Bản tin thời sự sáng 4/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; Metro Bến Thành - Suối Tiên thiếu hơn 300 nhân sự vận hành; Ngân hàng Nhà nước đã bơm trả thị trường 87.200 tỷ đồng, ngân hàng dồn dập hạ lãi suất; giá tiêu xuất khẩu lao dốc; ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sắp được giảm 50% lệ phí trước bạ…

Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A

Bộ Y tế thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế đang chỉ đạo xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch Covid-19 thời gian tới

Bộ Y tế đang chỉ đạo xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch Covid-19 thời gian tới

Quyết định này được đưa ra tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, chiều 3/6.

Theo Bộ Y tế, đối chiếu các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và qua theo dõi diễn biến dịch tại Việt Nam, cơ quan này nhận thấy Covid-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh nhóm A. Ba lý do được đưa ra là:

Đầu tiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022; từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5 ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong 5 tháng đầu năm nay giảm mạnh còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).

Thứ 2, tác nhân gây bệnh Covid-19 đã được xác định rõ là virus SARS-CoV-2.

Thứ 3, bệnh Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới…

Metro Bến Thành - Suối Tiên thiếu hơn 300 nhân sự vận hành

Thời gian hoàn thành cận kề, song Metro số 1 (TP.HCM) đang thiếu hơn 300 nhân sự vận hành và nhận chuyển giao do công ty quản lý tuyến hết kinh phí tuyển dụng.

Nhân sự thuộc nhà thầu Nhật Bản lái tàu Metro số 1 khi chạy thử

Nhân sự thuộc nhà thầu Nhật Bản lái tàu Metro số 1 khi chạy thử

Khó khăn diễn ra trong bối cảnh Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cuối năm nay phải về đích, cần chuẩn bị lực lượng nhân sự quản lý, bảo trì, chuyển giao công nghệ... Hai năm qua, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành metro không còn kinh phí hoạt động.

Từ đó đến nay, người lao động Công ty không được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội. Không còn kinh phí chi trả điện, nước, viễn thông và bảo vệ, HURC1 phải ngưng sử dụng trụ sở được TP.HCM bố trí, hiện dùng tạm các phòng họp của Chủ đầu tư làm nơi làm việc. Công ty đang nợ bảo hiểm hơn 1,3 tỷ đồng, chưa tính các khoản nợ lương nhân viên.

Để tiếp tục duy trì hoạt động, mới đây, HURC1 đề xuất Thành phố tiếp tục cho mượn tạm 16 tỷ đồng. Số tiền này được Công ty dự trù cho nhu cầu sử dụng đến tháng 9 nhằm trả nợ bảo hiểm, lương của người lao động và tuyển dụng nhân sự tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư), bộ máy nhân sự vận hành Metro số 1 cần hơn 700 người. Trong đó, gần 400 nhân sự thuộc các bộ phận lái tàu, nhân viên nhà ga, kỹ thuật viên điều độ... đang được đào tạo theo hợp đồng gói thầu của Dự án, nên Công ty chưa phải trả lương. Còn lại hơn 300 nhân sự làm tại trụ sở chính và đội ngũ bảo dưỡng, Công ty phải tuyển dụng để nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu. Tuy nhiên do hết kinh phí trả lương, những vị trí này chưa thể tuyển dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã bơm trả thị trường 87.200 tỷ đồng, ngân hàng dồn dập hạ lãi suất

Suốt 3 tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đáo hạn 87.200 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, NHNN đã bơm trả lại thị trường gần 80% trong tổng số 110.700 tỷ đồng đã hút về trước đó.

Nhóm ngân hàng Big 4 có lãi suất thấp nhất hệ thống, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy

Nhóm ngân hàng Big 4 có lãi suất thấp nhất hệ thống, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy

Trong tuần qua (tính tới phiên 1/6), NHNN đã đáo hạn thêm 18.200 tỷ đồng tín phiếu. Như vậy, trong vòng 3 tuần gần đây, NHNN đã đáo hạn 87.200 tỷ đồng tín phiếu, bơm trả lại thị trường.

Trước đó, từ ngày 15/2, NHNN đã triển khai việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày để hút bớt thanh khoản hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Sau gần 1 tháng hút thanh khoản, lượng tín phiếu 91 ngày lưu hành đến giữa tháng 3 đạt gần 110.700 tỷ đồng.

Sau 3 tuần liên tiếp đáo hạn tín phiếu, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện chỉ còn 23.500 tỷ đồng và sẽ được NHNN lần lượt bơm trả thị trường từ nay đến giữa tháng 6/2023. Lượng vốn lớn bơm ra thị trường của NHNN đang giúp thanh khoản hệ thống thêm dồi dào.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn dao động ở mức 4 - 5%, khá ổn định trong tuần qua. Đầu tuần qua, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng là 3,97%, song đã tăng trở lại mức 4,06% vào phiên 1/6.

Mặc dù vậy, lãi suất huy động trên thị trường vẫn tiếp tục hạ nhiệt. Sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 0,5% từ ngày 25/5, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động ở mức 0,3 - 0,8%/năm tùy từng kỳ hạn.

Mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay là 8,5 - 8,6%/năm, áp dụng tại số ít ngân hàng như GPBank, ABBank. Đa số các ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất ở mức 7,5 - 8,3%/năm.

Riêng nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) có lãi suất thấp nhất hệ thống, chỉ 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy. Đối với tiền gửi online, lãi suất của một số ngân hàng là 7%/năm.

Giá tiêu xuất khẩu lao dốc

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng chỉ đạt 3.011 USD/tấn, giảm mạnh nhất trong 3 năm qua, khiến người trồng lỗ nặng.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng qua chỉ đạt 3.011 USD/tấn

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng qua chỉ đạt 3.011 USD/tấn

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 138.000 tấn hạt tiêu, tương đương 414 triệu USD, tăng 38,4% về khối lượng nhưng giảm 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 5 tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 3.011 USD/tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong gần 3 năm qua.

Giá tiêu xuất khẩu lao dốc vì nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu giảm. Áp lực từ đồng USD tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất khiến hoạt động nhập khẩu tiêu của nhiều thị trường lớn ảnh hưởng. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc liên tục giảm 20 - 70% trong nhiều tháng qua.

Trong nước, giá hạt tiêu tăng nhẹ lên mức 73.000 - 75.000 đồng/kg, nhưng mức này vẫn đang khiến người trồng điêu đứng.

Trong nửa cuối năm, Bộ Công Thương dự báo giá sẽ đi lên, thị trường trở nên sôi động khi nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu trầm lắng của thị trường Mỹ và EU.

Kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Ngô Hoàng Nam.

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định đã thi hành kỷ luật hình thức khiển trách về mặt Đảng đối với ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn vì liên quan các sai phạm khi triển khai thi công một số tuyến đường trên địa bàn.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định vừa thông báo kết quả Kỳ họp thứ 31, 32 về xem xét kết quả xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng và thi hành kỷ luật đối với đảng viên tại địa phương.

Qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định nhận thấy, với trách nhiệm là Chủ đầu tư Gói thầu Thi công xây dựng hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Trần Thị Kỷ, đường Phạm Ngũ Lão, hẻm 50 và đối diện hẻm 50 thuộc công trình xây dựng đường Hoàng Văn Thụ nối dài, thành phố Quy Nhơn; trên cơ sở tham mưu, đề nghị của các cơ quan chuyên môn, ông Ngô Hoàng Nam đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không đúng quy định.

Ngoài ra, ông Ngô Hoàng Nam thiếu kiểm tra, giám sát để Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn, đại diện Chủ đầu tư, xảy ra vi phạm trong tổ chức quản lý, thi công xây dựng gói thầu nêu trên, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, trong quá trình làm việc với tổ chức Đảng có thẩm quyền, ông Ngô Hoàng Nam đã chủ động cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, tự nhận trách nhiệm cá nhân về những khuyết điểm, vi phạm và tự giác nhận hình thức kỷ luật, đồng thời đã chỉ đạo khắc phục kịp thời số tiền thiệt hại nộp vào ngân sách nhà nước.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Ngô Hoàng Nam.

Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sắp được giảm 50% lệ phí trước bạ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc đồng ý giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định về việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất tại Việt Nam.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định về việc giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất tại Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân vừa ký Văn bản số 4019/VPCP-KTTH gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước.

Theo công văn này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 30/5/2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định và trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023.

Quyết sách trên được thực hiện nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các dòng xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Vào đầu năm nay, cả sản lượng sản xuất và doanh số của loại sản phẩm này giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 5/2023, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 27.000 chiếc, tăng 2,2% so với tháng 4 (26.400 xe) nhưng chỉ bằng 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 133.600 chiếc, giảm sâu 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Long An xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với 3 doanh nghiệp bất động sản

UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp do sai phạm trong lĩnh vực bất động sản.

Tổng quan Dự án Trần Anh Riverside
Tổng quan Dự án Trần Anh Riverside

Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, UBND Tỉnh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp do sai phạm trong lĩnh vực bất động sản. Tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Trong đó, có 2 doanh nghiệp bị xử phạt do không bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, UBND tỉnh Long An đã ban hành 2 quyết định xử phạt đối với Công ty CP Tập đoàn Trần Anh Long An (địa chỉ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại 2 dự án Khu dân cư Trần Anh Riverside và Khu dân cư Trần Anh Riverside 2 ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, mỗi dự án bị phạt 260 triệu đồng.

Cùng vi phạm, Công ty TNHH Hải Sơn (trụ sở chính tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cũng bị xử phạt 260 triệu đồng do không bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại Dự án Khu dân cư - thương mại chợ mới Bến Lức, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.

Ngoài xử phạt, UBND tỉnh Long An cũng buộc hai doanh nghiệp trên phải thực hiện biện pháp khắc phục là bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Southgate (địa chỉ tại huyện Bến Lức) với số tiền 450 triệu đồng. Công ty CP Southgate bị phạt do có 3 hành vi vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư.

Nhà Đà Nẵng bị phong tỏa 222 tỷ đồng trong tài khoản

Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng bị phong tỏa tài khoản mở tại Ngân hàng Việt Á Chi nhánh Đà Nẵng với số tiền 222 tỷ đồng.

Dự án Monarchy do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng làm chủ đầu tư

Dự án Monarchy do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng làm chủ đầu tư

HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán NDN) vừa công bố Tờ trình gửi các cổ đông về việc khắc phục thiệt hại các sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty từ năm 2010. Theo đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm trên chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

HĐQT Công ty thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đà Nẵng đã ban hành Lệnh phong tỏa với tài khoản 1501000094859000 tại Ngân hàng Việt Á Chi nhánh Đà Nẵng của Công ty với số tiền 222 tỷ đồng.

Xét thấy việc sử dụng nguồn lợi từ các sai phạm để đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước là vi phạm pháp luật, dẫn đến việc cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa tài sản, hạn chế nguồn lực gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian dài, HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng thống nhất trình Đại hội đồng cổ đông thông qua một số nội dung.

Đó là giao Hội đồng quản trị Công ty cân đối các nguồn (Quỹ thưởng Ban điều hành Công ty, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ đầu tư phát triển đã được trích lập từ năm 2010 đến năm 2018 và một phần lợi nhuận chưa phân phối các năm trước) để thực hiện khắc phục thiệt hại theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; giao Ban điều hành Công ty kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép gỡ bỏ biện pháp phong tỏa tài khoản trên để khai thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông Công ty.