Tổng vốn đầu tư FDI thu hút tại TP.HCM kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 271,99 triệu USD
Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) thông tin, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 271,99 triệu USD, bằng 49,45% kế hoạch năm (550 triệu USD).
Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản sản xuất các chi tiết cơ khí tại khu chế xuất Tân Thuận |
Chiều 3/7, tại buổi họp báo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, HEPZA thông tin, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 271,99 triệu USD, bằng 49,45% kế hoạch năm (550 triệu USD), giảm 65,52% so với cùng kỳ năm 2023 (788,85 triệu USD). Diện tích đất cho thuê đạt hơn 5 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt hơn 24.900 m2.
Về đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư thu hút đạt 198,82 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 (97,54 triệu USD). Trong đó, cấp mới 10 dự án với vốn đầu tư đăng ký 9,85 triệu USD, giảm 73,46% so với cùng kỳ (37,12 triệu USD).
Có 9 dự án điều chỉnh tăng vốn 188,97 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ (60,42 triệu USD); trong đó Dự án Green Planet tăng cao nhất với 158 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư trong nước thu hút đạt 1,792,62 tỷ đồng (tương đương 73,17 triệu USD), giảm 89,42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cấp mới 9 dự án với vốn đầu tư đăng ký 604,9 tỷ đồng (tương đương 24,69 triệu USD), giảm 96,23% so với cùng kỳ; 11 dự án điều chỉnh, vốn điều chỉnh tăng 1.187,72 tỷ đồng (tương đương 48,48 triệu USD), tăng 33,75% so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chánh văn phòng HEPZA, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trong khu hoạt động ổn định. Nhiều doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn nhưng nay có đơn hàng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu của khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến tháng 6/2024, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố có 1.715 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,595 tỷ USD.
Trong đó, có 561 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký hơn 7,2 tỷ USD; có 1.154 dự án có vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký hơn 114.983,7 tỷ đồng (tương đương 6,326 tỷ USD).
Máy bay va vào cột đèn, bị móp cánh ở Tân Sơn Nhất
Máy bay Eva Air (Đài Loan) va vào cột đèn tại sân bay Tân Sơn Nhất và phải quay về bến đỗ chiều tối ngày 3/7.
Máy bay Eva Air gặp sự cố ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều 3/7 |
Tối 3/7, đại diện Cục Hàng không cho biết việc máy bay Eva Air (Đài Loan) gặp sự cố tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều cùng ngày.
Cụ thể, khoảng 16h, chuyến bay mang số hiệu EVA396, chặng bay từ Tân Sơn Nhất (Việt Nam) đi Đài Loan đã lăn nhầm bến đỗ trong quá trình chuẩn bị khởi hành, dẫn đến cánh trái của tàu bay va vào cột đèn gần đó.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết thêm, cánh trái máy bay bị móp nhưng hành khách và nhân viên trên sân đỗ không ai bị thương. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ nguyên nhân và tìm hướng xử lý.
Eva Air là hãng hàng không quốc tế của Đài Loan, được thành lập vào năm 1989 và là một trong những thành viên của Tập đoàn Evergreen - đơn vị nổi tiếng với hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Trụ sở chính của Eva Air đặt tại sân bay quốc tế Đào Viên, Đài Bắc. Eva Air khai thác các chuyến bay tới hơn 60 điểm đến quốc tế tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương.
Eva Air đã mở các đường bay thẳng từ Đài Bắc đến Hà Nội và TP.HCM. Các đường bay này nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng giữa Việt Nam và Đài Loan cũng như kết nối hành khách từ Việt Nam đến các điểm đến khác trong mạng lưới toàn cầu của Eva Air.
Đình chỉ tư cách kiểm toán 3 cá nhân liên quan vụ Ngân hàng SCB
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán cho công chúng đại chúng đối với 4 kiểm toán viên Deloitte Việt Nam. Đáng nói, 3 trong số 4 kiểm toán vừa bị đình chỉ tên trong báo cáo kiểm toán SCB trong các năm 2018, 2019.
Deloitte thực hiện kiểm toán cho Ngân hàng SCB trước khi các sai phạm bị phanh phui. |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, với 4 kiểm toán viên Deloitte Việt Nam, gồm: Ông Lê Đình Tứ - Phó Tổng giám đốc, Phạm Hoài Nam và hai kiểm toán viên khác là Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng.
Ông Lê Đình Tứ và 2 kiểm toán viên Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng là những nhân sự trực tiếp có tên trong hai báo cáo kiểm toán SCB trong hai năm 2018 và 2019.
Theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các kiểm toán viên này sẽ không được ký báo cáo kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, gồm các công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán... trong 6 tháng tới.
Deloitte là một trong 3 công ty kiểm toán (cùng với KPMG và Ernst & Young) thực hiện kiểm toán cho Ngân hàng SCB trước khi các sai phạm bị phanh phui.
Trong đó, năm 2012 - 2016, Ernst & Young Việt Nam đã tiến hành kiểm toán cho SCB, giai đoạn 2017 - 2019 là Deloitte còn sang năm 2020 và bán niên 2021 là KPMG.
Trong vụ SCB, hội đồng xét xử cũng đề nghị Cục C03 - Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại Ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý theo đúng quy định.
EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng trong năm 2023
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023, EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế), trong khi năm 2022 đã lỗ 18.600 tỷ đồng. Các khoản lỗ này chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá.
EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng trong năm 2023 |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn tất kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023, EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế), trong khi năm 2022 đã lỗ 18.600 tỷ đồng. Các khoản lỗ này chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá.
Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của EVN là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện (phát điện) tăng cao.
Trong khi đó, giá thành khâu phát điện hiện chiếm tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.
Theo EVN, giá nhiên liệu năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020 - 2021.
Trong đó, giá than nhập khẩu NewC Index năm 2023 ước tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Còn than pha trộn mua từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cũng có mức tăng rất cao so với năm 2021, ngưỡng từ 29 - 50%.
Tại hội nghị tổng kết của EVN đầu năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, doanh thu bán điện toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.
Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao nên EVN tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán ra là 1.950 đồng/kWh.
Doji làm nhà đầu tư dự án hơn 4.600 tỷ đồng ở Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt liên danh Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và Doji Land làm dự án trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp hơn 4.600 tỷ đồng.
Doji làm nhà đầu tư dự án hơn 4.600 tỷ đồng ở Huế |
Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, liên danh của Doji đáp ứng yêu cầu về tài chính, thương mại, kỹ thuật để thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở, tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.
Địa điểm Dự án nằm tại các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 ở phường An Đông và Xuân Phú, TP Huế. Mức vốn đầu tư thực hiện dự án này trên 4.600 tỷ đồng, chưa gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiền sử dụng và thuê đất.
Dự án này có quy mô hơn 18 ha, phục vụ dân số khoảng 9.000 người. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ có tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp, nhà liền kề và văn phòng cho thuê. Chủ đầu tư cũng dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Năm ngoái, Tập đoàn Doji báo lãi sau thuế hơn 491 tỷ đồng, tức bình quân mỗi ngày hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện tại tập đoàn này có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Ngoài kinh doanh vàng, bạc, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp này lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Doji Land. Công ty này sở hữu và phát triển các dự án có vị trí đắc địa tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Đồng Nai thi tuyển quy hoạch ở khu công nghiệp lâu đời nhất nước
Sau khi di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai tìm ý tưởng quy hoạch khu đô thị thương mại, dịch vụ để phát huy hiệu quả diện tích 330 ha ở vị trí đắc địa.
Toàn cảnh Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chạy dọc quốc lộ |
Ngày 3/7, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ, nhằm tìm được ý tưởng tốt nhất cho dự án nằm cách trung tâm TP. Biên Hòa gần 3 km.
Theo chính quyền địa phương, tất cả cá nhân, tổ chức hoặc liên danh hành nghề thiết kế quy hoạch, kiến trúc, tư vấn có năng lực tại Việt Nam và nước ngoài... đều có thể tham gia. Tỉnh ưu tiên kêu gọi sự tham gia của các đơn vị chuyên nghiệp, đảm bảo năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.
Dự kiến cuộc thi bắt đầu từ tháng 8/2024, công bố kết quả vào cuối năm 2024 với giải nhất trị giá gần 1 tỷ đồng, giải nhì 500 triệu đồng và giải ba 200 triệu đồng. Kết quả cuộc thi còn là cơ sở quan trọng cho quá trình chuẩn bị lập đề án, dự án đầu tư, xây dựng trung tâm chính trị hành chính của Tỉnh.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hình thành năm 1963, diện tích 335 ha, từng được xem là hình mẫu và tiền đề cho phát triển các khu công nghiệp trên cả nước về sau. Các nhà máy trong khu nằm bên sông Cái, dọc xa lộ Hà Nội (trước 1975 là xa lộ Biên Hòa ), trục đường huyết mạch dẫn vào TP.HCM ở phía Đông.
Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, có nguy cơ ảnh hưởng môi trường sông Đồng Nai. Năm 2009, Khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Sau đó, đề án chuyển đổi sang khu trung tâm hành chính và đô thị với tổng diện tích 330 ha.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc chuyển đổi là cần thiết vì phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển TP. Biên Hòa. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm dọc bờ sông Cái, bám dọc theo Quốc lộ 1. Vị trí chiến lược này sẽ trở thành đầu mối quan trọng kết nối vùng, cửa ngõ phía đông với trung tâm TP.HCM, phù hợp chuyển đổi thành khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ.
Khai thác cát vượt công suất, doanh nghiệp tại Phú Yên bị phạt 300 triệu đồng
Ngày 3/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, đơn vị thi công Dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong, vì đã khai thác cát vượt công suất so với quy định.
Công ty 68 khai thác cát tại mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường ở huyện Phú Hòa. |
Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 được UBND tỉnh Phú Yên cấp Bản xác nhận số 12/XN-UBND ngày 17/8/2023 về việc xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (tại mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường khu phố Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa).
Cơ quan chức năng xác định, Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 có hành vi khai thác khoáng sản (cát) tại mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa vượt công suất theo quy định.
Cụ thể, từ khi cấp phép ngày 17/8/2023 đến thời điểm kiểm tra ngày 17/5/2024, Công ty đã khai thác với khối lượng hơn 428.000 m3, vượt công suất được phép khai thác so với năm thứ nhất theo quy định là hơn 118.000 m3.
Vi phạm của công ty này được quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 41 của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; được sửa đổi bổ sung tại điểm c, Khoản 18, Điều 2 của Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn đo đạc và bản đồ.
Theo Quyết định số 910/QD-XPHC, ngày 3/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68.
Doanh nghiệp này buộc phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường; khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra…
Phú Thọ quyết định chi gần 15 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông Đà
UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định đầu tư 14,5 tỷ đồng xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Đà, thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.
Sạt lở bờ sông tại khu 13, 14 xã Dân Quyền, huyện Tam Nông (Phú Thọ) |
Từ đầu tháng 6/2024 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông Đà diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của khoảng 30 hộ dân khu 13, 14 xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở NN&PTNT triển khai dự án đầu tư công “Xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ, vở sông đoạn tương ứng từ Km31+950 - Km32+260 đê tả sông Đà, thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông”.
Dự án trên được thực hiện nhằm ngăn chặn kịp thời sự cố sạt lở bờ, vở sông Đà, thuộc địa bàn xã Dân Quyền, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời bảo vệ trụ T13 của cầu Trung Hà (thuộc Quốc lộ 32) và giữ ổn định tuyến đê bối Hồng Đà.
Phương án xử lý khẩn cấp là kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật với tổng chiều dài khoảng 310 m.
Tổng kinh phí dự kiến 14,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Tỉnh, Quỹ phòng chống thiên tai Tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thi công hoàn thành xong trước ngày 30/10/2024.