Bản tin thời sự sáng 6/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam có hơn 9 triệu tài khoản chứng khoán; TP.HCM muốn tiếp tục giữ lại 21% nguồn thu ngân sách; 51 điểm đến miễn thị thực với công dân Việt; NHNN sửa quy định bảo lãnh vay mua 'nhà trên giấy'…

Việt Nam có hơn 9 triệu tài khoản chứng khoán

Số lượng tài khoản trên thị trường chứng khoán vượt 9 triệu, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu tại một công ty chứng khoán

Nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu tại một công ty chứng khoán

Theo thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10, thị trường ghi nhận gần 157.000 tài khoản mở mới trong một tháng. Số này góp phần đưa tổng lượng tài khoản trong thị trường lên 9 triệu.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 8,9 triệu tài khoản, tăng khoảng 156.500 tài khoản. Lũy kế 10 tháng, số tài khoản của nhóm này tăng 1,73 triệu, tức mỗi tháng bình quân có 173.000 tài khoản mở mới.

Thị trường mất 4 tháng để tăng từ 8 triệu lên mốc 9 triệu tài khoản. Tốc độ mở mới ngang với giai đoạn cuối 2021 và đầu 2022 - lúc thị trường vào xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài.

Tuy nhiên, chứng khoán hiện nay kém tích cực hơn. Giai đoạn trước, chỉ số VN-Index tăng mạnh lên vùng giá 1.500 điểm, thanh khoản "bùng nổ" khi thường xuyên ghi nhận trên tỷ USD, có phiên vượt 40.000 tỷ đồng. Còn thời điểm này, chứng khoán quẩn quanh 1.250 - 1.270 điểm, thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng suốt gần 5 tháng qua.

TP.HCM muốn tiếp tục giữ lại 21% nguồn thu ngân sách

Từ sau năm 2025, TP.HCM muốn được giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách ít nhất 21% để có nguồn lực bổ sung cho nhiệm vụ chiến lược, đầu tư hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.

Đôi bờ sông Sài Gòn, đoạn qua khu trung tâm TP.HCM

Đôi bờ sông Sài Gòn, đoạn qua khu trung tâm TP.HCM

Nội dung nêu trong báo cáo tổng kết Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn sau đó 5 năm. Việc được giữ lại ít nhất 21% nguồn thu ngân sách theo chính quyền Thành phố là phù hợp với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM.

Cụ thể, trong phần chính sách vượt trội, Nghị quyết 31 nêu: "Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo".

Theo UBND TP.HCM, "mức hiện nay" mà Nghị quyết 31 đề cập là 21%, được quy định tại Nghị quyết 70 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 của Quốc hội. Tỷ lệ điều tiết này được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Nghị quyết 70, có 18/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về Trung ương, tức được giữ lại một phần thu được. Trong đó, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ giữ lại thấp nhất với 21%, trước đó giai đoạn 2017 - 2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách các khoản thu phân chia giữa TP.HCM với Trung ương chỉ 18%.

Chính quyền TP.HCM đánh giá thời gian qua, năng suất lao động của Thành phố luôn cao hơn bình quân cả nước trên 2,8 lần; có tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế cả nước khoảng 23% GDP quốc gia. Thành phố là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn nhất cả nước; địa phương đi đầu trong sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh...

Bên cạnh các kết quả đạt được, TP.HCM đang đối diện với nhiều thách thức mới và ngày càng gia tăng, làm suy giảm vị thế đầu tàu của thành phố, đặc biệt các bất cập về hạ tầng giao thông trở thành cản trở lớn cho thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Do đó, việc duy trì tỷ lệ điều tiết ngân sách được cho sẽ tạo điều kiện để Thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Điều này đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Trước đó, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025, TP.HCM cũng từng đề xuất giai đoạn 2023 - 2026, Quốc hội xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách với hai phương án giữ nguyên 21% hoặc lên 23 - 25%.

51 điểm đến miễn thị thực với công dân Việt

Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley công bố trong quý III cho thấy khách Việt được miễn visa ở 51 điểm đến, giảm 5 điểm so với lần công bố hồi tháng 1.

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam, bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím than

Mẫu hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam, bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím than

Hồi tháng 1, báo cáo của Henley Passport Index xếp hạng hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 87 trên 199 quốc gia, vùng lãnh thổ, được miễn visa khi nhập cảnh tại 55 điểm đến. Tháng 3, thêm Mông Cổ miễn thị thực cho công dân Việt. Tuy nhiên, trong xếp hạng quý III, Zambia, Togo, Kuwait, Oman và Ecuador không còn nằm trong danh sách này.

Bảng xếp hạng Henley dùng từ "miễn thị thực" để chỉ các điểm đến công dân có thể dễ dàng nhập cảnh mà không cần visa, hoặc xin visa cửa khẩu (VOA - visa on arrival) và ETA (giấy phép du lịch điện tử).

Theo Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) quý III 2024, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 90 trên 199 quốc gia, vùng lãnh thổ, giảm 3 bậc so với lần công bố đầu năm. Đây là lần thứ 3 trong 19 năm Henley khảo sát Việt Nam đứng thứ hạng từ 90 về sau. Hai năm còn lại hộ chiếu Việt Nam xếp thứ hạng thấp là 2015 (xếp thứ 94) và 2021 (thứ 95).

Bảng xếp hạng của Henley & Partners lấy dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, cơ sở dữ liệu thông tin du lịch lớn, chính xác và được công bố hàng năm từ 2005. Bảng xếp hạng được cập nhật hàng tháng và thông thường mỗi năm sẽ công bố báo cáo xếp hạng theo từng quý hoặc hai quý một lần.

NHNN sửa quy định bảo lãnh vay mua 'nhà trên giấy'

Từ ngày 10/12, các điều kiện và trình tự cấp bảo lãnh cho nhà ở hình thành trong tương lai sẽ chính thức thay đổi.

Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 49 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ 10/12.

Theo đó, Thông tư mới cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh cho các dự án nhà ở hình thành trong tương lai, trong khi trước đây, chỉ có các ngân hàng thương mại được cấp bảo lãnh cho loại hình này.

Để được các ngân hàng xem xét cấp bảo lãnh, chủ đầu tư không chỉ cần đáp ứng đủ các yêu cầu tại Điều 11 của Thông tư (trừ trường hợp bảo lãnh đối ứng) mà còn phải nhận được văn bản từ cơ quan quản lý cấp tỉnh trả lời về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, thay vì chỉ cần đáp ứng các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Thông tư này cũng thay đổi trình tự bảo lãnh. Cụ thể, khi chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng đề nghị, ngân hàng sẽ xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh, sau đó ký thỏa thuận với chủ đầu tư.

Căn cứ thỏa thuận này, ngân hàng sẽ phát hành văn bản cam kết bảo lãnh để chủ đầu tư gửi bản sao cho bên mua khi ký hợp đồng.

Sau khi hợp đồng mua, thuê mua được ký, trong đó có nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư gửi hợp đồng cho ngân hàng để yêu cầu phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.

Ngoài ra, Thông tư 49 cũng bãi bỏ một số quy định tại Điều 34 Thông tư 11/2022/TT-NHNN, như việc NHNN công bố danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực cấp bảo lãnh và trách nhiệm giám sát của Cục Công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro công nghệ.

Trái phiếu chính phủ huy động khả quan với giá trị đạt 75,6% kế hoạch năm

Thị trường trái phiếu chính phủ trong 10 tháng năm 2024 có những kết quả khả quan, trong đó giá trị huy động đạt 75,6% kế hoạch năm. Cùng với đó, hoạt động giao dịch diễn ra sôi nổi với giá trị giao dịch bình quân phiên tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023, điều này phản ánh sự hấp dẫn của trái phiếu chính phủ với các nhà đầu tư.

Tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 22 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ và huy động thành công 30.575 tỷ đồng

Tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 22 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ và huy động thành công 30.575 tỷ đồng

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, thị trường trái phiếu Chính phủ trong tháng 10 đã chứng kiến những diễn biến tích cực, tiếp nối đà tăng trưởng của thị trường từ những tháng liền trước. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 22 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ và huy động thành công 30.575 tỷ đồng, nâng tổng huy động trong 10 tháng đầu năm lên 302.246 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch năm 2024.

Đáng chú ý, trái phiếu kỳ hạn 10 năm tiếp tục được dòng vốn đầu tư ưu tiên với tỷ trọng cao nhất, chiếm 78% tổng khối lượng phát hành.

Hiện nay, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ ở các kỳ hạn 10, 15 và 30 năm duy trì ổn định so với tháng 9. Riêng kỳ hạn 5 năm, lãi suất trúng thầu giảm nhẹ 0,09%/năm, qua đó phản ánh xu hướng giảm lãi suất chung của thị trường.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 12% so với tháng trước đó và đạt 11.949 tỷ đồng/phiên, thị trường đang phần nào chững lại sau những tháng tăng trưởng sôi động trước đó. Bên cạnh đó, giá trị niêm yết trái phiếu chính phủ đạt 2.192.593 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 1% so với tháng 9.

Xét về lợi suất, trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 2 năm, hiện đạt mức khoảng 1,5%; Tăng nhiều nhất ở kỳ hạn 25 năm và 7 - 10 năm có mức tương ứng khoảng 3,3% và 2,6%. Sự thay đổi này phần nào phản ánh sự kỳ vọng về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ của thị trường. Theo đó, tổng giá trị giao dịch thứ cấp trái phiếu chính phủ đạt 2.320.700 tỷ đồng, bình quân đạt 11.211 tỷ đồng/phiên, tăng 72% so với bình quân cả năm 2023.

Việt Nam chi gần 1,2 tỷ USD nhập khẩu gạo

Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo

Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,86 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Khối lượng gạo xuất khẩu tăng hơn 10% và giá trị tăng khoảng 23% so với năm trước.

Ngược lại, nhập khẩu gạo cũng tăng đột biến. Trong 10 tháng, các doanh nghiệp Việt chi gần 1,2 tỷ USD để nhập gạo, tăng 72,9% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10, giá trị nhập khẩu đạt 148 triệu USD, tăng 225% so với tháng 10/2023.

Nguyên nhân khiến nhập khẩu gạo tăng mạnh là do nguồn cung từ Ấn Độ tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu gạo cấp thấp trong nước khi Việt Nam đang ưu tiên sản xuất hàng chất lượng cao. "Việc nhập khẩu gạo cấp thấp để sản xuất là hợp lý", Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết xu hướng canh tác trong nước thay đổi, khi nông dân chuyển sang trồng gạo thơm xuất khẩu, còn nhu cầu làm bún, phở chỉ cần gạo giá rẻ, độ nở tốt. Do đó, doanh nghiệp nhập loại gạo này để giảm chi phí đầu vào. Hiện, phần lớn gạo nhập về là gạo tấm giá rẻ từ Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Pakistan với giá thấp hơn trong nước.

Việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu đã khiến giá gạo thế giới giảm mạnh. Ngày 30/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 524 USD một tấn, trong khi Thái Lan và Pakistan lần lượt là 486 USD và 461 USD một tấn. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm sâu, còn 444 USD một tấn, thấp nhất trong top 4 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.

Hiện giá các loại gạo 5%, 25% và 100% tấm của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đều thấp hơn giá cùng loại của Việt Nam từ 6 - 72 USD một tấn.

Kéo dài thời gian thí điểm cho người Việt vào chơi casino

Casino Phú Quốc được cho người Việt vào chơi đến cuối năm nay, trong khi Vân Đồn thí điểm trong 3 năm từ ngày được cấp phép, theo Nghị định của Chính phủ.

Casino Phú Quốc được cho người Việt vào chơi đến cuối năm nay

Casino Phú Quốc được cho người Việt vào chơi đến cuối năm nay

Cả nước có 2 dự án casino tại Phú Quốc và Vân Đồn được Bộ Chính trị đồng ý thí điểm cho người Việt vào chơi từ năm 2016. Song, hiện mới có Casino Phú Quốc hoạt động từ tháng 1/2019 và người Việt được vào chơi tới đầu năm nay, sau gia hạn của cấp có thẩm quyền hồi 2022.

Tại Nghị định 145, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm người Việt vào chơi tại casino. Cụ thể, Casino Phú Quốc được tiếp tục việc thí điểm này đến cuối năm nay, trong khi casino Vân Đồn là 3 năm từ ngày được cấp phép. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, các doanh nghiệp phải dừng cho người Việt vào chơi cho đến khi Chính phủ ban hành chính sách mới.

Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm. Sau đó, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định chấm dứt hoặc tiếp tục thực hiện.

Kinh doanh casino là ngành nghề có điều kiện. Theo quy định, dự án casino phải có vốn đầu tư tối thiểu 2 tỷ USD, được Bộ Chính trị chấp thuận địa điểm, Thủ tướng duyệt chủ trương. Nhà đầu tư chỉ được kinh doanh loại hình này sau khi giải ngân tối thiểu 50% vốn. Người Việt được vào chơi nếu 21 tuổi trở lên, có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng một tháng hoặc là người chịu thuế thu nhập cá nhân bậc 3 trở lên.

Cả nước hiện có 9 dự án casino đang hoạt động (6 quy mô nhỏ và 3 lớn). Trong đó, casino đầu tiên cho người Việt vào chơi được biết đến là Corona Phú Quốc, do Công CP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư. Casino này nằm trong quần thể dự án có tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, gồm 1.470 máy trò chơi, 147 bàn chơi.

Tin cùng chuyên mục