Bản tin thời sự sáng 5/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là EVN, PVN được giao làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân; TP. Hà Nội đề xuất tổ chức sắp xếp còn 15 sở, ngành; hơn 85% công nhân đã trở lại TP.HCM làm việc; người Việt chi gần 900 tỷ đồng mua hàng online mỗi ngày…

EVN, PVN được giao làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng giao EVN, PVN lần lượt làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đảm bảo hoàn thành vào cuối 2030.

Thủ tướng giao EVN, PVN lần lượt làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

Thủ tướng giao EVN, PVN lần lượt làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

Việt Nam khởi động lại Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, dự kiến hoàn thành đầu tư trong 5 năm. Theo đó, Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 4/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) sẽ làm chủ đầu tư Nhà máy Ninh Thuận 2.

Thủ tướng Chính phủ giao EVN, PVN đàm phán với các đối tác nước ngoài để thực hiện dự án ngay trong tháng 2. Các tập đoàn này phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống. Trên cơ sở này, chủ đầu tư xác định quy mô, công suất, tổng mức đầu tư nhà máy. Sau đó, cấp thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

Việt Nam ước tính cần khoảng 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân này. Thủ tướng yêu cầu các bên rà soát, tập hợp những người đã được đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân. Họ cũng cần có kế hoạch đào tạo bổ sung, thu hút nhân lực, nhất là các vị trí chủ chốt như tổng chỉ huy của Dự án.

Việc lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải bảo đảm công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực, theo yêu cầu của Thủ tướng. Các thủ tục bố trí vốn cho Dự án phải được thực hiện trước 15/2.

Hành lang pháp lý để triển khai dự án điện hạt nhân cơ bản đầy đủ, khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào cuối 2024. Các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... cũng đủ cơ sở để thực hiện.

Thành phố Hà Nội đề xuất tổ chức sắp xếp còn 15 sở, ngành

Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đề xuất tổ chức sắp xếp 15 sở, ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố.

Hà Nội đề xuất tổ chức sắp xếp còn 15 sở, ngành

Hà Nội đề xuất tổ chức sắp xếp còn 15 sở, ngành

Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình số 17 TTr/BCSĐ gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội về việc xin chủ trương điều chỉnh phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các sở thuộc khối chính quyền thành phố Hà Nội.

Cụ thể, Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đề xuất thực hiện, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với 13 sở theo phương án đã đề xuất tại Báo cáo số 690-BC/TU của Thành ủy và thống nhất theo dự thảo Nghị định của Chính phủ gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra Thành phố; Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch.

Điều chỉnh phương án sắp xếp đối với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc như sau: Thực hiện đúng định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ, hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, sau sắp xếp lấy tên gọi sở mới là Sở Xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc giữ nguyên mô hình như hiện nay.

Như vậy, sau sắp xếp, Hà Nội còn 15 sở, ngành thuộc UBND thành phố.

Ngày 24/1, Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó quy định, thành phố Hà Nội và TP.HCM được tổ chức 15 sở; được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất sở, bảo đảm phù hợp với đặc thù thành phố.

Hơn 85% công nhân đã trở lại TP.HCM làm việc

Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, 99% lao động khu vực nhà nước và hơn 85% công nhân ở các nhà máy trên địa bàn TP.HCM đã trở lại làm việc.

Tình hình lao động đầu năm 2025 ổn định, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc trong ngày đầu năm đạt mức cao. Ảnh minh họa

Tình hình lao động đầu năm 2025 ổn định, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc trong ngày đầu năm đạt mức cao. Ảnh minh họa

Ngày 4/2, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã có báo cáo về tình hình công nhân lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Theo đó, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (ngày 3/2), tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã quay trở lại làm việc, tỷ lệ gần 99%.

Tại khu vực ngoài nhà nước, công nhân lao động trở lại làm việc với tỷ lệ khá cao, đúng theo lịch hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã thông báo.

Trong ngày đầu tiên, toàn TP.HCM có 12.601 doanh nghiệp (đơn vị có tổ chức công đoàn) với 921.123 công nhân lao động trở lại làm việc, đạt tỷ lệ 85,33%.

Riêng tại các khu chế xuất - khu công nghiệp và khu công nghệ cao, có 157 doanh nghiệp với 45.736 công nhân lao động trở lại làm việc, đạt tỷ lệ 91,29%.

Một số doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại vì họ có kế hoạch nghỉ Tết dài, bắt đầu làm việc trở lại vào các ngày 5/2, 6/2 và 7/2.

Một số công nhân chưa quay trở về TP.HCM vì họ chủ động đăng ký nghỉ thêm ngày phép năm và sử dụng ngày phép đi đường.

Người Việt chi gần 900 tỷ đồng mua hàng online mỗi ngày

Năm 2024, người Việt chi trung bình 873,6 tỷ đồng để mua hàng online trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành lớn nhất, theo Metric.

Shipper chờ khách nhận hàng tại phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Shipper chờ khách nhận hàng tại phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Tính chung cả năm, doanh số giao dịch (GMV) trên 5 sàn gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023, theo báo cáo mới công bố của công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric.

Con số này chiếm gần 6,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kênh trực tuyến nhanh gấp 4,5 lần so với mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ (8,3%).

Thực tế, chi tiêu của người Việt cho mua hàng online có thể còn lớn hơn vì số liệu của Metric chưa tính đến GMV của các giao dịch trên mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới.

Cuối năm ngoái, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử 2024 đã vượt 25 tỷ USD, tăng 20%, cao hơn dự báo 22 tỷ USD của Google, Temasek, Bain & Company.

Cùng với doanh số, sản lượng hàng hóa bán qua 5 sàn lớn nhất cũng tăng mạnh hơn 50% năm qua, đạt hơn 3,4 triệu sản phẩm. "Những con số cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao", báo cáo Metric nhận xét.

Đáng chú ý, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số, tăng lần lượt gần 38% và 43% so với 2023.

Theo Metric, người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài do hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ thất lạc. Bên cạnh đó, các nền tảng cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ khách hàng tốt hơn.

Ngoài ra, giá cả cạnh tranh của hàng quốc tế cũng là yếu tố quan trọng, khi nhiều sản phẩm có giá tốt hơn trong nước nhờ vào chi phí sản xuất thấp. "Đây là tín hiệu quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi họ phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh", báo cáo Metric nhận định.

Doanh thu bất động sản TP.HCM đạt gần 23.000 tỷ đồng tháng đầu năm

Tháng 1, bất động sản ghi nhận doanh thu gần 23.000 tỷ đồng, đóng góp 21,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu của TP.HCM.

Bất động sản khu Nam TP.HCM, dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh

Bất động sản khu Nam TP.HCM, dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh

Báo cáo từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bất động sản ước đạt 22.932 tỷ đồng, chiếm 59% trong doanh thu dịch vụ khác, nhưng giảm 3,3% so với tháng trước.

Dù vậy, bất động sản vẫn đóng góp 21,2% vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ đứng sau bán lẻ hàng hóa.

Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, thị trường địa ốc bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhờ các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, đặc biệt là việc giảm lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn đối diện nhiều khó khăn và đà phục hồi chưa đủ lực tác động mạnh đến ngành xây dựng. Dù có mức tăng trưởng 2,6% trong tháng 1, ngành xây dựng chỉ chiếm 3,2% GRDP của thành phố.

Trước đó, theo báo cáo của đơn vị này trong năm 2024, thị trường bất động sản Thành phố có những dấu hiệu phục hồi với doanh thu đạt hơn 282.000 tỷ đồng, chiếm 60,6% trong doanh thu dịch vụ khác và tăng 7,9% so với năm 2023. Tuy nhiên, ngành này vẫn đối mặt với nhiều thách thức và chỉ đóng góp khoảng 1,1% vào mức tăng trưởng chung của thành phố. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia vào thị trường năm qua cũng giảm, khi có 1.362 doanh nghiệp được cấp phép, với tổng vốn đăng ký 47.658 tỷ đồng, giảm 11,6% về cấp phép và giảm 23,3% về vốn.

Giá nhà xã hội cho thuê tại Hải Phòng từ 2,3 triệu đồng một căn

Gần 300 căn nhà xã hội của Kinh Bắc ở huyện An Dương, TP. Hải Phòng dự kiến cho thuê từ 2,3 triệu đồng với căn diện tích hơn 26 m2.

Giá nhà xã hội cho thuê tại Hải Phòng từ 2,3 triệu đồng một căn. Ảnh minh họa

Giá nhà xã hội cho thuê tại Hải Phòng từ 2,3 triệu đồng một căn. Ảnh minh họa

Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cho biết, nhận được báo cáo của Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) về giá thuê nhà ở xã hội tại tòa CT4, CT9. Đây là 2 tòa nhà thuộc Khu đô thị dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, huyện An Dương. SHP là đơn vị thuộc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) với tỷ lệ sở hữu hơn 89%.

Theo đó, gần 300 căn nhà xã hội để cho thuê có diện tích 26,4 - 54,5 m2. Giá thuê dự kiến 87.400 đồng mỗi m2 một tháng (gồm thuế VAT, phí bảo trì), tương ứng 2,3 - 4,7 triệu đồng một căn.

Trước đó, Sở Xây dựng cũng thông báo 236 căn nhà xã hội tại tòa CT7 thuộc khu đô thị này đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Dự án nhà xã hội thuộc khu đô thị dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ gồm 10 tòa chung cư cao 15 tầng, cung cấp hơn 2.500 căn, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 9.000 lao động. Đây là dự án nhà xã hội thứ ba được khởi công tại Hải Phòng trong 2 năm qua.

Được xem là thủ phủ công nghiệp phía Bắc, TP. Hải Phòng đã khởi công 7 dự án nhà ở xã hội trong 2023 - 2024, với tiến độ khẩn trương để hoàn thành trong 24 tháng. Thành phố cũng bố trí quỹ đất gần 650 ha để xây nhà xã hội tại các vị trí thuận lợi như gần trung tâm đô thị hay khu công nghiệp.

Tuyến đường hơn 41.000 tỷ đồng ở TP.HCM vướng 31 mặt bằng

Dự án Vành đai 3 qua TP.HCM với tổng vốn hơn 41.000 tỷ đồng vẫn vướng 31 mặt bằng tại TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Do vướng 4 căn nhà, dự án Vành đai 3 qua Thủ Đức chưa thể thi công 3 trụ cầu cạn

Do vướng 4 căn nhà, dự án Vành đai 3 qua Thủ Đức chưa thể thi công 3 trụ cầu cạn

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh phải khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao 100% mặt bằng Dự án Vành đai 3 cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM trong tháng 2/2025.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Dự án Vành đai 3 qua TP. Thủ Đức còn vướng mặt bằng 8 trường hợp.

Trong đó, Gói thầu XL3 vẫn còn 4 trường hợp chưa giải quyết, ảnh hưởng đến thi công các trụ cầu cạn T156-T158; Gói thầu XL4 còn 1 trường hợp đang chờ cưỡng chế; Gói thầu XL5 còn 3 trường hợp đang ảnh hưởng đến công tác thi công mố, trụ cầu cạn.

Tại huyện Bình Chánh, Gói thầu XL9 vẫn còn vướng 23 trường hợp. Trong đó, 22 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng (2 trường hợp tại cửa hàng xăng dầu Thái Dương; 20 trường hợp đã ký biên bản bàn giao nhưng chưa bàn giao thực tế). Một trường hợp còn lại đang gây cản trở thi công.

Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đang khiến dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ, yêu cầu phải hoàn thành 100% việc bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12/2023.

Mặc dù UBND TP.HCM đã chỉ đạo nhiều lần, nhưng công tác này vẫn chưa hoàn tất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công.

Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông trọng điểm đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Ở giai đoạn một, tuyến đường có tổng chiều dài hơn 76 km, gồm 4 làn cao tốc và đường song hành.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, được chia thành 8 dự án thành phần do các địa phương trực tiếp triển khai, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Đoạn Vành đai 3 qua địa bàn TP.HCM dài hơn 47 km, tổng vốn đầu tư khoảng 41.387 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm 18.975 tỷ đồng.

Bảo hiểm nhân thọ FWD bị phạt 200 triệu đồng

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam vừa bị phạt 200 triệu đồng do thực hiện hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng hình thức đưa thông tin gây nhầm lẫn.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam bị phạt vì vi phạm Luật Cạnh tranh

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam bị phạt vì vi phạm Luật Cạnh tranh

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam số tiền 200 triệu đồng.

Quyết định nêu rõ, việc Công ty trên đưa thông tin "Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là thương hiệu số 1 về trải nghiệm khách hàng 4 năm liên tục trong ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam", "danh mục loại trừ ít nhất thị trường","100% thanh toán không dùng tiền mặt và không hồ sơ giấy", "công ty bảo hiểm đầu tiên phân phối qua kênh thương mại điện tử", "mạng lưới phân phối đa dạng và rộng nhất Việt Nam" là chưa chính xác, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, qua chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng khẳng định FWD Việt Nam đã thực hiện hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng hình thức đưa thông tin gây nhầm lẫn về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác theo quy định tại Luật Cạnh tranh.

Với những vi phạm trên, Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam bị phạt 200 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu FWD Việt Nam cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ trên trang Facebook của Công ty.

FWD Việt Nam là công ty con của Tập đoàn FWD, hoạt động chính trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn và sức khỏe, quản lý quỹ và hoạt động đầu tư.

Tập đoàn FWD là đơn vị kinh doanh bảo hiểm thuộc sở hữu của Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group (PCG). PCG hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và các hoạt động đầu tư khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, FWD đã lỗ liên tục trong 6 năm từ 2016 đến 2022. Đáng chú ý năm 2020, công ty này báo lỗ đến 1.700 tỷ đồng, năm 2022 cũng lỗ 1.684 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, FWD Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 6.900 tỷ đồng.