Bản tin thời sự sáng 7/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 7/10, không có ca mắc mới, Việt Nam đã 35 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng; mở cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào 17 giờ ngày 6/10; thông xe cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào ngày 10/10; thông xe cầu vượt hồ Linh Đàm; 2 dự án cao tốc Bắc Nam không có nhà đầu tư…

Sáng 7/10, không có ca mắc mới, Việt Nam đã 35 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng

Sáng ngày 7/10, Bộ Y tế cho biết không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Đến nay đã 35 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Sáng 7/10, không có ca mắc mới, Việt Nam đã 35 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng
Sáng 7/10, không có ca mắc mới, Việt Nam đã 35 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 7/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 6/10 đến 6h ngày 7/10 không có ca mắc mới.

Đến hôm nay ngày 7/10, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 35 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.550 người. Trong đó, 261 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.817 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 2.472 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị -Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.023 bệnh nhân/1.098 bệnh nhân Covid-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Thông xe cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào ngày 10/10

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có vai trò rất quan trọng với ngành GTVT, đặc biệt là với giao thông Thủ đô.

Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long

Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã hoàn thành thi công, đảm bảo các điều kiện để thông xe vào ngày 10/10/2020.

Dự án được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng, có tổng chiều dài 5,367 km; trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4 m.

Dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vối đối ứng trong nước).

Cũng theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, sau khi phần cầu chính được thông xe, từ tháng 10/2020, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công 6 nhánh lên xuống và dự kiến kết thúc toàn bộ vào cuối tháng 12/2020 để khai thác đồng bộ với Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư) dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.

Thông xe cầu vượt hồ Linh Đàm

Hai cầu vượt hồ Linh Đàm với tổng mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng được khánh thành sáng ngày 6/10.

Cầu vượt hồ Linh Đàm được thông xe vào sáng ngày 6/10

Cầu vượt hồ Linh Đàm được thông xe vào sáng ngày 6/10

Quy mô Dự án bao gồm xây dựng 2 cầu đi thấp qua hồ Linh Đàm với tổng chiều dài cầu gần 542 m, chiều rộng mỗi cầu 13 m; bố trí 2 nhánh kết nối với đường vành đai 3 trên cao, tổng chiều dài gần 555 m, bề rộng mỗi cầu 7m. Ngoài ra còn có đường đầu cầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Hoàng Liệt.

Hai cầu vượt đi thấp được thiết kế song song với cầu cạn đường vành đai 3; mỗi bên dài hơn 260 m, rộng 13 m, chia làm ba làn, hai làn ôtô và một làn xe máy.

Hai nhánh cầu lên xuống nằm song song và sát vành đai 3 trên cao rộng 7 m, thiết kết hai làn xe ôtô; nhánh lên dài 288 m, nhánh xuống dài 266 m.

Cả hai cầu vượt qua hồ Linh Đàm có tổng mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 14,7 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 258 tỷ đồng…

Sau gần 11 tháng thi công, việc khánh thành công trình này giúp giảm tải cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Cũng với dự án này, tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng được khép kín đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Hai dự án cao tốc Bắc Nam không có nhà đầu tư

Hai dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu theo hình thức xã hội hóa (PPP) không có đơn vị tham gia đấu thầu.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng có điểm đầu tại ngã ba xã Lộc Sơn, điểm kết thúc ở Túy Loan, huyện Hòa Vang

Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP. Đà Nẵng có điểm đầu tại ngã ba xã Lộc Sơn, điểm kết thúc ở Túy Loan, huyện Hòa Vang

Ngày 6/10, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong hai ngày 2 và 5/10, Bộ đã mở thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước của 5 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP, gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Kết quả 3 dự án đã có 2 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ mời thầu, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm; dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 3 nhà đầu tư tham gia. Còn lại 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư. Bộ GTVT đã gia hạn thời điểm đóng thầu đến 12/10 để thu hút thêm nhà đầu tư tham gia. Trường hợp các dự án này vẫn không có nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hình thức đầu tư khác.

Cao tốc Bắc Nam có 11 dự án thành phần, trong đó 6 dự án đầu tư công đã được khởi công, còn 5 dự án xã hội hóa theo hình thức PPP đang lựa chọn nhà đầu tư trong nước.

Mở cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào 17 giờ ngày 6/10

Các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy... cần chủ động các biện pháp phòng tránh lũ để đảm bảo an toàn.

Mở cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào 17 giờ ngày 6/10. Ảnh minh họa

Mở cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào 17 giờ ngày 6/10. Ảnh minh họa

Theo đó, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Công ty Thủy điện Tuyên Quang đã có thông báo về việc mở cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 17 giờ ngày 6/10/2020.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò, cầu phao ngang sông; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh để đảm bảo an toàn về người, tài sản; rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.