Bản tin thời sự sáng 7/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Bình phát hiện hang động mới giữa rừng Trường Sơn; IFC cam kết đầu tư gần 1,9 tỷ USD vào Việt Nam; hoàn thành hơn 94.000 căn nhà xã hội; nhiều vi phạm tại dự án tạo quỹ đất sạch đầu tiên ở TP.HCM; hơn 140.000 tỷ đồng chi trả lương hưu trong năm 2022…

Quảng Bình phát hiện hang động mới giữa rừng Trường Sơn

Hang động dài hơn 1,5 km với nhiều thạch nhũ đẹp vừa được phát hiện trong rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, giữa rừng Trường Sơn.

Trong hang động có nước trong xanh, chèo thuyền được

Trong hang động có nước trong xanh, chèo thuyền được

Theo ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), hang động mới được người dân tạm gọi là Sơn Nữ.

Hang động dài hơn 1,5 km nằm trong bản Đìu Đo, thuộc Tiểu khu 549 do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý. Trong hang có nhiều thạch nhũ, nước trong xanh, có thể chèo thuyền từ đầu đến cuối hang. Nước từ trong hang chảy ra suối Khe Mây nằm giữa rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn.

"Để đến được hang Sơn Nữ, từ trung tâm xã phải đi bộ khoảng 1,5 km, sau đó mất khoảng một giờ vượt đường đá", ông Hoàng Trọng Đức nói. Xã Trường Sơn đang làm báo cáo về hang động mới gửi các cấp. Chủ tịch xã Trường Sơn hy vọng trong tương lai, hang động này sẽ được khai thác làm điểm du lịch, tạo thêm việc làm cho đồng bào Vân Kiều.

IFC cam kết đầu tư gần 1,9 tỷ USD vào Việt Nam

IFC cam kết đầu tư mới gần 1,9 tỷ USD tại Việt Nam trong năm tài chính 2023, trong đó 520 triệu USD là đầu tư dài hạn.

IFC cam kết đầu tư gần 1,9 tỷ USD vào Việt Nam

IFC cam kết đầu tư gần 1,9 tỷ USD vào Việt Nam

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước được đầu tư dài hạn nhiều nhất tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính 2023 (kết thúc ngày 30/6).

Các dự án của IFC tại Việt Nam tập trung vào các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, rào cản thương mại, tín dụng nhà ở. Thông qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, cũng như vượt qua trở ngại trong và ngoài nước.

Phần lớn số vốn đầu tư dài hạn (tổng 520 triệu USD) được dùng cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; và đối tượng mua nhà có thu nhập thấp.

Các khoản đầu tư của IFC vào Công ty Nông nghiệp BaF (gần 25 triệu USD); chuỗi bán lẻ GS25 (20 triệu USD), cùng khoản vay được bảo lãnh bằng hàng hóa cho Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy các chuỗi giá trị nông nghiệp, cải thiện an ninh lương thực trong nước.

IFC cũng cung cấp hơn 1,3 tỷ USD thông qua tài trợ thương mại, chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp hàng may mặc và kinh doanh nông sản, giúp doanh nghiệp tiếp tục xuất nhập khẩu hàng hóa, duy trì khoảng 100.000 việc làm.

Ngoài ra, tính đến hiện tại, IFC đã cam kết tài trợ dài hạn hơn 900 triệu USD để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu.

Hoàn thành hơn 94.000 căn nhà xã hội

181 dự án nhà ở xã hội với 94.390 căn đã hoàn thành tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội, theo Bộ Xây dựng.

181 dự án nhà ở xã hội với 94.390 căn đã hoàn thành tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội

181 dự án nhà ở xã hội với 94.390 căn đã hoàn thành tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội

Các dự án đã hoàn thành có tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2. Số liệu trên được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ cho biết, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án ở nhà xã hội với khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích hơn 14,5 triệu m2. Theo đề án xây một triệu căn nhà xã hội được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 4, đến năm 2025, cả nước sẽ hoàn thành khoảng 428.000 căn. Giai đoạn 2025 - 2030 tiếp tục hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Liên quan gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ cho biết, đến nay có 11 địa phương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi với nhu cầu vay khoảng 12.400 tỷ đồng. Bộ đã có Văn bản 1.551 hướng dẫn đối tượng, điều kiện khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay tín dụng ưu đãi từ gói 120.000 tỷ đồng.

Về việc triển khai Nghị quyết 11, Ngân hàng Chính sách đã giải ngân được gần 4.400 tỷ đồng cho hơn 12.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Với gói hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, có 21 dự án đủ điều kiện vay vốn với nhu cầu 7.100 tỷ đồng.

Nhiều vi phạm tại dự án tạo quỹ đất sạch đầu tiên ở TP.HCM

Dự án tạo quỹ đất đô thị dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM chậm tiến độ, có nhiều vi phạm liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, theo cơ quan thanh tra.

Trục đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn qua huyện Nhà Bè

Trục đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn qua huyện Nhà Bè

Nội dung nêu trong kết luận vừa được Thanh tra TP.HCM công bố sau khi thanh tra Dự án tạo quỹ đất đô thị cho Thành phố, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.

Đây là dự án tạo quỹ đất sạch đầu tiên tại Thành phố nhằm mục đích đấu giá, giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư có năng lực thực hiện nhanh các dự án của Thành phố theo quy hoạch.

Theo đó, tiến độ đầu tư Dự án được duyệt là năm 1999 - 2000. Nhưng đến nay, việc bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất chưa hoàn thành. Vẫn còn 38 trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; 22 trường hợp chưa đồng ý giao mặt bằng. Các đơn vị thực hiện Dự án cũng chưa thực hiện đủ các hạng mục đầu tư được UBND TP.HCM duyệt.

Công ty Đông Mê Kông - đơn vị được giao chủ đầu tư bị xác định chậm hoàn thành việc đầu tư xây dựng Dự án, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân bị thu hồi đất, đến nay đã hơn 20 năm. Hầu như toàn bộ khu đất tại Dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, một số nơi chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, việc chỉnh lý thu hồi các giấy chứng nhận sử dụng đất của các hộ dân bị giải tỏa cũng chưa xong.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra các khuyết điểm của chính quyền huyện Nhà Bè, chủ đầu tư trong trong quản lý đất còn lỏng lẻo khiến đất bị tái lấn chiếm, chia nhỏ phân khu không đúng quy hoạch, cấp phép không đúng quy hoạch, xây dựng lấn chiếm rạch... Một số doanh nghiệp trúng đấu giá thanh toán tiền chậm tiến độ so với quy định.

Từ những sai phạm trên, cơ quan thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng khắc phục; đồng thời giải quyết quyền lợi cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi tại dự án để tránh phát sinh khiếu nại.

Hơn 140.000 tỷ đồng chi trả lương hưu trong năm 2022

Hàng trăm nghìn tỷ đồng chi trả lương hưu, trợ cấp hằng năm, trong đó mức lương hưu trung bình khoảng 5,4 triệu đồng/tháng.

Lương hưu được điều chỉnh hằng năm

Lương hưu được điều chỉnh hằng năm

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ năm 2022. Theo đó, quỹ hưu trí, tử tuất chi trả cho hơn 2,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với số tiền 141.600 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2021. Đồng thời, 6.200 tỷ đồng là tiền đóng bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng trên. Ngoài ra, kinh phí chi trả trợ cấp một lần cũng tăng so với năm trước.

Năm 2022, mức hưởng lương hưu trung bình khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng). Người có mức lương hưu cao nhất Việt Nam là 140 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo, hiện nay có 4 doanh nghiệp là các công ty quản lý quỹ có năng lực tài chính tốt trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường chứng khoán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Trong đó, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam triển khai 3 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 73,5 tỷ đồng và 217 người tham gia.

Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB triển khai 2 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với tổng giá trị tài sản ròng là hơn 11,1 tỷ đồng và 673 người tham gia.

2 công ty quản lý quỹ khác là Công ty Quản lý quỹ SSI và Công ty Quản lý quỹ Vietcombank đang trong quá trình thành lập và triển khai các quỹ hưu trí.

Mới có 20 dự án điện tái tạo chuyển tiếp phát lên lưới

Sau 4 tháng đốc thúc, hiện mới có 20 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, tương ứng 25% tổng số dự án lỡ giá FIT, được vận hành thương mại, phát lên lưới.

Mới có 20 dự án điện tái tạo chuyển tiếp phát lên lưới. Ảnh minh họa

Mới có 20 dự án điện tái tạo chuyển tiếp phát lên lưới. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng về đàm phán giá điện của các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (mặt trời, điện gió).

Tổng công suất 85 dự án điện tái tạo bị chậm vận hành là hơn 4.600 MW. Đến 25/8, có 79 dự án (chiếm 94%) trong số này nộp hồ sơ đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Như vậy, còn 6 dự án, tổng công suất 284,7 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán dù được đôn đốc nhiều lần.

Số dự án gửi hồ sơ, có 68 dự án (tổng công suất 3.633,26 MW) thỏa thuận giá điện với EVN. Trong đó, 67 dự án đồng ý giá tạm bằng 50% khung giá phát điện, tức 754 - 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió, để làm cơ sở ký hợp đồng mua bán điện, vận hành thương mại.

Bộ Công Thương cho biết, trong số dự án đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, 43 dự án đang thử nghiệm. Tuy nhiên, đến nay mới có 20 dự án khác đủ điều kiện vận hành thương mại (COD), tức là hệ thống có thêm 1.171,72 MW. Số dự án phát điện lên lưới mới chiếm 25% tổng số dự án lỡ giá FIT ưu đãi trong 20 năm, phải đàm phán giá với EVN theo khung giá Bộ Công Thương ban hành.

EVN cùng chủ đầu tư đã đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61 dự án, và 58 dự án trong số này được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, tổng công suất hơn 3.181 MW.

Về cấp giấy phép hoạt động điện lực - điều kiện cần để dự án được thử nghiệm, vận hành, Bộ Công Thương cấp cho 29 dự án, phần dự án.

Năm 2024, sẽ hoàn thành trường học khu tái định cư Sân bay Long Thành

Khu tái định cư Lộc An - Bình sơn diện tích hơn 280 ha, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai làm chủ đầu tư; tại đây có 11 công trình xã hội, trong đó có 8 trường học.

Công trình xã hội Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

Công trình xã hội Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

Ngày 6/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã đồng ý chủ trương cho tạm ứng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng để xây dựng các trường học tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ Sân bay Long Thành. Hiện các đơn vị liên quan đang hoàn thiện thủ tục để chi tiền tạm ứng.

Ngay khi có tiền, việc xây dựng trường học tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sẽ được đẩy nhanh. Dự kiến đầu năm 2024, tất cả trường học hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Nguyên nhân phải tạm ứng vốn là do niên độ của Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành đã hết vào cuối năm 2021. Nguồn vốn để thực hiện Dự án (kể cả xây dựng Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn) dù đã được bố trí đủ nhưng không thể giải ngân.

Khu tái định cư Lộc An - Bình sơn diện tích hơn 280 ha, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai làm chủ đầu tư; tại đây có 11 công trình xã hội, trong đó có 8 trường học lần lượt được khởi công vào năm 2021.

Theo kế hoạch, đầu năm 2022, tất cả trường học hoàn thành, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 2 trường được đưa vào sử dụng, số còn lại thi công ì ạch, dở dang.

Hiện Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã có hàng nghìn người xây nhà, chuyển đến sinh sống. Do hầu hết trường học chưa hoàn thành nên trong năm học 2023 - 2024, học sinh đang sinh sống tại Khu tái định cư sẽ được ngành chức năng bố trí xe buýt đưa đón đến học tập tại các trường học lân cận.

Loại bỏ thành công 12,5 triệu SIM rác không chính chủ

Đây là các SIM rác có thông tin chủ thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dùng hiện vẫn có thể dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn từ các đại lý

Người dùng hiện vẫn có thể dễ dàng mua SIM kích hoạt sẵn từ các đại lý

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.

Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT&TT đang quyết liệt xử lý tình trạng SIM không đúng thông tin thuê bao, SIM không chính chủ.

“Trước kia, Bộ TT&TT chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đối soát thông tin thuê bao”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, hàng tháng hiện có 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường. Cơ bản các thuê bao mới đều đã được đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Hiện ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối trực tiếp tới Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký thuê bao mới, các thuê bao của 3 nhà mạng này sẽ được đối soát online, nếu khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới được chấp nhận.

Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel,... hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Công ty truyền thông bị phạt vì đặt quảng cáo trên kênh YouTube vi phạm

Công ty TNHH Truyền thông WPP, một ông lớn trong ngành, bị phạt 25 triệu đồng do vi phạm quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.

Công ty truyền thông bị phạt vì đặt quảng cáo trên kênh YouTube vi phạm. Ảnh minh họa

Công ty truyền thông bị phạt vì đặt quảng cáo trên kênh YouTube vi phạm. Ảnh minh họa

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty WPP đã đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (nhãn hàng Redoxon) vào kênh có nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội YouTube. Đồng thời, công ty này cũng không tuân thủ quy định báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Với hai vi phạm này, Cục quyết định xử phạt Công ty WPP 25 triệu đồng. Đây là lần thứ hai đơn vị này bị phạt vì vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Hồi tháng 4, Công ty bị phạt 15 triệu đồng vì đặt quảng cáo FrieslandCampina Việt Nam vào trang Facebook vi phạm pháp luật.

Công ty TNHH Truyền thông WPP có địa chỉ tại Quận 1, TP.HCM. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động từ tháng 3/2011 và hiện do Saha Sudarshan làm đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc điều hành. Tại Việt Nam, WPP đang là đối tác của một số nhãn hàng lớn.