Bản tin thời sự sáng 4/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội trình phương án lập thêm 2 thành phố với 4,45 triệu người; VietinBank rao bán hơn 350 khách sạn, bất động sản để thu nợ; làng chài Cửa Vạn lọt top “làng cổ đẹp như tranh” của thế giới…

Hà Nội trình phương án lập thêm 2 thành phố với 4,45 triệu người

Theo dự kiến, tổng diện tích thành phố phía Bắc và phía Tây của Hà Nội rộng khoảng 884 km2 với quy mô dân số vào năm 2045 khoảng 4,45 triệu người.

Thành phố phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn

Thành phố phía Bắc sông Hồng gồm 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn

UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND Thành phố về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045.

Một điểm đáng chú ý trong tờ trình là việc Hà Nội lên phương án quy hoạch thêm 2 thành phố nằm trong Thủ đô với tổng diện tích khoảng 884 km2, quy mô dân số vào năm 2045 khoảng 4,45 triệu người. Như vậy, cộng với đô thị trung tâm Hà Nội, địa giới Thủ đô sẽ bao gồm 3 thành phố.

Tờ trình xác định thành phố phía Bắc nằm bên bờ bắc sông Hồng, hình thành bởi địa giới hành chính của 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích 633 km2. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.

Trong đó, đất đô thị khoảng 385 km2, dân số khoảng 2,92 triệu người. Khu vực ngoại thành khoảng 248 km2, dân số 0,33 triệu người.

Hà Nội định hướng chức năng thành phố phía Bắc là đô thị cửa ngõ, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; gắn với sân bay Nội Bài (dự kiến công suất 100 triệu khách/năm).

Thành phố dự kiến có 45 phường và 24 xã. Trung tâm đô thị đặt tại phía nam sân bay Nội Bài, gần các trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa…

Một số khu vực ở thành phố phía Bắc sông Hồng được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp.

Ở phía Tây, UBND TP. Hà Nội dự kiến gộp địa giới hành chính của Hòa Lạc và Xuân Mai để lập thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Thành phố có quy mô khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116 km2, dân số khoảng 0,12 triệu người.

VietinBank rao bán hơn 350 khách sạn, bất động sản để thu nợ

VietinBank vừa thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4 - 5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng.

VietinBank bán cả khu resort Feng Shui hơn 4.500 m2 ở Bình Thuận

VietinBank bán cả khu resort Feng Shui hơn 4.500 m2 ở Bình Thuận

Danh sách tài sản cần xử lý của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) gồm 358 bất động sản và 38 phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị khác. Các tài sản đảm bảo này sẽ được bán đấu giá hoặc thỏa thuận. Tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Trong nhóm bất động sản, ngoài nhà thổ cư, thửa đất, VietinBank còn rao bán hàng loạt khách sạn 4 - 5 sao, nhiều homestay, biệt thự tại Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa).

Giá trị lớn nhất trong danh sách tài sản cần thanh lý của ngân hàng này là một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng. Tài sản này được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là hai khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam) với quy mô 98 - 104 phòng được chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản. Riêng tại Hội An, VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3 - 4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Ngoài khách sạn, biệt thự, một số dự án tòa nhà văn phòng cũng được chào bán. Một tòa nhà văn phòng với diện tích hơn 1.050 m2 tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 12, Bình Thạnh (TP.HCM) được VietinBank chào bán hơn 213 tỷ đồng.

Tại Chư Sê (Gia Lai), một nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3 một ngày đêm được rao bán hơn 108 tỷ đồng để thu hồi nợ. Một nhà xưởng sản xuất gia công các loại sản phẩm gỗ tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được chào gần 20 tỷ đồng.

Ngoài bán tài sản thu hồi nợ, VietinBank cũng thông báo bán 566 khoản nợ vay tiêu dùng. Các khoản vay này có quy mô từ vài trăm nghìn đồng tới gần 200 triệu đồng. Các khoản nợ này được chào bán bằng 90% giá trị ghi sổ (gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt).

Việc thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ được các nhà băng thực hiện ráo riết gần đây.

Làng chài Cửa Vạn lọt top “làng cổ đẹp như tranh” của thế giới

Làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh) mới đây đã được Bright Side, trang tin về Giáo dục - Văn hoá - Du lịch, đưa vào danh sách những ngôi làng cổ tích đẹp như tranh của thế giới.

Vẻ đẹp non nước hữu tình của làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh)

Vẻ đẹp non nước hữu tình của làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh)

Theo Bright Side, làng chài Cửa Vạn là điểm đến lý tưởng dành cho những ai đang tìm kiếm sự yên bình và muốn hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.

Nép mình bên vịnh Hạ Long, nơi đây mang khung cảnh thiên nhiên hữu tình với bên là núi cao sừng sững, bên là biển nước mênh mông xanh thẳm.

Ngoài cảnh quan đẹp như tranh vẽ, không khí trong lành mát mẻ, người dân địa phương còn vô cùng thân thiện, mến khách, hứa hẹn sẽ mang đến làn gió mới cho hành trình khám phá thế giới. Đến làng chài Cửa Vạn, du khách sẽ được người dân hướng dẫn cách chèo thuyền, đánh bắt cá, tìm hiểu cuộc sống làng chài trên biển.

Đây không phải lần đầu làng chài Cửa Vạn được truyền thông quốc tế vinh danh. Năm 2012, làng chài Cửa Vạn được trang du lịch Journeyetc.com đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới. Tiêu chí để chọn ra những ngôi làng xuất hiện trong danh sách này là phải cổ kính, có vẻ đẹp duyên dáng và lưu giữ được nền văn hóa truyền thống đặc trưng. Journeyetc chọn Cửa Vạn bởi nơi đây hội tụ cả 3 yếu tố quan trọng nhất này.

Bên cạnh làng chài Cửa Vạn, các điểm đến khác cũng được Bright Side đề xuất gồm: Làng chài ở Kaliningrad (Nga), thị trấn San Gimignano (Tuscany, Ý), quần đảo Faroe, làng Gásadalur (Đan Mạch), làng Reine (Lotofen, Na Uy), làng Bibury (Anh), làng Giethoorn (Hà Lan), làng Pariangan (Indonesia), Longji (Trung Quốc), làng Monsanto (Bồ Đào Nha), làng Hallstatt (Áo)…

Nhiều tiền nhàn rỗi, VNPT mang 54.300 tỷ đồng gửi ngân hàng

VNPT có tiền gửi ngân hàng nhiều hơn các doanh nghiệp lớn khác như Sabeco, ACV hay Hòa Phát.

Nhiều tiền nhàn rỗi, VNPT mang 54.300 tỷ đồng gửi ngân hàng

Nhiều tiền nhàn rỗi, VNPT mang 54.300 tỷ đồng gửi ngân hàng

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được kiểm toán.

Điểm đáng chú ý nhất là tập đoàn này có khoảng 54.300 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn khoảng 3 - 12 tháng. Số tiền này tương ứng 53% tổng tài sản doanh nghiệp.

Lượng tiền gửi của VNPT đã "vượt mặt" một số ông lớn khác như Sabeco (23.500 tỷ đồng), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (32.994 tỷ đồng) hay Hòa Phát (34.592 tỷ đồng). Nhờ tiền nhàn rỗi lớn, VNPT ghi nhận 2.645 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Trong năm 2022, VNPT đạt doanh thu thuần 51.888 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Phần lớn doanh thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ (74%) và dịch vụ viễn thông trả trước (24%).

Tập đoàn có ghi nhận lãi từ thanh lý nhượng bán tài sản cố định, công cụ, dụng cụ hơn 1.286 tỷ đồng. Khoản thu nhập này cùng lãi tiền gửi đã góp phần gia tăng lợi nhuận sau thuế cả năm, đạt 5.412 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.

VNPT có nợ vay tài chính thấp. Vay nợ tài chính cả năm là hơn 1.929 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0,03 lần. Tuy nhiên, Tập đoàn có tổng nợ phải trả là 30.533 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản trả người bán ngắn hạn, trả người lao động, quỹ khen thưởng phúc lợi....

Thông hầm Núi Vung thuộc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Hầm Núi Vung có địa chất phức tạp, dài 2,2 km, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông chiều 3/7.

Phía bên trong hầm Núi Vung vừa được thông

Phía bên trong hầm Núi Vung vừa được thông

Theo Công ty CP BOT Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Chủ đầu tư (Tập đoàn Đèo Cả), hai mũi đào từ hướng Bắc và Nam của nhánh trái hầm đã hợp long với độ chính xác tuyệt đối. Đây là dấu mốc quan trọng để góp phần đưa toàn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành trước 30/4 năm sau.

Hầm Núi Vung được thi công theo công nghệ của Áo, giúp linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống. Địa chất tại hầm được đánh giá có quy mô lớn và phức tạp nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Công trình đi qua ba tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Khi đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành, ôtô sẽ chạy liền mạch từ TP.HCM đến Nha Trang bằng cao tốc.

Đến nay, đoạn do Đèo Cả thực hiện, khối lượng đạt khoảng 65%; đoạn do Công ty 194 thi công khối lượng đạt khoảng 55%. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành toàn tuyến vào dịp lễ 30/4/2024. Riêng hầm Núi Vung, giai đoạn 1 sẽ hoàn thiện một ống hầm rộng 14 m, phục vụ khai thác với hai làn xe 2 chiều, vận tốc 80 km/h.

Sân bay Nội Bài đưa vào vận hành tuyến buýt điện miễn phí giữa hai nhà ga T1 và T2

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt điện miễn phí NIA dành cho hành khách nối chuyến di chuyển giữa hai nhà ga T1 và T2 kể từ ngày 1/7/2023.

Xe buýt điện tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài

Xe buýt điện tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài

Nội Bài trở thành cảng hàng không đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe buýt điện để phục vụ hành khách, qua đó đi đầu trong xu hướng chuyển dịch xanh trong ngành giao thông vận tải, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về giao thông xanh tại Việt Nam tới đông đảo bạn bè, du khách quốc tế.

Theo đó, xe buýt điện mang số hiệu NIA vận hành 156 lượt/ngày, chiều đi từ tầng 1 nhà ga T2 đến tầng 2 nhà ga T1, chiều về từ tầng 1 nhà ga T1 đến tầng 3 nhà ga T2. Xe hoạt động với tần suất 15 phút/chuyến từ 7h đến 23h; và 20 phút/chuyến vào khung giờ sáng sớm và ban đêm.

Vị trí đón khách tại Nhà ga hành khách T1 (cánh A, tầng 1) và Nhà ga hành khách T2 (cột số 11-12, làn số 2, tầng 1).

Xe buýt điện NIA do Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast sản xuất, khởi đầu hành trình giao thông công cộng không khói - thân thiện - văn minh - hiện đại tại Việt Nam.