Bản tin thời sự sáng 5/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làhơn 650 chuyến bay bị trễ giờ ở Tân Sơn Nhất; top 5 ngân hàng lãi tỷ USD; chính thức trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu 6% từ 1/7; ngày 4/2, giá USD giảm mạnh về mức 24.500 đồng…

Hơn 650 chuyến bay bị trễ giờ ở Tân Sơn Nhất

Cường độ khai thác cao cùng thời tiết xấu ảnh hưởng dây chuyền khiến hơn 650 chuyến bay ở Tân Sơn Nhất bị trễ giờ trong ba ngày đầu cao điểm đi lại dịp Tết.

Hàng nghìn khách chờ giờ máy bay khởi hành ở Tân Sơn Nhất

Hàng nghìn khách chờ giờ máy bay khởi hành ở Tân Sơn Nhất

Thống kê của Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất từ 0h ngày 1 đến 16h ngày 3/2 (22 - 24 tháng Chạp), cảng hàng không này khai thác hơn 1.100 chuyến. Trong số này có 659 chuyến bị chậm giờ, chiếm gần 60%.

Tình trạng chuyến bay bị delay nhiều xảy ra từ hôm 1/2, do sương mù ở các tỉnh phía Bắc khiến nhiều máy bay thể không cất, hạ cánh đúng giờ. Việc này ảnh hưởng dây chuyền đến thời gian khởi hành giữa các sân bay, đặc biệt là Tân Sơn Nhất - đầu mối hàng không lớn nhất nước.

Sân bay này có khoảng 900 chuyến bay đi và đến với gần 130.000 khách, phần lớn ở ga quốc nội. Trong đó, khách đi trong nước khoảng 62.000, nhiều chuyến bay delay 4 - 5 giờ khiến không ít người vạ vật, mệt mỏi chờ đợi.

Là cảng hàng không đứng đầu về diện tích và công suất trong cả nước, sân bay Tân Sơn Nhất sau nhiều lần nâng cấp hiện năng lực khai thác 28 triệu khách mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 khách qua nơi này đã lên tới hơn 41 triệu người (vượt 150% công suất). Dịp Tết năm nay, sân bay dự kiến phục vụ 120.000 - 150.000 lượt khách mỗi ngày, vượt mức năm 2019 - trước đại dịch. Hiện, sân bay được xây thêm nhà ga T3, dự kiến hoàn thành năm 2025, nâng tổng công suất khai thác lên 50 triệu khách mỗi năm.

Top 5 ngân hàng lãi tỷ USD

Ngoài 4 ngân hàng có vốn nhà nước, MB là ngân hàng tư nhân duy nhất đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023.

MB là ngân hàng tư nhân duy nhất đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023

MB là ngân hàng tư nhân duy nhất đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm 2023

Đà tăng trưởng lợi nhuận của khối ngân hàng năm ngoái chậm hẳn so với các năm trước trong bối cảnh nợ xấu tăng, tín dụng khó giải ngân. Tuy nhiên, nhiều nhà băng top đầu năm qua vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận, nhất là nhóm ngân hàng quốc doanh.

Danh sách lợi nhuận tỷ USD (gần 25.000 tỷ đồng, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank) có 5 cái tên, trong đó gồm 4 ngân hàng quốc doanh và một ngân hàng tư nhân là MB.

Năm qua, ngân hàng quốc doanh áp đảo so với nhóm tư nhân trên bảng xếp hạng lợi nhuận, nhờ vào xu hướng thận trọng trích lập dự phòng tín dụng trong các năm trước.

Quán quân lợi nhuận ngành vẫn là Vietcombank với mức lãi trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng, tăng 10%. Xếp sau là BIDV với mức lãi hơn 27.600 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.

Trong nhóm "Big 4", VietinBank là ngân hàng ít bị ảnh hưởng về tín dụng hơn. Ngân hàng này đạt lợi nhuận 25.000 tỷ đồng, tăng gần 20%, nhờ vào thu nhập tín dụng tăng nhẹ và nguồn thu ngoài lãi tăng tốt. Đồng thời, VietinBank cũng là số ít ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm.

"Big 4" còn lại là Agribank cũng đạt mức lợi nhuận xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, vượt 5 - 6% kế hoạch đề ra.

Tại nhóm tư nhân, MB đang dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế 26.300 tỷ đồng, tăng trưởng gần 16%. Năm qua, ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Trong đó, MB đẩy mạnh giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản. Dư nợ cho vay chủ đầu tư kinh doanh bất động sản tăng gấp đôi so với đầu năm, từ 21.300 tỷ đồng lên 43.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hai ngân hàng tư nhân khác là Techcombank và ACB năm qua cũng đạt được lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng.

Chính thức trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu 6% từ 1/7

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa chính thức khuyến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 1/7.

Dự kiến từ tháng 7, lương lao động tăng 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng

Dự kiến từ tháng 7, lương lao động tăng 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng

Mức tăng được hội đồng đề xuất là 6%, tương ứng tăng 200.000 - 280.000 đồng.

Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng.

Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Trước đó, giữa năm 2023, Hội đồng tiền lương đã họp để bàn tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Tuy nhiên, thời điểm này, Hội đồng chưa thể đánh giá hết được các tác động và dự báo tình hình kinh tế - xã hội thời gian tiếp theo.

Thêm vào đó, Hội đồng cũng nhận thấy thời điểm trên chưa hội đủ các căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất phương án điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024.

Phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia tái khởi động sáng 20/12, bốn tháng sau lần đàm phán thứ nhất.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai mức tăng 6,48% hoặc 7,3%, từ ngày 1/7/2024, cùng lúc với cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Mức tăng căn cứ kinh tế khởi sắc, đơn hàng doanh nghiệp tăng trở lại.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề xuất tăng 4,5 - 5%, bởi phải tính đến "sức khỏe" doanh nghiệp. Khi đơn hàng mới quay trở lại, thì giữ việc làm cho lao động quan trọng hơn.

Sau một buổi sáng đàm phán, 16/16 thành viên Hội đồng bỏ phiếu thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, tăng 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.

Thời điểm tăng được Hội đồng đề xuất từ ngày 1/7, đồng bộ với chủ trương của Đảng về thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, bảo đảm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực để thực hiện.

Ngày 4/2, giá USD giảm mạnh về mức 24.500 đồng

Giá USD trong nước đã giảm mạnh và đồng loạt quay về mức 24.500 đồng dù thế giới vẫn đứng ở mức cao.

Giá USD trong tuần giảm mạnh

Giá USD trong tuần giảm mạnh

Sáng 4/2, giá USD ghi nhận một tuần đi xuống. Eximbank mua vào còn 24.110 đồng, bán ra 24.500 đồng, giảm 260 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, Vietcombank mua vào 24.130 đồng và bán ra 24.500 đồng, giảm 265 đồng...

Tương tự, giá Euro cũng tiếp tục đi xuống trong tuần. Vietcombank mua vào còn 25.777 đồng, bán ra 27.193 đồng, giảm 212 đồng so với cuối tuần trước. Hay Yên Nhật cũng giảm sau một tuần khi Vietcombank mua vào 160,92 đồng, bán ra 170,32 đồng, thấp hơn 0,67 đồng...

Giá USD trong nước đã hạ nhiệt sau khi tăng cao trong tháng 1. Ngoài việc giá USD quốc tế cũng đi xuống thì do nguồn cung trong nước vẫn bảo đảm nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Cùng với dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn gia tăng nên tỷ giá hối đoái của Việt Nam vẫn được dự báo khá ổn định.

Đò chùa Hương vào hợp tác xã

Đò vận chuyển trong lễ hội chùa Hương năm 2024 sẽ do Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch Chùa Hương quản lý thay vì chủ đò tự đón khách như những năm trước.

Từ mùa lễ hội năm 2024, đò vận chuyển khách ở chùa Hương sẽ được thống nhất đầu mối quản lý

Từ mùa lễ hội năm 2024, đò vận chuyển khách ở chùa Hương sẽ được thống nhất đầu mối quản lý

UBND huyện Mỹ Đức thông tin lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra 3 tháng, từ ngày 11/2 đến hết 1/5 (mồng 2 tháng Giêng đến ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn). Khai hội chùa Hương diễn ra ngày 15/2 (mồng 6 tháng Giêng) tại sân chùa Thiên Trù.

Ban tổ chức cho hay mùa lễ hội năm nay tiếp tục chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang bán vé điện tử, vận hành thử nghiệm xe điện vận chuyển khách.

Việc vận chuyển khách trên suối Yến (dài khoảng 4 km với bến Yến - bến ngoài và bến Thiên Trù - bến trong) từ trước đến nay do các chủ đò tự tự do kinh doanh. Việc này gây ra nhiều bất cập như cò mồi, chèo kéo khách, những ngày lượng khách đông gây tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, quy cách xuồng đò không theo quy chuẩn, không đủ điều kiện đăng kiểm, chỉ đăng ký số thứ tự do UBND xã Hương Sơn cấp, số lượng khách được vận chuyển trên các thuyền, đò tuỳ loại, từ 6 đến 35.

Ban tổ chức kỳ vọng hiện tượng trên sẽ chấm dứt khi toàn bộ đò được quản lý thống nhất đầu mối HTX dịch vụ du lịch Chùa Hương trong mùa lễ hội năm nay. Đơn vị này đã tuyển chọn và tập huấn đội ngũ lái đò với 3.800 - 4.500 phương tiện vận chuyển khách. Đò được đánh số, lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa nắng, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự.

Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Lễ hội chùa Hương kéo dài nhất cả nước, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Phát hiện hơn 15.800 chai rượu có dấu hiệu nhập lậu ở Bình Dương

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa phát hiện, thu giữ hơn 15.800 chai rượu có dấu hiệu nhập lậu trên 3 xe tải đậu trong bãi đất trống ở Bình Dương.

Lực lượng chức năng kiểm tra, lập thủ tục tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm

Lực lượng chức năng kiểm tra, lập thủ tục tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Đội 3, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường - Công an tỉnh Bình Dương phát hiện 3 xe tải đang đậu ở bãi đất trống tại phường Bình Nhâm, TP. Thuận An có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Lực lượng phát hiện trên 3 xe tải có 15.818 chai rượu ngoại nhập các loại không dán tem rượu nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, các tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của toàn bộ hàng hóa.

Ước tính ban đầu số lượng rượu ngoại nhập trên có tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập thủ tục tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

Tin cùng chuyên mục