Bản tin thời sự sáng 7/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26; Vietnam Post hoạt động trở lại tại bưu cục sau khi bị mã độc tấn công; Chính phủ yêu cầu không để 'vàng hóa' nền kinh tế; 10 đoàn tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội vừa được đăng kiểm…

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26

Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/6 cho biết, Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc về vụ việc này.

Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự; tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ UNCLOS 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); thực hiện nghiêm túc nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Vietnam Post hoạt động trở lại tại bưu cục sau khi bị mã độc tấn công

Hiện tại, các dịch vụ trên nền tảng số của Vietnam Post vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại sau khi bị mã độc tấn công vào ngày 4/6.

Vietnam Post khuyến nghị khách hàng đến bưu cục để được cung cấp dịch vụ đầy đủ nhất

Vietnam Post khuyến nghị khách hàng đến bưu cục để được cung cấp dịch vụ đầy đủ nhất

Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vừa thông báo các hoạt động cung cấp dịch vụ đã trở lại bình thường tại các bưu cục sau sự cố bị mã độc tấn công. Tuy nhiên, các dịch vụ trên nền tảng số của đơn vị này vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại.

Vietnam Post khuyến nghị khách hàng tới các bưu cục để được cung cấp dịch vụ đầy đủ nhất. Đơn vị cũng cho biết, các hoạt động hỗ trợ khách hàng sẽ được thực hiện qua kênh hotline, livechat trên các nền tảng mạng xã hội.

Trước đó vào trưa 4/6, Vietnam Post thông báo dịch vụ gián đoạn do ảnh hưởng từ cuộc tấn công mạng. Doanh nghiệp cho biết, hệ thống công nghệ thông tin đã bị tấn công mạng khiến nhiều dịch vụ bưu chính chuyển phát bị gián đoạn.

Nhiều người dùng dịch vụ của hệ thống bưu điện Việt Nam đã phản ánh về việc không thể truy cập website của Vietnam Post. Hiện tại, trang web này vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại.

Vietnam Post cho biết, sự cố xảy ra vào lúc 3h10 sáng 4/6, do tấn công ransomware (mã độc tống tiền). Hậu quả là các dịch vụ liên quan đến bưu chính chuyển phát như bưu điện, bưu kiện, EMS... bị ảnh hưởng, không thể thực hiện giao dịch trực tuyến.

Ngay khi phát hiện sự cố, Vietnam Post đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có việc ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu.

Cho đến hiện tại, người dùng vẫn chưa thể truy cập vào các trang web có chứa "vnpost.vn" trong tên miền của Bưu điện Việt Nam và các ứng dụng liên quan.

Đại diện của Vietnam Post cho biết đang làm việc với các cơ quan chức năng và phối hợp với các đối tác là các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam để nỗ lực xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng.

Chính phủ yêu cầu không để 'vàng hóa' nền kinh tế

Chính phủ yêu cầu không để xảy ra "vàng hóa" nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Người dân mua vàng ở chi nhánh của một trong 4 ngân hàng quốc doanh

Người dân mua vàng ở chi nhánh của một trong 4 ngân hàng quốc doanh

Tại Nghị quyết ngày 5/6, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng. Cơ quan này phải khắc phục tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch.

"Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô", Nghị quyết nêu.

Vàng hóa nền kinh tế là hiện tượng kim loại quý lấn át hoặc thay thế đồng tiền trong nước, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ. Hơn 10 năm trước, tình trạng này xảy ra, tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, người dân. Vàng trở thành nơi "làm ăn" của giới đầu cơ. Trong khi, người dân có thói quen quy đổi giá trị của một vật ra số vàng tương ứng, như một chiếc xe bằng 10 lượng.

Năm 2012, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành, giúp cân bằng cung - cầu, ổn định thị trường.

Từ đầu năm nay, giá vàng liên tục biến động, hôm 10/5 chạm ngưỡng 92 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá trong nước và thế giới nới rộng, 18 - 20 triệu đồng.

Nhiều người có xu hướng chuyển sang tích trữ vàng, khiến nhu cầu kim loại quý tăng mạnh. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, quý I, Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng tăng 12%, tiêu dùng thêm 6% so cùng kỳ năm 2023.

Lo ngại về tình trạng vàng hóa, Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần phát đi thông điệp yêu cầu cơ các bộ, ngành phải có giải pháp để ổn định thị trường. Sau phương án tăng cung cho thị trường qua đấu thầu vàng không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước thay đổi sang bán vàng bình ổn tại 4 ngân hàng quốc doanh và SJC.

10 đoàn tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội vừa được đăng kiểm

10 đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật, đủ điều kiện để vận hành.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với 10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với 10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với 10 đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Đến 5/6, cả 10 đoàn tàu đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Đây là một cột mốc quan trọng, đảm bảo các đoàn tàu đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và môi trường, đủ điều kiện vận hành trên đường sắt.

Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là chứng chỉ xác nhận phương tiện, tổng thành, thiết bị, linh kiện đã được kiểm tra theo quy định hiện hành.

Hiện 10 đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã được dán tem kiểm định, là biểu trưng cấp cho phương tiện giao thông đường sắt đã kiểm định đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan.

Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong những dự án giao thông quan trọng của Thành phố, với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện hệ thống vận tải công cộng và góp phần bảo vệ môi trường.

Cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa kéo), với 3 toa/4 toa sử dụng động cơ xoay chiều 3 pha, giá chuyển hướng lò xo không khí lắp đặt để tăng cao độ tin cậy khi vận hành. Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 944 - 1124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng từ 6,6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Dự án sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng. Các đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1435 mm), thân tàu sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, thân thiện với môi trường.

Bộ Công Thương bỏ quy định điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng

Dự thảo Nghị định mới về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đã bỏ quy định "giá 0 đồng", thay bằng quy định "tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức".

Chủ trương của loại hình điện mặt trời mái nhà là cho mục đích tự dùng, không mua bán

Chủ trương của loại hình điện mặt trời mái nhà là cho mục đích tự dùng, không mua bán

Trong bản dự thảo Nghị định mới về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cụm từ "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán" ở bản dự thảo cũ đã được loại bỏ ở bản mới. Thay vào đó, Bộ Công Thương nêu, "phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức".

Một điểm mới nữa là quy định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt trên 1 MW và lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa, kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Thay cho đề xuất trước đó là 500 kWp.

Riêng về việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối lưới, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên đề xuất "ưu tiên phát triển không giới hạn công suất".

Dự thảo mới cũng quy định thêm, công trình xây dựng hiện hữu trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm đã tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Dự thảo mới cũng quy định thêm UBND cấp tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với đơn vị điện lực địa phương, rà soát và công khai trên cổng thông tin quy mô công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối lưới theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) về tổng công suất đã được cấp giấy chứng nhận phát triển và tổng công suất còn lại.

Thời điểm công khai nội dung này cần thực hiện hàng ngày và ngay sau khi có sự thay đổi về công suất phát triển.

Tổng kiểm tra các bến thủy nội địa không phép từ ngày 1/7

Tổng số bến thủy nội địa không phép trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 1.902 bến; trong đó, 991 bến hết hạn hoạt động, 909 bến hoạt động không phép.

Tổng kiểm tra các bến thủy nội địa không phép từ ngày 1/7

Tổng kiểm tra các bến thủy nội địa không phép từ ngày 1/7

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang lên kế hoạch tổng kiểm tra các bến thủy nội địa không phép trên toàn quốc từ ngày 1/7.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra để bộ chủ trì hoặc giao cục chủ trì phối hợp với các địa phương, các lực lực lượng triển khai. Thời gian từ 1/7 - 31/12/2024 tiến hành kiểm tra cuốn chiếu trên các tuyến, kết thúc năm 2024 phải hoàn thành toàn bộ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, qua kiểm tra làm rõ bến nào phải đình chỉ; bến nào có đủ điều kiện, có nhu cầu vận tải thực sự, có cấp phép được không, vướng ở đâu, xử lý thế nào; và xác định rõ trách nhiệm do đâu. Trong quá trình này, khi xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động phải đánh giá được tác động đến vận tải.

Với những cảng, bến đã có quy hoạch, đủ điều kiện cấp phép, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang gợi ý cần hướng dẫn chủ cảng, bến thực hiện các thủ tục theo quy định. Thực hiện chủ trương làm sao tập trung, thu hút được nhà đầu tư có năng lực đầu tư cảng, bến thủy.

Hiện tổng số cảng, bến thủy nội địa đã được công bố, cấp phép và đang hoạt động là 5.553 cảng, bến, gồm 310 cảng và 5.243 bến có phép. Tổng số bến thủy nội địa không phép trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 1.902 bến; trong đó, 991 bến hết hạn hoạt động, 909 bến hoạt động không phép.

TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 4.000 tỷ đồng

Các nhà cung cấp nước ngoài như Goolge, Facebook, TikTok... đã trực tiếp nộp hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế trong 5 tháng đầu năm.

TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 4.000 tỷ đồng

TikTok, Facebook và loạt ông lớn nộp thuế hơn 4.000 tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 2 đơn vị so với tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...

Tính đến ngày 15/5, họ đã nộp hơn 4.000 tỷ đồng. Với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 đến thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp 15.000 tỷ đồng. Mức này tăng gần 4.700 tỷ so với cuối năm ngoái.

Cơ quan thuế cho biết, thời gian tới sẽ rà soát các nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký, khai, nộp thuế trên cổng thông tin. Nhà chức trách cũng nâng cấp hệ thống, tạo thuận lợi cho khai, nộp thuế. Giải pháp nữa là cơ quan thuế cùng các bộ, ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu để tránh thất thu, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Đến nay, ngành tài chính ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Họ cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu từ 361 sàn.

Với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu tài khoản so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 của ngân hàng.

Chủ khu du lịch ở Đà Lạt xây 88 công trình sai phép

Chủ đầu tư khu du lịch Nam Hồ, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xây hàng chục công trình sai giấy phép bị phạt 330 triệu đồng và buộc tháo dỡ phần sai phạm.

Công trình bên trong khu du lịch Nam Hồ

Công trình bên trong khu du lịch Nam Hồ

UBND TP. Đà Lạt vừa ban hành 8 quyết định xử lý hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty CP Xây dựng - Du lịch Nam Hồ (chủ đầu tư).

Trong đó, 3 quyết định xử phạt với tổng số tiền 330 triệu đồng về cùng hành vi xây dựng sai giấy phép và bản vẽ thiết kế của cơ quan chức năng tại khu đất ở Phường 11, TP. Đà Lạt. 5 quyết định buộc khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự xây dựng, do đã quá thời hiệu xử phạt là 2 năm.

Công ty CP Xây dựng - Du lịch Nam Hồ được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 10,3 ha đất lâm nghiệp để đầu tư khu du lịch với tổng vốn hơn 110 tỷ đồng. Dự án được cấp phép xây dựng 95 công trình, sau gần 20 năm, nơi đây có 88 công trình đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, 5 công trình đang xây dựng.

Trước đó, UBND TP. Đà Lạt xác định, có 88 công trình thi công sai giấy phép, gồm: 3 khối công trình khu nhà ở ẩm thực có kiến trúc mái và tầng hầm không đúng giấy phép; 15 khối công trình khu nhà ở, khu trà hoa viên sai lệch giấy phép được cấp và bản vẽ thiết kế đã được duyệt. Tổng diện tích hầm, nhà sai phạm tại dự án này trên 2.500 m2.

Các năm 2020 và 2022, chính quyền lần lượt ban hành 3 quyết định xử phạt với tổng số tiền 190 triệu đồng đối với 57 công trình. Diện tích vi phạm được xác định khoảng 1.140 m2. Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trong thời hạn 90 ngày. Tuy nhiên, đến nay mới có 4 công trình được khắc phục.

Tàu SE10 tông xe máy xúc ở Bình Thuận, đường sắt Bắc - Nam gián đoạn

Tàu SE10 va chạm với xe múc đang thi công nâng cấp tuyến đường sắt tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận, khiến đường sắt Bắc - Nam gián đoạn.

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

Chiều 6/6, trên địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, xảy ra tai nạn giao thông đường sắt khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận bị gián đoạn.

Theo thông tin ban đầu, tàu SE10 đang di chuyển từ Bình Thuận đi Ninh Thuận, đến Km 1504 + 900 qua huyện Bắc Bình, đã tông phải xe máy xúc của một nhà thầu thi công nâng cấp dự án đường sắt.

Tại hiện trường, đầu máy kéo tàu SE10 dính vào máy xúc. Rất may, vụ tai nạn không có thương vong nhưng nhiều đoàn tàu phải dừng tại các ga Mương Mán, Tháp Chàm.

Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, phân tích nguyên nhân vụ tai nạn. Đến tối cùng ngày, hiện trường vụ tai nạn vẫn chưa được giải tỏa, tuyến đường sắt qua Bình Thuận vẫn gián đoạn.

Tin cùng chuyên mục