Bản tin thời sự sáng 6/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ hoàn thành việc sửa chữa 5 tuyến cáp quang biển trong tháng 6; kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok từ 15/5; đề xuất mở rộng trường hợp tinh giản biên chế; TP.HCM phạt 2 chủ đầu tư Khải Thịnh và Gamuda Land do mở bán dự án chưa đủ điều kiện…

Sẽ hoàn thành việc sửa chữa 5 tuyến cáp quang biển trong tháng 6

Tính đến ngày 3/5 đã có 2 tuyến cáp quang biển IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa, 3 tuyến còn lại dự kiến sẽ được khôi phục trong tháng 5 và tháng 6/2023.

Theo Cục Viễn thông, đến nay có 2/5 tuyến cáp quang biển đã khắc phục xong sự cố

Theo Cục Viễn thông, đến nay có 2/5 tuyến cáp quang biển đã khắc phục xong sự cố

Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế của Việt Nam gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3 đều lần lượt gặp sự cố.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc xảy ra sự cố đồng thời với cả 5 tuyến cáp quang biển thời gian qua là trường hợp bất khả kháng, ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước trong khu vực có sử dụng các tuyến cáp này.

Ngay khi xảy ra sự cố, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai nhiều phương án như chủ động phối hợp với thành viên hệ thống tuyến cáp bị sự cố, đo đạc, xác định vị trí và loại sự cố để tiến hành sửa chữa, khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Phúc, tính đến ngày 3/5, đã có 2 tuyến cáp quang biển là IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa. Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa trong tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khắc phục xong trong tháng 6/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok từ 15/5

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 15/5, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ bắt đầu kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, dự kiến kéo dài đến hết tháng 5.

Từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam

Từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam

Ông Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cho các bộ, ngành liên quan cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra, đến nay danh sách Đoàn kiểm tra sắp hoàn thiện.

Bộ cũng xây dựng đề cương nội dung thực hiện kiểm tra TikTok. Dự kiến việc kiểm tra toàn diện sẽ bắt đầu từ 15/5, kéo dài đến hết tháng 5.

Theo ông Lê Quang Tự Do, từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng.

Trước đây, nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí, nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu có nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cùng với đó là các nội dung độc hại ảnh hưởng đến trẻ em tạo thành trào lưu.

Sáu sai phạm lớn của TikTok được cơ quan chức năng tổng hợp. Một là, không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

Hai là, mạng xã hội này sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

Ba là, mạng xã hội này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Sai phạm thứ tư là, gần đây xuất hiện Idol TikTok, cho phép người dùng xem và tặng quà, tặng tiền Idol, dẫn đến tình trạng nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Đề xuất mở rộng trường hợp tinh giản biên chế

Bộ Nội vụ đề xuất đưa người bị kỷ luật chưa đến mức bị bãi nhiệm, có kết quả lấy phiếu tín nhiệm dưới 50% vào diện tinh giản biên chế.

Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Theo Dự thảo nghị định về tinh giản biên chế đang chờ thẩm định, Bộ Nội vụ liệt kê trường hợp cán bộ, công chức, viên chức diện tinh giản. Ngoài trường hợp quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP và hai văn bản sửa đổi năm 2018, 2020, có một số cán bộ, công chức được bổ sung vào diện tinh giản gồm: người thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, hoặc không đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm và tự nguyện tinh giản.

Người bị kỷ luật chưa đến mức bị bãi nhiệm hay bị buộc thôi việc, cá nhân có kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đạt dưới 50% hoặc tự nguyện thực hiện tinh giản được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Ngoài ra, còn có người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở các cấp này.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gần 49.000 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khoảng 28.000.

Dự thảo nghị định cũng đưa ra các chính sách khuyến khích tinh giản như trường hợp về hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước và thôi việc.

TP.HCM phạt 2 chủ đầu tư Khải Thịnh và Gamuda Land do mở bán dự án chưa đủ điều kiện

Công ty Khải Thịnh và Gamuda Land vừa bị phạt 500 - 900 triệu đồng vì huy động vốn dự án hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện mở bán.

Cổng vào Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng (Celadon City)

Cổng vào Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng (Celadon City)

UBND TP.HCM vừa phạt Công ty CP Gamuda Land (chủ đầu tư Malaysia) về việc ký hợp đồng mua bán căn hộ tại khu chung cư A5, Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng, khi chưa được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện mở bán.

Đây là hoạt động huy động vốn chưa đúng với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, có thể dẫn đến rủi ro cho người mua. Theo đó, Gamuda Land bị phạt 900 triệu đồng và buộc khắc phục bằng cách hoàn lại cho khách hàng phần vốn huy động không đúng quy định.

Khu liên hợp thể dục thể thao và khu dân cư Tân Thắng có tên thương mại là Celadon City, tọa lạc tại quận Tân Phú, là một trong 7 dự án thuộc nhóm vướng mắc điển hình liên quan đến chuyển nhượng, đóng thuế, tính thuế được Thành phố đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ đầu năm nay.

Ngoài chủ đầu tư trên, UBND TP.HCM cũng phạt Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh 500 triệu đồng về hành vi kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định.

Công ty Khải Thịnh đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy, phường Phú Thuận, Quận 7 khi chưa được cơ quan quản lý có văn bản đồng ý bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thành phố áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 4 - 5 tháng đối với Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy.

Hãng tàu cao tốc Superdong khai trương thêm tuyến Hà Tiên - Nam Du

Từ ngày 6/5, hãng tàu cao tốc Superdong tại Kiên Giang sẽ khai trương tuyến Hà Tiên - Nam Du và mở lại tuyến Phú Quốc - Nam Du.

Hãng tàu cao tốc Superdong mở thêm tuyến Hà Tiên - Nam Du phục vụ người dân và du khách

Hãng tàu cao tốc Superdong mở thêm tuyến Hà Tiên - Nam Du phục vụ người dân và du khách

Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Tàu cao tốc Superdong (Kiên Giang) cho biết, từ ngày 6/5, Công ty khai trương tuyến mới Hà Tiên - Nam Du và hoạt động lại tuyến Phú Quốc - Nam Du.

Lịch trình tàu chạy ngày thứ Bảy và Chủ nhật, khởi hành lúc 6h từ TP. Hà Tiên đi Nam Du; chuyến Phú Quốc - Nam Du khởi hành lúc 7h40' và chuyến từ Nam Du - Phú Quốc - TP. Hà Tiên khởi hành vào 12h40'.

Nam Du là một trong 4 xã của huyện đảo Kiên Hải (gồm hòn Tre - nơi đặt trung tâm hành chính, An Sơn, Lại Sơn, Nam Du). Đây là một trong những quần đảo đẹp nhất vùng biển Tây Nam của tỉnh Kiên Giang với hàng chục hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có thể kể đến những hòn đảo được du khách yêu thích bởi cảnh quan hoang sơ như: hòn Mấu, hòn Ngang (trung tâm xã Nam Du), hòn Lò Lớn, hòn Lò Nhỏ, hòn Đụng Lớn, hòn Đụng Nhỏ…

Việc mở rộng khai thác các tuyến vận tải biển được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông từ đất liền ra các đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Sở GTVT TP.HCM không đồng ý nhường vỉa hè cho bệnh viện

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có ý kiến về đề nghị sử dụng vỉa hè đường Nguyễn Du làm nơi giữ xe hai bánh phục vụ Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Điểm giữ xe lề đường Nguyễn Du chiếm toàn bộ vỉa hè của người đi bộ

Điểm giữ xe lề đường Nguyễn Du chiếm toàn bộ vỉa hè của người đi bộ

Sở GTVT nhận định, việc đề xuất sử dụng phần vỉa hè đường Nguyễn Du làm bãi trông giữ xe hai bánh của Bệnh viện là không phù hợp với hiện trạng vỉa hè, cũng không phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Hiện nay, vỉa hè đường Nguyễn Du (đoạn trước Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ đường Chu Mạnh Trinh đến đường Hai Bà Trưng) có bề rộng trung bình 5,5 m, trong đó phần đường dành cho người đi bộ rộng 3,5 m và mảng xanh chiếm 2 m.

Thực tế, nhu cầu lưu thông bộ hành của người dân đến thăm khám tại bệnh viện này rất lớn. Việc các loại xe dừng đỗ để đón khách trên đoạn đường này thường xuyên xảy ra và là nguyên nhân gây ách tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.

Hiện, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (số 14 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1) có một hầm để xe tại khu khám bệnh, tuy nhiên thường bị quá tải. Ngoài ra, xung quanh Bệnh viện, phần lớn trên đường Nguyễn Du, còn vài bãi giữ xe (ô tô và xe máy) khác, cũng luôn chật kín.

Sở GTVT và UBND Quận 1 đồng quan điểm về việc Bệnh viện Nhi Đồng 2 phải chủ động xây dựng phương án bố trí bãi đỗ xe bên trong khuôn viên Bệnh viện, đặc biệt cần phải đưa vào khai thác ngay các tầng hầm hiện hữu đang trống để phục vụ nhu cầu đỗ xe của người dân.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu phía Bệnh viện rà soát các vị trí kiểm soát ô tô lưu thông ra vào Bệnh viện để hạn chế tình trạng phương tiện dừng đỗ kéo dài trên các tuyến đường xung quanh như hiện nay.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60-01S

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Việt Hồng - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai về tội “Nhận hối lộ”.

Ông Dương Việt Hồng bị khởi tố, tạm giam

Ông Dương Việt Hồng bị khởi tố, tạm giam

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) có địa chỉ tại phường An Bình, TP. Biên Hòa. Ngoài chức danh Giám đốc tại đây, ông Dương Việt Hồng còn là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-02S (TP. Long Khánh) và Trung tâm đăng kiểm 60-03S (huyện Định Quán), đều thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai quản lý.

Trước đó, ngày 26/4, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp ông Dương Việt Hồng và khám xét chỗ ở, nơi làm việc. Sau khám xét, Công an đã bàn giao trung tâm này cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai để không ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm trên địa bàn.

TP.HCM hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài sản của vợ Phan Văn Anh Vũ

Liên quan đến đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) về việc hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ của Phan Văn Anh Vũ), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo giải quyết.

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" tại Toà án nhân dân cấp cao TP.HCM

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" tại Toà án nhân dân cấp cao TP.HCM

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi liên quan đến đề nghị của C01.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tư pháp thực hiện nội dung theo công văn của C01 về việc hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ của Phan Văn Anh Vũ); báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP.HCM.

Trước đó, ngày 18/4, C01 có công văn gửi UBND TP.HCM cho biết nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị hủy bỏ việc tạm dừng giao dịch tài sản tại TP.HCM.

Theo C01, năm 2018, cơ quan này tiến hành điều tra các vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”, liên quan đến Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại TP. Đà Nẵng.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, C01 có công văn đề nghị UBND TP.HCM tạm dừng các giao dịch đối với tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (trong đó có bà Nguyễn Thị Thu Hiền).

Đến nay, tất cả các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ đã được đưa ra xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Các bản án đều không tuyên kê biên tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền để thu hồi, đảm bảo thi hành án trong các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Xét thấy việc tạm dừng giao dịch đối với các tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền không còn cần thiết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, C01 đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành giải quyết đề nghị của bà Nguyễn Thị Thu Hiền theo quy định của pháp luật.