Bản tin thời sự sáng 6/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng gần 1 triệu đồng, giá vàng nhẫn lập đỉnh mới; Bộ Công an yêu cầu Quảng Nam cung cấp tài liệu dự án trồng cây xanh; TP.HCM bắt đầu xây quảng trường trước chợ Bến Thành vào tháng 10/2024; thanh tra chỉ ra các sai phạm của Công ty Phú Cường Kiên Giang…

Tăng gần 1 triệu đồng, giá vàng nhẫn lập đỉnh mới

Vàng nhẫn lập đỉnh mới tại 66,5-67,7 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng mỗi chiều so với trước đó. Vàng miếng SJC dù rời mốc đỉnh nhưng tiến dần về 81 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn liên tục lập đỉnh mới trên 66 triệu đồng/lượng

Vàng nhẫn liên tục lập đỉnh mới trên 66 triệu đồng/lượng

Mở phiên ngày 5/3, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 78,9 - 80,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 500.000 đồng mỗi chiều so với kết phiên hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán rút ngắn về mức 2 triệu đồng.

Vàng nhẫn tiếp tục có kỷ lục mới, niêm yết tại 66,5 - 67,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 900.000 đồng ở chiều mua vào và bán ra. Giá bán vàng nhẫn loại 0,5 chỉ chạm mốc 67,8 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tiếp tục duy trì vùng giá cao nhất từ trước tới nay.

Trong phiên 4/3, các "nhà vàng" có 7 lần điều chỉnh giá. Giá vàng miếng cao nhất ghi nhận tại 78,7 - 80,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), thấp nhất tại 78,2 - 80,2 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.115 USD, tăng gần 31,7 USD so với mở phiên hôm trước. Giá thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,1 triệu đồng/lượng với vàng miếng và 3,5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Bộ Công an yêu cầu Quảng Nam cung cấp tài liệu dự án trồng cây xanh

Ngày 5/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và các địa phương về việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan Anh ninh điều tra Bộ Công an.

Bộ Công an yêu cầu tỉnh Quảng Nam cung cấp các dự án trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn từ năm 2019 đến nay

Bộ Công an yêu cầu tỉnh Quảng Nam cung cấp các dự án trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn từ năm 2019 đến nay

Trước đó, Cơ quan Anh ninh điều tra Bộ Công an gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây xanh; quy trình thực hiện và đơn vị thực hiện các dự án; các nhà thầu trúng thầu, thi công dự án trồng và chăm sóc cây xanh; hồ sơ theo dõi dự án, hồ sơ dự án; các đơn vị, cá nhân thuộc UBND tỉnh Quảng Nam có liên quan đến thực hiện dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng khẩn trương đôn đốc các ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến các dự án, nhà thầu thi công dự án trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn tỉnh này từ năm 2019 đến nay.

Thông tin có liên quan đến các công ty cây xanh, gồm: Công ty TNHH Cây xanh Công Minh; Công ty TNHH Cây xanh Tây Nam Bộ; Công ty TNHH Môi trường xanh Quảng Trị, trụ sở tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Công ty TNHH Môi trường Quảng Nam, trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam; Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Hà Tĩnh, trụ sở tại Thạch Long, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Công ty TNHH Đô thị Nghệ An, trụ sở tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Công ty TNHH Đô thị Lộc Xanh, trụ sở tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH An Nguyên, trụ sở tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng; Công ty TNHH Cây xanh Công Minh Đà Nẵng, trụ sở tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng; Công ty TNHH Cây xanh Kiên Giang, trụ sở tại Quảng Bình.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện chủ động rà soát, phối hợp, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu liên quan. Sở Xây dựng tổng hợp, thống kê để gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an trước ngày 6/3.

TP.HCM bắt đầu xây quảng trường trước chợ Bến Thành vào tháng 10/2024

Từ ngày 1/10, quảng trường trước chợ Bến Thành (Quận 1) sẽ được lát nền đá granite, lắp tiện ích công cộng, phục dựng tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang...

TP.HCM dự kiến xây quảng trường trước chợ Bến Thành từ tháng 10/2024 và hoàn thành trước 30/4/2025

TP.HCM dự kiến xây quảng trường trước chợ Bến Thành từ tháng 10/2024 và hoàn thành trước 30/4/2025

UBND TP.HCM vừa có thông báo thực hiện cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và chỉnh trang lại chợ Bến Thành. Việc này nhằm thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy TP.HCM hồi tháng 2 năm nay.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM rà soát việc triển khai thực hiện bố trí một số điểm dừng đón trả khách của các phương tiện giao thông công cộng phù hợp, thuận tiện phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan mua sắm của người dân và du khách tại khu vực chợ Bến Thành.

Các sở, ngành có liên quan được giao hướng dẫn, hỗ trợ UBND Quận 1, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

UBND TP.HCM yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan, bắt đầu khởi công dự án vào ngày 1/10 năm nay, hoàn thành trước 30/4/2025.

Theo phương án được UBND TP.HCM chọn, đầu tiên sẽ hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành bằng việc bố trí mảng xanh, đặt lại tượng đài Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang. Giao thông từ đường Trần Hưng Đạo qua Lê Lợi giữ một phần hướng tuyến như cũ để kết nối vào trung tâm. Sau đó, khu vực sẽ hoàn thiện theo quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ và các dự án khác xung quanh như Công viên 23 Tháng 9, đường Lê Lợi...

Theo kết luận của Thường trực Thành ủy TP.HCM, việc thực hiện chỉnh trang tổng thể không gian tại khu vực trước chợ Bến Thành, giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện phương án chỉnh trang gắn với việc thực hiện cải tạo đồng bộ từ khu vực đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi đến Công viên 23 Tháng 9.

Thanh tra chỉ ra các sai phạm của Công ty Phú Cường Kiên Giang

Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định, Công ty Phú Cường Kiên Giang chưa nộp hơn 46 tỷ đồng tiền sử dụng đất và chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi triển khai dự án.

Khu đô thị mới Phú Cường (Kiên Giang)

Khu đô thị mới Phú Cường (Kiên Giang)

Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa ban hành kết luận thanh tra chuyên đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch xây dựng đối với một số đơn vị liên quan trên địa bàn Tỉnh.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chỉ ra nhiều sai sót trong việc chấp hành các quy định đối với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị... Qua kiểm tra, có một số dự án xây dựng mới vướng sai sót.

Cụ thể, Công ty CP Phú Cường Kiên Giang (Phú Cường Kiên Giang) điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất tại khu đất ký hiệu BT31 (Khu I, Khu đô thị mới Phú Cường, TP. Rạch Giá) làm thay đổi mục đích sử dụng đất.

Công ty đã lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và có thông báo nộp tiền sử dụng đất ngày 3/7/2023 của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang với số tiền hơn 46,4 tỷ đồng.

Nhưng đến nay, Công ty Phú Cường Kiên Giang vẫn chưa nộp số tiền sử dụng đất nói trên. "Điều này không đúng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế", kết luận Thanh tra nêu.

Ngoài ra, Công ty Phú Cường Kiên Giang thực hiện đồ án điều chỉnh cục bộ các khu đất thương mại dịch vụ tại trung tâm vòng xoay Phan Thị Ràng (Khu đô thị mới Phú Cường, TP. Rạch Giá) làm thay đổi mục đích sử dụng đất, nhưng đến nay Công ty chưa lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ đạo giám đốc Sở Xây dựng chấn chỉnh, khắc phục ngay các sai phạm trong quá trình thanh tra đã chỉ ra.

Giao Sở Tài chính, Cục Thuế Tỉnh tham mưu UBND Tỉnh khẩn trương xác định lại giá đất tại Dự án Khu biệt thự BT31 do Công ty Phú Cường Kiên Giang làm chủ đầu tư…

Canada có thể điều tra dây thép Việt

Canada nhắm tới điều tra hầu hết mặt hàng thép Việt xuất sang nước này như thép cuộn, dây thép theo Cục Phòng vệ thương mại.

Canada nhắm tới điều tra hầu hết mặt hàng thép Việt xuất sang nước này. Ảnh minh họa

Canada nhắm tới điều tra hầu hết mặt hàng thép Việt xuất sang nước này. Ảnh minh họa

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Với chính sách giám sát, siết chặt quản lý để bảo vệ thị trường nội địa, Canada dự kiến tiếp tục điều tra các mặt hàng thép Việt, trong đó có dây thép.

Dây thép hiện được ứng dụng rộng rãi trong bê tông dự ứng lực, dây piano, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu...

Dẫn số liệu từ Trademap, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada tăng nhanh trong các năm trở lại đây. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 10 triệu USD mặt hàng này, và tăng gấp 4 lần (40 triệu USD) trong 2 năm sau đó.

Việc gia tăng tuyệt đối về trị giá là một trong các tiêu chí để Canada tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với dây thép của Việt Nam.

Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của Canada. Trong trường hợp bị điều tra, các đơn vị cần có chiến lược tham gia, hợp tác xử lý vụ việc.

TP.HCM đặt mục tiêu mỗi ha rau mang về 850 triệu đồng mỗi năm

TP.HCM đặt mục tiêu giá trị sản xuất bình quân thu được trên mỗi ha rau đạt 800 - 850 triệu đồng mỗi năm vào 2030.

Trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại TP Thủ Đức, TP.HCM

Trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại TP Thủ Đức, TP.HCM

Nội dung này thuộc kế hoạch triển khai đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ vừa được TP.HCM ban hành.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp nói chung ước đạt 579 triệu đồng mỗi ha vào năm ngoái. Như vậy, mục tiêu này kỳ vọng giá trị mang lại của mỗi ha rau vào cuối thập niên tăng gần 50% so với mỗi ha đất trồng hiện tại.

Vào 2023, TP.HCM có hơn 6.000 ha rau, sản lượng 219.400 tấn, trong khi kế hoạch đến 2030 chỉ còn 2.500 ha nhưng sản lượng tăng lên 387.000 tấn. Để tiết kiệm diện tích gần 60% nhưng sản lượng tăng 75%, TP.HCM sẽ tập trung trồng rau công nghệ cao trên một nửa diện tích vào 2030 (1.000 - 1.250 ha). Điều này cũng góp phần tăng giá trị mang lại từ mỗi ha hàng năm.

Để triển khai, TP.HCM sẽ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, hỗ trợ phát triển 4 - 6 chuỗi giá trị rau, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sẽ đạt 30 - 40% tổng diện tích.

Song song đó, Thành phố sẽ nghiên cứu, phát triển giống. Hàng năm chuyển giao 5 - 6 giống rau mới phù hợp với nông nghiệp đô thị bên cạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác, sơ chế, chế biến và bảo quản.

TP.HCM định hướng đầu tư phát triển sản xuất rau theo hướng xã hội hóa, nguồn lực chính là doanh nghiệp và người dân. Vốn ngân sách sẽ đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện; hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất rau công nghệ cao hiệu quả.

Quảng Ngãi yêu cầu cung cấp tài liệu về Tập đoàn Phúc Sơn cho Bộ Công an

Theo đề nghị của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (Cục Cảnh sát Kinh tế), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi các sở, ngành liên quan của tỉnh này về việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan sai phạm của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Dự án bờ Nam sông Trà Khúc do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn thi công

Dự án bờ Nam sông Trà Khúc do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn thi công

Theo đó, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế Tỉnh phối hợp cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cục Cảnh sát Kinh tế.

Trước đó, ngày 25/2/2024, Cục Cảnh sát Kinh tế đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi với nội dung đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, kế toán, đầu tư, thực hiện các dự án, công trình xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Để phục vụ công tác điều tra, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cung cấp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế Tỉnh… cung cấp toàn bộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện đầu tư, xây dựng, kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế, thanh tra, kiểm tra… các dự án, công trình do Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Được biết, tại tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn có các công ty, đơn vị thành viên gồm: Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang, Công ty CP Thăng Long - Bàu Giang.

Trước đó, năm 2012, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn trúng gói thầu thi công xây lắp đường bờ Nam sông Trà Khúc (nay là đường Trường Sa) với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 8,7 km, nền đường rộng 36 m, mặt đường rộng 22 m được bê tông nhựa.