Bản tin thời sự sáng 8/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Văn hóa đề nghị không bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội 2022; Quân y sẽ rút khỏi TP.HCM trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần; Hai quận trung tâm Hà Nội giảm cấp độ dịch; Điều tra sai phạm tại dự án của Mường Thanh ở Khánh Hòa; Cửa khẩu Sóc Giang, Trà Lĩnh thông quan trở lại…

Bộ Văn hóa đề nghị không bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội 2022

Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tạm dừng bắn pháo hoa và lễ hội trong Tết Nhâm Dần 2022.

Bộ Văn hóa đề nghị không bắn pháo hoa

Bộ Văn hóa đề nghị không bắn pháo hoa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy vừa ký văn bản gửi các sở quản lý văn hóa cả nước về kế hoạch tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm, lãnh đạo Bộ đề nghị các sở văn hóa trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo, hoa nổ.

Các sở căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương để tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao; hoạt động tại các bảo tàng, di tích, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn... theo hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 do Bộ Văn hóa ban hành.

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương hướng dẫn các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động xây dựng phương án phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Văn hóa cũng yêu cầu địa phương quản lý việc tổ chức tang lễ, việc cưới, tảo mộ, mừng thọ, lễ kỷ niệm... đảm bảo phù hợp với quy định của ngành y tế trên địa bàn.

Hiện nay, một số địa phương đã lên kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa trong Tết Nhâm Dần 2022. Cụ thể, Hà Nội dự kiến bắn pháo hoa tại một điểm duy nhất là công viên Thống Nhất. Hải Phòng dự kiến bắn tại 3 điểm gồm Nhà hát thành phố, Khu công nghiệp VSIP huyện Thủy Nguyên và huyện Vĩnh Bảo.

Trong khi đó, nhiều địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Đắk Lắk... khẳng định không bắn pháo hoa trong Tết Nguyên đán 2022.

Quân y sẽ rút khỏi TP.HCM trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Chiều 7/1, Sở Y tế TP.HCMcho biết lực lượng quân y chi viện sẽ rời thành phố trước tết âm lịch, các trạm y tế lưu động vẫn được duy trì bằng nhân sự địa phương.

Tổ quân y cơ động ở Phường 11, quận Bình Thạnh hướng dẫn người dân tự lấy mẫu và test nhanh Covid-19

Tổ quân y cơ động ở Phường 11, quận Bình Thạnh hướng dẫn người dân tự lấy mẫu và test nhanh Covid-19

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai, kế hoạch rút quân được Bộ Quốc phòng và thành phố bàn bạc từ một tháng trước và "đã nằm trong kịch bản". Thời điểm đó, số ca nhiễm mới vẫn đang tăng và số ca F0 tử vong còn cao nên thành phố đề nghị lực lượng quân y tiếp tục hỗ trợ cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát ổn định.

Bà Mai cho biết thêm, vai trò của lực lượng quân y được đánh giá rất cao, nhất là trong việc vận hành các trạm y tế lưu động, như chăm sóc, cấp phát thuốc, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, phát hiện nhiều trường hợp trở nặng để chuyển viện kịp thời. Hiện nay, khi số F0 mới và số ca tử vong tại thành phố đã giảm, lực lượng quân y sẽ rút đi theo kế hoạch để hỗ trợ các tỉnh khác.

Trước đó, hồi đầu tháng 12, TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ 537 quân y để tăng cường cho 179 trạm y tế lưu động trên địa bàn, nhằm chăm sóc, điều trị số F0 tại nhà.

Trong cao điểm đợt dịch thứ 4, quân đội đã huy động 34.000 quân nhân, hơn 98.000 dân quân tự vệ cùng 2.000 y bác sĩ và học viên quân y, chia làm 5 mũi đồng hành với TP.HCM chống dịch từ 23/8. Quân y đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 6 bệnh viện và cơ sở dã chiến. Lực lượng này cũng triển khai 530 tổ quân y cơ động với 1.590 người làm nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, cấp cứu, chuyển viện cho F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Quân y sau đó rút quân dần khi dịch ở thành phố được kiểm soát.

Hai quận trung tâm Hà Nội giảm cấp độ dịch

Hai quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng chuyển từ cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) xuống cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình).

Hai quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng chuyển từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2

Hai quận Tây Hồ và Hai Bà Trưng chuyển từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2

Tối 7/1, Hà Nội công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19. Theo đó, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng); 20 quận, huyện và 332 xã, phường cùng cấp độ 2.

Toàn thành phố không có địa bàn nào ở cấp 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ). Hai huyện Phúc Thọ và Phú Xuyên tiếp tục duy trì cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh).

Ba đơn vị chuyển màu cấp độ dịch từ "cam" xuống "vàng" là quận Tây Hồ, quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Theo quy định, các địa bàn này sẽ được mở lại một số hoạt động, dịch vụ tương ứng với cấp độ 2, như cho phép ăn uống tại chỗ...

Ở chiều ngược lại, quận Cầu Giấy đang ở cấp độ 2 lại chuyển thành cấp độ 3 do số ca tăng cao. Số ca cộng đồng trong 14 ngày qua ở quận này là 1.185 và số ca cộng đồng/100.000 dân/tuần là 201 (Cầu Giấy gần 300.000 nhân khẩu).

Như vậy, Hà Nội hiện có 8 quận, huyện ở cấp độ 3, gồm các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm.

Cửa khẩu Sóc Giang, Trà Lĩnh thông quan trở lại

Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vừa khôi phục thông quan cửa khẩu Long Bang và Bình Mãng, cặp cửa khẩu với phía Việt Nam là Trà Lĩnh, Sóc Giang (Cao Bằng) từ ngày 7/1.

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, tháng 12/2021

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, tháng 12/2021

Căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, Quảng Tây chính thức khôi phục thông quan lại cửa hai cặp cửa khẩu trên.

Các cửa khẩu khác sẽ từng bước được khôi phục dựa vào đánh giá về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), quyết định này của phía Trung Quốc đưa ra một ngày sau kỳ họp thứ nhất nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc.

Cao Bằng là địa phương có tuyến biên giới đường bộ với Trung Quốc dài nhất (đường biên giới hơn 330 km). Cửa khẩu Sóc Giang (Cao Bằng) được hoạt động theo hình thức song phương với Trung Quốc từ cuối năm 2015. Hiện Cao Bằng có 5 cửa khẩu với Trung Quốc, gồm cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Pò Peo, Bí Hà và Sóc Giang.

Ngoài Cao Bằng, hiện hai cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn) vẫn chưa được phía Trung Quốc thông quan trở lại sau thời gian tạm đóng.

Điều tra sai phạm tại dự án của Mường Thanh ở Khánh Hòa

Cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu tội phạm liên quan đến việc giao, cho thuê đất tại Dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus của Mường Thanh ở TP. Nha Trang.

Dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus
Dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus

Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus do Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang (nay thuộc Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư.

Động thái này được đưa ra sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về sai phạm trong việc giao, cho thuê đất ở dự án này và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra.

Dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus trước đây có tên là Thiên Triều, rộng 22.340 m2 nằm ở Bãi Dương, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thông qua đấu thầu. Việc này, theo cơ quan điều tra, là vi phạm quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư năm 2005.

Còn việc chính quyền tỉnh thu hồi khu đất (do Công ty cổ phần đầu tư Thiên Triều sử dụng) để cho Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang thuê lại (năm 2014), không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm quy định tại Điều 118; Điều 169 Luật Đất đai 2013.

Trước đó, kết luận thanh tra cũng xác định, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép ký phụ lục hợp đồng chuyển giá trị quyết toán dự án và thay đổi chủ đầu tư từ Công ty CP Đầu tư Thiên Triều sang Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang để thực hiện dự án nhưng không báo cáo Thủ tướng, chưa được các cơ quan chức năng xem xét tính toán nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Việc thu tiền thuê đất phải thực hiện từ ngày năm 2013 nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định thời điểm tính tiền thuê đất từ thánh 10/2015 dẫn đến không thu tiền thuê đất hơn 2 năm và không xử phạt chậm nộp.

Cục thuế tỉnh Khánh Hòa và các sở có liên quan đã đề xuất thu về ngân sách hơn 11,2 tỷ đồng nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thời điểm đó đã không chỉ đạo thực hiện.

Chỉ 5 quận nội thành Hà Nội còn học trực tiếp

Đến 7/1, trong 12 quận nội thành, chỉ Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Bắc Từ Liêm và Đống Đa ở cấp độ 2, được mở cửa trường THPT.

Học sinh lớp 9 tại Ba Vì, Hà Nội học trực tiếp từ đầu tháng 11/2021

Học sinh lớp 9 tại Ba Vì, Hà Nội học trực tiếp từ đầu tháng 11/2021

Theo công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống Covid-19 tối 7/1, trong khi quận Cầu Giấy chuyển từ cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) sang 3 (màu cam, nguy cơ cao), huyện Thanh Trì và hai quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng "hạ nhiệt", giảm từ "cam" xuống "vàng".

Sau một tháng mở cửa trường THPT cho khối lớp 12, Hà Nội có 8 trên tổng số 12 quận được đánh giá cấp độ 3. Trong 18 huyện, thị ngoại thành, chỉ Phúc Thọ và Phú Xuyên cấp độ 1 (màu xanh, nguy cơ thấp), còn lại cấp độ 2. Học sinh lớp 9 và 12 ở ngoại thành vẫn duy trì học trực tiếp.

Học sinh lớp 9 ngoại thành Hà Nội được đi học từ tháng 11, sau đó một tháng, học sinh lớp 12 cũng trở lại trường. Ngày 3/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi thông báo, yêu cầu các trường tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, những nơi cấp độ 3 cho học sinh lớp 9 và 12 dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Nếu chuyển về cấp độ 2, học sinh khu vực đó được trở lại trường.

TP.HCM lập khoa COVID-19 điều trị cho bệnh nhi

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM vừa chính thức đưa khoa COVID-19 điều trị cho bệnh nhi với quy mô 150 giường, đi vào hoạt động. Đây là giải pháp thích ứng an toàn trong tình hình mới, sống chung với dịch bệnh.

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM vừa chính thức đưa khoa COVID-19 điều trị cho bệnh nhi với quy mô 150 giường, đi vào hoạt động

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM vừa chính thức đưa khoa COVID-19 điều trị cho bệnh nhi với quy mô 150 giường, đi vào hoạt động

Theo đó, khoa điều trị COVID-19 kể trên sẽ có 120 giường tiếp nhận các bệnh nhi có triệu chứng nhẹ - trung bình hoặc có chỉ định điều trị bệnh lý nền và không cần hồi sức tích cực. Bên cạnh đó sẽ có 30 giường, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, thân nhân người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 được phân loại điều trị thuộc nhóm bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch.

Khoa COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 được trang bị những phương tiện hỗ trợ chuyên sâu, đủ khả năng thực hiện các kỹ thuật hiện đại bao gồm lọc máu liên tục, ECMO. Ngoài ra, ngay tại khoa còn có khu vực phòng mổ áp lực âm dành riêng cho bệnh nhi nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có chỉ định phẫu thuật.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố chủ trương từng bước mở cửa phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh có dịch bệnh lưu hành. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, việc thành lập khoa COVID-19 là giải pháp cần thiết để đáp ứng tốt nhất các điều kiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi mắc COVID-19...