Bản tin thời sự sáng 5/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dừng cấp hộ chiếu mẫu cũ cho người “không cấp bách”; Hải Phòng sẽ phá dỡ 3 khu kinh doanh, dịch vụ; đề xuất bỏ quy định bảo hiểm Covid-19 với khách quốc tế; trạm bơm thoát lũ Hà Nội hoạt động cầm chừng…

Dừng cấp hộ chiếu mẫu cũ cho người “không cấp bách”

Các địa điểm cấp hộ chiếu đều dán thông báo tạm dừng cấp theo mẫu cũ cho tới 1/7. Nhiều người không biết vẫn đến rồi "tay không trở về".

Người dân làm thủ tục đổi hộ chiếu ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh

Người dân làm thủ tục đổi hộ chiếu ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh

Từ đầu tháng 6, trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an ở phố Trần Phú và hai cơ sở của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an Hà Nội đồng loạt thông báo "chỉ cấp hộ chiếu mẫu cũ trong trường hợp cấp bách". Cấp bách ở đây được nhà chức trách lý giải là những người đã mua vé máy bay hoặc có giấy tờ đi khám bệnh, có quyết định công tác, giấy nhập học...

Những người muốn cấp mới, cấp lại hộ chiếu trên toàn quốc mà không thuộc các trường hợp như trên, sẽ chờ đến 1/7 để lấy hộ chiếu theo mẫu mới do Bộ Công an ban hành.

Theo Bộ Công an, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều thay đổi về trang trí và chất lượng giấy. Hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa của đất nước như: vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An... Việc thay đổi này được đánh giá là góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Hơn nữa, hộ chiếu mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả. Nếu quan sát bằng mắt thường sẽ khó nhận ra nhưng lực lượng xuất nhập cảnh sẽ dễ phát hiện.

Sau khi cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới từ 1/7, Bộ Công an dự kiến thời gian tới sẽ cấp hộ chiếu gắn chip. Loại này sẽ có độ bảo mật cao hơn nữa và giúp nâng độ tin tưởng của hộ chiếu Việt Nam. Lúc đó, người dân có thể lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chip hoặc không và hai loại này đều có thời hạn 10 năm.

Hải Phòng sẽ phá dỡ 3 khu kinh doanh, dịch vụ

Khu trải nghiệm Big Sun, một số công trình tại Sông Trăng Quán và Hữu Bằng Resort sẽ bị phá dỡ do sai phạm trong đầu tư, xây dựng.

Khu trải nghiệm Big Sun được xây dựng trên hơn 42.000 m2 đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản tại xã Hữu Bằng và thị trấn Núi Đối, TP. Hải Phòng

Khu trải nghiệm Big Sun được xây dựng trên hơn 42.000 m2 đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản tại xã Hữu Bằng và thị trấn Núi Đối, TP. Hải Phòng

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng vừa nghe các sở, ngành huyện Kiến Thụy báo cáo về việc chấp hành các quy định đầu tư xây dựng tại khu kinh doanh dịch vụ du lịch tổng hợp Hữu Bằng Resort, khu trải nghiệm Big Sun ở xã Hữu Bằng, thị trấn Núi Đối và tổ hợp Sông Trăng Quán tại xã Thanh Sơn. Ông Tùng kết luận, cả 3 khu kinh doanh, dịch vụ nêu trên đều sai phạm.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu huyện Kiến Thụy, xã Hữu Bằng, Thanh Sơn và thị trấn Núi Đối phải hoàn thành việc phá dỡ các công trình sai phạm theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành. Đoàn thanh tra được yêu cầu nhanh chóng ban hành kết luận, xác định rõ sai phạm, trách nhiệm, thiếu sót của các tổ chức, cá nhân, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/6.

Theo báo cáo nhanh của Đoàn thanh tra, khu trải nghiệm Big Sun do hộ bà Vũ Thị Lan Anh làm chủ đầu tư, xây dựng các công trình (nhà ở, hồ bơi, ao nuôi trồng thủy sản, cáp treo, trò chơi mạo hiểm...) trên diện tích đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản rộng hơn 42.000 m2 thuộc xã Hữu Bằng và thị trấn Núi Đối.

Hữu Bằng Resort do Công ty TNHH Tân Bình làm chủ đầu tư, xây dựng khu kinh doanh dịch vụ du lịch tổng hợp và một số lĩnh vực khác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 17.800 m2 đất với thời hạn 50 năm.

Tổ hợp Sông Trăng Quán có tổng diện tích hơn 37.000 m2 do ông Hoàng Minh Phúc làm chủ đầu tư. Trong đó gồm đất ở; đất nông nghiệp công ích của xã cho thuê nuôi trồng thủy sản thời hạn 5 năm; đất nông nghiệp được UBND huyện Kiến Thụy cho thuê nuôi trồng thủy sản thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã xây dựng một số công trình, hoạt động được một thời gian, rồi bất ngờ đóng cửa, dừng hoạt động trong nhiều năm qua...

Đề xuất bỏ quy định bảo hiểm Covid-19 với khách quốc tế

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bỏ yêu cầu khách mua bảo hiểm chi trả phí điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD.

Đoàn khách Mỹ dạo bộ ở phố cổ Hội An

Đoàn khách Mỹ dạo bộ ở phố cổ Hội An

Đề xuất nằm trong văn bản xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi các Bộ Y tế, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông.

Văn bản nêu rõ việc điều trị Covid-19 không tốn kém nhiều như trước đây, đa số không phải nằm viện dài ngày. Vì vậy, yêu cầu khách du lịch mua bảo hiểm có nội dung chi trả phí điều trị Covid-19 không còn cần thiết. Trước dịch Covid-19 tới nay, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam bắt buộc có bảo hiểm du lịch, chi trả cho vấn đề tai nạn, rủi ro, bệnh cấp tính...

Yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD nằm trong Phương án số 829/PA-BVHTTDL ban hành ngày 15/3, khi Việt Nam mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Phương án trước đó yêu cầu khách quốc tế có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe 10 ngày...

Theo các hướng dẫn mới của Bộ Y tế, nhiều nội dung trong Phương án đã tạm dừng. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hủy yêu cầu trên.

Đề xuất 600 tỷ làm đường nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Quốc lộ 24B hẹp, không đáp ứng lượng xe ra vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị đầu tư 600 tỷ đồng mở rộng lên 4 làn.

Quốc lộ 24B nhiều đoạn nhỏ hẹp, xuống cấp.

Quốc lộ 24B nhiều đoạn nhỏ hẹp, xuống cấp.

Ngày 4/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xem xét về việc nâng cấp, mở rộng 6 km Quốc lộ 24B nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, cao tốc đã phát huy công năng nhưng cần các tuyến nối với các địa phương trong Tỉnh để thúc đẩy hiệu quả. Trong đó, Quốc lộ 24B giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ở xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), giúp kết nối tuyến cao tốc với TP. Quảng Ngãi và khu phía Tây của Tỉnh.

Tuy nhiên, hiện Quốc lộ 24B chỉ được đầu tư mở rộng gần 12 km, còn lại gần 6 km chưa được nâng cấp. Một số đoạn đường rộng 5 - 7 m, xuống cấp, hư hỏng, khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác, lưu lượng xe trên tuyến tăng cao, thường xuyên tai nạn, ùn tắc. Tuyến cũng được Thủ tướng phê duyệt đầu tư.

Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị VEC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho phép sử dụng nguồn vốn kết dư của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B.

Quốc lộ 24B dài 18 km chạy trong địa phận TP. Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn. Điểm đầu của tuyến tại dốc Quán Cơm, TP. Quảng Ngãi, điểm cuối tại cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn.

Trạm bơm thoát lũ Hà Nội hoạt động cầm chừng

Nhiều khu phố ngập sâu khi mưa lớn, song trạm bơm tiêu nước 4.700 tỷ đồng chỉ hoạt động 30% công suất do ít nước.

Trạm tiêu nước phía Tây Hà Nội chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu nước

Trạm tiêu nước phía Tây Hà Nội chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu nước

Trạm tiêu nước phía Tây Hà Nội (trạm tiêu Yên Nghĩa) có tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2015 và hoàn thành năm 2020, được TP. Hà Nội bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý, vận hành.

Với 10 tổ máy, công suất 120 m3/s, đây là trạm có công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội, có nhiệm vụ tiêu nước cho 6.300 hecta các quận Bắc, Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Hoài Đức; đồng thời hỗ trợ hạ mực nước sông Nhuệ để tiêu cho khu vực Tây Hà Nội. Dù vậy, nhiều tuyến phố tại các quận, huyện nói trên liên tục bị ngập nặng mỗi khi nước sông Nhuệ dâng cao. Như trận mưa lớn ngày 29/5, chung cư Xuân Mai và khu đô thị Đô Nghĩa cách trạm bơm 1 km bị nước bủa vây. Trong khi đó, trạm bơm Yên Nghĩa chỉ hoạt động được 3/10 tổ máy.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, trạm bơm vẫn hoạt động theo đúng quy trình, quy định. Việc thiếu nước để hoạt động hết công suất chủ yếu là do hệ thống kênh dẫn nước La Khê dài 5,7 km lấy nước từ sông Nhuệ chảy ra sông Đáy đang thi công dang dở khiến dòng chảy hạn chế.

Kênh dẫn nước La Khê nằm trong Dự án Đầu tư cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực Tây Hà Nội với mức đầu tư hơn 7.464 tỷ đồng, đi qua quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Trên địa bàn quận Hà Đông, kênh đi qua các phường Vạn Phúc, Yết Kiêu, Quang Trung, Hà Cầu, La Khê, Dương Nội và đi qua các xã Đông La, La Phù của huyện Hoài Đức.

Triệt phá đường dây khai thác cát lậu lớn trên khu vực Cồn Ngựa, Cần Giờ

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM phối hợp Thủy đoàn II - Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an vừa triệt phá đường dây khai thác cát lậu lớn tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) với tang vật là hơn 7.468 m3 cát.

Các phương tiện khai thác cát lậu bị bắt quả tang
Các phương tiện khai thác cát lậu bị bắt quả tang

Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Trương Văn Chinh, Trương Văn Thắng, Vũ Ngọc Đại (cùng quê Hải Dương) về tội "Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên" theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn.

Trước đó, Thủy đoàn II - Cục CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực Cồn Ngựa, phát hiện 15 sà lan với 64 thuyền viên, trong đó có 12 sà lan đang lắp thiết bị khai thác cát trái phép và 3 sà lan chờ vận chuyển cát khai thác được đem đi tiêu thụ.

Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản, tạm giữ 15 phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 11/15 sà lan có chứa cát, tổng khối lượng là 7.468,17 m3.

Qua điều tra, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra bãi tập kết cát tại huyện Cần Giuộc (Long An) do ông H.N.T (quê Long An) làm chủ và phát hiện 3.374,85 m3 cát do các nghi can khai thác cát lậu bán, được tập kết ở đây. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ 3.374,85 m3 cát, 1 phà bơm cùng các sổ sách có liên quan vụ án.

Hiện Công an TP.HCM đang phối hợp Thủy đoàn II - Cục CSGT tiếp tục mở rộng điều tra vụ án khai thác cát lậu trên vùng biển Cần Giờ.