thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do Covid-19. Doanh nghiệp không cần thực hiện thêm thủ tục gì. Đại diện Cục Quản lý dược cho biết đang tiếp tục cập nhật, phê duyệt các hồ sơ đủ điều kiện theo nghị định nói trên.

Đăng ký lưu hành thuốc là thủ tục xin cấp phép lưu hành trên thị trường cho thuốc, vaccine, sinh phẩm do Bộ Y tế quản lý. Đây là hoạt động bắt buộc, theo Luật Dược. Giấy phép lưu hành thuốc do Bộ Y tế cấp có thời hạn 5 năm, doanh nghiệp phải xin gia hạn khi giấy này hết hạn, nếu không thì phải ngừng bán loại thuốc được đăng ký trong giấy phép.

Ngày 13/4, Bộ Y tế báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc. Thống kê có hơn 6.400 giấy đăng ký thuốc nội, gần 3.000 giấy đăng ký thuốc ngoại, 352 giấy đăng ký vaccine và sinh phẩm hết hạn vào 31/12. Bên cạnh đó, có nhiều giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực vào 30/6.

Nha Trang muốn mở đường rộng 60 m xuyên thành phố

Đơn vị lập quy hoạch TP. Nha Trang đề xuất mở tuyến đường dài hơn 8 km, rộng 60 m, 8 làn xe nối đường Võ Nguyên Giáp đến trục chính sân bay cũ.

Hướng tuyến dự án đường (màu vàng) kết nối khu vực Tây Nha Trang, Diên Khánh với đường Trần Phú

Hướng tuyến dự án đường (màu vàng) kết nối khu vực Tây Nha Trang, Diên Khánh với đường Trần Phú

Hiện nay, đề xuất được chính quyền TP. Nha Trang lấy ý kiến người dân trong điều chỉnh quy hoạch chung tại địa phương đến năm 2040. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ là trục chính, quan trọng tổ chức giao thông công cộng khối lượng lớn (đường sắt nhẹ, buýt nhanh...) kết hợp xe đạp; giúp kết nối khu vực Tây Nha Trang, Diên Khánh với tuyến Trần Phú dọc biển.

Do đang ở dạng đề xuất nên tuyến đường chưa được dự trù kinh phí. Tuy nhiên, vì đi xuyên trung tâm, khi triển khai sẽ phải thu hồi 50.000 m2 đất nằm dọc tuyến, trong đó đất ở gần 40.000 m2, với hơn 270 hộ dân bị ảnh hưởng.

Ngoài dự án nói trên, đơn vị tư vấn còn đề xuất làm đường rộng 22 m từ khu đô thị An Viên qua núi Hòn Rớ kết nối đại lộ Nguyễn Tất Thành, liên kết từ khu vực phía Nam khu đô thị trung tâm ven biển đến sân bay Cam Ranh.

Đề xuất mở thêm 12 tuyến buýt mới ở TP.HCM

12 tuyến xe buýt dự kiến được mở mới tại TP.HCM bao gồm 4 tuyến có sức chứa nhỏ, 4 tuyến buýt chất lượng cao và 4 tuyến còn lại phục vụ khách đi tỉnh liền kề.

Tuyến buýt điện cỡ lớn đầu tiên khai thác tại TP.HCM, trên đường Nguyễn Huệ

Tuyến buýt điện cỡ lớn đầu tiên khai thác tại TP.HCM, trên đường Nguyễn Huệ

Trong đó, 4 tuyến buýt sức chứa nhỏ có điểm đầu và cuối tuyến là Ga tàu thủy Bình An - Bến xe buýt Sài Gòn; Ga tàu thủy Bình An - đường Liên Phường; khu dân cư Ấp 5 Phong Phú - UBND Quận 7; khu dân cư T30 - Đại học Marketing.

4 tuyến buýt chất lượng cao thuộc dự án phát triển giao thông xanh sẽ chạy dọc hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với điểm đầu và cuối tuyến là An Lạc - Rạch Chiếc; An Lạc - Bến Thành; Chợ Lớn - Rạch Chiếc; Bến Thành - Rạch Chiếc.

4 tuyến buýt tỉnh liền kề (không trợ giá) có điểm đầu và cuối tuyến tại Bến xe An Sương - Bến xe Biên Hòa; Bến xe Tân Phú - Bến xe Tây Ninh; Bến xe buýt Tân Phú - Bến xe Tiền Giang; Bến xe Tân Phú - Bến xe Biên Hòa.

Hiện TP.HCM có 128 tuyến xe buýt hoạt động, gồm 91 tuyến trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Trong đó có 101 tuyến xe buýt nội tỉnh và 27 tuyến xe buýt kết nối đến các tỉnh liền kề gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh 27 tuyến buýt tỉnh liền kề này, Sở GTVT cho biết, việc bổ sung tuyến mới để kết nối tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh là rất cần thiết trong bối cảnh TP.HCM hướng đến mục tiêu tăng kết nối với các tỉnh lân cận.

Tin cùng chuyên mục