Bản tin thời sự sáng 6/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hải Phòng cấm biển, bắt đầu di dân từ trưa 6/9; Quảng Ninh cấm biển từ 11h ngày 6/9 để ứng phó bão số 3 (Yagi); siêu công viên gần 100 ha ở Hà Nội dự kiến có 4 quảng trường; vàng miếng SJC giảm nửa triệu đồng; tỷ giá ngân hàng xuống thấp nhất gần 6 tháng…

Hải Phòng cấm biển, bắt đầu di dân từ trưa 6/9

Hải Phòng tiến hành cấm biển từ 11h ngày 6/9, bắt đầu cho di dân từ trưa 6/9 (sau 12h cùng ngày).

Lực lượng cảnh sát giao thông TP Hải Phòng xuống tàu, thuyền nhắc nhở bà con tránh trú bão số 3 an toàn

Lực lượng cảnh sát giao thông TP Hải Phòng xuống tàu, thuyền nhắc nhở bà con tránh trú bão số 3 an toàn

Chiều 5/9, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác phòng chống bão số 3.

Sau khi nghe các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo công tác phòng chống bão số 3, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Tùng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tập trung gia cố các khu vực đê xung yếu, các khu chung cư xuống cấp di chuyển người.

Hải Phòng tiến hành cấm biển từ 11h ngày 6/9, bắt đầu cho di dân từ trưa 6/9 (sau 12h cùng ngày). Các địa phương quan tâm bố trí các trường học, Sở Xây dựng bố trí các khu nhà chưa sử dụng để sơ tán nhân dân.

Đối với các trường học được trưng dụng để di dân, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học từ chiều 6/9. Các trường học khác cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9…

Hiện, TP. Hải Phòng đã huy động 1.216 xe ô tô các loại; 285 tàu, xuống; 32 sà lan; 155 xe cẩu, xúc, xe thang; 202 máy phát điện; 150 tấn gạo tẻ; 69.000 thùng mỳ ăn liền; 8.914 thùng nước đóng chai; 6.000 thanh lương khô; gần 43.000 m3 đá hộc, gần 1.170 m3 đá dăm; 23.400 m3 cát đen, 680 m3 cát vàng…

Đồng thời, chuẩn bị phương án sơ tán tại chỗ đối với 2.122 hộ dân với 6.700 người, sơ tán tập trung đối với 1.084 hộ với trên 4.170 người ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng, tính đến 17h ngày 5/9, lực lượng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.794 phương tiện/5.219 lao động, 173 lồng bè/285 lao động, 24 chòi canh/14 lao động đang hoạt động và neo đậu biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Trong đó, có 285 phương tiện/1.131 lao động đang hoạt động, 1.509 phương tiện/4.088 lao động đang neo đậu tại các bến. Hiện, Hải Phòng không có phương tiện đang hoạt động nằm trong khu vực nguy hiểm. Tổng số lồng bè trên biển là 173 lồng bè/285 lao động; 24 chòi canh/14 lao động.

Quảng Ninh cấm biển từ 11h ngày 6/9 để ứng phó bão số 3 (Yagi)

Để ứng phó bão số 3, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương cấm biển, tạm dừng cấp phép cho phương tiện thủy ra khơi.

Từ 11h ngày 6/9, các phương tiện thủy ở Quảng Ninh tạm dừng ra khơi

Từ 11h ngày 6/9, các phương tiện thủy ở Quảng Ninh tạm dừng ra khơi

Ngày 5/9, để chủ động phòng, chống bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện cấm biển từ 11h ngày 6/9.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi.

Trưa 5/9, bão số 3 Yagi ở trên khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500 km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Dự kiến khoảng chiều và đêm 7/9, bão di chuyển vào đất liền từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Trước đó, chiều 3/9, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành công văn về tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với bão số 3.

Vàng miếng SJC giảm nửa triệu đồng

Giá mỗi lượng vàng miếng giảm 500.000 đồng, về 80,5 triệu đồng, sau hơn 2 tuần đi ngang.

Vàng miếng SJC giảm nửa triệu đồng

Vàng miếng SJC giảm nửa triệu đồng

Sáng 5/9, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 79,5 triệu đồng, giảm nửa triệu so với 4/9. Theo quy định, các đơn vị này được phép bán chênh tối đa 1 triệu đồng so với giá họ mua từ cơ quan quản lý.

Biểu giá bán mỗi lượng vàng miếng của SJC được thay đổi, sau hơn 2 tuần giữ ở mức 81 triệu đồng. Theo đó, giá mỗi lượng vàng miếng thương hiệu này lùi về 80,5 triệu đồng. Chiều mua vào cũng giảm tương đương, xuống 78,5 triệu đồng.

Một số thương hiệu khác, như Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá bán loại vàng này ngang với SJC.

Trong khi đó, vàng nhẫn trơn tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm 4/9, lên 77,25 - 78,55 triệu đồng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng hiện quanh 2.495 USD, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank ở mức hơn 75 triệu đồng một lượng. Theo đó, mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn 5 triệu đồng so với thế giới, còn vàng nhẫn là trên 3,5 triệu đồng.

Tỷ giá ngân hàng xuống thấp nhất gần 6 tháng

Giá bán USD trong ngân hàng chiều 5/9 giảm xuống 24.930 đồng, thấp nhất từ giữa tháng 3.

Tỷ giá ngân hàng xuống thấp

Tỷ giá ngân hàng xuống thấp

Vietcombank - ngân hàng đứng đầu về giao dịch ngoại hối niêm yết giá mua bán USD ở mức 24.560 - 24.930 đồng, giảm 85 đồng so với hôm 4/9 và 100 đồng so với đầu tuần này.

Tại những ngân hàng khác, giá USD cũng lùi sâu. VietinBank bán USD ở mức 24.905 đồng, trong khi mua vào 24.565 đồng. Techcombank, Eximbank hay BIDV đặt giá bán USD quanh ngưỡng 24.910 - 24.925 đồng, giảm khoảng 90 - 100 đồng so với hôm 4/9. Tỷ giá hiện tại trong nhiều ngân hàng tương đương vùng giao dịch giữa tháng 3, tức thấp nhất gần 6 tháng.

So với đỉnh xác lập cuối tháng 6 (mức 25.473 đồng), tỷ giá ngân hàng đã giảm gần 2,2%. Mức tăng giá đồng bạc xanh cũng thu hẹp chỉ còn hơn 2% so với thời điểm cao nhất trên 4% hồi đầu năm.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.222 đồng. Giá bán USD của các nhà băng hiện cao hơn tỷ giá trung tâm chưa tới 3%, cách xa mức tối đa theo biên độ là 5%.

Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ bán đôla Mỹ quanh 25.300 đồng, giảm gần 3% so với mức đỉnh cuối tháng 6.

Siêu công viên gần 100 ha ở Hà Nội dự kiến có 4 quảng trường

UBND quận Hà Đông (TP. Hà Nội) dự kiến làm 4 quảng trường trong công viên văn hóa - vui chơi, giải trí, thể thao rộng 92 ha.

Phương án thiết kế tổng thể kiến trúc cảnh quan công viên rộng gần 100ha ở quận Hà Đông.

Phương án thiết kế tổng thể kiến trúc cảnh quan công viên rộng gần 100ha ở quận Hà Đông.

UBND quận Hà Đông vừa phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc Dự án Khu công viên văn hóa - vui chơi, giải trí, thể thao nằm trên 2 phường Hà Cầu và Kiến Hưng.

Theo phương án kiến trúc đoạt giải, công viên sẽ có 4 quảng trường nằm ở các cổng chính.

Cụ thể, quảng trường trung tâm rộng 17.300 m2, đại diện cho nền văn hóa xứ Đoài, thể hiện sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, tình yêu của con người với đất nước, với cuộc sống sinh tồn. Nền quảng trường được vẽ hình ảnh voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Quảng trường lễ hội rộng 11.470 m2, là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí. Trong khuôn viên sẽ có các khu vườn cổ tích, sân cầu lông, đá cầu... Bố cục sân theo nhiều vòng tròn đồng tâm, được tạo bằng các dải cây xanh, dải màu vật liệu.

Quảng trường ký ức rộng 15.500 m2 có thể là nơi vinh danh các nhân tài đất nước. Tâm quảng trường là biểu tượng dải lụa tạo hình giống chiếu lệnh của vua Lê Nhân Tông cử danh nhân Hoàng Trình Thanh (người làng Đa Sỹ, nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) đi sứ nhà Minh từ năm 1443 - 1460, có nhiều đóng góp cho dân tộc.

Quảng trường thể dục thể thao rộng 8.200 m2 được cách điệu bằng các đường cong mạnh, kết hợp với màu sắc của 5 châu (5 vòng tròn Olympic). Điều này sẽ giúp công viên không thể lẫn với mọi công viên đã có ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Cùng với 4 quảng trường, trong công viên còn có nhiều khu vườn mang tính đặc trưng như vườn truyền thống; vườn làng nghề dệt lụa Vạn phúc, làm nón làng Chuông, rèn Đa Sỹ; vườn Nhật Bản được thiết kế trong khu cây xanh yên tĩnh, cạnh chòi đánh cờ; vườn Anh có các bãi cỏ rộng để nghỉ ngơi thư giãn…

Tại phiên chất vấn của HĐND TP. Hà Nội vào ngày 3/7, bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, Quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 52 ha.

Thuế TP.HCM kiến nghị giải quyết hồ sơ đất đai

Hơn 8.800 hồ sơ đất đai tồn đọng trong vòng một tháng, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố sớm điều chỉnh bảng giá đất và hướng dẫn.

Người dân nộp hồ sơ thuế tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh
Người dân nộp hồ sơ thuế tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh

Tại văn bản gửi UBND TP.HCM mới đây, Cục Thuế TP.HCM cho biết, hàng nghìn hồ sơ thuế tồn đọng phát sinh từ sau ngày 1/8. Trong đó, 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ...). Số hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền và chuyển mục đích lần lượt là 346 và 277.

Lượng hồ sơ tồn đọng, bị treo này chưa được giải quyết do cơ quan thuế vẫn chờ hướng dẫn cách tính thuế mới, khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định 103 có hiệu lực từ 1/8.

Những bất cập trong giải quyết hồ sơ, nhất là khâu tính thuế từng được Cục Thuế TP.HCM kiến nghị Thành phố xem xét, xử lý. Lần này, họ tiếp tục kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất. Thành phố cũng cần hướng dẫn cơ quan thuế việc áp dụng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...

Ngoài ra, để tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại, Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ báo cáo Tổng cục Thuế các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.

UBND TP.HCM cho hay, trước đây các hồ sơ tính nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai trên địa bàn được tính dựa trên bảng giá đất hiện tại (xây dựng trên khung giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất - hệ số K). Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 không còn quy định hệ số K, Thành phố tính thuế theo bảng giá cũ và không nhân với hệ số này thì không phù hợp giá thực tế tại địa phương…

Đầu tháng 8, Thành phố cho biết xin ý kiến Trung ương, Thủ tướng gỡ vướng thủ tục đất đai với hồ sơ tồn đọng này. TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý vướng mắc này.

Bắc Giang sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tập trung chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Bắc Giang sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh minh họa

Bắc Giang sẽ xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh minh họa

Tính đến ngày 15/8/2024, tổng số vốn đầu tư công do tỉnh Bắc Giang quản lý khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt hơn 3,69 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch vốn, thấp hơn kế hoạch đề ra.

Khảo sát thực tế cho thấy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị như: Sơn Động (đạt hơn 25%), Lục Nam (hơn 39%), Yên Thế (31%), Lạng Giang (hơn 40%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tỉnh (gần 30%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp Tỉnh (gần 29%).

Để giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 và những năm tiếp theo, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tập trung chấn chỉnh, nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải gắn trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo, cán bộ đối với từng bước triển khai thực hiện dự án. Tỉnh Bắc Giang sẽ xem xét, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND Tỉnh; người đứng đầu các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và cá nhân, tập thể liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ giao vốn, giải ngân vốn.

Đồng thời đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm ở mức hoàn thành nhiệm vụ đối với trường hợp giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60 - 80% so với kế hoạch được giao; không hoàn thành nhiệm vụ đối với trường hợp giải ngân vốn đạt dưới 60% so với kế hoạch được giao.

Trường hợp cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, gây lãng phí, thất thoát vốn thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị kẻ giả mạo công an lừa hơn 700 triệu đồng

Mặc dù sống ở Hà Nội nhưng người phụ nữ lại tin lời kẻ giả mạo Công an tỉnh Thái Bình gọi điện lừa số tiền hơn 700 triệu đồng.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị kẻ giả mạo công an lừa hơn 700 triệu đồng

Người phụ nữ ở Hà Nội bị kẻ giả mạo công an lừa hơn 700 triệu đồng

Ngày 5/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Theo đó, ngày 28/8, Công an phường Kim Liên tiếp nhận đơn trình báo của bà T (SN 1966, trú tại Đống Đa, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Thái Bình.

Đối tượng thông báo bà T có liên quan đến một vụ ma tuý và yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chứng minh tài sản hợp pháp.

Ngày 27/8, bà đã chuyển hơn 700 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó, bà T phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Theo Công an TP. Hà Nội, vừa qua đơn vị đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan công an để lừa đảo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy thủ đoạn này.

Đa phần các nạn nhân là những người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin báo chí, có trường hợp nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Công an TP. Hà Nội cho biết, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.