TP.HCM cần phát triển hơn 11 triệu m2 sàn nhà ở năm nay
Đến nay, tổng diện tích xây dựng nhà ở mới tại TP.HCM chỉ khoảng 28,87 triệu m2 sàn, đạt 72% chỉ tiêu đề ra.
Bất động sản khu Đông TP.HCM |
Theo chỉ tiêu được phân bố từ Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM 2021 - 2030, giai đoạn năm 2021 - 2025, TP.HCM cần tăng 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2. Tháng 8/2024, UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025.
Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 12/2024, Thành phố mới đạt được gần 28,87 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 22,6 m2, hoàn thành 72% chỉ tiêu của Thành phố và 57% chỉ tiêu Chương trình phát triển nhà ở đề ra.
Cụ thể, năm 2021, Thành phố xây dựng mới 4,93 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đạt 20,95 m2/người. Năm 2022 xây dựng mới 8,45 triệu m2 sàn nhà ở với diện tích bình quân 21,4 m2/người.
Năm 2023 có thêm 6,35 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân là 21,6 m2/người. Năm 2024 xây dựng mới được 9,2 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân tính trên đầu người đạt 22,6 m2.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khó khăn chung của Thành phố là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 và Chương trình phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2030 vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở cho từng khu vực.
Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Khâu xác định nghĩa vụ tài chính còn nhiều vướng mắc, chưa được tháo gỡ kịp thời, tạo khó khăn trong cấp sổ hồng cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra TP.HCM cũng đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội. Trong 28,8 triệu m2 sàn nhà ở của Thành phố, nhà ở xã hội chỉ chiếm 205,132 nghìn m2. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân chưa đủ hấp dẫn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 40 triệu m2 sàn đã đề ra vào tháng 8, từ nay đến hết nhiệm kỳ (2025), Thành phố phải phát triển thêm 11,13 triệu m2 sàn nhà ở.
Phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng đường băng sân bay Long Thành
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa thông tin về tiến độ thi công đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Công trường sân bay Long Thành |
Những ngày đầu năm 2025, trên công trường sân bay Long Thành có gần 7.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân, người lao động và gần 3.000 máy móc thiết bị. Đối với Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, hiện đã hoàn thành toàn bộ bê tông cốt thép phần ngầm, tầng 1F, 2F, 3F, 4F.
Còn với Gói thầu 4.6 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác, liên danh nhà thầu thi công đã huy động 2.084 nhân sự và 319 trang thiết bị máy móc phục vụ thi công Gói thầu. Tổng khối lượng thi công đến nay đạt từ 45 - 95% tùy hạng mục.
Ông Dương Quang Điện, Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành cho biết, không khí thi công những ngày đầu năm 2025 rất khẩn trương. Chủ đầu tư quyết tâm hoàn thành kết cấu tháp mái trước mùa mưa để đảm bảo việc lắp đặt thiết bị trong nhà ga.
Đối với các hạng mục công trình giao thông hàng không, ông Điện cho biết, chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công sớm đưa vào khai thác kỹ thuật.
"Hiện đã vượt tiến độ 3 tháng, mục tiêu là hoàn thành thi công đường cất hạ cánh trong dịp 30/4, sau đó có thể đưa vào khai thác kỹ thuật. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông kết nối đã thi công hơn 70% khối lượng, vượt tiến độ hợp đồng", ông Điện cho biết thêm.
Riêng Gói thầu Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 với sân bay, hiện nay, liên danh nhà thầu đã huy động trên công trường 800 nhân sự, 196 máy móc thiết bị và triển khai đồng loạt các mũi thi công.
ACV cho biết, các hạng mục chính của gói thầu này dự kiến hoàn tất và thông xe kỹ thuật tuyến số 1 trước ngày 30/4; hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng công trình trước ngày 2/9.
Kết nối dữ liệu hành trình ô tô về Cục Cảnh sát giao thông trước 25/1
Trước 25/1, các đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, ghi nhận hình ảnh người lái xe cần kết nối, truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an).
Dữ liệu hành trình được kết nối về Cục Cảnh sát giao thông |
Tối 4/1, Cục CSGT cho biết, đã đề nghị các đơn vị, nhà cung cấp phối hợp kết nối, tích hợp, kiểm thử và truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và dữ liệu ghi nhận hình ảnh người lái xe về Cục, hoàn thành trước ngày 25/1. Cục đã phân công bộ phận kỹ thuật hướng dẫn các đơn vị hoàn thành nội dung trên.
Yêu cầu trên thực hiện theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định số 141/2024 và Thông tư số 71/2024 của Bộ Công an. Theo đó, CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Cục CSGT lý giải, việc này nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý hành vi vi phạm, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ.
Dữ liệu cũng được kết nối, chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải qua Cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành và cơ quan có liên quan theo quy định.
Trước đó, dữ liệu hành trình đã được kết nối về Bộ Giao thông vận tải và sở giao thông vận tải các địa phương. Đã có hàng nghìn phương tiện vi phạm bị phát hiện, chủ yếu là quá tốc độ, tuy nhiên thanh tra giao thông chỉ có thể tước phù hiệu với xe. Thẩm quyền phạt vi phạm thuộc về CSGT.
Tại Thông tư số 73/2024, Bộ Công an quy định CSGT được khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thiết bị giám sát hành trình được lắp trên ô tô kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ. Còn thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe được lắp trên ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên kinh doanh vận tải (không kể chỗ ngồi của người lái xe), ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.
Hải Phòng đặt mục tiêu thu ngân sách hơn 118.000 tỷ đồng năm 2025
Năm 2025, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 118.079,279 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 51.000 tỷ đồng, thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu 62.700 tỷ đồng.
Cảng Nam Hải có quy mô ngày càng lớn, đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tại vùng cửa ngõ giao thương chiến lược phía Bắc |
Với các chỉ tiêu khác về kinh tế, xã hội, môi trường, Hải Phòng cũng đặt mục tiêu phấn đấu khá cao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) tăng 12,5% so với năm 2024 (nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 15,67%; nhóm dịch vụ tăng 9,2%; nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6%). GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 9.486 USD/người.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17%. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 212 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 37 tỷ USD...
Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, trong mục tiêu tổng quát năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại 1; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Hải Phòng hoàn thành việc di chuyển Trung tâm chính trị - hành chính Thành phố sang Bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Năm 2024, với mức tăng GRDP 11,01%, tăng trưởng của Hải Phòng gấp 1,5 lần so với bình quân chung cả nước và đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Thành phố tăng trưởng ở mức hai con số. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 118.255 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay; trong đó thu nội địa trên 50.068 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 67.046 tỷ đồng.
Ngân hàng BIDV bán đấu giá Trường Tiểu học quốc tế ở Hà Nội
Ngân hàng BIDV vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Xi măng Phú Sơn. Một trong các tài sản đảm bảo cho khoản vay là Trường Tiểu học quốc tế VIP Hà Nội.
Nhà điều hành của Công ty CP Xi măng Phú Sơn xây dựng dang dở và bỏ hoang |
Khoản nợ của Xi măng Phú Sơn tại BIDV tính đến ngày 15/11/2024 là 19.704.657 euro. Trong đó, dư nợ gốc 7.000.000 euro, nợ lãi 12.794.675 euro.
Giá trị khoản nợ sau quy đổi theo tỷ giá ngày 15/11/2024 là 529,917 tỷ đồng. Ngân hàng muốn bán khoản nợ với giá khởi điểm đúng bằng giá trị của khoản nợ.
Một trong những tài sản đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn của Xi măng Phú Sơn tại BIDV là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất - công trình Trường Tiểu học dân lập Thái Hà (cũ), nay là Trường Tiểu học dân lập quốc tế Very Intelligent Pupils Hà Nội (Trường Tiểu học dân lập quốc tế VIP Hà Nội); địa chỉ tại số 14C phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội; theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 11/10/2001.
Được biết, Trường Tiểu học dân lập quốc tế VIP Hà Nội thuộc Hệ thống Giáo dục Hà Nội VIP, thành lập năm 2006, do bà Hoàng Thị Ngọc Mai làm Chủ tịch HĐQT.
Xi măng Phú Sơn được thành lập năm 2006 tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, do ông Nguyễn Hữu Lợi làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hồng Hải làm Tổng giám đốc.
Năm 2007, Phú Sơn xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn đầu tiên tại xã Phú Sơn, công suất 11 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Sau nhiều năm, khu đất 40 ha của Dự án vẫn bỏ hoang, nhiều hạng mục thi công dở dang. Năm 2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành các trình tự, thủ tục để chấm dứt dự án này.
Chuyển điều tra loạt sai phạm tại dự án khu dân cư ở An Giang
Thanh tra tỉnh An Giang chỉ ra một loạt hạn chế, sai phạm tại Dự án Khu dân cư trung tâm thương mại Vịnh Tre, từ đó kiến nghị chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.
Thanh tra tỉnh An Giang chỉ ra sai phạm tại Dự án Khu dân cư Vịnh Tre (huyện Châu Phú) |
Thanh tra tỉnh An Giang vừa có Kết luận thanh tra “việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Châu Phú và việc thực hiện Dự án Khu dân cư trung tâm thương mại Vịnh Tre” (KDC Vịnh Tre).
Theo Kết luận thanh tra, UBND huyện Châu Phú xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa sát với khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách huyện. Ngoài ra, UBND các xã được giao làm chủ đầu tư Dự án báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư không đúng quy định...
Dự án KDC Vịnh Tre được UBND Tỉnh phê duyệt năm 2003, rộng hơn 60.000 m2, với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Châu Phú (Ban QLDA) làm chủ đầu tư.
Qua thanh tra phát hiện UBND Huyện và Ban QLDA ký bảo lãnh vốn vay, ký hợp đồng hợp tác đầu tư không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, quyết toán hợp đồng hợp tác đầu tư không đầy đủ, xác định không đúng số tiền thực chi cho Công ty Công trình giao thông An Giang, chênh lệch hơn 1,1 tỷ đồng; bỏ sót nợ hơn 400 triệu đồng phải trả cho nhà thầu thi công hạng mục nhà lồng chợ.
Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng các giai đoạn đều không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Thanh tra xác định UBND Huyện, Ban QLDA vi phạm quy định về quản lý đất đai khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất 54 nền không qua đấu giá.
Ngoài ra, toàn bộ quá trình thực hiện bán đấu giá 270 nền, từ việc UBND Huyện xin chủ trương, Sở Tài chính cùng các ngành tham mưu của Tỉnh cho chủ trương bán nền không đúng quy định.
“Một chuỗi vi phạm dẫn đến việc giao 270 nền không qua đấu giá cho cán bộ, công chức, viên chức, vi phạm quy định về quản lý đất đai, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước…”, Kết luận nêu.
Những sai phạm tại KDC Vịnh Tre được xác định do Dự án kéo dài (hơn 20 năm), trải qua 2 lần chuyển giao chủ đầu tư...
Thanh tra Tỉnh đề nghị chuyển hồ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra như: việc tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng; quyết toán không đúng số tiền thực chi; chuyển nhượng và bán đấu giá nền đất.
Thu hồi giấy phép nếu thương nhân xuất khẩu gạo không báo cáo tồn kho
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải báo cáo cơ quan quản lý lượng thóc, gạo tồn kho thực tế định kỳ hàng tháng.
Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa |
Theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, thương nhân xuất khẩu gạo phải báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho theo từng chủng loại. Việc này để tổng hợp số liệu phục vụ điều hành.
Tại Nghị định số 01/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, các thương nhân xuất khẩu mặt hàng này chỉ còn phải báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương về tồn kho thóc, gạo định kỳ hàng tháng, thay vì mỗi tuần như hiện hành. Cùng với đó, họ phải gửi bản sao báo cáo cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tổng hợp số liệu. Quy định mới sẽ được áp dụng từ 1/3.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo dự trữ gạo bắt buộc, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về kho, cơ sở xay, xát thóc và gửi báo cáo định kỳ. Trong 45 ngày kể từ khi được cấp phép, UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo Sở Công Thương hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh thực tế.
Song, thực tế trước đó, nhiều thương nhân đã không tuân thủ chế độ báo cáo tại Nghị định 107, ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo.
Do vậy, tại Nghị định mới, với các trường hợp không thực hiện đúng quy định này có thể sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ xem xét thu hồi giấy phép với doanh nghiệp không nộp báo cáo sau 45 ngày kể từ khi cơ quan này gửi văn bản đôn đốc.
Nhà chức trách cũng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu với các thương nhân kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo hoặc có gian lận khác để được cấp phép.
Cũng theo Nghị định 01, thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các thương nhân này sẽ chỉ được ủy thác hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ các thương nhân khác có giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Đây là điểm mới so với quy định đang áp dụng hiện nay.
Bắt 11 giám đốc, kế toán trong đường dây mua bán hóa đơn 4.400 tỷ đồng
Công an xác định, nhóm đối tượng lập 41 công ty ma để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho 6.474 doanh nghiệp trong cả nước, với tổng giá trị hơn 4.400 tỷ đồng.
11 người bị khởi tố, đa số là giám đốc, số ít là quản lý, kế toán các công ty ở nhiều tỉnh, thành |
Ngày 4/1, Công an TP.HCM cho hay, vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt để tạm giam 11 người là giám đốc, quản lý, kế toán các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" và "Trốn thuế". Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn.
Đây là diễn biến mới trong tiến trình điều tra mở rộng chuyên án của Công an TP.HCM liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước do đối tượng Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (52 tuổi) cầm đầu.
Giữa năm 2024, vụ án đã được đưa ra xét xử. Với vai trò cầm đầu, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 5 năm tù về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn”.
Hàng chục bị can còn lại cũng bị các mức án khác nhau về tội danh nói trên và tội “Trốn thuế”.
Về đường dây mua bán hóa đơn và trốn thuế nói trên, đến nay, cơ quan tố tụng TP.HCM đã khởi tố, bắt và đưa ra xét xử tổng cộng 66 người. Chuyên án của Công an TP.HCM đã thu hồi khoảng 50 tỷ đồng, là số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hoạt động phạm tội và nộp khắc phục về hành vi trốn thuế.
Ban chuyên án xác định, từ tháng 4/2017 - 3/2023, Mỹ Trang và đồng phạm đã thành lập, sử dụng 41 công ty “ma” để bán trái phép 35.273 hóa đơn GTGT cho 6.476 doanh nghiệp, đơn vị khác nhau tại 52 tỉnh, thành trên cả nước.
Công an làm rõ, số hoá đơn các đối tượng mua bán hàng hóa chưa thuế là 4.000 tỷ đồng, thuế GTGT là gần 400 tỷ đồng, tổng giá trị là 4.400 tỷ đồng; số tiền thu lợi bất chính là trên 60 tỷ đồng.
Hiện, ban chuyên án của Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của các công ty do Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang thành lập.