Bản tin thời sự sáng 6/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ NN&PTNT sẽ vào Bình Thuận kiểm tra vụ chuyển hơn 600 ha đất rừng làm hồ; Công ty Nhơn Trạch bị cáo buộc gây thiệt hại 279 tỷ đồng; đề xuất hơn 400 tỷ đồng nâng cấp hai ga đường sắt Sóng Thần và Cao Xá; Công ty CP Traphaco bị phạt, truy thu thuế hơn 2,4 tỷ đồng…

Bộ NN&PTNT sẽ vào Bình Thuận kiểm tra vụ chuyển hơn 600ha đất rừng làm hồ

Theo dự kiến, ngày 6/9, Bộ NN&PTNT sẽ vào Bình Thuận để kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng hơn 600 ha đất rừng để làm Dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

Phối cảnh dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Phối cảnh dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập đoàn công tác vào Bình Thuận để kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng hơn 600 ha đất rừng để làm Dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc xây dựng Dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Mục đích của Dự án nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ngày 26/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 24/6 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Quy mô Dự án gồm hồ điều tiết tổng dung tích hơn 51 triệu m3, cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư Dự án gần 875 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương gần 520 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2025.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích sử dụng đất của Dự án gần 700 ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 680 ha (đất có rừng là gần 620 ha, gồm: rừng đặc dụng gần 140 ha; rừng phòng hộ là 0,51 ha; rừng sản xuất hơn 440 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là hơn 40 ha và đất không có rừng 60 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18 ha.

Công ty Nhơn Trạch bị cáo buộc gây thiệt hại 279 tỷ đồng

Công an tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch (Công ty Nhơn Trạch) trong vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại doanh nghiệp này.

Dự án dẫn đến sai phạm tại Công ty CP Nhơn Trạch

Dự án dẫn đến sai phạm tại Công ty CP Nhơn Trạch

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm ông Quách Văn Đức, nguyên Chủ tịch HĐQT; ông Phan Thanh Vĩnh Toàn, nguyên Tổng Giám đốc; ông Đỗ Tấn Điểm và ông Nguyễn Văn Hồng cùng nguyên Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch. Trong đó, ông Quách Văn Đức từng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng công ty Tín Nghĩa.

Theo kết luận điều tra, năm 2003, Công ty Tín Nghĩa (trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai) gửi văn bản cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai xin chủ trương đầu tư khu dân cư trên đất trồng cao su tại huyện Nhơn Trạch. UBND tỉnh Đồng Nai sau đó đồng ý, cho phép thành lập Công ty Nhơn Trạch.

Ngày 23/2/2005, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ trường hợp sử dụng đất tại xã Long Tân và xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch của Công ty Nhơn Trạch thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau khi được Sở Tài chính tham mưu, UBND Tỉnh đã ký văn bản chấp thuận chủ trương giao khu đất trên cho Công ty Nhơn Trạch có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua hình thức đấu giá để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh.

Năm 2017, ông Quách Văn Đức đã họp HĐQT với Toàn, Điềm, Hồng bàn kế hoạch hợp tác với Công ty VNIC 2 PTE.LTD (trụ sở tại Singapore) bằng cách góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Công ty Nhơn Trạch góp vốn 20% (tương đương hơn 113 tỷ đồng) bằng giá trị quyền sử dụng đất 36.000 m2 tại phân khu 1A, 1B.

Tuy nhiên, ông Đức thống nhất góp hơn 100 ha đất tại phân khu 1A, 1B của Khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân có giá trị thực gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng thành khu dân cư mang tên TP. Thiên Nga có trị giá hơn 1.000 tỷ đồng (thấp hơn giá thẩm định gần 1.000 tỷ đồng).

Cơ quan điều tra xác định, tại thời điểm xảy ra vụ việc, phần vốn nhà nước tại Công ty Nhơn Trạch chiếm 29,54%. Sau khi khấu trừ các giá trị thỏa thuận với các đối tác, hành vi của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước gần 279 tỷ đồng.

Đề xuất hơn 400 tỷ đồng nâng cấp hai ga đường sắt Sóng Thần và Cao Xá

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải đầu tư, nâng cấp hai ga hàng hóa lớn là Sóng Thần (Bình Dương) và Cao Xá (Hải Dương).

Một đoàn tàu hàng từ ga Yên Viên đi châu Âu

Một đoàn tàu hàng từ ga Yên Viên đi châu Âu

Theo đó, bãi hàng Sóng Thần được đề xuất cải tạo các đường xếp dỡ, mở rộng diện tích bãi hàng lên hơn 21.000 m2, cải tạo đường bộ nội bộ và bổ sung một bãi hàng 2.005 m2, xây mới nhà điều hành, hải quan, biên phòng, công an.

Tại bãi hàng An Bình thuộc ga Sóng Thần, VNR kiến nghị làm mới đường xếp dỡ dài 337 m, bổ sung thêm một bãi hàng diện tích 7.126 m2. Tổng mức đầu tư dự kiến là 150 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Ga Sóng Thần thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, hiện là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, chuyên xếp dỡ hàng hóa đi - đến cho toàn bộ khu vực các tỉnh phía Nam và là 1 trong 6 ga liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và ngược lại.

Tại ga Cao Xá (Hải Dương), VNR đề nghị cải tạo đường xếp dỡ dài khoảng 600 m, xây dựng mới đường xếp dỡ dài khoảng 250 m; xây mới nhà văn phòng, dịch vụ hải quan, kho hàng 1.000 m2, bãi hàng 10.000 m2. Tổng mức đầu tư là 61 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô như trên, VNR sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá, mở rộng kho hàng 10.000 m2, bãi hàng 28.600 m2. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn này là 234 tỷ đồng.

Công ty CP Traphaco bị phạt, truy thu thuế hơn 2,4 tỷ đồng

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty CP Traphaco tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Traphaco bị Cục Thuế TP. Hà Nội phạt truy thu thuế hơn 2,4 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Traphaco bị Cục Thuế TP. Hà Nội phạt truy thu thuế hơn 2,4 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Công ty CP Traphaco (HoSE: TRA) cho biết vừa nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục Thuế TP. Hà Nội.

Theo quyết định xử phạt, Traphaco bị phạt vi phạm về thuế số tiền hơn 434,4 triệu đồng cho kỳ thanh tra thuế năm 2021 và 2022. Đồng thời, Traphaco còn bị truy thu tiền thuế thiếu qua thanh tra số tiền hơn 1,98 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế Traphaco phải nộp là hơn 2,4 tỷ đồng.

Traphaco xác nhận việc khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp này là loại vi phạm thường gặp đối với các doanh nghiệp trên cả nước, không mang tính cố ý vi phạm mà do nhầm lẫn số học, sót số liệu, cập nhật chính sách chưa kịp thời.

Quảng Ngãi điều chỉnh chi phí nhiều hạng mục của dự án giao thông 694 tỷ đồng

Nhiều hạng mục của công trình đường nối cầu Thạch Bích được điều chỉnh, trong đó chi phí xây dựng giảm gần 22,4 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng hơn 102 tỷ đồng.

Công trình đường nối cầu Thạch Bích

Công trình đường nối cầu Thạch Bích

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí, trong tổng mức đầu tư (không thay đổi) của công trình đường nối cầu Thạch Bích, TP. Quảng Ngãi - Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.

Trong số giá trị các phần việc được điều chỉnh của công trình đường nối cầu Thạch Bích, TP. Quảng Ngãi - Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, có 5/6 phần việc được điều chỉnh giảm và 1 phần việc được điều chỉnh tăng.

Các phần được điều chỉnh giảm là chi phí dự phòng với số tiền giảm gần 62 tỷ đồng; chi phí xây dựng giảm gần 22,4 tỷ đồng; phần chi phí khác được điều chỉnh giảm trên 17,4 tỷ đồng. Phần được điều chỉnh tăng là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, được điều chỉnh từ gần 128 tỷ đồng, tăng lên trên 230 tỷ đồng, cao hơn 102 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó.

Được biết, Dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích - Tịnh Phong, có tổng chiều dài tuyến 6,11 km, đi qua địa bàn TP. Quảng Ngãi (3,05 km) và huyện Sơn Tịnh (3,06 km).

Dự án có 2 thành phần là thi công tuyến chính và 3 khu tái định cư phục vụ dự án, gồm Khu tái định cư Tịnh Ấn Tây (135 lô); Vườn Làng (176 lô) và Rộc Ông Xã (72 lô); tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện Dự án là gần 31 ha.

Dự án có tổng mức đầu tư 694 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 59.000 tỷ đồng

Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2022 ước đạt 59.300 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng lên hơn 62.400 tỷ đồng.

Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An

Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ năm 2022. Theo đó, cả nước có hơn 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng gần 930.000 người so với cùng kỳ. Tổng số tiền thu giảm gần 2.600 tỷ đồng (khoảng 15%), đạt 14.420 tỷ đồng, trong khi số chi khoảng 19.700 tỷ đồng.

Cùng năm 2022, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gần 23% so với cùng kỳ, khoảng 983.000 người. Phần lớn lao động chọn nhận tiền trợ cấp, trong khi số được hỗ trợ học nghề chỉ khoảng 21.800 người. Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Vĩnh Long là địa phương hỗ trợ học nghề đông nhất, đạt từ 1.000 - 3.000 người.

Tiền lương bình quân đóng BHTN không nhiều biến động, đạt khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022 - 2023, tăng gần 30.000 đồng so với năm 2021.

Sáu tháng đầu năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận khoảng 562.000 lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lao động đông nhất thuộc 5 lĩnh vực: thợ may thêu, lắp ráp, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử và kế toán. Người nhận trợ cấp chủ yếu ở các thành phố lớn, đông khu công nghiệp.

Cơ quan quản lý dự báo, tình trạng này còn gia tăng trong bối cảnh cắt giảm việc làm kéo dài tới đầu năm 2024. Một số ngành tiếp tục biến động nhân lực, như dệt may có thể cắt giảm 123.000 người; nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.

Gần 100 m đường ở Quy Nhơn sụt lún sau mưa lớn

Gần 100 m đường Hoàng Văn Thụ, cạnh Dự án Chung cư Phú Tài 2 ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) sụt lún sau mưa lớn khiến trụ điện, cây xanh ngã đổ, 4.500 hộ mất điện.

Vỉa hè sụt lún gần chung cư đang thi công ở TP. Quy Nhơn

Vỉa hè sụt lún gần chung cư đang thi công ở TP. Quy Nhơn

Ngày 5/9, khu vực sụt lún được nhà chức trách rào chắn, giăng dây để bảo vệ hiện trường, nhiều đơn vị khắc phục đường ống nước bị hư hỏng ở tuyến đường trên.

Sau cơn mưa lớn kéo dài tối qua, cây cối, trụ điện, biển quảng cáo, khung sắt, ở đoạn đường gần Dự án Chung cư Phú Tài 2 ngã, đổ cùng nhiều tiếng động lớn. Phía dưới, vỉa hè bị sụt lún nhiều đoạn với tổng chiều dài gần 100 m, độ sâu sụp lún có nơi 3 - 4 m.

Vụ sụp lún khiến gần 4.500 hộ bị mất điện, giao thông gián đoạn. Người dân cho biết, trước khi xảy ra sụp lún, nhà thầu thi công Chung cư có đào bới gần khu vực vỉa hè.

Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Trần Viết Bảo cho biết đã xuống hiện trường kiểm tra. Nguyên nhân ban đầu là Chung cư đang xây hai tầng hầm, nhà thầu dùng cọc khoan nhồi làm tường vây, nhưng thi công không kín. Khi mưa xuống nước thấm vào trong tầng hầm, kéo theo đất xung quanh sụp xuống. Cống thoát nước cũ dọc theo vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ ở gần đó bị trống đất (do bị đào xung quanh) nên sập xuống theo.

Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan khắc phục sự cố, đồng thời xem lại biện pháp thi công. Nhà chức trách cũng sẽ phân luồng để đảm bảo lưu thông nhưng cấm xe tải. Đến chiều 5/9, Công ty Điện lực Bình Định đã khôi phục lại điện cho toàn bộ người dân bị ảnh hưởng.