Bản tin thời sự sáng 6/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam dừng đón chuyến bay từ quốc gia có biến thể nCoV; kênh thủy lợi 4.300 tỷ đồng tại Thanh Hóa cấp nước trở lại sau sự cố; số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân cao kỷ lục;cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ hầu toà ngày 7/1…

Việt Nam dừng đón chuyến bay từ quốc gia có biến thể nCoV

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng tổ chức chuyến bay về Việt Nam từ quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể nCoV mới, trước hết từ Anh, Nam Phi.

Các chuyến bay từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có biến chủng mới của virus SARS-Covi-2 về Việt Nam sẽ phải tạm dừng tổ chức

Các chuyến bay từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có biến chủng mới của virus SARS-Covi-2 về Việt Nam sẽ phải tạm dừng tổ chức

Nội dung trên được nêu trong công điện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chiều 5/1.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ đang trong tình trạng dịch diễn biến phức tạp cũng nằm trong diện tạm dừng tổ chức chuyến bay về Việt Nam. Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xác định cụ thể những nước áp dụng biện pháp này.

Bộ Ngoại giao cũng được giao rà soát các trường hợp công dân ở nước ngoài có nguyện vọng về nước, bảo đảm đúng đối tượng; tạo điều kiện cho người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, người ra nước ngoài chữa bệnh, người hết hạn visa, hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn học tập... về nước.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo tăng cường quản lý biên giới, ngăn chặn triệt để nhập cảnh trái phép, đặc biệt tại các tuyến đường mòn, lối mở, đường biển...; tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm cách ly tập trung đủ 14 ngày và đủ thời gian theo dõi y tế sau cách ly tập trung theo quy định; tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.

Kênh thủy lợi 4.300 tỷ đồng tại Thanh Hóa cấp nước trở lại sau sự cố

Sau 10 ngày bị vỡ, kênh thủy lợi bắc sông Chu - nam sông Mã cấp nước trở lại vào chiều 5/1.

Kênh bắc sông Chu - nam sông Mã cấp nước trở lại

Kênh bắc sông Chu - nam sông Mã cấp nước trở lại

Theo ông Phạm Văn Tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (đơn vị quản lý kênh thủy lợi), đây là đợt cấp nước thử nghiệm; sau quá trình theo dõi nếu đảm bảo an toàn, tuyến kênh sẽ vận hành chính thức, cấp nước tưới cho hơn 31.000 ha sản xuất vụ chiêm xuân các huyện trên địa bàn Thanh Hoá.

Để khắc phục sự cố vỡ kênh, trong 10 ngày qua, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 đã huy động nhiều máy móc, nhân lực làm việc suốt ngày đêm. Nhà thầu đã vận chuyển gần 20.000 m3 đất đá tới san lấp, lu lèn chân móng và đắp hai bờ kênh.

Do thi công gấp rút nhằm sớm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đoạn kênh vỡ ở xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc chưa thể đổ bê tông như thiết kế ban đầu. Thay vào đó, sau khi đắp đất gia cố, nhà thầu trải bạt chống thấm trong lòng kênh. Theo đơn vị quản lý, đây là giải pháp trước mắt, kênh thủy lợi sẽ được sửa chữa kiên cố, trả về nguyên trạng vào thời gian thích hợp.

Trước đó, lúc 9h45 ngày 27/12, khúc kênh bắc sông Chu - nam sông Mã (dài khoảng 70 m) chảy qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, bị vỡ khiến hàng vạn m3 nước đổ tràn ra đồng ruộng. Công trình bị xói trôi hơn 20.000 m3 đất, hơn 40 tấm bê tông lát mái, đáy và khoảng 400 m3 đá xây gia cố bờ kênh bị xói lở, xô lệch.

Hợp đồng tư vấn Metro số 2 tại TP.HCM tăng hơn 12 triệu Euro

Hợp đồng tư vấn thực hiện Dự án Metro số 2 tại TP.HCM tăng hơn 12 triệu Euro (khoảng 340 tỷ đồng) sau điều chỉnh do Dự án chậm tiến độ nhiều năm.

Sơ đồ tuyến Metro Số 2

Sơ đồ tuyến Metro Số 2

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị TP.HCM nêu lý do chậm huy động lại tư vấn IC (Liên danh Metro Team Line 2 là nhà thầu) cho tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Việc có tư vấn là điều kiện triển khai nhiều đầu việc tiếp theo của Dự án, bao gồm gia hạn các khoản đã vay, vay mới từ nhà tài trợ; mở thầu các gói thầu chính...

TP.HCM hiện chưa đạt thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng số 13 - hợp đồng cuối với IC sau khi tư vấn ngưng hỗ trợ Dự án từ tháng 10/2018. Với phụ lục này, phía tư vấn tính chi phí phát sinh gần 3,7 triệu Euro. Trước đó, 12 phụ lục hợp đồng đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) ký với IC, trong đó, 6 phụ lục tăng gần 9 triệu Euro, nâng tổng chi phí phát sinh của 13 hợp đồng lên hơn 12,6 triệu Euro so với hợp đồng ký 8 năm trước.

Theo MAUR, lý do phải ký 13 phụ lục hợp đồng xuất phát từ các yêu cầu bắt buộc trong quá trình thực hiện Dự án như điều chỉnh ranh, thiết kế, phân bổ lại phạm vi công việc, chỉnh sửa hồ sơ mời thầu... Việc điều chỉnh đòi hỏi tư vấn phải cập nhật, hoàn thiện lại hồ sơ, làm thủ tục với các nguồn vay từ nhà tài trợ cho Dự án...

Metro số 2 được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019. Toàn tuyến dài hơn 11 km, trong đó, đi ngầm 9,2 km, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot (nơi sửa, bảo trì tàu).

Số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân cao kỷ lục

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong tháng 12/2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 63.629 tài khoản, cao nhất kể từ trước tới nay.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở BVSC

Khách hàng giao dịch tại Hội sở BVSC

Với việc tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng cao kỷ lục trong tháng cuối năm đã đưa số lượng tài khoản giao dịch lên gần 2,73 triệu tài khoản.

Cùng với nhà đầu tư cá nhân, số tài khoản chứng khoán mở mới của các tổ chức trong nước cũng tăng cao, với 168 tài khoản mở mới trong tháng 12, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2020, số tài khoản của tổ chức trong nước là 11.251 tài khoản.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài mở mới 371 và 15 tài khoản trong tháng cuối năm 2020, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài lần lượt lên mức 31.134 và 3.927 tài khoản.

Việc có thêm nhiều nhà đầu tư mới giúp thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức cao.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ hầu toà ngày 7/1

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc có sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, song ông cho rằng chỉ có trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Bộ Công Thương.

Ông Vũ Huy Hoàng - Cựu Bộ trưởng Công thương

Ông Vũ Huy Hoàng - Cựu Bộ trưởng Công thương

Ngày 7/1, TAND TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh với ông Vũ Huy Hoàng có ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương).

Các ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) và 6 người khác khác bị xét xử về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Phiên toà được mở từ ngày 7 - 14/1, với khoảng 30 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho 10 bị cáo.

Theo cáo trạng, hành vi của các bị can khiến tài sản của Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Bộ Công Thương; cho rằng trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương).

Bốn cán bộ quản lý thị trường Phú Thọ bị khởi tố

Ông Vi Ngọc Khang, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường, bị cáo buộc sai phạm trong quá trình kiểm tra doanh nghiệp xăng dầu, gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Các bị can tại cơ quan điều tra

Các bị can tại cơ quan điều tra

Ngày 5/1, ông Khang, cùng ba thuộc cấp là Hà Minh Tuyền (kiểm soát viên Phòng nghiệp vụ - tổng hợp), Chu Ngọc Hoàng, Bùi Mạnh Công (kiểm soát viên đội Quản lý thị trường số 8) bị Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Theo điều tra, tháng 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên sông Lô. Ông Khang lúc đó là quyền đội trưởng Quản lý thị trường số 8, làm trưởng đoàn. Ông Hoàng, Công, Tuyền là kiểm sát viên thị trường trong đoàn.

Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện ba tàu tại khu vực cảng sông Lô, huyện Đoan Hùng, có hành vi bán xăng dầu trái phép. Đội Quản lý thị trường số 8 sau đó ra ba quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 triệu đồng và tịch thu tang vật là ba trụ bơm xăng dầu tự động.

Ngày 7/6, Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ ký quyết định xử lý tang vật vi phạm bằng hình thức tiêu hủy. Tuy nhiên quá trình điều tra xác định, thực tế đoàn kiểm tra đã không thu giữ, tiêu hủy 2/3 trụ bơm như trong hồ sơ xử lý vi phạm.

Việc đội Quản lý thị trường số 8 không tịch thu cả tàu lẫn dầu mà chỉ tịch thu trụ bơm là trái với quy định, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 400 triệu đồng.

Công an tỉnh Phú Thọ đã trưng cầu Sở Tư pháp Tỉnh và xác định tang vật của ba vụ vi phạm là cả tàu dầu, các thiết bị bơm dầu và dầu chứa bên trong khoang hàng. Hơn nữa, do quen biết nên chủ tàu vi phạm đã đưa cho ông Khang 40 triệu đồng để đoàn kiểm tra không thu giữ trụ bơm, cơ quan công an cáo buộc.

Tin cùng chuyên mục