Máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn trên đường từ Nhật Bản về Việt Nam
Ngày 5/1, chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines từ sân bay Narita (Tokyo) về Hà Nội bị một người đàn ông đe dọa bắn hạ khi qua vịnh Tokyo.
Máy bay B787-868 kiểm tra kỹ thuật tại sân bay Fukuoka |
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chuyến bay VN5311 từ Narita về Hà Nội khởi hành lúc 10h30 (giờ địa phương) gồm 12 tiếp viên, 3 phi công và 47 hành khách.
Khoảng 11h10, chi nhánh hãng Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được điện thoại từ một người xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi qua vịnh Tokyo".
Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi lại thì người đàn ông trả lời: "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".
Lúc này, máy bay đã bay được khoảng 40 phút, chuẩn bị qua vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, chi nhánh hãng tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh về Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Tổng công ty đã báo cáo sự việc cho nhà chức trách Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan chức năng của Bộ Công an, đồng thời triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Giao thông vận tải, Cục trưởng Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng tàu bay, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka.
Khoảng 14h30 (giờ địa phương), sau khi xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, nhà chức trách và Cảnh sát sân bay Fukuoka đã thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội.
Vietnam Airlines đã cho chuyến bay VN5311 khởi hành lúc 15h48 từ sân bay Fukuoka tiếp tục hành trình về Hà Nội. Lúc 18h12 (giờ Việt Nam) tối 5/1, máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài.
VN5311 là chuyến bay thương mại đầu tiên từ Nhật Bản về Việt Nam của Vietnam Airlines, kể từ khi hai nước khôi phục đường bay thường lệ.
Đề xuất Bộ Y tế cấp phép 3 loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19
Tối muộn ngày 5/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế đã đồng ý đề xuất cấp giấy đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.
Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. |
Tại phiên họp diễn ra ngày 5/1, Hội đồng đã xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng các ý kiến thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn chất lượng, bào chế, dược lý lâm sàng.
Theo đó, Hội đồng đồng ý đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị Covid-19.
Như vậy, có thể đây sẽ là 3 loại thuốc chứa Molnupiravir đầu tiên được cấp phép lưu hành và sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người bệnh Covid-19.
Ngoài ra, Hội đồng cũng yêu cầu, sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành, các cơ sở sản xuất thuốc phải thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng và báo cáo cơ quan quản lý để giám sát chặt chẽ về chất lượng, tuổi thọ của thuốc.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo hướng dẫn và yêu cầu của Bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.
Đối với các hồ sơ chưa được phê duyệt, các cơ sở sản xuất tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, bổ sung các tài liệu. Hội đồng sẽ khẩn trương họp để xem xét việc cấp phép ngay khi có các kết quả thẩm định hồ sơ bổ sung của các tiểu ban chuyên môn.
TP.HCM thanh tra đột xuất việc mua bán kit xét nghiệm
Chính quyền TP.HCM giao cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn.
TP.HCM thanh tra đột xuất việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn |
Nội dung đề cập trong công văn gửi các đơn vị liên quan do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký. Động thái này nhằm sớm phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác phòng chống dịch, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Thanh tra Thành phố sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành, làm việc đột xuất về các vấn đề trên tại một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Cơ quan này được giao theo dõi, đôn đốc các sở ngành liên quan thường xuyên kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh các loại kit xét nghiệm nhanh, RT-PCR.
Các cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế được yêu cầu rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, nhất là giá dịch vụ xét nghiệm tại các công ty cung ứng; sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vật tư y tế cho việc phòng chống dịch đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm...
Sở Y tế tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phòng chống dịch, đặc biệt là các loại kit xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm. Việc này nhằm sớm phát hiện trường hợp tham nhũng, tiêu cực, trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch.
Ở đợt dịch thứ tư, TP.HCM là tâm dịch nên nhu cầu xét nghiệm diện rộng rất lớn, có ngày Thành phố lấy đến 500.000 mẫu. Từ 27/4 - 15/9, Thành phố lấy gần 2 triệu mẫu RT-PCR và 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam xin dừng gói thầu 20,6 tỷ trước khi về hưu
Trước khi nghỉ hưu từ ngày 1/1, ông Hà Thanh Quốc có công văn xin dừng thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021.
Ông Hà Thanh Quốc ký quyết định xin dừng gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ dạy học trước khi về hưu |
Ngày 5/1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản trả lời về việc dừng thực hiện Gói thầu Mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021 cho các trường THPT, Phổ thông Dân tộc nội trú Tỉnh theo công văn do nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Thanh Quốc ký.
Văn phòng UBND Tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT làm việc với Sở Tài chính để được trả lời theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND Tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Trước đó, ngày 27/12/2021, ông Hà Thanh Quốc (lúc này đang giữ chức Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam) có công văn về việc xin dừng thực hiện Gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021 cho các trường THPT, Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, trị giá 20,6 tỷ đồng.
Trong công văn, ông Quốc nêu rõ UBND Tỉnh đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu trên, Sở GD&ĐT đã đăng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tuy nhiên, đơn vị không triển khai được các bước tiếp theo để thực hiện Gói thầu, với lý do không chọn được đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Sở đã liên hệ nhiều đơn vị tư vấn nhưng họ đều từ chối do đây là thời điểm cuối năm, phải xử lý nhiều việc.
Ngoài lý do trên, Sở GD&ĐT cho rằng hiện nay, các nhà sản xuất đã có thay đổi về cấu hình và tiêu chuẩn kỹ thuật máy móc thiết bị so với năm 2020 (như máy vi tính, màn hình thông minh/tivi) nên đơn vị cần có thời gian để cập nhật, hoàn chỉnh và phê duyệt cấu hình cho phù hợp.
Trước đó, ngày 22/11/2021, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học năm 2021 cho các trường THPT, Phổ thông Dân tộc nội trú Tỉnh với kinh phí hơn 20,6 tỷ đồng.
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu do Sở GD&ĐT thực hiện. Hình thức lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu rộng rãi trên mạng. Thời gian thực hiện trong quý IV/2021.
Lạng Sơn đề nghị doanh nghiệp dừng đưa hàng lên cửa khẩu
UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 vì năng lực thông quan chưa được cải thiện.
Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết |
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo, khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Theo đó, tỉnh này cho biết hiện tại một số cửa khẩu của tỉnh như: Tân Thanh, Cốc Nam chưa được thông quan trở lại và năng lực thông quan tại các cửa khẩu hiện nay chưa được cải thiện.
Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ vận tải,... tạm dừng đưa hàng hóa (đặc biệt là mặt hàng hiện nay đang ùn ứ lớn tại cửa khẩu như: Hoa quả tươi, tinh bột sắn, ván bóc,...) lên cửa khẩu.
Lạng Sơn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động nắm bắt thông tin, tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu để khuyến cáo, hướng dẫn, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ vận tải hàng hóa,... chủ động điều tiết hàng hóa xuất khẩu hợp lý, tránh đưa lên cửa khẩu ồ ạt gây ùn ứ cửa khẩu.
Tính đến sáng ngày 5/1, tổng lượng xe tồn tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là trên 2.800 xe, trong đó trên 1.700 xe chở hoa quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ thông quan tại 3 cửa khẩu bao gồm: Chi Ma, Hữu Nghị, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng với năng lực thông quan xuất khẩu từ 80 - 100 xe mỗi ngày
Đề xuất không thu phí hạ tầng cảng biển đường thủy nội địa
Các hiệp hội cho rằng, phương tiện vận tải bằng đường thủy không sử dụng kết cấu hạ tầng công cộng, không gây ùn tắc giao thông nên không cần thu phí.
Hàng hoá tại cảng Hải Phòng |
Đề xuất trên vừa được 5 hiệp hội gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam.
Theo các hiệp hội, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp vận tải thủy, cung cấp dịch vụ logistics và chủ hàng gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tăng cao. Nay, họ phải đóng thêm phải phí hạ tầng cảng biển đường thuỷ nội địa đối với hàng hóa khiến phí chồng phí.
Theo phân tích của 5 hiệp hội, cần phân biệt sự khác nhau giữa công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển và cơ sở hạ tầng cảng biển để xác định có nên thu loại phí trên hay không.
Hiện nay, mục đích của việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng là tạo nguồn thu nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện hạ tầng của địa phương kết nối các cảng biển, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn.
Tuy nhiên, phương thức vận tải đường thủy sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, gồm đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, khu neo đậu ngoài cảng, kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác về giao thông thủy.
Phương tiện vận tải bằng đường thủy không sử dụng kết cấu hạ tầng công cộng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển, không gây ùn tắc giao thông.
Gần 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp
Trên 2,96 triệu người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ đầu năm nay, theo Nghị định 108 của Chính phủ.
Nhân viên bưu điện hướng dẫn chi trả trợ cấp cho người già trên 80 tuổi |
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này tính toán với mức tăng 7,4%, tổng kinh phí dành chi trả trong tháng một gần 1.052 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 904.000 người hưởng từ ngân sách Nhà nước hơn 257 tỷ đồng, hơn 2 triệu người hưởng từ nguồn Quỹ BHXH với số tiền 794 tỷ đồng.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sẽ được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng.
Các nhóm thụ hưởng gồm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Hơn 3,1 triệu người trong số đó đang được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí. Còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác.
4 trận động đất từ 3 - 3,6 độ richter liên tiếp ở Kon Tum
Các trận động đất 3 - 3,6 độ richter xảy ra ở huyện Kon Plông, song không gây thiệt hại, sáng ngày 5/1.
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum sáng 5/1 |
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, động đất xảy ra lúc 1h23, 2h3, 3h2 và 3h51, có độ lớn lần lượt 3,6; 3,0; 3,4 và 3,4. Trước đó, ngày 2/1, khu vực trên xảy ra trận động đất độ lớn 2,9.
Từ tháng 4 - 11/2021, huyện Kon Plông ghi nhận hàng chục trận động đất. Riêng tháng 11, địa phương này xảy ra 10 trận động đất nhỏ ở địa bàn. Tháng 6/2020, Viện Vật lý địa cầu cử cán bộ đến Kon Tum thiết lập trạm quan trắc, thu thập số liệu để nghiên cứu, cảnh báo nguy hiểm.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng các trận động đất tại khu vực này độ lớn không quá 5,0.
Thu giữ hơn 8 nghìn điếu xì gà không tem mác
Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa thu giữ hơn 8 nghìn điếu xì gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Số lượng lớn xì gà bị thu giữ. |
Ngày 5/1, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã khởi tố bị can Nguyễn Văn Sinh (trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương) để điều tra về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”.
Trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Đống Đa phát hiện Nguyễn Văn Sinh đang vận chuyển 4 thùng giấy bên trong chứa gần 3 nghìn điếu xì gà ở phố Đông Các, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Sinh không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc lô hàng.
Quá trình điều tra, Sinh khai nhận vận chuyển số xì gà trên cho một người không quen biết.
Tại căn nhà Sinh thuê trọ ở đê Tô Hoàng (Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội), cơ quan chức năng phát hiện gần 5 nghìn điếu xì gà không có tem mác và 540 điếu xì gà dán nhãn “Quanta”.
Hiện vụ việc đang được xử lý theo quy định.