Bản tin thời sự sáng 6/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TikTok 'có rất nhiều vi phạm' tại Việt Nam; 70.000 lao động ngành dệt may trên cả nước thôi việc, mất việc trong 5 tháng đầu năm 2023; TP.HCM cấp chữ ký số miễn phí cho người dân; Becamex phát hành thêm 1.000 tỷ đồng để đảo nợ…

TikTok 'có rất nhiều vi phạm' tại Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình kiểm tra TikTok và cho biết có cơ sở về các vi phạm của nền tảng này.

Một trong những nội dung vi phạm trên TikTok được đề cập trong tài liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông

Một trong những nội dung vi phạm trên TikTok được đề cập trong tài liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tại họp báo chiều 5/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, TikTok "có rất nhiều vi phạm". Phát hiện sơ bộ của đoàn kiểm tra "giúp xác nhận những nhận định ban đầu về vi phạm của nền tảng, và vi phạm pháp luật diễn ra trên TikTok, là có cơ sở".

Theo ông Lâm, việc kiểm tra vẫn đang được tiến hành, dự kiến kết thúc trong tháng 6, nên kết quả cụ thể chưa thể công bố.

Kế hoạch kiểm tra TikTok Việt Nam diễn ra từ giữa tháng 5 với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Tổng cục Thuế.

Có 8 vấn đề chính của TikTok được xem xét liên quan đến chấp hành quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người dùng trong nước, quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn và gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, xử lý khiếu nại.

TikTok cũng sẽ bị kiểm tra về thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng; việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; cách thức quản lý các "idol", tức người nổi tiếng, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên nền tảng.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định, "nếu kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ xử lý sai phạm của nền tảng và của cá nhân liên quan".

Ra mắt thị trường trong nước từ tháng 4/2019, TikTok có 50 triệu người dùng tại Việt Nam, với nội dung đặc trưng là video ngắn. Mới đây, nền tảng bổ sung TikTok Shop và nhanh chóng là một trong những dịch vụ thương mại điện tử được dùng nhiều nhất.

70.000 lao động ngành dệt may trên cả nước thôi việc, mất việc trong 5 tháng đầu năm 2023

70.000 lao động ngành dệt may trên cả nước thôi việc, mất việc và 66.600 người bị giảm giờ làm, trong 5 tháng đầu năm 2023.

Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Tân Đô, Long An

Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Tân Đô, Long An

Báo cáo trước phiên chất vấn tại Kỳ họp 5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng gần nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người.

Số thôi việc, mất việc là 280.000 người; nhiều nhất là ngành dệt may, sau đó đến da giày (31.600 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (45.000 người). Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Dệt may cũng là lĩnh vực công nhân bị giảm giờ làm nhiều nhất, kế đến là da giày (66.000 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (24.800 người), chế biến thủy, hải sản (gần 6.000 người), chế biến gỗ (5.400 người).

Lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.000 và ngành dệt may vẫn đứng đầu với gần 5.000.

Hơn 8.600 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, trong đó 27% doanh nghiệp FDI; 72% doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là vùng Đông Nam Bộ, chiếm gần 2/3; 12% doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo thống kê, lao động chưa qua đào tạo bị thôi việc, mất việc chiếm tỷ lệ lớn nhất 68%.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc cắt giảm hàng loạt xảy ra do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân. Nhiều doanh nghiệp tồn kho nhiều không xuất được, trong khi đơn hàng mới không có.

TP.HCM cấp chữ ký số miễn phí cho người dân

Từ nay đến tháng 6 năm sau, chính quyền TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM sẽ cấp chữ ký số miễn phí cho người dân.

TP.HCM cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Ảnh minh họa

TP.HCM cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Ảnh minh họa

Thông tin được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết tại Hội nghị thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn, chiều 5/6.

Chữ ký số đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý. Hiện, chữ ký số được dùng trong kê khai thuế điện tử, hải quan, bảo hiểm xã hội, hóa đơn điện tử, dịch vụ công trực tuyến...

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số và các quận, huyện cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Người dân có thể đăng ký tại bộ phận một cửa của UBND quận, huyện.

Ngoài ra, trong năm nay, Thành phố cũng sẽ tổ chức các gian hàng để cấp chữ ký số cá nhân trong các sự kiện như Tuần lễ sách của người làm báo từ ngày 17 - 22/6 tại Đường sách thành phố, Hội sách quốc tế (dự kiến từ 25/9 - 1/10), Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024.

Theo ông Thắng, trong kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị TP.HCM thông minh năm 2023, UBND Thành phố yêu cầu phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dưới dạng trực tuyến. Do đó, để vận hành được dịch vụ công trực tuyến, việc số hóa và ứng dụng chữ ký số để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước là yêu cầu bắt buộc.

Thời gian qua, gần như toàn bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn đã được cấp chữ ký số. Đồng thời, hơn 11.000 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức tại địa phương.

Becamex phát hành thêm 1.000 tỷ đồng để đảo nợ

Becamex IDC thông báo phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ với lãi suất thấp nhất từ 13%/năm.

Tính đến ngày 31/12/2022, Becamex ghi nhận tổng cộng 10.176 tỷ đồng dư nợ trái phiếu

Tính đến ngày 31/12/2022, Becamex ghi nhận tổng cộng 10.176 tỷ đồng dư nợ trái phiếu

Trong tháng 6 này, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) dự kiến phát hành 10.000 trái phiếu riêng lẻ với giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo và dự kiến huy động về 1.000 tỷ đồng. Kỳ hạn không quá 2 năm kể từ ngày phát hành và dự kiến đáo hạn vào năm 2025.

Becamex cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trên sẽ được sử dụng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của Công ty.

Lãi suất tối thiểu dự kiến cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 13%/năm, cứ 3 tháng trả lãi một lần. Mức lãi suất của các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng tổng của 3,5% và lãi suất sản phẩm tiết kiệm trung dài hạn linh hoạt VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng MB nhưng không thấp hơn 13%/năm.

Dòng tiền thanh toán trái phiếu sẽ đến từ nguồn thu của Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, các dự án khác thuộc Becamex và nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tính đến ngày 31/12/2022, Becamex ghi nhận tổng cộng 10.176 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Trong đó có lô 1.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 11/6 sắp tới. Điều đáng nói, lô trái phiếu này đúng bằng giá trị lô trái phiếu mà Becamex sắp phát hành như đã đề cập bên trên và cùng mục đích cơ cấu các khoản nợ. Lãi suất từ 8,2% - 9% được nâng lên 13%/năm.

Khép lại năm 2022, nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 30.344 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này gấp gần 1,7 lần vốn chủ sở hữu và 63% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay tài chính 15.885 tỷ đồng dẫn đến chi phí lãi vay tăng lên 879 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La bị kỷ luật

Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk bị kỷ luật liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, khi để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót, khuyết điểm trong mua sắm vật tư, thiết bị phòng, chống dịch và một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý.

Sở Y tế Đắk Lắk, nơi ông Nay Phi La công tác

Sở Y tế Đắk Lắk, nơi ông Nay Phi La công tác

Ngày 5/6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk thống nhất kỷ luật ông Nay Phi La (Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk), bằng hình thức Khiển trách.

Trước đó, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk thực hiện quy trình, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nay Phi La.

Lý do, ông Nay Phi La chịu trách nhiệm trong việc Đảng ủy Sở Y tế, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bị thi hành kỷ luật; trách nhiệm người đứng đầu Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khi để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện các gói thầu mua sắm tài sản, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế và một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý.

UBKT Tỉnh ủy nhận xét khuyết điểm, vi phạm của ông Nay Phi La tạo dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, ngành y tế Tỉnh.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân khuyết điểm, vi phạm của ông Nay Phi La, UBKT Tỉnh ủy đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Bắt giữ 7 tàu khai thác cát trái phép tại 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long

Cảnh sát đường thủy thuộc Thủy đoàn II (Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an) vừa chủ trì, phối hợp với công an 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long kiểm tra, bắt giữ 7 tàu khai thác cát trái phép.

Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện 7 tàu khai thác cát trái phép

Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện 7 tàu khai thác cát trái phép

Theo thông tin từ Cục CSGT, vào đêm 4/6, rạng sáng 5/6, Thủy đoàn II chủ trì, phối hợp công an 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, đồng loạt kiểm tra, bắt giữ 7 phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép.

Theo đó, lực lượng chức năng tạm giữ 2 phương tiện với 5 đối tượng đang thực hiện hành vi khai thác cát trên tuyến sông Tiền, đoạn qua thủy phận xã Hòa Hưng (khu vực đầu Vàm Hòa Lộc) và xã Mỹ Lương (khu vực đầu Vàm Cái Thia) thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, trên các phương tiện có gần 600 m3 cát; thuyền viên trên phương tiện không xuất trình được giấy tờ phương tiện; bằng cấp chứng chỉ chuyên môn; giấy tờ của cơ quan chức năng có thẩm quyền về cấp phép khai thác khoáng sản.

Nhóm này thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra, bắt giữ và giao lại cho Công an tỉnh Tiền Giang tiếp nhận để xác minh, làm rõ.

Tại tỉnh Vĩnh Long, lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ 5 phương tiện với 10 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép, trên sông Cổ Chiên, đoạn qua TP. Vĩnh Long và huyện Long Hồ, Vĩnh Long.

Thời điểm kiểm tra thuyền viên trên phương tiện không xuất trình được giấy tờ phương tiện; bằng cấp chứng chỉ chuyên môn; hóa đơn chứng từ chính minh nguồn gốc hợp pháp của số cát có trên phương tiện; giấy tờ của cơ quan chức năng có thẩm quyền về cấp phép khai thác khoáng sản.

Căn cứ kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra, bắt giữ và giao lại cho Phòng PC08 Công an tỉnh Vĩnh Long để xác minh, xử lý theo quy định.

TP. Hải Phòng thúc tiến độ các dự án Tràng Cát, Tràng Duệ

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu một số dự án đảm bảo tiến độ, nếu không sẽ bị xem xét thu hồi.

TP. Hải Phòng thúc tiến độ các dự án Tràng Cát, Tràng Duệ. Ảnh minh họa

TP. Hải Phòng thúc tiến độ các dự án Tràng Cát, Tràng Duệ. Ảnh minh họa

Kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đưa ra sau cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án do Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty CP Tập đoàn đầu tư và Phát triển Hưng Yên, Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát nghiên cứu đề xuất đầu tư.

Trong đó, hai dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát tại quận Hải An và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 tại huyện An Lão được Thành phố chỉ định tiến độ cụ thể từng hạng mục.

Với Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát, ông Tùng yêu cầu từ tháng 7/2023 - 6/2024 phải hoàn thành nhiều phần việc về thủ tục từ hoàn thành công tác lập, xin ý kiến cộng đồng, các cơ quan có liên quan, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500... và khởi công xây dựng.

Trường hợp không có lý do khách quan mà Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát không đảm bảo tiến độ nêu trên, Thành phố sẽ xem xét việc thu hồi dự án theo quy định.

Tương tự, lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng phải hoàn thành các phần việc để khởi công Dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 vào tháng 5 năm sau. Chính quyền sẽ xem xét việc lựa chọn nhà đầu tư khác để nghiên cứu triển khai Dự án nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiến độ nêu trên.

Tin cùng chuyên mục