TP.HCM lần đầu thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng
TP.HCM ước tính thu ngân sách năm 2024 hơn 500.000 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch, đóng góp 27% tổng thu cả nước, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
TP.HCM lần đầu thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng |
"Con số này có nhiều ý nghĩa, lần đầu tiên số thu vượt hơn 500.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực chung, đóng góp của TP.HCM vào sự phát triển của cả nước", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết tại Hội nghị lần thứ 34 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa 11.
Nhiều năm qua, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, song số thu của TP.HCM luôn ở mức cao và đóng góp lớn nhất vào số thu ngân sách cả nước. Đơn cử, năm ngoái, dù tăng trưởng không đạt như kế hoạch (5,81%, trong khi kế hoạch 7,5 - 8%) nhưng Thành phố vẫn thu được 446.500 tỷ đồng. Năm 2021, Thành phố bị tác động nặng nề bởi Covid-19, tăng trưởng âm 6,78%, song thu ngân sách vẫn đạt hơn 381.500 tỷ đồng, vượt 104,56% dự toán.
Bên cạnh số thu ngân sách vượt kế hoạch, theo ông Nên, 2 nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2024 là thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98, TP.HCM đạt kết quả khá tích cực. Thành phố dành nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, người đứng đầu đảng bộ TP.HCM cho rằng, tồn tại lớn nhất của Thành phố là tăng trưởng không như kế hoạch đề ra từ đầu năm khi chỉ đạt 7,17% (mục tiêu 7,5 - 8%). Ngoài ra, các đột phá chiến lược chưa được như kỳ vọng, mong muốn.
Tiến độ giải ngân đầu tư công tiến độ triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, giải quyết nhà ở ven kênh rạch... còn nhiều vướng mắc.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, năm tới, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, trong đó kinh tế số đóng góp trên 25%. Như vậy, sau 5 năm (từ năm 2019) đến nay, lần đầu tiên, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Xuất khẩu nông nghiệp dự kiến vượt 60 tỷ USD
Sau 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 57 tỷ USD, dự kiến cả năm vượt mốc 60 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.
Sầu riêng cho thu hoạch tại Cai Lậy (Tiền Giang). |
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu 54 - 55 tỷ USD do Thủ tướng giao. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, nếu tháng 12 tiếp tục diễn biến thuận lợi, kim ngạch cả năm có thể đạt 60 - 61 tỷ USD. Đây là một bước tiến lớn, khẳng định vị thế quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.
Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại của ngành đạt thặng dư gần 16,5 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước - con số kỷ lục.
Các lĩnh vực chủ lực đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh: nông sản đạt gần 30 tỷ USD (tăng hơn 23%), thủy sản 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%), lâm sản gần 15,6 tỷ USD (tăng 19,6%) và sản phẩm chăn nuôi hơn 475 triệu USD (tăng 4,4%).
Đặc biệt, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp mức thặng dư hơn 12,1 tỷ USD, trong khi rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD nhờ việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Về thị trường, châu Á chiếm 48,2% tổng kim ngạch, tiếp theo là châu Mỹ với 23,7% và châu Âu khoảng 11,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất với tỷ trọng lần lượt 21,7%, 21,6% và 6,6%. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh gần 25%, Trung Quốc tăng 11% và Nhật Bản tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Công Thái được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Ông Trương Công Thái, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh này.
Ông Trương Công Thái nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đắk Lắk |
Sáng 5/12, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 10, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 9.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đối với ông Võ Văn Cảnh (Tỉnh ủy viên), đồng thời bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh khóa 10, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Võ Văn Cảnh.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu đã bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND Tỉnh khóa 10, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trương Công Thái (Tỉnh ủy viên), Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh. Ông Trương Công Thái sinh năm 1969, quê quán tỉnh Quảng Bình.
150 xe buýt điện chở khách cho Metro Bến Thành - Suối Tiên
17 tuyến buýt với 150 xe điện, lộ trình kết nối nhà ga Metro Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), sẽ bắt đầu hoạt động khi Dự án vận hành thương mại ngày 22/12.
Xe buýt điện chuẩn bị đưa vào hoạt động, kết nối các ga Metro Bến Thành - Suối Tiên |
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), những tuyến buýt này do Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines là doanh nghiệp vận tải trúng thầu và đảm nhận khai thác.
17 tuyến xe lần lượt mang số hiệu: 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Tất cả xe đều chạy bằng điện, gồm hai loại 30 và 60 chỗ. Lộ trình của những tuyến buýt này kết nối từ các khu dân cư, trường học, đầu mối giao thông, trung tâm thương mại... đến các nhà ga Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đây là những nơi tập trung đông người, giúp khách dễ đón xe buýt đến các nhà ga và ngược lại.
Để đáp ứng yêu cầu vận hành liên tục và ổn định, Phương Trang cho biết đã xây dựng hai trạm sạc điện tại TP. Thủ Đức, đồng thời tận dụng hạ tầng hiện có trên toàn quốc, như bến xe, trạm dừng nghỉ... để đầu tư thêm hệ thống này.
Mạng lưới buýt tại TP.HCM hiện có hơn 2.000 xe, trong đó buýt điện và CNG có gần 550, còn lại chạy bằng dầu diesel. Trước đó, từ năm 2022 thành phố bắt đầu thí điểm hoạt động 5 tuyến buýt điện, nhưng đến nay mới một tuyến đưa vào khai thác là D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn). Sở Giao thông vận tải cho biết, khi đưa vào hoạt động, khách đi buýt D4 liên tục tăng, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hành khách.
Thành phố đang đặt mục tiêu từ năm 2025, toàn bộ xe buýt thay thế, đầu tư mới đều chạy bằng điện, năng lượng xanh. Kế hoạch này nhằm thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí của ngành giao thông vận tải. Để thực hiện, TP.HCM đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, thu hút đơn vị vận tải tham gia đầu tư hệ thống xe buýt.
Đà Nẵng mở bán hơn 140 căn hộ nhà ở xã hội
Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa có thông báo về việc mở bán nhà ở xã hội sau thời gian cho thuê tối thiểu 5 năm.
Một góc dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh |
Số lượng căn hộ mở bán lần này là 142 căn, có diện tích từ 32,9 - 66,5 m2, tại Khối nhà E1, E2 thuộc Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 8/1/2025.
Đối tượng được đăng ký mua nhà ở xã hội là người đang ký hợp đồng thuê 142 căn hộ nhà ở xã hội tại Khối nhà E1, E2 thuộc dự án, đảm bảo đối tượng mua theo quy định.
Điều kiện được đăng ký mua là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại TP. Đà Nẵng, hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15 m2 sàn/người tại Đà Nẵng; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại TP. Đà Nẵng.
Điều kiện về thu nhập, không quá 15 triệu đồng/tháng đối với người độc thân. Nếu đã kết hôn thì vợ chồng có tổng thu nhập không quá 30 triệu đồng/tháng.
Người mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán; chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ứng dụng tiếng Việt của Temu dừng hoạt động
Sau 2 tháng hoạt động trái phép, Temu đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh, trên cả ứng dụng lẫn website.
Người dùng Việt Nam mở ứng dụng nhận được thông báo "Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương |
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Nhưng từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này đã dừng sử dụng ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt trên các nền tảng trên sau gần 2 tháng hoạt động trái phép tại Việt Nam.
"Không hiển thị bằng tiếng Việt, Temu sẽ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, như các nền tảng xuyên biên giới Amazon, hay Alibaba. Tức, họ không còn bị coi là hoạt động trái phép tại Việt Nam", đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết.
Dù vậy, người dùng trong nước vẫn có thể tải app, chọn mua hàng trên ứng dụng Temu với phiên bản tiếng Anh. Khi xác nhận đặt hàng, người dùng vẫn bị trừ tiền qua thẻ tín dụng. Nền tảng này cũng giữ chính sách bán hàng tại Việt Nam được áp dụng từ tháng 11. Theo đó, khách hàng chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá một triệu đồng.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, phía Temu đang hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để hoàn thiện thủ tục. "Họ tuân thủ các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục. Song, hồ sơ thương mại điện tử thông thường rất phức tạp do yêu cầu nhiều tính năng khác nhau. Đây cũng là lần đầu thực hiện nên họ có vướng mắc nhất định, cần thời gian để bổ sung thông tin theo yêu cầu", ông nói.
Đầu tư gần 64 tỷ đồng làm tuyến phố 'mẫu' ở trung tâm TP.HCM
Dự án cải tạo đường Thái Văn Lung, Quận 1, thành tuyến phố "mẫu" ở khu trung tâm dự kiến gần 64 tỷ đồng, tăng hơn 31 tỷ so với trước do bổ sung nhiều hạng mục.
Phối cảnh đường Thái Văn Lung sau khi cải tạo |
Đây là tuyến đường đang được thành phố nghiên cứu cải tạo nhằm hình thành công trình mang dấu ấn văn hóa giao thông, văn minh đô thị, kiểu mẫu ở khu vực trung tâm.
Theo phương án được Sở Giao thông vận tải trình UBND TP.HCM, đoạn cải tạo dài gần 300 m, từ nút giao với tuyến Lý Tự Trọng đến Nguyễn Siêu. Cả vỉa hè và mặt đường được lát đá granite. Trên tuyến bố trí điểm dừng xe đón trả khách; biển báo, bảng thông tin điện tử.
Hệ thống cây xanh, chiếu sáng cũng sẽ được cải tạo, thay thế nhằm đồng bộ cảnh quan. Ngoài ra, các địa điểm kinh doanh dọc đường Thái Văn Lung sẽ được bố trí lại, kết hợp các công trình phụ trợ, tiện ích, cổng chào mang tính biểu tượng, nghệ thuật...
Sau khi phối hợp với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật - Việt rà soát lại, Sở Giao thông vận tải đề xuất bổ sung nhiều hạng mục, như: hệ thống thu nước mặt đường, làm hào kỹ thuật để ngầm hóa hệ thống điện; bố trí các trụ chiếu sáng công cộng; vòm trang trí, tủ chiếu sáng thông minh...
Ngoài ra, nhiều hạng mục khác được đầu tư thêm như nhà vệ sinh công cộng lưu động; hệ thống ổ cắm điện ngoài trời, trạm sạc công cộng; thay mới toàn bộ nắp hầm ga; cải tạo một phần vỉa hè đường Nguyễn Siêu...
Một số phần việc khác dự kiến do UBND Quận 1 huy động vốn xã hội hóa để thực hiện, như thiết kế cổng chào mang tính biểu tượng kết hợp hệ thống đèn LED tại giao lộ Thái Văn Lung - Lê Thánh Tôn; bố trí các chậu hoa, ghế ngồi dọc tuyến...
Sau khi bổ sung thêm các hạng mục, tổng chi phí cải tạo đường Thái Văn Lung khoảng 63,7 tỷ đồng, tăng hơn 31 tỷ đồng so với dự tính lúc trước. Trong đó, ngân sách chi hơn 59 tỷ đồng, hơn 4,2 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa. Dự kiến, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác trước ngày 30/4 năm sau.
Quảng Nam miễn nhiều loại phí, hỗ trợ chủ đầu tư làm nhà ở xã hội
Quảng Nam hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch và miễn phí nhiều loại phí cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Dự án khu nhà ở thu nhập thấp tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam |
Theo dự thảo Nghị quyết cơ chế hỗ trợ dự án nhà ở xã hội được UBND Quảng Nam trình HĐND, tỉnh này sẽ dành khoảng 416 tỷ đồng hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện loại nhà ở này.
Theo đó, Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch, để chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tỉnh cũng miễn phí, lệ phí làm thủ tục đầu tư như phí thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phòng cháy chữa cháy...
Chủ đầu tư được hỗ trợ một nửa chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án (hệ thống giao thông, cấp điện, nước, chiếu sáng, xử lý nước thải...), nhưng tối đa 10 tỷ đồng một dự án.
Chính sách này được tỉnh Quảng Nam tính tới khi phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Tới nay Tỉnh mới có 1 dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Đây là dự án của Công ty Panko, diện tích 5,1 ha. Khoảng 200 căn hộ được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 1.
Dự án khu nhà ở thu nhập thấp tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc của Công ty STO với gần 1.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, được khởi công gần 10 năm trước. Chủ đầu tư mới xây dựng 3 khu nhà chung cư rồi bỏ hoang đến nay.
Theo kế hoạch tới 2030, Quảng Nam cần xây dựng 19.600 căn nhà ở xã hội theo đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ. 4 dự án đầu tư loại nhà ở này được Tỉnh phê duyệt, nằm tại khu vực phường Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, xã Điện Bàn... Quy mô dao động 4 - 29 ha một dự án.
Quảng Nam có khoảng 47.860 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, theo số liệu của Sở Xây dựng. Số này tập trung phần lớn ở các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (15.600 người), Tam Thăng (10.000 lao động), khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai Trường Hải khoảng 9.000 công nhân...