Bản tin thời sự sáng 6/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là truy tố hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vụ giao đất vàng tại Nha Trang; giá vàng SJC lên cao nhất ba tháng; tháng 10, HNX huy động được 31.450 tỷ đồng trái phiếu chính phủ; PVN về đích chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu thô năm 2022 sớm 2 tháng; Hà Nội trở lại thi công mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm…

Truy tố hai cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa vụ giao đất vàng tại Nha Trang

Ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh (hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) cùng 11 người khác bị truy tố do sai phạm giao hơn 7.300 m2 đất vàng ở Nha Trang cho doanh nghiệp không qua đấu thầu, đấu giá.

Ông Nguyễn Chiến Thắng tại phiên toà trong vụ núi Chín Khúc

Ông Nguyễn Chiến Thắng tại phiên toà trong vụ núi Chín Khúc

Ngày 5/11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ quan này vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Thắng và ông Vinh cùng 11 cựu cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh Khánh Hoà về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Cả 13 người này được xác định có sai phạm trong Dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà khi giao cho doanh nghiệp 7.300 m2 đất tại đường Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang.

Từ năm 2011 - 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa làm các thủ tục và triển khai thực hiện Dự án Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà (mới) tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang theo hợp đồng BT với Công ty TNHH Hoàn Cầu. Sau đó, Tỉnh giao hơn 7.300 m2 đất Trường Chính trị cũ tại đường Trần Hưng Đạo cho doanh nghiệp này đầu tư làm khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 (Dự án Gold Coast) để hoàn trả nguồn vốn.

Trong quá trình thực hiện dự án BT, các bị can này đã có sai phạm được chỉ ra trong cáo trạng, gồm: chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư; không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất được quy hoạch là đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp nhà nước.

Các cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà bị truy tố trên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện thỏa thuận, điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch tại Dự án Nha Trang Center 2; xác định giá trị quyền sử dụng đất thực hiện dự án BT và cấp giấy phép xây dựng không đúng với quy hoạch sử dụng đất của Thành phố… Vi phạm của 13 cựu cán bộ tỉnh bị xác định gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại thời điểm tháng 2/2016 là hơn 62,6 tỷ đồng; còn thời điểm tháng 10/2020 là trên 324 tỷ đồng.

Giá vàng SJC lên cao nhất ba tháng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá mỗi lượng vàng miếng 400.000 đồng trong phiên cuối tuần, mua vào 66,7 triệu đồng và bán ra 67,7 triệu đồng.

Giá vàng SJC hiện ở mức mua vào 66,7 triệu đồng và bán ra 67,7 triệu đồng/lượng
Giá vàng SJC hiện ở mức mua vào 66,7 triệu đồng và bán ra 67,7 triệu đồng/lượng

Đây là vùng giá cao nhất mà SJC niêm yết từ đầu tháng 8 đến nay. Trong khi đó, một số hệ thống kinh doanh vàng miếng quy mô nhỏ hơn nâng giá đến nửa triệu đồng.

Giá vàng nhẫn cũng biến động mạnh, hiện được các tiệm kim hoàn bán ra ở mức 53,3 triệu đồng/lượng.

Sau thời gian dài giằng co trong biên độ hẹp, giá vàng miếng trong nước nhảy vọt nhờ đà tăng của thị trường thế giới. Giá vàng thế giới giao ngay chốt phiên 4/11 tại 1.682 USD, tăng 52 USD. Động lực tăng đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất khi báo cáo việc làm cho thấy doanh nghiệp Mỹ đã tuyển dụng nhiều hơn, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng. Từ đầu tháng 11 đến nay, giá vàng trong nước tăng khoảng 700.000 đồng mỗi lượng.

Tháng 10, HNX huy động được 31.450 tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Tháng 10/2022, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 30 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) bao gồm 10 đợt đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành và 20 đợt đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát hành.

HNX đã tổ chức 30 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 10/2022

HNX đã tổ chức 30 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 10/2022

Tổng khối lượng trái phiếu huy động thành công đạt 31.450 tỷ đồng - tương ứng tỷ lệ trúng thầu là 55,66%, nâng tổng giá trị huy động trong năm 2022 của Kho bạc Nhà nước lên 139.432 tỷ đồng, đạt 34,86% kế hoạch và NHCSXH đạt 12.300 tỷ đồng, bằng 60,29% kế hoạch.

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, lần lượt 46,42% và 31,96%. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm có mức tăng lần lượt là 100 và 80 điểm cơ bản so với cuối tháng 9, lên mức 4%/năm và 4,1%/năm. NHCSXH huy động thành công trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm với mức lãi suất lần lượt là 4,7% và 4,8% tại phiên cuối tháng 10.

Trên thị trường thứ cấp tháng 10/2022, thị trường TPCP ghi nhận sự sụt giảm về giá trị giao dịch với mức giảm 40,4%, đạt giá trị giao dịch bình quân 3.847 tỷ đồng/phiên, trong đó giao dịch Outright giảm 16,49% và giao dịch Repos giảm 57,68%.

PVN về đích chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu thô năm 2022 sớm 2 tháng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã về đích chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu thô của cả năm 2022, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch.

Sản lượng khai thác dầu thô của PVN trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm 2022
Sản lượng khai thác dầu thô của PVN trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm 2022

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, sản lượng khai thác dầu thô của PVN trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm 2022 và bằng 99,4% mức thực hiện cùng kỳ năm 2021. PVN đã chủ động dự báo tình hình giá dầu; tăng cường quản trị biến động, điều hành linh hoạt, phát huy vai trò các chuỗi giá trị.

Nhờ vậy, trong 10 tháng của năm 2022, hoạt động tại các nhà máy, công trình, giàn khoan của Tập đoàn được đảm bảo an toàn, thông suốt. PVN đã hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô cả năm trước 2 tháng 9 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 22/10).

Cùng với đó, công tác phát triển mỏ được triển khai tích cực. Trong 10 tháng qua, PVN đã đưa 4 mỏ và công trình vào khai thác.

Với kết quả sản xuất và điều hành kinh doanh trên, PVN đã hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính. Tổng doanh thu của Tập đoàn 10 tháng qua ước đạt 782 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 10 tháng ước đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch năm 2022, tương đương với thực hiện cả năm 2021 (112,5 nghìn tỷ đồng).

Hà Nội trở lại thi công mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm

Sau hơn 4 tháng dừng thi công, Hà Nội đã trở lại thi công mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm từ 5/11.

Các phương tiện tham gia giao thông trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội

Các phương tiện tham gia giao thông trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm (mặt đê sông Hồng, Hà Nội) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành vào năm 2020, nhưng đến nay bị đình trệ, có đoạn quây rào tôn không thi công, khiến giao thông đi lại khó khăn.

Mới đây, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - chủ đầu tư Dự án cho biết, sau hơn 4 tháng dừng thi công, công trình sẽ thi công trở lại từ 5/11.

Theo hồ sơ thiết kế, việc thi công đoạn Âu Cơ - Nghi Tàm được chia làm 4 đoạn. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, các đoạn 1, 2, 4 đang thi công phải tạm dừng trong mùa mưa lũ theo quy định của Luật Đê điều.

Còn đoạn 3, từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân chưa thi công vì vướng thủ tục cấp phép. Hiện đoạn 3 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận cấp phép thi công.

Từ nay đến hết tháng 12/2022, các nhà thầu tiến hành lắp đặt rào chắn, cắm biển theo phương án phân luồng để chính thức phân luồng giao thông, thi công từ 5/11/2022 đối với đoạn 1, 2 và 4; di chuyển các tủ điện phía đường 5 m ngoài đê, hoàn chỉnh các đốt tường chắn bê tông cốt thép còn lại (4 đốt tường) và thảm toàn bộ đường 5m ngoài đê từ Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ; thi công cải tạo mặt đường Âu Cơ…

Đối với đoạn 3, từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân, sau khi Tổng cục Phòng chống thiên tai chấp thuận để cấp phép thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo UBND Thành phố cấp phép thi công, dự kiến 10/11 có giấy phép thi công, trình các thủ tục phân luồng giao thông để triển khai thi công đồng bộ từ 15/11/2022.

Bình Định muốn mở rộng sân bay Phù Cát

Tỉnh Bình Định kiến nghị nâng cấp sân bay Phù Cát để tăng công suất lên gấp đôi - 5 triệu hành khách, 50.000 tấn hàng hoá và đón được máy bay cỡ lớn.

Sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, công suất thiết kế 2,5 triệu khách/năm
Sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, công suất thiết kế 2,5 triệu khách/năm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, địa phương vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương khảo sát, lập quy hoạch mở rộng sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế.

Cách trung tâm TP. Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc, cách Quốc lộ 1 khoảng 1,5 km về hướng Tây, sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, phục vụ được 600 khách vào giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu khách/năm; một đường băng dài hơn 3.000 m, rộng 45 m và sân đỗ với 7 vị trí.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị đầu tư mở rộng sân đỗ (từ 7 lên 14 chỗ đậu); làm đường băng thứ hai đạt chuẩn 4E từ nguồn ngân sách nhà nước để có thể khai thác các máy bay lớn như Boeing 787, 777, Airbus A350. Địa phương cũng muốn xây mới nhà ga theo phương thức PPP (đối tác công - tư). Khi đó, công suất sân bay được nâng lên 5 triệu khách/năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn/năm.

Theo ông Hoàng, những năm qua, ngành du lịch Bình Định phát triển nhanh, nên sân bay Phù Cát thường quá tải, nhất là vào các dịp tổ chức hội nghị, sự kiện, lễ, Tết. Dự báo đến năm 2025, địa phương sẽ đón khoảng 7,5 triệu hành khách và con số này là 12 triệu vào năm 2030, nên việc nâng cấp hạ tầng sân bay là cần thiết.

Bắt tạm giam Giám đốc Công ty Bất động sản Đông Nam ở Bình Dương

Giám đốc Công ty Bất động sản Đông Nam đã ký hợp đồng mua bán đất nền để chiếm đoạt của ông Lê Khắc Lâm 1,6 tỷ đồng rồi rời khỏi nơi cư trú.

Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Ngọc Tú

Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Ngọc Tú

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Tú (quê Hậu Giang) để điều tra tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, Nguyễn Ngọc Tú là Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Bất động sản Đông Nam, có địa chỉ tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Tú đã sử dụng pháp nhân của Công ty ký hợp đồng mua bán đất nền để chiếm đoạt của ông Lê Khắc Lâm 1,6 tỷ đồng rồi rời khỏi nơi cư trú. Sau đó, Tú bị Công an tỉnh Bình Dương phát lệnh truy nã.

Từ tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, phối hợp với công an địa phương bắt giữ Nguyễn Ngọc Tú khi đối tượng đang lẩn trốn ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị nhận được nhiều đơn tố giác Nguyễn Ngọc Tú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chuyển nhượng đất nền 3 dự án ở huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành của tỉnh Bình Phước là Khu dân cư Tân Phú 1, Khu dân cư Chợ Tân Tiến, Khu dân cư đô thị mới Chơn Thành; 1 dự án ở Bình Dương là Khu đô thị An Phú Long, xã An Long, huyện Phú Giáo.