Bản tin thời sự sáng 7/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ về lại các bộ; TP.HCM đề xuất mức hỗ trợ hơn 1.000 nhân sự dôi dư khi sáp nhập phường; Đà Nẵng sẽ đầu tư hàng loạt công trình cho khu thương mại tự do; Hải Phòng hỗ trợ tiền thuê chung cư cho hộ chính sách…

19 tập đoàn, tổng công ty sẽ về lại các bộ

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ quản lý ngành.

Việc đưa 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành quản lý cần phải làm nhanh

Việc đưa 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành quản lý cần phải làm nhanh

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Văn bản số 141 về kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về các bộ quản lý ngành. Đơn vị này sẽ được nghiên cứu mô hình tổ chức mới theo hướng trực thuộc Chính phủ.

Với một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng công ty Đường sắt, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam... sẽ chuyển tổ chức đảng về trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

Trong Hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 6/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề cập tới Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo ông Phớc, định hướng sáp nhập, chia tách các đơn vị nhằm giúp bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, tinh gọn hơn.

Theo kế hoạch, một phần của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ về bộ ngành, số còn lại về Bộ Tài chính. "Về vấn đề quản lý doanh nghiệp, chúng tôi đang tổng hợp ý kiến, Ủy ban Quản lý vốn sẽ họp với các doanh nghiệp, bộ ngành về việc sắp xếp như thế nào", ông Phớc cho biết.

Ông Phớc nói, quan điểm là đưa các doanh nghiệp trở về với các bộ ngành và hệ thống cán bộ cũng đi theo. Ông lưu ý trong quá trình này, mối quan hệ giữa quản lý vốn, ngành và mối quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ quản lý vốn là những vấn đề phải tính đến. Việc này để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất.

Ông nhấn mạnh, việc này "cần làm thật nhanh, thậm chí trước ngày 25/2 phải hoàn thành... Ủy ban cần tập trung thực hiện một cách khoa học, hiệu quả nhất, tránh tâm lý dao động, hoang mang, gián đoạn công việc".

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được lập từ tháng 2/2018, là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

TP.HCM đề xuất mức hỗ trợ hơn 1.000 nhân sự dôi dư khi sáp nhập phường

Thành phố dự kiến chi 175 tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ thêm cho trường hợp nghỉ việc do tinh giản biên chế, trong đó có hơn 1.000 cán bộ dôi dư khi sáp nhập 80 phường.

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP. Thủ Đức

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP. Thủ Đức

Đó là một phần trong tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND Thành phố quy định chế độ hỗ trợ cho trường hợp nghỉ khi sắp xếp đơn vị hành chính, nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi ứng, tái cử hoặc nghỉ tự nguyện.

Theo chính quyền TP.HCM, khi sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giản biên chế sẽ có nhiều cán bộ dôi dư, phải nghỉ việc, cần chính sách hỗ trợ. Từ nay đến năm 2035, Thành phố dôi dư khoảng 1.000 người do sắp xếp 80 phường ở 10 quận.

UBND TP.HCM đề xuất, với những người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chính sách hưởng theo Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, sẽ được trợ cấp 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác người lao động nhận thêm nửa tháng lương.

Cán bộ, công chức cấp xã phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài chế độ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 29, UBND TP.HCM đề xuất trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được cấp thêm nửa tháng lương.

Cán bộ nữ cấp xã nghỉ do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài chế độ theo khoản 2, Điều 8 Nghị định 29, sẽ được trợ cấp thêm 5 tháng lương và 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Những cán bộ thôi việc ngay được trợ cấp thêm 3 tháng lương để tìm việc làm, 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác.

Người nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được trợ cấp thêm 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm trợ cấp thêm nửa tháng lương. Hỗ trợ này cũng áp dụng cho người nghỉ hưu trước tuổi do nguyên nhân bất khả kháng, sức khỏe giảm sút…

Ngoài sáp nhập 80 phường ở 10 quận, khi triển khai Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, TP.HCM định hướng giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính và 24 đảng bộ so với hiện tại.

Đà Nẵng sẽ đầu tư hàng loạt công trình cho khu thương mại tự do

Thành phố dự kiến đầu tư 3 dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội bên trong và 30 dự án bên ngoài phục vụ cho khu thương mại tự do.

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân đang được xây dựng đường giao thông và hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu, sau này kết nối với khu thương mại tự do

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân đang được xây dựng đường giao thông và hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu, sau này kết nối với khu thương mại tự do

UBND TP. Đà Nẵng vừa có tờ trình Danh mục chuẩn bị đầu tư, ưu tiên bố trí vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài khu thương mại tự do, gửi HĐND Thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Theo đó, 3 dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội bên trong khu thương mại tự do được xây dựng tại Hòa Vang, gồm: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho các khu sản xuất; Hạ tầng kỹ thuật chung cho các khu logistics và Hạ tầng kỹ thuật chung cho các khu thương mại dịch vụ và chức năng khác.

Các vị trí hình thành khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ) thuộc khu thương mại tự do chưa được cấp thẩm quyền quyết định. Việc đề xuất dự án là bước đầu nhằm đẩy nhanh xây dựng khi Đề án thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng đã được Chính phủ phê duyệt.

30 dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn lại ngoài khu thương mại tự do được xây dựng tại huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và Thanh Khê. Trong đó có Dự án Hạ tầng kỹ thuật logistics và cảng cạn; khu đô thị mới số 1 và số 2; khu đô thị dịch vụ cảng biển ven sông Cu Đê; các khu tái định cư, nhà ở cao tầng...

Thêm vào đó là hàng loạt dự án về giao thông, như Nâng cấp, mở rộng tuyến đường tránh Nam Hải Vân; Tuyến đường bao sân bay; Đường nối cảng Liên Chiểu với trung tâm logistics, khu sản xuất - khu thương mại tự do đến cao tốc Bắc Nam, mở rộng và nối dài nhiều tuyến đường ở phía Tây Thành phố.

Đà Nẵng muốn phát triển chip bán dẫn, AI ở khu thương mại tự do nên trong số 33 dự án dự kiến đầu tư có Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng, cùng nhiều tuyến đường kết nối Khu công nghệ cao với đường vành đai, Quốc lộ 14B.

Giữa tháng 6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Trong đó, Thành phố được lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Hải Phòng hỗ trợ tiền thuê chung cư cho hộ chính sách

TP. Hải Phòng sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà tại chung cư thuộc sở hữu nhà nước cho các hộ gia đình chính sách với mức từ 65% đến 100%.

Chung cư HH3 - HH4 Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền mới được xây dựng

Chung cư HH3 - HH4 Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền mới được xây dựng

Theo nghị quyết được HĐND TP. Hải Phòng thông qua sáng 6/12, 300 hộ gia đình chính sách sẽ được Thành phố hỗ trợ mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng để thuê nhà.

Cụ thể, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, hoặc người trong gia đình được tặng huy chương kháng chiến được hỗ trợ 65%.

Thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40% hoặc bị địch bắt tù, đày; người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công", bằng "Có công với nước", Huân chương kháng chiến, thân nhân liệt sĩ, mức hỗ trợ 70%.

Thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60% được hỗ trợ 80%.

Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%, mức hỗ trợ 90%.

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng, mức hỗ trợ 100%.

Ngoài ra, hộ nghèo, cận nghèo và người diện bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ 60% tiền thuê nhà ở.

Nghị quyết này cũng quy định mức hỗ trợ cho các hộ dân phải di dời khỏi các khu chung cư xuống cấp, không thể sử dụng 5 triệu đồng/hộ. Các hộ này nếu tự lo chỗ ở mới sẽ được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng trong 24 tháng.

Bộ Công Thương xóa bỏ Tổng cục Quản lý thị trường

Bộ Công Thương thống nhất kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường và nghiên cứu sắp xếp đơn vị này theo mô hình mới.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kho hàng nhập lậu trên địa bàn TP. Hà Nội
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kho hàng nhập lậu trên địa bàn TP. Hà Nội

Nội dung trên được nêu tại công văn hỏa tốc của Bộ Công Thương về Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương liên quan tới sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.

Theo đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thống nhất chủ trương sẽ kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc Bộ với Tổng cục Quản lý thị trường. Đơn vị này sẽ được nghiên cứu đề xuất sắp xếp theo mô hình mới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng rà soát, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các đơn vị trực thuộc Bộ được yêu cầu sớm rà soát hoạt động và đề xuất việc tiếp tục hoặc không tiếp tục duy trì đơn vị.

Trường hợp đề xuất tiếp tục duy trì đơn vị, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị có phương án sắp xếp mô hình tổ chức hiệu quả. Ngược lại, trường hợp đơn vị đánh giá không cần thiết duy trì thì phải có phương án sắp xếp, tổ chức lại. Báo cáo phải gửi về Bộ trước ngày 8/12.

Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập theo Quyết định số 34/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường. Đơn vị này thuộc Bộ Công Thương, được quản lý bởi 1 Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng. Hiện Tổng cục trưởng do ông Trần Hữu Linh đảm nhiệm. Bốn Phó Tổng cục trưởng gồm: ông Hoàng Ánh Dương, bà Chu Thị Thu Hương, ông Nguyễn Thanh Bình và ông Nguyễn Thành Nam.

Tại thời điểm thành lập, cơ cấu của quản lý thị trường được tổ chức lại theo ngành dọc. Cụ thể, các cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố sẽ chịu quản lý trực tiếp của Tổng cục. Đội quản lý thị trường cấp huyện, quận... trực thuộc cục cấp tỉnh, thành phố quản lý.

TP.HCM dự kiến có thêm 70.000 căn nhà ở xã hội 5 năm tới

Các doanh nghiệp cam kết từ nay đến năm 2030 sẽ xây hơn 52.000 căn nhà ở xã hội từ quỹ đất của mình, 18.000 căn còn lại được xây trên quỹ đất công và ngân sách thành phố.

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM

Thông tin trên được ông Phạm Minh Mẫn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tại Hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội do UBND TP.HCM tổ chức, sáng 6/12. "Số lượng nhà ở xã hội này phù hợp với chỉ tiêu trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Thủ tướng giao Thành phố", ông Mẫn nói.

Cụ thể, TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vào 7 khu đất công với tổng diện tích hơn 27 ha. Trong đó, 2 khu đất hơn 2,2 ha lần lượt ở phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức và phường Tân Thới Nhất, Quận 12 đã được Thành phố đền bù, giải phóng mặt bằng. Quy mô 2 dự án này là 840 căn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 860 tỷ đồng.

5 khu đất khác nằm rải rác ở Quận 4 (360 Bến Vân Đồn và 61B đường số 16) và 3 khu ở phường Phước Long B và Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức, có diện tích hơn 25 ha, quy mô gần 3.000 căn, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng.

Sau khi công bố 7 dự án, tại Hội nghị có 21 doanh nghiệp đăng ký và cam kết từ nay đến năm 2030 sẽ cùng xây gần 52.200 căn nhà ở xã hội. Trong đó, 9 doanh nghiệp có quỹ đất cụ thể ở các quận 7, Bình Tân, Bình Chánh và TP. Thủ Đức với hơn 11.600 căn. Các doanh nghiệp còn lại cam kết sẽ tìm quỹ đất trên địa bàn để đầu tư với tổng số hơn 40.500 căn.

Theo ông Mẫn, Thành phố còn có gói đầu tư công 11.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội với quy mô 10.000 căn. Kết hợp cả ba nguồn, từ nay đến năm 2030, Thành phố sẽ có 70.000 căn.

Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang bị bắt

Ông Nguyễn Bảo Trung, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để can thiệp, giúp doanh nghiệp khai thác cát lậu lớn nhất nước.

Ông Nguyễn Bảo Trung, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang

Ông Nguyễn Bảo Trung, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang

Ngày 6/12, ông Nguyễn Bảo Trung, 50 tuổi, cựu Chánh văn phòng tỉnh, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Trung bị cáo buộc đã can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu) được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh giấy phép khai thác trái quy định của pháp luật.

Theo điều tra ban đầu, Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát cung cấp cho 4 công trình thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Mỏ cát nằm trên xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, lãnh đạo công ty này đã chỉ đạo khai thác tới hơn 4,7 triệu m3 cát, trị giá tạm tính 253 tỷ đồng.

Liên quan vụ án khai thác cát lậu lớn nhất nước này, năm ngoái, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bị bắt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng.

Trong 22 người còn lại bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ có 7 cựu cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm quan trắc.

Riêng ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu bị điều tra hàng loạt tội danh: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Đưa hối lộ.

Tin cùng chuyên mục