Chính thức tạm dừng khai báo y tế nội địa
Bộ Y tế vừa ban hành công văn về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế nội địa.
Bộ Y tế thông báo tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa |
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca nhiễm, tử vong giảm rõ rệt (hiện chỉ còn dưới 10 ca tử vong/ngày); tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên phạm vi toàn quốc (trên 96% ở nhóm trên 12 tuổi và đang triển khai tiêm vaccine cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi); vaccine dự phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả với các biến thể virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành.
Căn cứ tình hình, khả năng đáp ứng dịch Covid-19 của nước ta và thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng,...) kể từ ngày 30/4/2022.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành.
Đồng thời, chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động đưa tin kịp thời.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có ban hành công văn về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với người nhập cảnh kể từ ngày 27/4.
Giám đốc CDC Hà Giang nhận 770 triệu đồng hoa hồng của Việt Á
Ông Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang) cùng hai thuộc cấp nhận 770 triệu đồng tiền hoa hồng của Công ty Việt Á.
Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á |
Thông tin được nêu trong Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Hà Giang về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm... của CDC Hà Giang liên quan Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Người bị xác định nhận tiền là ông Tuấn và bà Phan Thị Nga - Trưởng khoa xét nghiệm và bà Tô Minh Huệ - Kế toán trưởng CDC Hà Giang.
Toàn bộ số tiền đã bị Công an tỉnh Hà Giang thu giữ ngày 6/4.
Theo Kết luận thanh tra, Công ty Việt Á đã tặng hơn 5.000 kit test trị giá hơn 210 triệu đồng cho CDC Hà Giang. Số hàng này, CDC Hà Giang đã nhập kho và sử dụng toàn bộ cho công tác phòng chống dịch.
Việt Á không có văn phòng đại diện kinh doanh kit test ở Hà Giang và cũng không bán mặt hàng này tại đây. Khi dịch bùng phát, Việt Á thực hiện 4 gói thầu cung ứng sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm PCR cho CDC Hà Giang, trị giá hơn 6,1 tỷ đồng.
Trong đợt thanh tra này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, CDC tỉnh Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quang bị phát hiện ngoài sai phạm về mua sắm kit test Việt Á còn vi phạm về nguồn thu tiền dịch vụ xét nghiệm Covid-19. Tiền thu từ năm 2020 đến 31/12/2021 là hơn 23 tỷ đồng nhưng 2,9 tỷ thu với mức giá chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
TP.HCM rửa đường để giảm ô nhiễm
Hơn 30 trục đường chính ở TP.HCM sẽ được rửa thường xuyên để hạn chế ô nhiễm, sau nhiều năm công tác này bị dừng.
Một xe xịt nước được chủ đầu tư chủ động rửa đường ở khu vực thi công gần xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức |
Chiều 5/5, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương thống nhất quy mô, phạm vi rửa đường. Kinh phí thực hiện dựa theo định mức quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn để lập dự toán triển khai.
Thành phố hiện có hơn 30 trục đường chính với tổng chiều dài hơn 260 km, chủ yếu được vệ sinh bằng quét, hút bụi, cát sỏi thông qua các loại xe chuyên dùng. Trước năm 2017, Thành phố từng cho xịt rửa đường để giảm bụi nhưng nhiều năm qua việc này bị dừng do chưa có định mức cụ thể để thực hiện.
Nhiều tuyến đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Cộng Hòa... có mật độ xe cao và có lưu lượng xe chở cát đá, vật liệu xây dựng thường xuyên rơi vãi. Do vậy, giải pháp xịt rửa đường được cho sẽ hiệu quả hơn trong quá trình vệ sinh các tuyến.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dựa trên các số liệu quan trắc cho thấy, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chính ở Thành phố gồm các hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất.
Đường dẫn cầu qua sông Vàm Cỏ Tây bị sạt lở
Hơn 1,5 km đường dẫn cầu Bắc Chiên bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) đang trong quá trình thi công bị sạt lở, nhiều đoạn nứt toác.
Một phần ba mặt đường bị sụt, đất trôi xuống kênh |
Chiều 5/5, mặt đường dẫn xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài khoảng 10 m, rộng 2 - 3 m, sâu hơn 2 m. Một số đoạn bị sụt lún trôi xuống kênh, lan can cầu cũng bị ngã. Do công trình đường Bắc Chiên - Cả Bản đang thi công, chưa có xe qua lại nên không xảy ra tai nạn.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng Trần Văn Cường cho biết, tình trạng sạt lở đường dẫn lên cầu xuất hiện từ nhiều hôm trước, đơn vị thi công đã khắc phục nhưng không hiệu quả. Nhiều khả năng khu vực này nền đất rất yếu, cộng với mưa dầm liên tục những ngày qua dẫn đến sự cố.
Đường Bắc Chiên - Cả Bản dài hơn 5 km, bắt đầu từ Bình Châu đi qua xã Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây đến xã Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường). Công trình khởi công năm 2016 với tổng kinh phí 110 tỷ đồng do UBND huyện Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Cầu Thủ Thiêm 2 bị trộm 44 nắp chắn rác sau 1 tuần đưa vào sử dụng
Cầu Thủ Thiêm 2 hiện chỉ còn 64 nắp lưới chắn rác sau khi bị kẻ trộm lấy mất 44 nắp trong 2 ngày. Mỗi nắp chắn rác trị giá 1,2 triệu đồng.
Nắp chắn rác bị cạy mất trên cầu Thủ Thiêm 2 |
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, số nắp bị trộm này nằm trong 108 nắp lưới chắn rác phía Quận 1 đi qua TP. Thủ Đức. Riêng đêm 4/5, công trình mất 29 nắp.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã đề nghị công an khu vực hỗ trợ xác minh và lên các phương án khắc phục.
Tình trạng mất cắp 44 nắp lưới chắn rác cũng được đại diện Công ty Thiên An (nhà thầu phụ trách thi công kết cấu cầu chính) xác nhận xảy ra trong ngày 4 - 5/5. Theo nhà thầu này, các nắp chắn rác được làm bằng gang, đường kính 20 cm. Mỗi nắp chắn rác có giá thành 1,2 triệu đồng.
Đại diện nhà thầu cho biết, các nắp chắn rác này sẽ được đặt mua lại và dự kiến sau một tháng mới có hàng để thay thế. Sắp tới, Công ty lên phương án có thể thay thế các nắp chắn rác này bằng bê tông chịu lực để không bị mất cắp.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (Quận 1), điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1, TP. Thủ Đức), chiều dài gần 1,5 km. Công trình được khởi công từ năm 2015 và đưa vào sử dụng một tuần nay.
Hàn Quốc nối lại chương trình miễn thị thực với khách Việt
Từ 1/6, khách Việt được miễn visa khi nhập cảnh Jeju và Yangyang trên các chuyến bay charter.
Khách Việt có thể bay tự túc hoặc mua tour đến Jeju, nhưng bắt buộc phải đi theo tour từ năm người trở lên nếu muốn nhập cảnh Yangyang và được miễn thị thực |
Thông báo trên được Bộ trưởng Nội vụ Jeon Hae Cheol xác nhận trong cuộc họp diễn ra vào ngày 4/5, áp dụng với các khách quốc tế, bao gồm cả Việt Nam, theo Yonhap.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho biết, khách Việt Nam được phép đến đảo Jeju tối đa 30 ngày mà không cần thị thực. Có hai cách di chuyển cho khách Việt: bay charter hoặc nối chuyến tại nước thứ ba. Du khách hưởng chương trình miễn thị thực này có thể đi theo tour hoặc tự túc, nhưng chỉ có thể ở trên đảo và không được nhập cảnh vào đất liền, hoặc đi các nơi khác.
Tương tự với sân bay quốc tế Yangyang ở tỉnh Gangwon, cách thủ đô Seoul hơn 110 km, khách được miễn visa lưu trú tối đa 15 ngày. Hiện chưa có chuyến bay thương mại từ các thành phố ở Việt Nam đến Yangyang, nên khách Việt phải bay bằng các chuyến charter.
Chính sách miễn visa Yangyang được áp dụng cho du khách mua tour của công ty du lịch và đi theo đoàn từ 5 người. Các công ty này sẽ chịu trách nhiệm với Chính phủ Hàn Quốc trong trường hợp khách Việt gặp sự cố trên đường du lịch. Sau khi nhập cảnh Yangyang, du khách được phép tham quan hai địa điểm là tỉnh Gangwon và thủ đô Seoul.
Chương trình miễn thị thực này từng được áp dụng trước đây nhưng dừng từ 4/2/2020, khi Covid-19 bùng phát. Động thái nối lại việc miễn phí visa được cho là nhằm thu hút lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc, phục hồi lại ngành du lịch.
Máy bay liên tục va phải chim
10 ngày qua đã xảy ra 7 vụ máy bay va phải chim khiến phương tiện phải dừng hoạt động chờ kiểm tra, hoặc đưa vào xưởng sửa chữa.
10 ngày qua đã xảy ra 7 vụ máy bay va phải chim |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tối 25/4, sau chuyến bay từ Đà Lạt đến Tân Sơn Nhất, nhà chức trách tìm thấy xác chim trong động cơ số 2 của chiếc Airbus A321 (A321). Ngày 26/4, sau chuyến bay từ Hà Nội đến Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vết máu chim dính vào mũi chiếc Boeing 787.
Ngày 29/4, sau khi hoàn thành chuyến bay từ Tuy Hòa đến Tân Sơn Nhất, thợ máy tìm thấy các vết máu chim tại vành, cánh quạt động cơ số 2 và tại chóp radar ở mũi máy bay A321.
Đến tối 1/5, chiếc A321 thực hiện chuyến bay từ Phú Quốc về Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vết móp tại viền phía trước cánh trái tàu bay, xung quanh dính máu chim. Phương tiện phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra.
Gần đây nhất, tối 3/5, sau khi máy bay A321 từ Phú Quốc hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vành động cơ và cánh quạt động cơ số 2 dính máu chim. Phương tiện phải đưa vào xưởng sửa chữa để kiểm tra kỹ thuật.
Ngoài ra, một số sân bay xuất hiện nhiều chim, ảnh hưởng đến hoạt động bay. Cụ thể, sáng 30/4, khu vực đầu đường băng 25L sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều chim én khiến chuyến bay VJ360 khởi hành đi Đà Lạt phải dừng chờ để đơn vị quản lý khu bay xua đuổi chim.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá sự cố va chạm giữa chim và máy bay có xu hướng tăng trong các tháng gần đây. Các sân bay xảy ra nhiều vụ là Tân Sơn Nhất, Đà Lạt, Phú Quốc... Khu vực này có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sinh sống, nơi di cư của chim nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay.
Ngày 5/5, Cục đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay biện pháp đuổi chim, động vật hoang dã tại sân bay, đặc biệt là Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Các đơn vị phải bổ sung trang thiết bị, phương tiện theo dõi chim, vật nuôi tại cảng.