Bản tin thời sự sáng 4/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị thu phí trở lại cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Kiến nghị thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau hơn 1 năm bị “tuýt còi”

Sau hơn 1 năm Chính phủ yêu cầu tạm dừng thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, Bộ GTVT vừa kiến nghị thu phí trở lại nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Tiền Giang) dài 61,9 km (tổng mức đầu tư 9.884 tỷ đồng), được Bộ GTVT khởi công xây dựng năm 2004 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2011. Tại thời điểm thông xe, cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đi Tiền Giang từ 90 phút xuống còn 30 phút.

Ngày 28/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 102, trong đó có ý kiến chỉ đạo: tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; giao Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể về quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương .

Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thông qua Đề án Thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận việc thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí trên cao tốc.

Bộ GTVT cho biết, sau khi tạm dừng thu phí từ ngày 1/1/2019, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng đột biến, nhất là các ngày cuối tuần nên nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Xuất phát từ tính cấp bách, nhu cầu quản lý, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thông qua Đề án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận việc thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

TP.HCM kiến nghị cho 437 người nước ngoài nhập cảnh

Những người nước ngoài đến TP.HCM làm việc phải thực hiện cách ly tại cơ sở y tế tập trung ở các khu cách ly của Thành phố, gồm: Cần Giờ, Củ Chi, Sư đoàn 317, Trung đoàn 10, có thu phí.

TP.HCM cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép 83 chuyên gia người nước ngoài làm việc cho tuyến metro số 1 được nhập cảnh vào Thành phố. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 đang thi công

TP.HCM cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép 83 chuyên gia người nước ngoài làm việc cho tuyến metro số 1 được nhập cảnh vào Thành phố. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 đang thi công

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia, người quản lý, lao động tay nghề cao từ các nước Trung Quốc, Anh, Mỹ, Nhật Bản... được nhập cảnh đến làm việc tại Thành phố.

Những người này thuộc 100 cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. Trong đó có 139 người Trung Quốc; 53 người Anh; 44 người Nhật Bản; 31 người Đài Loan (Trung Quốc); 20 người Mỹ; 18 người Ireland; 15 người Ấn Độ; 19 người Pháp; 16 người Australia và một số người quốc tịch khác.

UBND TP.HCM đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, hỗ trợ cho những lao động người nước ngoài nhập cảnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần khôi phục kinh tế - xã hội Thành phố sau dịch Covid-19.

Những người này khi đến Thành phố phải thực hiện cách ly tại cơ sở y tế tập trung ở các khu cách ly của Thành phố, gồm: Cần Giờ, Củ Chi, Sư đoàn 317, Trung đoàn 10, có thu phí.

Tất cả phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch theo quy định và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí y tế, các chi phí khác có liên quan đến việc cách ly này.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng

Với 8 làn xe, trong đó có 4 làn xe ô tô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ, cầu Vĩnh Tuy 2 là cầu đầu tiên tại Hà Nội có chia làn đường dành riêng cho xe buýt.

Theo quy hoạch và thiết kế, cầu Vĩnh Tuy rộng 38m, dài 5,8km.

Theo quy hoạch và thiết kế, cầu Vĩnh Tuy rộng 38m, dài 5,8km.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 2.540 tỷ đồng và được đầu tư từ ngồn vốn ngân sách của TP. Hà Nội. Dự kiến, Dự án sẽ được khởi công trong năm 2020 và hoàn thành vào 2022.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, tim cầu nằm song song và cách tim cầu Vĩnh Tuy 1 là 21,25m. Dự kiến, Dự án sẽ được khởi công trong năm 2020 và hoàn thành vào 2022.

Trước đó, Dự án Đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Năm 2017, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), sau đó giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án.

Tuy nhiên, do Tập đoàn Him Lam đã xin ngưng đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vì tất cả dự án BT đang phải tạm dừng chờ nghị định của Chính phủ nên Hà Nội quyết định chuyển sang đầu tư công.

Được biết, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đầu tư theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 của TP Hà Nội. Đồng thời, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữ trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP Hà Nội.

GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam, người Việt có thể dùng ở Indonesia, Singapore và Thái Lan

Giám đốc vận hành hiện tại của GoViet là ông Phùng Tuấn Đức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam để lãnh đạo Công ty trong giai đoạn tiếp theo.

GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam. Ảnh: GOVIET

GoViet đổi tên thành Gojek Việt Nam. Ảnh: GOVIET

Ngày 3/7, ứng dụng gọi xe công nghệ GoViet công bố sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam.

Theo chia sẻ của đại diện GoViet, ứng dụng Gojek sẽ cho phép GoViet đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của người dùng Việt Nam thông qua việc đổi mới sáng tạo, đưa ra các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn.

Ứng dụng mới sẽ giúp người dùng Việt Nam có những trải nghiệm tốt hơn, với giao diện đơn giản, gọn gàng hơn và nhiều tính năng được nâng cấp. Người dùng cũng sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Gojek ở Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8/2018, GoViet hiện hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood), phục vụ hàng triệu người dùng tại Hà Nội và TP.HCM. Ứng dụng này đã tạo ra cơ hội thu nhập cho hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng, phần lớn trong số đó là các cửa hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong năm đầu tiên hoạt động, Công ty đã đạt mốc 100 triệu đơn hàng - con số này nhanh chóng tăng gấp đôi thành 200 triệu chỉ sau đó sáu tháng.

Gojek là tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á, một trong những đơn vị tiên phong của mô hình siêu ứng dụng (Super App) tích hợp, kết nối người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 nhà hàng tại hơn 200 thành phố, ở năm quốc gia Đông Nam Á.

Chuyển hồ sơ công an điều tra vụ tráo đổi, truyền hóa chất hết hạn

Qua điều tra ban đầu, lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã nhận thấy có hiện tượng tráo đổi thuốc và đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra vụ việc.

Lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được truyền cho bệnh nhi K.C được thân nhân phát hiện đã hết hạn sử dụng.

Lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được truyền cho bệnh nhi K.C được thân nhân phát hiện đã hết hạn sử dụng.

“Chúng tôi nhận thấy có hiện tượng tráo đổi thuốc trong Bệnh viện và đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra vụ việc.”

Thông tin được bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc với Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế chiều 3/7.

Theo bác sỹ Phù Chí Dũng, đây là sự cố đáng tiếc xảy ra tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện ưu tiên khắc phục cho bệnh nhân, đồng thời tổ chức họp hội đồng chuyên môn nghiêm túc rút kinh nghiệm và đình chỉ công tác các cá nhân liên quan.

Bác sỹ Phù Chí Dũng cũng cho biết qua điều tra ban đầu, lãnh đạo Bệnh viện này đã nhận thấy có hiện tượng tráo đổi thuốc và đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra vụ việc.

Đối với bệnh nhân, bệnh viện đã cử các bác sỹ giỏi nhất chăm sóc và theo dõi sát đáp ứng các yêu cầu của gia đình.

Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, ăn uống bình thường; xét nghiệm mới nhất cho thấy sức khỏe tiến triển tốt sau 8 tháng điều trị.

Trước đó, ngày 25/6, anh Lê Thọ Vũ, bố của bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi (4 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), phản ánh con gái anh được phát hiện bị suy tủy và đang điều trị hóa chất tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 24/6, khi nhân viên y tế tiến hành truyền hóa chất cho bệnh nhi Chi thì anh Vũ phát hiện 2 vỏ chai thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đang truyền cho con anh có ngày sản xuất là tháng 2/2018 và hạn sử dụng là tháng 1/2020.

Ngay sau khi phát hiện, anh Vũ đã báo nhân viên y tế và nhân viên y tế của bệnh viện đã ngừng truyền hóa chất cho bệnh nhi.

Việt Nam bước sang ngày thứ 79 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng

Các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế đa số có sức khỏe ổn định. Trong đó 3 ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2.

Tính đến 6 giờ ngày 4/7, Việt Nam không có ca mắc mới. Ảnh: TTXVN

Tính đến 6 giờ ngày 4/7, Việt Nam không có ca mắc mới. Ảnh: TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 6 giờ ngày 4/7, Việt Nam không có ca mắc mới.

Như vậy, đã 79 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng cộng 215 ca mắc COVID-19 từ bên ngoài sau khi nhập cảnh đã được cách ly ngay.

Ngoài ra, hiện có 10.621 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong số đó, 103 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 10.121 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 397 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy hiện Việt Nam có 340/355 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế đa số có sức khỏe ổn định. Trong đó 3 ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2.