Bản tin thời sự sáng 7/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thuê nhà trên 15 m2 mới được đăng ký thường trú ở Hà Nội; 5 huyện ở TP.HCM muốn lên thẳng thành phố; HoSE đưa cổ phiếu HPX của Hải Phát vào diện cảnh báo; thành viên Trungnam Group chậm trả gốc, lãi lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng; công ty thu hồi nợ xấu VAMC lãi kỷ lục…

Thuê nhà trên 15 m2 mới được đăng ký thường trú ở Hà Nội

HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định người thuê nhà ở ngoại thành phải đạt tối thiểu 8 m2, nội thành 15 m2 mỗi người, mới được đăng ký thường trú.

Người thuê nhà trong nội thành Hà Nội phải đảm bảo diện tích tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú

Người thuê nhà trong nội thành Hà Nội phải đảm bảo diện tích tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú

Sáng 6/7, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ khi ban hành đến năm 2030.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn Thành phố. Diện tích quy định với khu vực ngoại thành là 8 m2 sàn/người và nội thành là 15 m2 sàn/người.

Quá trình triển khai nghị quyết, UBND TP. Hà Nội cần rà soát, đánh giá các tác động để điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển.

Theo tờ trình, quy định diện tích tối thiểu khu vực ngoại thành 8 m2 sàn/người căn cứ theo Điều 20 Luật Cư trú năm 2020. Trong đó, diện tích nhà ở tối thiểu - điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Còn điều kiện 15 m2 sàn/người ở khu vực nội thành là kế thừa Nghị quyết 11 của HĐND Thành phố quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để đăng ký thường trú và Nghị quyết 21 năm 2016 về việc kéo dài thời hạn Nghị quyết số 11.

Trước đó, thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND Thành phố nêu, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất ở nhóm có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ. Dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao, đã vượt quá quy định. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.

5 huyện ở TP.HCM muốn lên thẳng thành phố

5 huyện chọn chuyển lên thành phố thay vì lên quận do khó đạt các tiêu chí đô thị loại đặc biệt và còn nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Huyện Củ Chi nằm ở phía tây bắc TP.HCM với diện tích 435 km2, cách trung tâm TP.HCM 33 km.

Huyện Củ Chi nằm ở phía tây bắc TP.HCM với diện tích 435 km2, cách trung tâm TP.HCM 33 km.

UBND TP.HCM nhận định khó chuyển 5 huyện của Thành phố lên quận do quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có 100% xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường.

Ngoài ra, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh còn nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Theo đó, mô hình thành phố thuộc TP.HCM là phương án được 5 huyện lựa chọn. Đồng nghĩa, các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.

Nội dung được nêu trong báo cáo kết quả 3 năm thực hiện đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM), giai đoạn 2021 - 2030.

UBND TP.HCM nhìn nhận đây là cách làm chưa có tiền lệ và chưa khung quy định cụ thể. Do đó, nội dung các đề án nhánh sẽ thiếu tính đồng bộ. Điều này cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, UBND 5 huyện và đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai.

Về phía các địa phương, huyện Bình Chánh hiện phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III và làm thủ tục đề nghị công nhận thành phố thuộc TP.HCM vào năm 2025. Những huyện còn thiếu tiêu chí dài hạn sẽ lập đề án đề xuất, tính đến phương án sáp nhập các huyện liền kề có tiêu chí chưa đạt để hoàn thiện lẫn nhau.

Ước tính, nhu cầu tổng vốn đầu tư cho 5 huyện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 242.000 tỷ đồng.

HoSE đưa cổ phiếu HPX của Hải Phát vào diện cảnh báo

Vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7/2023.

Tòa nhà The Pride của Hải Phát Invest. Ảnh minh họa

Tòa nhà The Pride của Hải Phát Invest. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Quyết định số 320 của HoSE, cổ phiếu HPX bị đưa vào diện cảnh báo với lý do: Tổ chức niêm yết chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/4, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán đối với ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Trước đó, vợ và em trai ông Hải cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 245/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Quý Hải (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Mức phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng do có hành vi vi phạm hành chính không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Ngoài ra, Chủ tịch Đầu tư Hải Phát còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn 4 tháng.

Tạm dừng thi công trụ sở Văn phòng Petrolimex Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng dự án trụ sở làm việc có vốn 38,2 tỷ đồng của Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng (Petrolimex Lâm Đồng) để rà soát về hồ sơ pháp lý.

Tạm dừng thi công trụ sở văn phòng công ty xăng dầu Lâm Đồng

Tạm dừng thi công trụ sở văn phòng công ty xăng dầu Lâm Đồng

Ngày 6/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến việc đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng của Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng tại số 59 đường Hùng Vương, TP. Đà Lạt.

Trụ sở văn phòng của Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng được khởi công từ tháng 4/2022. Văn phòng gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 2 lầu, tổng diện tích là 2.445 m2, với tổng mức đầu tư 38,2 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Petrolimex Lâm Đồng tạm dừng thi công các hạng mục công trình và liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án; đồng thời, thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định, hoàn thành trước ngày 20/7/2023.

Sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn sử dụng đất và điều chỉnh tiến độ Dự án, Petrolimex Lâm Đồng mới được tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo quy định.

Thành viên Trungnam Group chậm trả gốc, lãi lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng

Công ty CP Năng lượng tái tạo Trung Nam (TNRE), đơn vị thành viên của Trungnam Group, vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Năng lượng tái tạo là mảng chính của Trungnam Group

Năng lượng tái tạo là mảng chính của Trungnam Group

Theo đó, Công ty gia hạn thời gian trả gốc và lãi lô trái phiếu TRECB2223001 tổng trị giá 1.586 tỷ đồng từ ngày 30/6 đến ngày 4/8. Trong đó, 1.500 tỷ đồng là gốc trái phiếu và 86 tỷ đồng là lãi.

Công ty đã đưa ra các lý do cho việc chậm thanh toán lãi và gốc. Thứ nhất, các nhà máy điện thuộc sở hữu mới đi vào vận hành thương mại cuối năm 2021 và vẫn trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế.

Thứ hai, Công ty chịu ảnh hưởng chung của điều kiện khí hậu cả nước, tốc độ gió thực tế trong năm 2022 thấp hơn mức trung bình dự kiến, khiến cho doanh thu các dự án điện gió không đạt theo kế hoạch. Thứ ba, tình hình lãi suất tăng cao làm giảm dòng tiền của các công ty dự án thuộc sở hữu TNRE. Thứ tư, EVN chậm thanh toán tiền điện cho các dự án thuộc TNRE...

Lô trái phiếu TRECB2223001 được huy động vào tháng 6/2022, đáo hạn sau 1 năm. Đây là loại trái phiếu "3 không": không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, đến tháng 8/2022, Công ty còn phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm. Trái phiếu này là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo là 50 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thuộc sở hữu ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Tập đoàn.

Đơn vị đăng ký, lưu ký của cả 2 lô trái phiếu trên là Công ty CP Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND).

Tháng 9, Hà Nội sẽ có 600 xe đạp điện cho thuê giá rẻ phục vụ người dân

Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cho biết, tính đến nay, Công ty đã 4 lần đưa các mẫu xe đạp điện về để kiểm tra, vận hành thử nghiệm. Các trạm cho thuê xe đạp công cộng cũng đã được thay đổi thiết kế, không khoá xe vào thiết bị hay trên mặt đất mà chỉ khoá bánh, đảm bảo tiết kiệm mức đầu tư nhất.

Dự kiến tháng 9, Hà Nội sẽ có 600 xe đạp điện cho thuê giá rẻ phục vụ người dân

Dự kiến tháng 9, Hà Nội sẽ có 600 xe đạp điện cho thuê giá rẻ phục vụ người dân

Dự kiến, cuối tháng 8/2023, Công ty sẽ bố trí hơn 600 xe tại 6 quận nội thành Hà Nội để đưa vào phục vụ người dân từ tháng 9/2023.

Giá thuê một chiếc xe đạp công cộng thông thường sẽ là 5.000 đồng/30 phút; đối với xe đạp điện là 10.000 đồng/30 phút.

Các địa điểm được chọn làm trạm cho thuê xe đạp đều có thể dễ dàng kết nối giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện, đặc biệt tại những nơi có trường học, khu vui chơi, các khu du lịch, tham quan thắng cảnh và nơi đông dân cư để người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ.

Trước đó, tháng 6/2022, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận để Sở Giao thông vận tải và nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Trí Nam triển khai Dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 6 quận nội thành.

Công ty thu hồi nợ xấu VAMC lãi kỷ lục

Báo cáo mới đây của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tổng doanh thu trong năm 2022 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, giảm khoảng 60% so với năm 2021 và chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, lợi nhuận lập kỷ lục với 165 tỷ đồng. Mức lãi này tăng hơn 36% so với năm trước đó và vượt kế hoạch năm khoảng 24%.

Lợi nhuận VAMC lại lập kỷ lục với 165 tỷ đồng

Lợi nhuận VAMC lại lập kỷ lục với 165 tỷ đồng

Đây là năm thứ hai liên tiếp VAMC đạt lợi nhuận trăm tỷ đồng. So với năm 2017 - thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, mức lãi trên đã tăng gấp 10 lần sau nhiều năm liên tục tích lũy thêm lợi nhuận.

VAMC là một doanh nghiệp đặc thù ra đời cuối tháng 5/2013 từ phê duyệt của Thủ tướng và hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ xấu. Công ty có nhiệm vụ trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

Những ngày đầu, VAMC được giao mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng về mức an toàn. Công ty thực hiện mua bán, xử lý nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Từ năm 2017, VAMC bắt đầu triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường. Đến cuối tháng 5, Công ty mua được 400 khoản nợ với giá gần 13.000 tỷ đồng.

Trong năm nay, VAMC dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt tối đa 12.000 tỷ đồng (giá mua nợ), mua nợ xấu theo giá trị thị trường hơn 2.700 tỷ đồng và xử lý thu hồi nợ đạt 14.000 tỷ đồng (dư nợ gốc).

Chủ đầu tư trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng tại TP.HCM muốn đổi nhà thầu

Chủ đầu tư trung tâm triển lãm kinh phí 800 tỷ đồng ở Thủ Thiêm kiến nghị UBND TP.HCM cho phép đổi nhà thầu để sớm hoàn thành công trình sau 8 năm chậm trễ.

Trung tâm triển lãm TP.HCM nằm ở Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Trung tâm triển lãm TP.HCM nằm ở Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức

Thông tin được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban dân dụng và công nghiệp) cung cấp tại họp báo ở TP.HCM chiều 6/7 khi đề cập Trung tâm Triển lãm quy hoạch nhiều năm trễ hẹn.

Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP.HCM khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, công trình tạm ngưng do khó khăn, vướng mắc liên quan Gói thầu số 6, gồm sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại.

Tổng gói thầu kể trên là 107 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũ là Ban Quản lý xây dựng trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố đã ứng cho nhà thầu 42,8 tỷ đồng. Do Gói thầu thực hiện các hạng mục bao che bên ngoài, khi bị dừng thi công ảnh hưởng các gói thầu khác. Sau 10 năm khởi công, Dự án đạt hơn 80% tiến độ, song không thể hoàn thành, nhiều hạng mục gỉ sét và xuống cấp.

Từ tháng 3 đến nay, Ban dân dụng và công nghiệp đã ký kết các phụ lục hợp đồng, chuyển đổi chủ đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện Dự án với 38 nhà thầu. Tuy nhiên, đơn vị không đạt được thỏa thuận với nhà thầu Gói thầu số 6 về ký tiếp phụ lục chuyển chủ đầu tư. Vì vậy, Ban kiến nghị chấm dứt hợp đồng và thực hiện lựa chọn lại nhà thầu thi công thay thế.

Chủ công trình taluy không phép tại Lâm Đồng bị phạt 45 triệu đồng

Ông Trần Vĩnh Hòa, ở TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), bị phạt 45 triệu đồng vì xây không phép taluy hai cấp cao 18 m, phải tháo dỡ công trình trong 30 ngày.

Xe múc tiến hành tháo dỡ taluy bằng bêtông

Xe múc tiến hành tháo dỡ taluy bằng bêtông

Quyết định xử phạt do UBND TP. Bảo Lộc đưa ra chiều 6/7, xác định ông Hòa xây bờ kè taluy không phép giật hai cấp cao khoảng 18 m (mỗi cấp cao 8-9m), dài 76 m bằng bêtông cốt thép tại hẻm 377 đường Trần Phú, phường Lộc Sơn.

Ngày 6/7, ông Hòa huy động ba xe múc và nhiều công nhân tiến hành khoan đục bức tường chắn đất, bêtông tháo dỡ được đưa lên xe tải chở đi. Bốn hộ dân, với 14 nhân khẩu sống trong các căn nhà bên dưới taluy đã được di dời đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn.

Dãy taluy của ông Hòa bị phát hiện sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương kiểm tra các công trình xây dựng trên mái taluy độ dốc cao, nguy cơ sạt trượt, sau vụ sạt lở khiến hai người chết ở TP. Đà Lạt hôm 29/6.

Liên quan công trình sai phép nói trên, ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, bị UBND TP. Bảo Lộc tạm đình chỉ công tác 15 ngày do thiếu trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng.