Bản tin thời sự sáng 5/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công hai dự án cao tốc Bắc - Nam vào tháng 6; tiếp tục đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021; nhà máy đốt rác lớn nhất Hà Nội lùi tiến độ; 2 chuyến bay đưa người Việt ở Myanmar về nước…

Khởi công hai dự án cao tốc Bắc - Nam vào tháng 6

Hai dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đang được hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công vào tháng 6.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết nối với các đoạn cao tốc Bắc - Nam đang xây dựng

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết nối với các đoạn cao tốc Bắc - Nam đang xây dựng

Ngày 4/3, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, ngay sau khi có nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi hai dự án từ PPP sang đầu tư công, cơ quan này sẽ thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh và lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Dự kiến báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán điều chỉnh sẽ được Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 3, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu. Hồ sơ mời thầu tuân thủ trình tự, đảm bảo đến tháng 6 khởi công gói thầu đầu tiên.

Bộ GTVT cũng đang phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An để thúc đẩy giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km, đi qua tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 7.769 tỷ đồng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua Thanh Hóa và Nghệ An, dài 50 km, tổng mức đầu tư 8.648 tỷ đồng. Theo hình thức đầu tư công, dự kiến tổng vốn đầu tư hai dự án giảm hơn 1.000 tỷ đồng do giảm chi phí lãi vay.

Tiếp tục đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bác hai đề xuất của Tổng liên đoàn lao động về tăng lương tối thiểu và chuyển thời điểm tăng lương.

Công nhân Công ty PouYuen trong giờ tan ca

Công nhân Công ty PouYuen trong giờ tan ca

Trong văn bản gửi 13 bộ, ngành và 4 hiệp hội, lấy ý kiến dự thảo báo cáo Chính phủ trước 10/3 về tiền lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn nhiều phân tích, bác hai đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 và điều chỉnh thời điểm tăng lương từ 1/1 hằng năm sang 1/7. Hai đề xuất đều được Tổng liên đoàn đưa ra trong buổi làm việc với Chính phủ vào cuối năm 2020.

Trước đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 đến hết năm do ảnh hưởng Covid-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Phân tích nhiều yếu tố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, khi Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế xã hội. Tăng lương tối thiểu sẽ tác động đến việc làm của người lao động, trong khi doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Nhà máy đốt rác lớn nhất Hà Nội lùi tiến độ

Chủ đầu tư Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn đề nghị TP. Hà Nội cho lùi tiến độ đến tháng 5/2021, chậm 7 tháng so với dự kiến.

Toàn cảnh nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý

Toàn cảnh nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý

Đây là lần thứ hai chủ đầu tư xin lùi tiến độ dự án này. Theo cam kết cuối năm 2019 với lãnh đạo Hà Nội, Nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, chính thức vận hành vào tháng 10/2020.

Ngày 4/3, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện Công ty CP Năng lượng Thiên Ý giải thích nguyên nhân xin lùi tiến độ do cuối tháng 1/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội và Hải Dương. Công trường Dự án ghi nhận một người là F1 của ca bệnh ở Hải Dương nên hơn 1.300 công nhân nghỉ việc. Hiện công trường chỉ có khoảng 280 trên tổng số 1.500 công nhân làm việc. Ngoài ra, cũng do dịch Covid-19, nhiều chuyên gia Trung Quốc của Dự án không thể sang Việt Nam.

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.

Nhà máy được giới thiệu sử dụng công nghệ đốt rác châu Âu, công suất đốt 4.000 tấn rác mỗi ngày, thu 75 MW điện mỗi giờ. Khi đi hoạt động, Nhà máy dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP. Hà Nội.

Mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt, được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (khoảng 5.000 tấn) và bãi Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.200 tấn), còn lại xử lý lại một số lò đốt rác nhỏ.

2 chuyến bay đưa người Việt ở Myanmar về nước

2 chuyến bay đưa gần 400 hành khách từ Myanmar về nước hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng, chiều ngày 4/3.

Máy bay hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng

Máy bay hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng

Theo đại diện Vietnam Airlines, trước tình hình tại Myanmar, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại nước này và hãng hàng không tổ chức hai chuyến bay đưa gần 400 công dân Việt Nam về nước an toàn.

Chuyến bay VN5952 chở 197 người và chuyến VN5956 chở 191 người, đều xuất phát từ thành phố Yangon, lần lượt hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng. Tất cả hành khách là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nhiều địa phương ở Myanmar.

Để thực hiện hai chuyến bay, hãng hàng không đã làm việc với các cơ quan chức năng và chuẩn bị trong nhiều ngày. Các chuyến bay được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh mức độ 4 - mức cao nhất trong cấp độ phòng, chống dịch của Vietnam Airlines.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, hành khách trên hai chuyến bay được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly của quân đội. Trong đó, chuyến bay đầu tiên cách ly tại Đà Nẵng, chuyến thứ hai cách ly tại Quảng Nam.

Trong nhiều ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã có một số thông báo liên quan đến tình hình nước sở tại và đề nghị người Việt Nam sinh sống, làm việc tại đây cũng như các doanh nghiệp cung cấp thông tin liên quan. Ngày 3/3, Đại sứ quán ra thông báo về hai chuyến bay nêu trên.

Hải Phòng mở lại các cơ sở dịch vụ từ 18h tối ngày 4/3

Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, lễ hội… ở Hải Phòng được hoạt động trở lại từ 18h tối ngày 4/3; học sinh trên địa bàn TP. Hải Phòng đi học từ ngày 8/3.

Công viên trung tâm thành phố Hải Phòng

Công viên trung tâm thành phố Hải Phòng

Theo thông báo của UBND TP. Hải Phòng chiều ngày 4/3, các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các giải đấu thể thao; đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan... khi hoạt động trở lại không được tập trung quá 20 người.

Cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí; cơ sở làm đẹp; rạp chiếu phim; điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; phòng khám nha khoa; dịch vụ lữ hành; các phòng tập gym, yoga; thể thao trong nhà, thể thao võ thuật có tiếp xúc trực tiếp; công viên; vườn hoa..., cũng được mở cửa trở lại.

Cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke, quán bar, pub, massage tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Các hãng taxi trên địa bàn thành phố được hoạt động, song chỉ vận chuyển không quá 50% số người cho phép đối với mỗi phương tiện, đồng thời phải thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

UBND Thành phố đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh các cấp học trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 8/3.

Hải Phòng vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào Thành phố và tổ kiểm soát ở các thôn, xã giáp ranh với tỉnh Hải Dương.

Nguyên phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM tiếp tục bị khởi tố

Ông Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM bị cáo buộc liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Ông Lê Văn Thanh (trái) và Nguyễn Thanh Chương

Ông Lê Văn Thanh (trái) và Nguyễn Thanh Chương

Quyết định khởi tố ông Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM) về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS được Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đưa ra chiều 4/3.

C01 cũng ra quyết định khởi tố, khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Thanh An (nguyên kiểm soát viên Sagri) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS.

Trước đó, ông Thanh và Chương bị bắt tạm giam trong các vụ án liên quan sai phạm của cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại gia Diệp Bạch Dương bị cáo buộc lừa đảo...

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết động thái này được C01 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra hàng loạt sai phạm tại Sagri.

Trong đó, hai bị can Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương đã tham mưu đề xuất không đúng quy định dẫn đến việc UBND TP.HCM ban hành quyết định cho phép Sagri chuyển nhượng Dự án Phước Long B (Quận 9) cho Tổng công ty CP Phong Phú trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 700 tỷ đồng. Còn bà An là kiểm soát viên, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ.