Bản tin thời sự sáng 5/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sân bay Tân Sơn Nhất ế ẩm kỷ lục chỉ còn khoảng 59 chuyến mỗi ngày; công nhân ăn ngủ tại nhà máy để tiếp tục sản xuất tại Bắc Giang; đổ xô đi xét nghiệm Covid-19 lấy “giấy thông hành”; Chính phủ yêu cầu báo cáo về hãng bay chở hàng IPP Air Cargo; góp vốn chui gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op…

Sân bay Tân Sơn Nhất ế ẩm kỷ lục chỉ còn khoảng 59 chuyến mỗi ngày

Sân bay Tân Sơn Nhất chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với lượng khách giảm kỷ lục.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang ở trong giai đoạn vắng khách trầm trọng do TP.HCM hiện là tâm dịch lớn của cả nước

Sân bay Tân Sơn Nhất đang ở trong giai đoạn vắng khách trầm trọng do TP.HCM hiện là tâm dịch lớn của cả nước

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, số lượng chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 59 chuyến mỗi ngày. Cụ thể, ngày 28/6 sân bay này ghi nhận thực hiện 38 chuyến bay; từ 29/6 - 1/7, trung bình mỗi ngày còn 59 chuyến.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết tổng lượng khách qua cảng tại sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7 chỉ đạt 3.000 khách/ngày. Con số này tiếp tục giảm mạnh so với lượng khách giữa tháng 5 khi dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại TP.HCM. Thời điểm đó, sân bay này đón 18.367 lượt khách trong ngày 13/5; 18.051 lượt trong ngày 14/5; 17.791 lượt trong ngày 15/5 và 19.650 lượt trong ngày 16/5.

Con số này cho thấy lượng khách bay tại sân bay lớn nhất cả nước đã xuống dốc không phanh kể từ mức đỉnh 108.451 khách của ngày 29/4, ngày cao điểm nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và là ngày ghi nhận lượng khách kỷ lục của sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện đã có 6 đường bay nội địa được yêu cầu dừng khai thác, là các đường bay nối TP.HCM với các địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Côn Đảo, Quảng Bình và Vinh. Chưa có đường bay nào trong số này được khôi phục trở lại.

Công nhân ăn ngủ tại nhà máy để tiếp tục sản xuất tại Bắc Giang

Doanh nghiệp tại Bắc Giang được phép hoạt động trở lại với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch, đảm bảo về sinh hoạt, đời sống cho công nhân.

Công nhân ăn ngủ tại nhà máy để tiếp tục sản xuất tại Bắc Giang

Công nhân ăn ngủ tại nhà máy để tiếp tục sản xuất tại Bắc Giang

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Bắc Giang đã bắt đầu quay lại hoạt động, gia tăng sản xuất. Tỉnh Bắc Giang đã có 244 doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại với gần 76.000 lao động.

Tại Công ty TNHH Hana Micron Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung), để đảm bảo an toàn lao động, tránh lây nhiễm, Công ty sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho công nhân ngay tại nhà máy, áp dụng quy trình làm việc khép kín. Khu vực nhà ăn cũng được thu gọn, vệ sinh sạch sẽ, thực hiện giãn cách chỗ ngồi cho công nhân. Mỗi bàn ăn chỉ có một người ngồi.

Trước mắt, Công ty không sử dụng lao động ngắn hạn, thời vụ cho đến khi có thông báo mới của UBND Tỉnh. Các công nhân tại nhà máy được chia làm nhiều ca khác nhau để đảm bảo tiến độ sản xuất, đồng thời tránh tụ tập đông người tại khu nhà ở.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh, khi bố trí quay lại sản xuất, doanh nghiệp vẫn phải duy trì nguyên tắc 4 cùng: “Làm cùng - ăn cùng - ngủ cùng - sinh hoạt cùng”. Nếu một công nhân mới không may bị nhiễm Covid-19 sẽ chỉ cần khoanh vùng nhỏ, những khu vực công nhân vào đợt trước không ảnh hưởng, vẫn tiếp tục sản xuất.

Bắc Giang đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp để đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định. UBND Tỉnh cùng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng khoảng 7.000 chỗ ở để đón thêm 30.000 lao động trở lại làm việc.

Để đảm bảo vừa sản xuất vừa an toàn chống dịch các nhà máy bắt buộc cắt giảm công suất một số dây chuyền, đồng nghĩa với việc cắt giảm nhân lực tạm thời.

Đổ xô đi xét nghiệm Covid-19 lấy “giấy thông hành”

Người lao động ùn ùn đến bệnh viện xét nghiệm Covid-19 trước quy định qua lại TP.HCM và Bình Dương làm việc phải có giấy âm tính SARS-CoV-2.

Người dân đổ xô xét nghiệm tại phòng khám Nguyễn An Phúc, TP.Biên Hòa

Người dân đổ xô xét nghiệm tại phòng khám Nguyễn An Phúc, TP.Biên Hòa

Theo quy định của UBND Đồng Nai, từ 0h ngày 5/7, người ở tỉnh này nhưng làm việc tại TP.HCM, Bình Dương và ngược lại muốn đi qua lại hai địa phương mỗi ngày, yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 7 ngày.

Những ngày qua, khu vực xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các bệnh viện lớn ở Đồng Nai như: Đa khoa Đồng Nai, Thống Nhất, Quốc tế Hoàn Mỹ, và các phòng khám trên địa bàn TP. Biên Hòa đều đông người đến xét nghiệm.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai cho biết, hai ngày qua Bệnh viện ghi nhận hơn 2.500 mẫu, hơn 10 lần so với những ngày trước đó. Bệnh viện phải tăng cường kỹ thuật viên, mở rộng khu vực xét nghiệm. Ngoài lao động làm việc tại Bình Dương, TP.HCM thì phụ huynh và học sinh đến xét nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT cũng đông.

Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho khu chữa trị nội trú cũng như thuận lợi truy vết những người liên quan nếu phát hiện ca dương tính, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã dựng thêm mái che để xét nghiệm bên ngoài, lắp đặt camera.

Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu của người lao động không có thời gian xét nghiệm ban ngày, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã kéo dài giờ làm đến 21h. Mỗi tối những ngày gần đây, có hàng trăm người người đến xét nghiệm.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, Tỉnh có 23 địa điểm có dịch vụ xét nghiệm. Trong đó, CDC Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất xét nghiệm PCR khẳng định SARS-CoV-2, những nơi còn lại đều xét nghiệm nhanh.

Hiện, mỗi ngày có hơn 10.000 lao động ở Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương làm việc. UBND Đồng Nai vận động người dân địa phương này khi đến hai tỉnh, thành lân cận làm và ngược lại nên ở lại công ty, xí nghiệp hay nhà trọ, tránh việc phải qua lại các địa phương mỗi ngày.

Chính phủ yêu cầu báo cáo về hãng bay chở hàng IPP Air Cargo

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa được yêu cầu báo cáo Thủ tướng về Dự án thành lập hãng bay chuyên chở hàng hoá IPP Air Cargo trước ngày 15/7.

Chính phủ yêu cầu báo cáo về hãng bay chở hàng IPP Air Cargo trước ngày 15/7

Chính phủ yêu cầu báo cáo về hãng bay chở hàng IPP Air Cargo trước ngày 15/7

Đây là yêu cầu do Phó thủ tướng Lê Văn Thành đưa ra, liên quan đề nghị hỗ trợ thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa của Công ty CP IPP Air Cargo.

Trước đó, Cục Hàng không xin ý kiến Bộ GTVT để hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo, trong đó có nhấn mạnh yếu tố thị trường đang khó khăn.

Cục Hàng không cho biết trong tháng 4/2020, Bộ GTVT cũng đã báo cáo Thủ tướng với đề xuất thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi dự kiến năm 2022. Sau đó, Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc với đề xuất này.

Nhưng theo IPP Air Cargo, đề xuất năm ngoái của Bộ GTVT gửi Chính phủ chỉ đề cập đến sự sụt giảm của các hãng hàng không vận chuyển hành khách, chứ không nhắc đến các hãng bay chuyên chở hàng hoá. Đồng thời, Dự án IPP Air Cargo cũng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về việc lập một hãng hàng không chuyên chở hàng hoá để giải quyết tình trạng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics.

Dự án lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại là vốn huy động. IPP Air Cargo là một doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo kế hoạch, IPP Air Cargo muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba. Doanh nghiệp đặt mục tiêu có chuyến bay thương mại đầu tiên từ quý II/2022 và có lãi từ năm thứ tư.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPP Air Cargo đã được chuẩn bị sẵn sàng trong 6 tháng qua. Dự kiến sau 3 tháng kể từ khi có giấy phép bay, hãng sẽ thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong nước, rồi sau đó bay ra quốc tế.

Góp vốn chui gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op

HTX Tiêu dùng Phường 14, Quận 8, và HTX Thương mại và Dịch vụ Quận 11 (TP.HCM) bị cho là có dấu hiệu vi phạm khi góp "chui" gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op.

Góp vốn chui gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op

Góp vốn chui gần 600 tỷ đồng vào Saigon Co.op

UBND Quận 8 và UBND Quận 11 vừa chuyển hồ sơ vụ việc trên cho Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM làm rõ các sai phạm; nguồn gốc số tiền và mục đích của các nhà đầu tư.

Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan thanh tra kết luận có dấu hiệu vi phạm tại 2 HTX khi tham gia góp vốn vào Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op).

Trong đó, hoạt động kinh doanh của HTX Tiêu dùng trong năm 2018 và 2019 hiệu quả chưa cao (gần 17 triệu và 2,6 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm, nhưng trong năm 2020 đã góp hơn 283,6 tỷ vào Saigon Co.op.

Thanh tra cho đây là điều không bình thường. Trong số tiền trên có 280 tỷ đồng là phần góp của Công ty Anh Tú Thy và 3,6 tỷ đồng huy động từ 6 thành viên mới vừa được kết nạp. Họ không phải là thành viên HTX nhưng bằng hình thức gia nhập và thoả thuận hợp tác góp vốn đầu tư đã gián tiếp đầu tư vốn vào Saigon Co.op.

Ông Đào Ngọc Duyên (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tiêu dùng) bị cho là đã lập khống toàn bộ hồ sơ tài liệu nhằm hợp thức hoá việc huy động vốn của các tổ chức, cá nhân bên ngoài đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Điều này là vi phạm nguyên tắc, tổ chức hoạt động theo Luật HTX.

Tương tự, năm 2020, HTX Quận 11 đã góp 306 tỷ đồng vào Saigon Co.op. Trong đó có 300 tỷ là của ông Liêu Việt Phú góp vốn vào HTX Quận 11 thông qua hình thức hợp tác góp vốn đầu tư. Phần còn lại được các nhà đầu tư khác chuyển cho các thành viên HTX Quận 11 để góp vốn vào Saigon Co.op.

Hai HTX trên nằm trong danh sách 20 HTX tham gia góp vốn để Saigon Co.op tăng vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng trái pháp luật.

Hơn 100 người bị phạt vì tụ tập mua bán đất tại Bình Dương

Nhiều người từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đến thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) tham gia sự kiện mua bán dự án bất động sản bất chấp lệnh cấm.

Khu vực tổ chức sự kiện có hơn 100 người tham gia

Khu vực tổ chức sự kiện có hơn 100 người tham gia

Chiều 4/7, UBND phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) đã ra quyết định phạt 108 người về hành vi Không thực hiện quy định không tập trung đông người để phòng, chống Covid-19, mỗi người 2 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND TP. Đồng Xoài phạt 11 trường hợp về và đến Bình Phước nhưng không qua chốt kiểm dịch, không có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, mỗi người 7,5 triệu đồng. Riêng chủ nhà hàng, đơn vị tổ chức sự kiện bị phạt lần lượt 7,5 triều đồng và 15 triệu đồng vì vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Sáng cùng ngày, hơn 100 người ngồi trên 11 bàn tròn tại nhà hàng Hương Phù Sa để dự chương trình liên quan đến dự án bất động sản, tất cả đều đeo khẩu trang. Trong số đó có một số người đến từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...

Cho rằng sự kiện chui, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, chính quyền yêu cầu nhà hàng dừng ngay mọi hoạt động. Cổng ra vào nhà hàng bị cảnh sát chốt chặn. Nhân viên y tế tiến hành phun xịt khử khuẩn khu vực này.

Làm việc với cơ quan chức năng, nhiều người ngoài tỉnh xuất trình giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, tuy nhiên có nhiều giấy quá 5 ngày theo quy định của UBND tỉnh Bình Phước.

Ngành y tế Đồng Xoài yêu cầu tất cả khai báo y tế, xét nghiệm nhanh nCoV với những ai chưa có giấy xác nhận âm tính hoặc đã hết hạn. Kết quả 85/85 mẫu có kết quả âm tính.

Phát hiện 10 tấn nội tạng bốc mùi hôi thối đang chở vào Nam tiêu thụ

Lực lượng chức năng vừa phát hiện và thu giữ 10 tấn nội tạng động vật bao gồm tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà đông lạnh bốc mùi hôi thối tại Hà Nội.

Hàng tấn nội tạng đông lạnh trên phương tiện đã bốc mùi hôi thối

Hàng tấn nội tạng đông lạnh trên phương tiện đã bốc mùi hôi thối

Ngày 4/7, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT TP.Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành dừng, khám xe vận tải mang biển số 51D-493.62 do ông Nguyễn Viết Dũng điều khiển tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 10 tấn nội tạng động vật bao gồm tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc... đựng trong các thùng xốp và bao tải màu xanh.

Phần lớn các loại hàng hóa đều có nhãn mác, bao bì nước ngoài. Trong số đó, mặt hàng nầm lợn đã có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã bốc mùi ôi thiu và hôi thối.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không có bất cứ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa được xuất trình. Theo ông Lê Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội QLTT số 5, phần lớn hàng hóa được các đối tượng thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên biên giới các tỉnh phía Bắc sau đó thuê phương tiện để vận chuyển vào tiêu thụ trong các cửa hàng, quán ăn vỉa hè khu vực miền Nam.